"Bại không nản..." - Tùy bút của Nguyễn Bá Thuyết

Ngày đăng: 06:31 18/03/2021 Lượt xem: 398
BẠI KHÔNG NẢN...
Tùy bút
 
         Con người ta vốn sinh ra ai cũng có những niềm vui, nỗi buồn, có điều khác nhau ở chỗ là nhiều hay ít, đậm hay nhạt và nó sinh ra trong hoàn cảnh như thế nào mà thôi.
         Cậu học trò học giỏi mười hai năm, ấy vậy mà thi vào Đại học không đạt nguyện vọng, ước mơ ấp ủ của bản thân và gia đình. Đành lòng phải theo học ngành mà mình không thực sự đam mê...
         Cô gái vừa cưới chồng ở con phố nhỏ, bỏ vốn dành dụm sau bao năm trời vào kinh doanh một cửa hàng ăn nhỏ. Thiếu kinh nghiệm, địa điểm không thuận lợi, chưa bén duyên bán hàng nên ế ẩm. Vốn liếng càng ngày càng hao mòn, đến trắng tay, phá sản, bỏ nghề đi kiếm việc làm thuê...
         Bác nông dân ước mơ mỗi vụ tiết kiệm được ít tiền để sửa sang lại ngôi nhà nhỏ sau nhiều năm đã mục dột. Thế nhưng cứ được mùa là rớt giá, khi giá lên thì lại mất mùa. Năm rồi bão lũ về cuốn sạch cả nhà và trôi luôn "con trâu đầu cơ nghiệp". Bác trắng tay, người gầy teo tóp, héo queo như cọng dây dưa hấu cuối mùa. Nợ chồng lên nợ từ thuốc, phân, công, giống...
         Nỗi buồn!
         Thế mà họ vẫn động viên nhau: "thua keo này, bày keo khác", “thắng không kiêu, bại không nản”, phải đứng dậy nơi mình ngã xuống. Cuộc sống vẫn cứ trôi đi, con người vẫn phải tiếp tục sống. Vậy thì, cái buồn hãy cứ để nó trôi qua đi.
         Nói thì dễ, nhưng thực hành thì thật quả là khó khăn. Bởi vì, trong từng hoàn cảnh mọi ước mơ, dự án, dự định luôn gắn với số phận của từng con người, từng gia đình, từng nhóm người cụ thể. Khi thành công thì sẽ đổi đời, giàu có hoặc chí ít cũng khá lên. Ngược lại, thất bại thì "tán gia, bại sản" , gia đình li tán, tha phương cầu thực không chừng.
         Thực tế, có những nỗi buồn chỉ thoáng qua. Nhưng có những nỗi buồn như mũi dao đâm vào cơ thể, làm ảnh hưởng đến tinh thần, sức khoẻ, có khi buồn phiền suy sụp.
          Hôm về quê gặp thằng bạn nối khố, nó kể về sự làm ăn. Nhờ cha mẹ khá giả cho mấy sào ruộng, khoảnh rừng hai vợ chồng đầu tư làm lụng theo nghề trồng trọt cả chục năm trời vẫn nghèo đói quanh năm. Hai vợ chồng bàn với nhau chuyển sang kinh doanh đồ gỗ, thế rồi khấm khá đi lên. Có cả biệt thự, xe hơi hạng sang, cuộc sống trở nên phóng khoáng, có tiền con người như thể khôn ra.
         Trước đây, khi còn nhận khoán sản nông nghiệp. Mùa vụ nào sau khi giao sản lượng cho Nhà nước,  trong nhà chỉ còn vài tạ lúa, ít khoai, và đậu. Mẹ tôi thường trút nỗi buồn với cha bằng câu lẩm nhẩm: "biết làm sao cho đủ ăn đến ngày giáp hạt".
         Cha thì dấu nỗi buồn vào trong sâu thẳm. Ông vẫn vác cuốc ra đồng vun vén mảnh ruộng của mình. Tìm kiếm việc làm thêm để tăng thu nhập. Những lúc rỗi ông ngồi tư lự, nhấp nước chè đánh ực qua cuống họng, mắt nhìn sâu thẳm, đượm buồn. Bản tính con người vốn thế, dù có lời hay thua lỗ thì vẫn phải tiếp tục lao động vần xoay như một quy luật vô định.
         Năm nay, dịch bệnh đa phần đều gặp khó khăn, nhiều nỗi buồn đến với các tầng lớp cư dân. Công nhân thất nghiệp, nông dân sản xuất ra thứ gì cũng rẻ tệ, học trò đến trường trong nỗi âu lo, Bộ đội, Công an, Y tế càng trở nên gian khổ… Thử hỏi, trong hoàn cảnh như thế ai mà lại không thấy đau buồn!.
         Tôi vừa thu hoạch đám dưa nhưng thương lái không thu mua. Bán lẻ không đủ trả nợ phân, giống, công chăm sóc, buồn lắm chớ. Nhưng cũng tự động viên mình, cố lên, tiếp tục xây dựng kế hoạch mùa vụ mới chắc rồi sẽ thành công.
         “Bại không nản”, hãy cứ để nỗi buồn tự trôi qua đi. Vững vàng niềm tin vào ngày mới, hướng đến tương lai tiếp tục bước đi.

 
 
Phú Yên, 16/3/2021
Nguyễn Bá Thuyết
(Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN)
ĐT: 0944258548

tin tức liên quan