Nhặt sạn trên tivi - Phạm Khoa Lương

Ngày đăng: 11:16 24/02/2021 Lượt xem: 355
  NHẶT SẠN TRÊN TIVI

                 
 Phạm Khoa Lương

      Xem truyền hình, nhất là xem những bộ phim truyền hình chúng ta có thể nhặt ra vô số những chuyện cười ra nước mắt về sự vô lý, ngây ngô.
Dưới đây là vài thí dụ:

“NHỮNG CẢNH ĂN GIẢ VỜ!”

     Có rất nhiều cảnh trên phim: Nấu cơm, nấu mì tôm, xào nấu thức ăn… rồi mang ra ăn liền. Thế nhưng tuyệt nhiên thức ăn, cơm, mỳ vừa nấu không hề “bốc khói nóng” kể cả trên phim diễn ra vào mùa lạnh. Có những cảnh nhân vật lấy “cơm nóng” từ nồi cơm điện vừa nấu. “Mời cả nhà ra ăn cơm cho nóng!” – Lời của nhân vật trên phim. Nhưng khi nhân vật mở nối và xới cơm vào bát ăn thì khán giả nhận biết ngay những hạt cơm đã rã rời … chứng tỏ là nhân vật đang ăn…cơm nguội chứ không phải ăn cơm nóng vừa nấu! Đúng là ăn giả vờ!
       Bởi thế mà khán giả thấy “diễn phim” một cách giả dối!
Một việc làm rất đơn giản là khi quay những cảnh có ăn uống, đạo diễn phim chỉ cần chỉ đạo cho trợ lý của mình mang theo một lò vi sóng nhỏ. Khi có cảnh quay ăn uống thì thức ăn cho vào lò quay vài phút. Đảm bảo thức ăn bốc khói nghi ngút ngay. Thế nhưng, 100% các cảnh quay trên phim Việt Nam trên tivi không bào giờ có cảnh “cơm nóng, canh ngọt” như thế! Chán!

NHÂN VẬT BIẾN HÓA HƠN TÔN NGỘ KHÔNG!

     Hầu như nhiều nhân vật trong phim truyền hình và điện ảnh của Việt Nam đều là Tôn Ngộ Không. Họ biến hóa vô cùng tài ba, thâm hậu. Một nhân vật đang ở trong nhà, bỗng nghe tiếng chuông ngoài cổng. Lúc này nhân vật đang xõa tóc. Thế mà cảnh quay nhân vật ra mở cổng lại đã tết tóc đuôi xam rất duyên dáng! Chuyện nhân vật mặc áo màu này, chỉ cắt cảnh nhân vật ấy từ trong nhà ra ngoài sân đã khoác chiếc áo khác, màu khác là… “Chuyện thường ngày ở huyện” rồi!
Tại sao phim truyền hình lại thường xảy ra chuyện này như cơm bữa vậy? Lỗi chính là ở Thư ký trường quay. Vì có những cảnh quay sự việc diễn ra trong nhiều ngày. Có cảnh quay phải quay vào những thời gian khác nhau. Lẽ ra Thư ký trường quay phải ghi chép tỉ mỉ đặc điểm bối cảnh diễn ra của cảnh quay, nhân vật đang mặc quần áo, đi giày dép, đội mũ, đầu tóc gì… để khi quay tiếp cảnh đang quay dở vào thời điểm khác sẽ không có gì thay đổi. Nhưng Thư ký trường quay lại làm ẩu, nên mới có những cảnh biến hóa thần thông trên màn ảnh là thế! Còn Đạo diễn thì không thèm quan tâm nên mới xảy ra chuyện nhiều nhân vật có phép thuật của “Tôn Ngộ Không” mà ta được chứng kiến là thế!

NHÌN CẢNH ĐANG DIỄN SẼ ĐOÁN TRÚNG PHOÓC CẢNH SAU

     Trên màn hình nhỏ, có rất nhiều cảnh quay mà nó đã trở thành “mô típ” của điện ảnh. Thí dụ: Cảnh đôi trai gái nắm tay nhau chạy trong rừng hay trong công viên… thì khán giả đoán trúng ngay rằng: Thể nào cũng có cảnh nhân vật trai hoặc gái ấy sẽ vịn một tay vào một thân cây rồi chạy quanh thân cây. Màn ảnh sẽ xuất hiện cảnh tán cây và bầu trời quay tròn.. theo vòng quay của nhân vật. Hoặc cảnh đôi trai gái ngồi thuyền. Bỗng dưng một người đứng lên… thì nhất định sẽ xảy ra cảnh chiếc thuyền tròng trành một lúc rồi nhân vật ấy bị ngã nhào xuống nước và… thuyền bị lật. Cả hai đều ướt sũng!... Hoặc cảnh đôi trai gái chạy đuổi bắt nhau vì chuyện nào đó trên phim thì khán giả sẽ đoán ngay được cảnh, thể nào nhân vật nữ ấy sẽ vấp ngã (vì vật cản trên đường hoặc vì giày dép, hoặc bỗng dưng bị treo chân…). Tôi cược là 100% sẽ diễn ra như thế!...
Còn ối cảnh tương tự diễn ra đến nhàm chán trên phim truyền hình mà bạn có thể kể ra.
Đạo diễn “cạn ý tưởng” và thiếu sáng tạo nên các “trường đoạn” cứ giống nhau là phải thôi!

TÀI THÁNH MÀ ĐỌC ĐƯỢC!

     Trong nhiều phóng sự, nhiều tập tin trên truyền hình, ta thường thấy hình ảnh đưa cảnh các nhân vật được phỏng vấn hoặc phát biểu trước ống kính. Để khán giả biết thông tin về nhân vật đang phát biểu là ai, thường thì các phóng viên, biên tập viên đưa tên, chức vụ, địa chỉ của nhân vật đó hiện lên phía bên dưới nhân vật khi họ xuất hiện. Âm thanh, hình ảnh và thông tin chữ viết trên màn hình là 3 yếu tố để tạo ra một “tệp thông tin” mà phóng viên, biên tập viên muốn chuyển tải tới người xem. Đó là nguyên tắc của nghề nghiệp (ai cũng được đào tạo như thế, không cho phép phóng viên, biên tập viên được mắc lỗi). Nhưng điều đáng phàn nàn ở đây lại chính là tốc độ hiện hình thông tin về nhân vật trên tivi lại quá nhanh. Có những phóng sự, dòng chữ thông tin chỉ hiện lên trong 1-2 giây. Các “siêu nhân về đọc nhanh” cũng phải chào thua, vì…đọc không kịp! Nhiều người bảo: Nếu cho ông Tổng Biên tập của Nhà đài xem lại những phóng sự, những phỏng vấn như thế thì cũng phải chào thua vì “có tài thánh” cũng chẳng đọc kịp thông tin! Có lẽ phóng viên, biên tập viên họ cho hiện ra chỉ để cho có mà thôi!..

      Còn rất nhiều sạn, mong bạn đọc “nhặt” tiếp cùng tôi!

P.K.L

tin tức liên quan