Tập thơ đầu tay của Trịnh Huỳnh Đức

Ngày đăng: 10:05 01/04/2021 Lượt xem: 955
TẬP THƠ ĐẦU TAY CỦA NHÀ THƠ TRỊNH HUỲNH ĐỨC


 
     Nhà thơ Trịnh Huỳnh Đức – Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn đã viết vài trăm bài thơ. Năm 2020, có thời gian, ngày nào anh cũng gửi thơ cho tôi để đăng trên chuyên mục “Thơ văn hội viên”.
     Trịnh Huỳnh Đức viết rất khỏe. Với thơ thì anh say mê từ thuở học trò. Khoác áo lính vào chiến trường, anh đã có tập thơ chép tay trong sổ tay với gần một trăm bài. Rồi hoàn cảnh chiến đấu, tập thơ ấy của anh đã bị thất lạc trong thời gian chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.
    Cởi áo lính, Trịnh Huỳnh Đức về làm báo ở Đài Truyền hình Đồng Nai rồi nghỉ hưu. Dường như sức sáng tạo của Trịnh Huỳnh Đức bị “nén lại”. Chỉ chờ khi nghỉ hưu thì ngòi bút của anh mới có dịp “bung ra”. Anh viết nhiều: Truyện ngắn, bút ký, ghi chép rồi thơ. Với anh, thơ là cảm xúc thường nhật trong anh. Tháng 3 vừa qua, anh mới có dịp “lẩy ra” 54 bài thơ trong gia tài vài trăm bài thơ của anh để in tập thơ đầu tay: “Lời ru và cánh võng” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn). Tập thơ có bìa đẹp, giấy in sang trọng.
      Đề tài trong “Lời ru và cánh võng” của Trịnh Huỳnh Đức thật đa dạng. Nhưng nhiều nhất vẫn là đề tài quê hương và mẹ. Riêng với mẹ thì anh đã viết tới 5 bài trong tập thơ này: “Mẹ với trầu cau”, “Mẹ”, “Mẹ yêu”, “Mẹ và cây đa cổ thụ”, “Mẹ tôi”. Mỗi bài viết về mẹ anh đã khai thác cảm xúc theo những “góc nhìn” và cảm nhận về mẹ rất khác nhau. “Mẹ thường kể chuyện trầu cau/Nhai trầu bỏm bẻm thuộc làu từng câu/Để cho con cháu nhớ lâu/Cơi trầu thức giấc trên đầu mỗi đêm…” (Mẹ với trầu cau). “Người ta xanh mắt, đỏ môi/Mẹ tôi gày guộc leo đồi hái măng/Rét run đi cấy sáng trăng/Mùa giặt lúa nặng dùng dằng sưng vai/Giêng hai ngày rộng tháng dài/Trèo cây, chặt củi dành xài cả năm/Người ta trẩy hội ngày Rằm/Mẹ tôi lam lũ thắng năm cày bừa/Cái nghèo buộc túm giấc trưa/Suốt ngày làm lụng chưa vừa lòng ai/…(Mẹ tôi).
       Trước khi khoác áo lính, quê hương Hà Lĩnh, Hà Trung, Thanh Hóa dường như “lặn sâu”, “giấu kín” trong ký ức và tình cảm của Trịnh Huỳnh Đức. Vì thế, chỉ chờ có dịp là những cảm xúc ấy “bung ra’ thành lời thơ, thành những tứ thơ hay. Đó là các bài thơ: “Trầu cau”, “Thăm quê”, “Cảm ơn”, “Đi cấy đêm”, “Làng vào hội xuân”, “Nhớ quê”, “Cổng làng”, “Hoa gạo”, “Chiều quê”… Những cảm xúc ấy chân thật, giàu hình ảnh và những liên tưởng đẹp.
Trịnh Huỳnh Đức tuổi Dần. Anh mới viết riêng cho mình bài thơ “Tuổi bảy mươi”. Quê anh xã Hà Lĩnh, Hà Trung, Thanh Hóa. Anh tốt nghiệp cấp III rồi vào học Sư phạm Toán. Chiến trường thúc giục, anh rời ghế nhà trường lên đường vào Trường Sơn. Bàn chân anh từng đặt chân lên chiến trường Lào, Tây Nguyên, Nam Bộ. Sau năm 1975, anh lại cầm súng ra bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Đầu năm 1981, anh chuyển ngành về công tác tại Đài Truyền hình Đồng Nai…
      Tháng 8 năm 2019, anh được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn. Từ thời điểm này dường như anh viết khỏe, viết đa dạng hơn. Anh đã có hàng chục truyện ngắn công bố trên chuyên mục “Văn hóa - Nghệ thuật” báo điện tử Trường Sơn của Hội. Là người trực tiếp biên tập và đăng nhiều truyện ngắn của anh. Truyện ngắn của anh xứng đáng được xuất bản thành một tập riêng. Nhưng THƠ mới có duyên được anh công bố đầu tiên trong tác phẩm “Lời ru và cánh võng”.
Xin chúc mừng nhờ thơ Trịnh Huỳnh Đức. Chúc anh sớm ra mắt đứa con tình thần thứ hai của mình.
 
     Nhà báo – Nhà văn Phạm Thành Long
Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn





 
tin tức liên quan