"Quy Nhơn biển nhớ" - TG: Lê Lợi

Ngày đăng: 05:49 28/03/2021 Lượt xem: 634
QUY NHƠN, BIỂN NHỚ
Kỷ niệm 20 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

 
       Tiếng phát thanh viên hàng không thông báo máy bay sắp hạ cánh xuống sân bay Phù Cát, Bình Định làm tôi choàng tỉnh. Lần đầu tiên tôi đến sân bay Phù Cát nên hào hứng lắm bởi đây là nơi mà 45 năm trước (3/1975) các bậc đàn anh của tôi là cán bộ, chiến sĩ sư đoàn bộ binh 968 anh hùng quân tình nguyện Nam Lào nổ súng và giải phóng trong chiến dịch giải phóng Tây Nguyên sau khi hành quân từ Nam Lào về nước.
       Sân bay Phù Cát được người Mỹ xây dựng năm 1966 trước đây có tên là Gò Quánh, là căn cứ không quân lớn ở miền Trung với nhiều loại máy bay chủ yếu là quân sự như các máy bay phản lực tiêm kích F-100F Super Sabre, tiêm kích-bom F-4 Phantom II, máy bay vận tải Lockheed AC-130. Cũng có máy bay vận tải hành khách như Boeing 707…
       Máy bay đang còn lăn bánh đã có một số người tháo dây an toàn, lục tục đứng dậy lấy hành lý trên khoang. Người Việt mình vốn vậy, cứ vội vội, vàng vàng. Tôi cứ ngồi im, còn đang mơ màng về cái sân bay quân sự Phù Cát mà mình lần đầu tiên được đặt chân đến. Ở hàng ghế phía sau dãy bên kia có giọng nam giới hỏi chị hành khách ngồi hàng ghế phía trên rằng anh ta có xe 7 chỗ chạy về thành phố Quy Nhơn, chị có muốn đi cùng không, giá vé chỉ bằng vé xe bus thôi, đằng nào cũng tiện xe về, chị hành khách từ chối, vậy là tôi đăng ký đi luôn vì hai tỉnh Hà Nam, Nam Định chúng tôi có 5 người, đồ đạc lại lỉnh kỉnh giờ có xe đưa về thành phố thật tiện. Chỗ ở thì cũng đã xem qua mấy trang mạng để tìm chỗ nghỉ gần nơi tổ chức hội nghị là khách sạn Hương Việt, 102 Xuân Diệu, Phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định thế nhưng đắt quá, vậy là nhờ luôn tài xế chở tìm khách sạn nào đó gần bờ biển mà rẻ hơn. Xe chạy một dọc phố đến đường An Dương Vương, qua trường đại học Quy Nhơn nhìn thấy bờ biển thoáng đãng bèn dừng lại. Bỏ qua hai khách sạn trông hoành tráng là Hải Âu và Hoàng Yến, chúng tôi vào hỏi khách sạn nhỏ hơn có tên là Anh Vy. Khách sạn Anh Vy có mặt tiền nhìn ra biển, chúng tôi lên kiểm tra phòng nghỉ thấy sạch sẽ, lại mở được cửa sổ nhìn ra biển. Tôi nhìn ra trước mặt, công viên biển thấy có một bức tượng đài hỏi thăm cô lễ tân biết là tượng đài mới khánh thành, vậy là OK quyết luôn ở đó. Mang đồ lên phòng, nghỉ ngơi một chút rồi tranh thủ lang thang ra bãi biển. Quy Nhơn so với gần 20 năm trước đây tôi đã có dịp đi qua thấy thay đổi rất nhiều. Đường phố rộng rãi, nhiều nhà cao tầng, xe đi lại như mắc cửi.


Tác giả với Bs Nguyễn Thành tại Tượng đài Trịnh Công Sơn ở Quy Nhơn (11/2020)
 
       Khách sạn Anh Vy nằm cùng bên với Đại học Quy Nhơn, nơi mà vào những năm từ 1962-1964 Trịnh Công Sơn theo học Sư phạm chỉ băng qua con đường một chiều An Dương Vương là công viên biển. Nằm giữa khách sạn Hải Âu và khách sạn Hoàng Yến tọa lạc bên bờ biển là tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhìn ra biển Quy Nhơn đầy thơ mộng mới được khánh thành ngày 12/10/2020. Khác với tượng bán thân nhạc sĩ ở nghĩa trang chùa Quảng Bình tại Gò Dưa mà tôi từng đến nhiều lần thể hiện ông đang trầm tư với cặp kính trắng, tại đây nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ngồi thoải mái, áo sơ mi dài tay bỏ trong quần hay còn gọi là đóng thùng, có thắt lưng, chân mang giày đang ôm đàn ghi ta với nét mặt suy tư như thả hồn vào âm nhạc, như đang nhớ về một người con gái mong manh nào đó cùng với bản nhạc Biển Nhớ khắc trên phiến đá gắn liền trong cụm tượng. Hình như với Trịnh, cái đẹp của người con gái phải là sự mong manh để mà được chở che. Thì đấy trong nhiều bài hát mà ông đã viết: Vai em gầy guộc nhỏ, rớt xuống đời làm sóng lênh đênh (Tình nhớ), Gọi nắng, trên vai em gầy (Hạ trắng), em gầy ngón dài (Tuổi đá buồn), gọi thân hao gầy, gọi buồn ngất ngây (Gọi tên bốn mùa), bàn tay xanh xao đón ưu phiền (Nắng Thủy tinh), tìm em tôi tìm, mình hạc sương mai (Đóa hoa vô thường)…  Chất liệu để làm tượng là đá granite xám trắng Phước Hòa đưa về từ Bà Rịa-Vũng Tầu. Khác với nhiều bức tượng hoành tráng, đồ sộ, tượng Trịnh chỉ cao 2,4m, phần bệ tượng là 2 vòng tròn đồng tâm, vòng tròn ngoài trồng hoa, nhưng cây hoa mới kịp bén rễ. Vòng tròn bên trong là cỏ, có 4 đèn pha Metal 250 w có ánh sáng trắng hắt lên 4 phía bức tượng. Khối bát giác ở tâm giật đều 3 cấp ốp đá granite.
       Đây là bức tượng Trịnh thứ hai mà tôi thấy thích. Tôi thích nhất là bức tượng bằng đá hoa cương bán thân của Trịnh Công Sơn tại nghĩa trang chùa Quảng Bình ở Gò Dưa, Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh mà lần nào tôi vào đó cũng dành một ít thời gian chạy xe đến để gặp người nhạc sĩ huyền thoại. Nơi đây rợp bóng cây, phần mộ đơn sơ, đâu đó chỉ hơn chục m2 thôi, di hài ông nằm chìm dưới đất với bên trên phẳng phiu, là cỏ xanh, là hai hàng sỏi, đá như ý nguyện của ông khi viết lời kết của ca khúc Diễm xưa: Ngày sau sỏi đá cũng còn có nhau…

 

Vợ chồng Lê Lợi tại mộ Trịnh Công Sơn ở Gò Dưa, Thủ Đức 2019
       Mấy hôm tôi ở lại Quy Nhơn, biển động dữ dội. Bão ở Thái Bình dương đang tiến gần đến Philippin mà. Sóng rất to, gió lớn, tôi đánh liều ra tắm biển và kết cục là bị sóng đánh quăng quật vào bờ, không thể ra xa được. Hoàng hôn, trước lúc đi nhậu với bác sĩ Nguyễn Thành, người bạn học Đại học năm nào, tôi ra ngồi ở ghế đá dưới gốc dừa nhìn sóng tung bọt trắng. Gần 60 năm trước, biết đâu chàng sinh viên sư phạm Trịnh Công Sơn đã từng ngồi ở đây để viết nên bản nhạc bất hủ Biển nhớ, có phải vì nhớ tới cô bạn học Tôn Nữ Bích Khê về nghỉ hè ở Nha Trang không mà trong lời có cái câu “Trời cao níu bước Sơn Khê”? Và cũng tại Quy Nhơn này, những Diễm xưa với hình ảnh của các Tháp Chàm như tháp Bánh Ít, tháp Đôi “Mưa vẫn mưa bay, trên tầng tháp cổ”, với Nắng Thủy tinh lung linh huyền ảo, cái nắng lấp lóa trên mặt nước biển xanh ngăn ngắt. Nhiều lắm, Quy Nhơn hồi ấy chắc còn hoang sơ, thơ mộng với công viên xanh mát, bờ cát trắng trải dài mênh mông, những tà áo tinh khôi của sinh viên sư phạm để đi vào các bản tình ca Cát bụi, Chiều chủ nhật buồn, Dã tràng ca…Trịnh Công Sơn viết nhiều bản tình ca, bài nào cũng hay, viết cho một người cụ thể mà bất cứ ai soi mình vào cũng đều thấy mình thấp thoáng đâu đó. Viết về tình yêu mà không bi lụy, sướt mướt, không rên rỉ khóc lóc, những bài hát mà ông sáng tác được công chúng đón nhận và lan tỏa mãi ở trong nước và hải ngoại.
       Cụm tượng Trịnh Công Sơn là một tác phẩm nghệ thuật hài hòa với khuôn viên chung, góp phần tôn tạo không gian bờ biển thành phố Quy Nhơn - nơi có nhiều kỷ niệm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Mấy ngày ở Quy Nhơn, ngày nào tôi cũng lội bộ ra bờ biển để mà hình dung cái lứa sinh viên Sư phạm Quy Nhơn mấy chục năm về trước, không biết họ có khác với lứa sinh viên Đại học Quy Nhơn mà tôi gặp mấy ngày nay không. Cứ lần thẩn tự hỏi mình rằng tại sao những nhà thiết kế cùng hội đồng phê duyệt bức tượng này lại không thể hiện khi Trịnh mới tuổi đôi mươi, lúc mà ông còn là sinh viên sư phạm ở Quy Nhơn sáng tác bài hát Biển nhớ ? Rằng tại sao thành phố Quy Nhơn lại không đặt tên con đường thơ mộng này là đường Trịnh Công Sơn hay là con đường Biển Nhớ ?.

Cuối năm Canh Tuất (2020)
TTUT, BsCKI Lê Lợi
Phó CCT Chi cục ATTP tỉnh Nam Định,
CCB Sư đoàn 968 QTN Nam Lào
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam
 

tin tức liên quan