Món quà xuân – Truyện ngắn của Nguyễn Đại Duẫn

Ngày đăng: 08:19 24/02/2021 Lượt xem: 566
MÓN QUÀ XUÂN 
Truyện ngắn

 
         Cơn gió cuối đông trút bỏ những chiếc lá vàng còn sót lại. Cành mai đang kết nụ xinh xinh báo hiệu mùa xuân cũng sắp về. Mấy hôm nay trời nắng ấm, Mun đi học không còn bận chiếc áo bông to đùng nữa. Chiếc áo là kỷ vật của bố để lại. Bố Mun là Bộ đội Biên phòng, hy sinh trong một đợt bố đi tham gia chống bão lũ thì bị nước cuốn trôi. Mun tự hào về bố. Chiếc áo bông là vật kỉ niệm của bố mà Mun có được. Nó sưởi ấm cho Mun trong những ngày giá lạnh, trong những lúc trống vắng cô đơn.
         Sắp tết, bọn bạn đứa nào cũng mặc quần áo mới, đủ các sắc màu rực rỡ trên sân trường. Mun chỉ mặc bộ quần áo cỏ úa bạc màu, đường may đã sờn. Mun buồn lắm. Nhìn các bạn tung tăng chạy nhảy trên sân trường mà lòng Mun thèm khát. Mun cứ ước ao có ông Bụt hiện lên giúp cho Mun bộ quần áo như trong câu chuyện cổ tích mà Mun được học. Mun là một học sinh ngoan, học khá, hát hay. Cái gen văn nghệ từ bố mẹ truyền lại làm cho Mun luôn nổi lên trong những lần hội diễn văn nghệ của trường. Sáng nay, cô giáo chủ nhiệm thông báo, trong dịp tết này trường Mun sẽ có cuộc giao lưu văn nghệ với trường bạn. Mun và một số bạn được cô giáo cử tham gia luyện tập để có tiết mục hội diễn. Cô vừa dứt lời, tiếng cái Mai đã chanh chua:
- Thưa cô, bạn Mun hát hay, múa dẽo nhưng làm gì có áo quần đẹp mà đi giao lưu ạ! Rồi quay sang nói với Mun: - Mày thì làm gì có áo quần đẹp mà đi văn nghệ cơ chứ! Đi giao lưu với trường bạn thì phải có quần áo đẹp, đâu mặc mấy bộ đồ quê.
         Nhà cái Mai giàu có nên nó hay coi thường bạn bè. Nó là đứa lười học. Khi có bài kiểm tra nó thường xem bài của Mun. Mấy hôm trước, trong giờ kiểm tra cô giáo nhắc nhở nên Mun không cho nó xem bài nữa. Chắc nó trả miếng mình đây. Thôi, kệ! Nhưng dù sao Mun cũng thấy buồn. Rồi mình sẽ khuyên bạn cố gắng học tập, đừng mãi chơi. Mun nghĩ vậy!
         Bà ngoại thấy Mun không vui. Mọi hôm, đi học về đã nghe tiếng Mun như chim sơn ca từ đầu ngõ. Mun lẳng lặng vào nhà, chào bà một tiếng lí nhí rồi quẳng chiếc cặp lên bàn học. Nằm sấp trên giường, những giọt nước mắt lã chã, nấc to thành tiếng. Bên tai Mun như còn văng vẳng giọng nói của cái Mai: “ Mày thì làm gì có áo quần đẹp mà đi văn nghệ cơ chứ! Đi giao lưu với trường bạn thì phải có quần áo đẹp, đâu mặc mấy bộ đồ quê ”. Thấy Mun khác thường, bà đến bên nhẹ nhàng hỏi:
- Cháu sao vậy? Không làm bài tốt nên bị cô giáo phê bình à, hay có bạn nào trêu đùa…? Thôi xuống ăn cơm kẻo trưa rồi!
         Không trả lời bà, Mun lau nước mắt và xuống dọn cơm. Bà biết tính nó nên không gặng hỏi. Nhìn đứa cháu yêu có điều gì buồn mà lòng bà như thắt lạị.
         Mun ở với bà ngoại từ nhỏ. Lớn lên không nhớ mặt bố, chỉ nghe bà kể lại mà hình dung ra. Quê Mun thuộc một xã miền núi, làng người Kinh cùng sống chung với bản người Vân Kiều. Bố Mun là người Vân Kiều, một chàng trai khỏe mạnh, nước da bắt nắng, nhưng có nụ cười đôn hậu và thổi sáo rất hay. Tiếng sáo cứ hút hồn bao nhiêu thôn nữ, trong đó có mẹ Mun. Mẹ Mun là một cô gái xinh đẹp, da trắng ngần, mái tóc lúc nào cũng thoảng thơm hương bồ kết. Trong một lần tham gia hội diễn Văn nghệ xã, tiếng hát của cô thôn nữ người Kinh vút cao hòa quyện trong tiếng sáo trúc véo von của chàng trai Vân Kiều, hai người phải lòng nhau từ đó. Đêm đêm, tiếng sáo đầu nương cất lên là cô gái trốn nhà đi theo tiếng sáo gọi tình. Mẹ cô biết, không muốn con gái lấy chồng người Vân Kiều vì sợ con không quen phong tục, nếp sống của họ. Nhưng cái bào thai trong bụng ngày càng to thúc dục nên mẹ phải chiều lòng. Hai người sống tình cảm bên nhau như hai cây măng bên bờ suối. Chen chúc với các loại cây khác để vươn lên, bám lấy bản làng. Như bao trai tráng khác, bố Mun đi nghĩa vụ quân sự và được tuyển quân vào Bộ đội Biên phòng.
         Khi Mun được ba tuổi, bố đi tham gia chống bão lũ thì bị nước cuốn trôi. Từ khi bố Mun qua đời, cuộc sống gia đình trút gánh nặng lên vai mẹ. Để Mun cho bà ngoại nuôi, mẹ Mun bỏ ruộng vườn, nương rẫy đi buôn bán bên biên giới. Quen và lấy một ông thương lái chuyên buôn bán đồ gỗ giàu có vùng biên. Cuộc sống hai bà cháu nhờ vào vườn cam. Năm nào thu hoạch khá thì hai bà cháu có cái ăn, cái mặc chi tiêu cuộc sống, học hành. Năm nay nắng hạn, cam mất mùa nên hai bà cháu phải dè sẻn. Năm ngoái, bà ngoại có nuôi con lợn, bà bảo khi lợn bán được bà có tiền sẽ mua sách vở, quần áo mới cho Mun. Con lợn được bà và Mun chăm sóc chu đáo nên hay ăn, chóng lớn. Mun mừng lắm. Khai giảng năm học mới thế nào cũng có bộ quần áo đẹp để mặc, sánh với bè bạn. Thế mà, dịch tả lợn đã cướp đi mọi mơ ước của Mun.
         Tối, Mun ngồi học bài mà tâm trí thả đi đâu không biết nữa. Bao nhiêu hình ảnh về quần áo đẹp cứ dập dờn trước mắt như khiêu khích Mun. Câu nói của Mai cứ văng vẳng bên tai mà thấy thương cho mình. Mun không trách bà mà thương bà, nhưng Mun trách mẹ. Mẹ lấy chồng giàu có nhưng không chăm sóc Mun được chút nào. Tiền của trong nhà đều do ông dượng giữ. Muốn cho Mun cái gì mẹ cũng phải xin ông ấy. Mấy năm nay làm ăn bị thua lỗ, ông ấy sinh ra rượu chè, hay mắng chửi mẹ nữa. Nghe bà kể lại thế nên Mun thấy thương mẹ lắm. Đôi lúc, Mun muốn xin mẹ ít tiền để mua bộ quần áo mới, nhưng nhớ lại chuyện cũ Mun không dám. Năm trước, nghỉ hè Mun đến chơi với mẹ. Mẹ có mua cho Mun xấp vải để may quần áo. Ngày Mun ra về, ông dượng đến kiểm tra túi xách thấy có xấp vải mẹ cho, ông đánh mẹ mấy tát, Mun thấy mà ứa nước mắt. Hai mẹ con ôm nhau nghẹn ngào. Lên xe, mẹ đưa cho Mun ít tiền đi đường.
         Nghĩ miên man, Mun thiêm thiếp gục đầu xuống bàn rồi chìm vào giấc ngủ. Mun mơ thấy có một người đem đến cho Mun một chiếc túi đựng bộ quần áo mới thật đẹp. Khi Mun mở túi lấy bộ quần áo để mặc thì tự nhiên bộ quần áo bay bổng lên cao, lên cao. Mun chạy theo, theo mãi rồi bộ quần áo mất hút giữa rừng đót. Mun òa khóc nức nở.
         Nghe tiếng ú ớ, ngoại đi vào phòng học, thấy Mun đang nằm ngủ gục trên bàn. Biết Mun ngủ mơ, ngoại gọi Mun dậy. Mun tỉnh giấc, tiếc ngơ ngẫn về bộ quần áo…rồi tự nhiên thốt lên:
- Phải rồi! Đót, đót...Thế mà mình không nghĩ ra…!
         Mun dậy sớm hơn mọi ngày. Mun nấu cơm, giặt quần áo, cho gà ăn… bỏ sách vở vào cặp. Cơm chín, Mun lấy tàu lá chuối hơ khô rồi xới ít cơm nắm lại, cho ít mè lạc vào một bao ni long, bỏ vào cặp. Bà thấy Mun như chuẩn bị đi đâu, định cất tiếng hỏi thì Mun đã thưa:
- Dạ bà! Hôm nay lớp cháu đi dã ngoại, trưa không về nên cháu phải mang cơm theo. Mọi thứ cháu đã chuẩn bị tươm tất cả rồi ạ! Bà chẳng biết đi dã ngoại là gì nhưng cũng dặn với theo: - Đi cẩn thận nghe cháu. Học xong là phải về, đừng la cà để bà mong!
         Mun rón rén đi xuống bếp cầm cây dao, chai nước rồi đi nhanh ra cổng. Mun rảo bước nhanh đến một rừng đót. Quê Mun, ngoài làm nương rẫy, đót là một nguồn thu nhập tương đối khá. Thường cứ đến đầu xuân là mọi người rủ nhau đi khai thác đót. Năm nay thời tiết thay đổi, mới cuối đông mà hoa đót đã nở bung, rung rinh trong gió như báo hiệu một mùa “lộc” đót. Đi làm đót một mình cũng sợ lắm. Nào sợ rắn cắn, ong đốt, dao đứt tay. Nhưng đi theo mọi người thì sợ bà, sợ lớp biết bỏ học cũng lôi thôi. Mun lấy hết can đảm để chặt đót, mong sao bán có tiền mua bộ quần áo mới để tết này được đi hội diễn Văn nghệ. Nghĩ vậy nên dù có mệt mỏi, khát nước nhưng Mun cũng cố gắng chặt cho đủ bó để về sớm kẻo bà mong. Chặt đót xong, Mun lấy dây rừng bó lại cẩn thận rồi nhẫm tính, mình chỉ trốn học một tuần, tiền đót cũng đủ may bộ quần áo. Mun đi xuống suối rửa cho sạch sẽ để về nhà. Một đàn bướm bên bờ suối đủ màu sắc sặc sỡ đang nô đùa trước mặt Mun. Trời! đẹp quá! Mun thốt lên và đuổi theo để bắt. Một con, rồi hai con…bỗng trượt đà, Mun ngã nhào bên bờ suối, tay đập vào gốc cây máu tứa ra, đầu va vào đá đau điếng rồi ngất đi.
         Khi tỉnh lại, Mun thấy mình đang nằm trên giường bệnh, tay và đầu bịt băng trắng toát. Ngồi phía cuối giường, thấy Mun đã tỉnh, bà mừng rỡ, hai khóe mắt nhạt nhòa. Rồi bà kể lại chuyện cho Mun nghe. Một tổ tuần tra của Bộ đội Biên phòng thấy Mun bất tỉnh bên bờ suối đã thay nhau cõng Mun về trạm xá của đồn để điều trị và chăm sóc. Mun lờ mờ hiểu ra sự việc. Mun xin lỗi bà vì đã làm bà lo lắng. Bà nhìn đứa cháu âu yếm và tự trách mình không lo được cho cháu bộ quần áo mới, nên ra nông nổi này.


(Tranh minh họa)
 
         Sau một tuần điều trị, các vết thương đã lên da non, cơ thể phục hồi, Mun xuất viện. Bạn bè nghe tin Mun về đến thăm đầy nhà. Bánh kẹo, hoa quả bỏ chật giường. Mai ôm chầm lấy Mun, trao món quà rồi cất tiếng nhỏ nhẹ:
- Cho Mai xin lỗi nhé! Đây là món quà của Mai và các bạn tặng cho Mun. Mun mở ra xem đi!
         Tay run run, Mun mở túi quà, một bộ quần áo mới sắc hoa rực rỡ, xinh xắn. Mun sung sướng ôm chầm các bạn:
- Mun có lời cảm ơn Mai và các bạn nhiều lắm!
         Ngoài sân, chú gà trống vỗ cánh phành phạch cất tiếng gáy vang mừng vui cho cô chủ. Gió xuân man mác thổi nhẹ, những cành mai chúm chím đang chờ bung nụ đón Tết về.
 
Nguyễn Đại Duẫn – Quảng Bình
(Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN)

tin tức liên quan