Bóc phốt sửa thơ - Phạm Thành Long

Ngày đăng: 10:27 05/03/2021 Lượt xem: 441
Chuyện vui văn nghệ   
                                    

BÓC PHỐT SỬA THƠ

                Phạm Thành Long

Vừa làm xong mấy câu thơ, ông Hà liền chạy sang nhà ông Hiến, bạn một thời Trường Sơn với ông.
-Này ông Hiến, tớ vừa viết được mấy câu thơ khá hay vội chạy sang đây đọc ông nghe nhé.
-Đâu, ông đọc nghe xem nào.
-“Trường Sơn mây trắng vờn bay/Khắp rừng lan nở ngạt ngào hương bay/Đất trời đầy tiếng tàu bay/Có anh lính trẻ vẫn say thơ tình.” Ông thấy có lãn mạn Trường Sơn không? Được đấy chứ ông?
-Mới nghe qua thì được. Những ngẫm kỹ thì chưa ổn ông ạ.
-Chưa ổn ở chỗ nào? Tôi phải ngẫm nghĩ suốt tối qua mới viết được mấy câu tâm huyết này đấy. Tớ dựng lên cảnh Trường Sơn thật đẹp và chân thực: Cảnh trời, cảnh núi rừng Trường Sơn đẹp tuyệt, cảnh máy bay Mỹ vẫn quần lượn…Tất cả đều chân thực. Nhưng cái câu “Có anh lính trẻ vẫn say thơ tình” là rất độc đáo đấy. Không dễ viết được câu kết như thế đâu, ông ạ.
-Tôi biết! Này, ông đang tả Trường Sơn mùa khô đúng không? Vì ông tả “Khắp rừng lan nở ngạt ngào hương bay”. Lan rừng Trường Sơn chỉ nở vào mùa khô thôi mà. Đúng không?
-Tuyệt! Khá khen cho trí nhớ của ông. Mưa Trường Sơn thối gan thối ruột, lan nào nở được trong mùa mưa?
-Nhưng ông lại bị nhầm lẫn tai hại. Mùa khô ở Trường Sơn bầu trời cao xanh, không một gợn mây, làm gì có “mây trắng vờn bay” hả ông? Ông chỉ thi vị hóa mà thôi.
-Này này, mùa khô thì bầu trời cũng phải có mây bay chứ, ông!
-Kiến thức phổ thông của ông để đâu hết rồi. Tôi hỏi ông: Mây từ đâu mà có?
-Mây xuất hiện trên bầy trời là do hơi nước từ mặt đất bốc lên rồi ngưng đọng nhiều mà tạo nên những đám mây.
-Đúng! Nhưng tớ hỏi ông. Mùa khô ở Trường Sơn khô khốc, hơi nước đâu mà bốc lên nhiều như thế để tạo nên những đám mây “vờn bay” kia chứ? Ông viết câu này chỉ là một sự thi vị hóa mà thôi, nó không đúng với thực tế ở Trường Sơn. Tôi khẳng định với ông, không một thằng lính có thâm niên nào ở Trường Sơn lại không biết điều này. Mà không chỉ có ông nhầm lẫn đâu nhé. Vừa rồi tôi xem một bức tranh vẽ một trọng điểm ác liệt của Trường Sơn giữa mùa khô mà bầu trời mây bay lồng lộng, rất đẹp. Đúng là thi sĩ và nghệ sĩ tâm hồn thường bay bổng và thi vị hóa mà.
Ông Hà ngẫm nghĩ một lát rồi gật gật đầu:
-Tớ chịu ông đấy. Vốn sống và sự tinh tế của ông thật tuyệt! Thế theo ông, tôi phải sửa câu này thế nào? Ngẫm nghĩ một lúc rồi ông Hiến cất tiếng:
-Ông có thể sửa thế này: “Trường Sơn thăm thẳm xanh cao”. Như thế vần vèo mới đúng với thơ lục bát chứ. Như thế, ổn không? Ông Hà lẩm nhẩm đọc:
-“Trường Sơn thăm thẳm xanh cao/Khắp rừng lan nở ngạt ngào hương bay/Đất trời đầy tiếng tàu bay/Có anh lính trẻ vẫn say thơ tình.” Tuyệt! Được! Được lắm, ông bạn già ạ.
Nói rồi, hai ông ôm nhau cười cứ như bị ma làm!
 
PTL

tin tức liên quan