"Tản mạn chuyện quê tôi" - TG: Bùi Hoằng

Ngày đăng: 07:29 10/03/2021 Lượt xem: 470
Tản mạn chuyện quê tôi
 
      Hà Trung quê tôi là một huyện đồng chiêm trũng của tỉnh Thanh hóa, Hà Trung nằm ở địa đầu của miền Bắc Trung bộ của nước Việt Nam, là vùng đất có nhiều truyền thuyết lịch sử và cũng là mảnh đất sản sinh ra những bậc hào kiệt, chính mảnh đất này được mang tên Quí hương từ thời nhà Nguyễn, nơi đây cũng được biết đến bởi những trang huyền thoại, truyền thuyết, từ những địa danh nổi tiếng như đèo Ba Dội, cửa Thần Phù, lăng miếu Triệu Tường, ly cung nhà Hồ, đền thờ lý Thường Kiệt, đền Hàn, đền Sòng, đền thờ Trần Hưng Đạo…
    Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân dân Hà Trung đã chiến đấu kiên cường  chặn đứng các cuộc hành quân của địch vào vùng tự do quân khu 4. Trong cuộc kháng chiến chống  chiến tranh phá hoại của đến quốc Mỹ. Cầu Đò Lèn là trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ, đây là cửa ngõ giao thông quan trọng  để tiếp tế hàng hóa phục vụ chiến trường miền Nam.
    Hà Trung có quốc lộ 1A và đường sắt Bắc Nam đi qua, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ những địa danh, cây cầu là mục tiêu đánh phá ác liệt của máy bay như cầu Cừ, cầu Lèn, cầu Tống Giang. Là mảnh đất địa đầu bắc giáp dãy núi Tam Điệp nay là thị xã Bỉm Sơn, đông giáp huyện Nga Sơn, nam giáp huyện Hậu Lộc có sông Lèn làm ranh giới, tây giáp huyện Vĩnh Lộc và Thạch Thành Từ xưa đã có câu Hà Trung là mảnh đất “chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn”. Điều ấy cũng đúng bởi lẽ là mảnh đất chiêm trũng xung quanh có núi non bao bọc, mà thời xưa thì công tác thủy lợi chưa được chú trọng, đê điều chỉ gọi là có vì vậy cứ vào mùa tháng 7, tháng 8 là các cánh đồng ngập nước, vì thế với mảnh đất Hà Trung chính vụ nạn thủy tặc là mối đe dọa lớn nhất thường diễn ra.
     Mấy ngàn năm phong kiến thì nông nghiệp vụ chiêm vẫn là chính vụ. Có thể nói đây là vùng địa hình rất trũng nhưng cao, thấp không đều, hơn nữa lại bị chia cắt manh mún và then kẽ bởi những dãy núi đã vôi và các đồi đá phiến, đến Hà Trung chúng ta không thể thấy có cánh đồng thẳng cánh cò bay như ở đồng bằng Bắc Bộ hoặc ở một số nơi thuộc đồng bằng sông Mã. Nhìn ra nơi nào cũng thấy các dãy núi che khuất tầm mắt, chính vì thế mà nơi đây các loại hải sản như  tôm, tép, cua, cá, ốc, lươn… thì lại nhiều. Thuở còn nhỏ tôi và các bạn cùng trang lứa thường rủ nhau đi bắt cá, cua về mùa nước cạn hay đi thả ống lươn, thả tổ ốc nhồi vào mùa nước lớn. Cũng chính nơi đây các món ăn được chế biến từ cá đồng, ốc nhồi, tép, lươn, ếch…là những món ăn ngon và đặc sản của vùng đồng chiêm trũng Hà Trung.
    Mỗi loại lại được chế biến theo nhiều cách khác nhau ví như món ăn từ cá đồng thì bao  gồm : Cá chuối nấu ám, cá rô rang, các rô nướng, cá rô rán, các rô hầm…hoặc cá chuối (cá quả) , các chép nấu cháo, hay các món ăn từ ốc như : ốc nhồi bung chuối, ốc nhồi nấu khế, hay người ta còn làm giò ốc…Thời ấy hễ cứ cầm cái nơm cái giỏ ra đồng thì khi về tha hồ mà ăn, nhiều hôm chúng tôi đi học về, buổi trưa rủ nhau ra đồng chỉ chừng nửa tiếng đồng hồ là buổi chiều đã đủ thứ cá nướng, cá kho, cá nấu rấm. Vào mùa tháng 7, tháng 8 chúng tôi rủ nhau đi thả tổ ốc, tổ ốc cũng rất đơn giản, chỉ một nắm lá sắn lấy dây buộc lại từng cụm nhỏ rồi thả xuống dọc bờ ruộng, chỉ sau một đêm sáng sớm hôm sau ra lấy rổ xúc cũng được mỗi tổ vài ba con ốc nhồi, mỗi buổi đi như vây cũng được vài ba chục cân.
    Lại nói về loại mía Đường Trèo, đây là một loại mía đặc biệt ở quê tôi, chất mía mềm, ăn giòn và ngọt thơm mát. Giống mía này không phải trồng ở bất cứ nơi nào cũng được, mà nó còn phụ thuộc vào chất đất, trong huyện chỉ có vùng đồi ông Thụ ở thôn Yên Vĩ thuộc xã Hà Long hay đồi khu Màu Cau ở thôn Đà Sơn  nay thuộc xã Hà Bắc. vùng đồi này đều là đồi đất đỏ ba-ran. Loại mía Đường Trèo được chọn để cung tiến Vua, hàng năm vào tháng 2, 3 âm lịch là thời vụ trồng mía, cuối năm vào khoảng tháng 11, 12 sau khi thu hoạch vụ mùa xong thì người ta thu hoạch mía, khi thu hoạch người ta chặt cả gốc và ngọn đem về sân đình để Lý trưởng  giao cho người có trách nhiệm chọn những cây mía đạt yêu cầu: Thân mập, thẳng dài, dóng nhặt, không có sâu, kiến đục khoét, không có các vết xước, sau đó để nguyên cả gốc, phần ngọn chặt bớt lá, tỉa rễ cho sạch, rồi buộc 10 cây một bó, đóng vào cũi, cứ một cũi thì xếp chừng 10 đến 20 bó rồi đưa lên tầu chuyển vào kinh đô Huế để tiến Vua.
    Được đem đặc sản quê hương vào cung tiến Vua là một vinh dự đối với nhân dân, những người đã bỏ biết bao công sức để trồng mía. Vì vậy mỗi năm dù phải dâng hàng ngàn cây mía lên Vua nhân dân vẫn vui lòng, ở mảnh đất đồng chiêm trũng cái nắng, cái rình rập đe dọa vậy nhưng lại có nhiều sản phẩm quí từ chính những cánh đồng chiêm ấy.
     Mắm Tép Hà Trung:  Trải qua biết bao thăng trầm của thời gian, mắm tép Hà Yên ( Nay Là Yên Dương) vẫn là món ăn đặc sản dân giã được nhân dân nơi đây lưu giữ. Theo các cụ cao niên, sở dĩ mắm được mệnh danh là “ Mắm tép tiến Vua”, vì  từ xa xưa, nơi đây đã có loại mắm này, mắm thơm ngon. Người dân trong vùng chọn loại mắm ngon nhất để tiến Vua mỗi độ tết đến xuân về. Mắm được làm từ loại tép riu, loại tép có thân hình nhỏ, xanh trong mà chỉ có trên khu vực dòng sông Hoạt, đoạn chảy qua địa bàn xã mới có. Chính con tép này đã làm nên thương hiệu mắm tép Hà Trung xứ Thanh.  Ngày nay mặc dù những món ăn từ cá, cua, tôm, tép, lươn, ốc.. có giảm đi rất nhiều song những món ăn dân dã mà rất quí ấy vẫn còn để lại mãi với những ai đã từng đến và thưởng thức ở miền quê này. /

Ảnh : Mắm tép được đựng trong các chum và vệ sinh sạch sẽ.
 
Bùi Văn Hoằng
Hội viên Hội VHNT TS
Email: hoang1592@gmail.com

tin tức liên quan