KÉN RỂ
Đinh Cầm
(Truyện ngắn)
Ông tiến sĩ văn chương, Nguyễn Văn Sùng có một cô con gái tên là Đào xinh đẹp, nết na, đã đến tuổi trưởng thành. Ông đã tốn khá nhiều nước chè để tiếp nhiều chàng trai đến "sớm đào tối mận lân la". Không thể mãi thế này được, tự nhiên ông nảy ra một sáng kiến trương biển mở cuộc thi kén rể.
Nơi phỏng vấn tại nhà ông đã được trang hoàng lộng lẫy, các thí sinh đã tề tựu đông đủ, ngấp nghé ngoài cổng. Chủ khảo là ông, ngoài ra còn có một thư kí ghi chép kèm một máy ghi âm loại xịn. Cuộc thi diễn ra trước ngày ông Táo về trời. Nội dung thi là kiến thức văn chương và một vài đề thi khác cho thêm phần rôm rả. Các thí sinh dự thi đã gửi trước cho ông danh sách trích ngang đại để là họ và tên, năm sinh, chiều cao, cân nặng, địa chỉ, tình trạng hôn nhân, trình độ văn hoá, ngoại ngữ, sở trường kèm theo ảnh chân dung cỡ 4 x 6.
Đã có chín thí sinh vào dự phỏng vấn. Đến người thứ mười tên là Xuân được gọi vào. Xuân mặc bộ quần áo xanh, sau lưng có in dòng chữ "I love you" to tướng. Anh đi giật lùi từ ngoài cổng vào đến trường thi. Thoạt nhìn, ông Sùng giám khảo đã thấy có ác cảm với anh chàng thí sinh này. Xuân đứng lại nơi có vạch vôi qui định. Anh bỗng giật mình trước tiếng hô của ông:
- Đằng sau quay!
Anh quay rất đúng điều lệnh với động tác giập gót như của người lính chính qui.
Ông Sùng nghĩ bụng: Anh này hơi bị độc đáo đây! Ông cất tiếng hỏi
- Lí do đi giật lùi của anh là gì?
- Dạ, để khi bác cho rớt, con đỡ phải đằng sau quay mất thì giờ. Xuân trả lời.
Xuân nhìn lên thấy một bàn lớn kê bên cạnh có đủ mọi thứ lễ vật của các thí sinh đến trước dâng biếu giám khảo, nào phong bì, bánh trái, rượu tây, hộp đựng dây chuyền vàng, cà phê, chè hương hảo hạng... Xuân nghĩ bụng: Ông tiến sĩ này có vẻ cũng thích ăn hối lộ đây! Ta chẳng có gì, trượt là cái chắc!
Ông Sùng thấy Xuân đến tay không, nghĩ bụng: Thằng thí sinh này có vẻ kẹt xỉn, miếng trầu là đầu câu chuyện, nó không có cả miếng trầu, ai đời đi ngoại giao cầu cạnh thời buổi này mà tay không bắt giặc thế nhỉ? Nhưng ông lại nghĩ thằng này là thằng tốt, nó không có hành động hối lộ như nhiều đứa khác. Những thằng trước đó có quà hối hộ đấy nhưng để rồi xem mèo nào cắn mửu nào. Nghĩ vậy, ông cất tiếng hỏi Xuân :
- Anh hãy cho biết hành động hối lộ có biểu hiện như thế nào?
- Dạ thưa bác, hối lộ là hành động dùng tiền của biếu xén người có chức, có quyền giúp mình một việc gì đó nhằm đạt được nguyện vọng như được trao bằng cấp, được lên lương, đỗ đạt, lên chức v.v...
Ông Sùng báo cho thư kí ghi điểm 9 và nói: Anh chuẩn bị tinh thần vào thi đề thi chính là văn học .
- Anh cho biết câu thơ "Thương nhau chia củ sắn lùi, bát cơm sẻ nửa , chăn sui đắp cùng" là của nhà thơ nào, trong bài nào, sáng tác bao giờ?
- Dạ thưa bác, đó là câu thơ trong bài "Việt Bắc" của Nhà thơ Tố Hữu , công bố tháng 10 năm 1954.
- Anh cho biết ai đã gọi bác Hồ là Anh ?
- Dạ đó vẫn là nhà thơ Tố Hữu, ông viết : "Người là Cha, là Bá , là Anh- Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ", trong bài "Sáng tháng năm", sáng tác tháng 9 năm 1951.
- Sang năm là năm Quí Tỵ (năm Rắn) , anh hãy tìm một từ "rắn" trong thơ Tố Hữu ?
- Dạ , "Rắn như thép, vững như đồng" trong bài "Ta đi tới" ạ.
- Hãy kể ra câu thơ của Tố Hữu thể hiện tác phong ăn mặc giản dị của Bác?
- Dạ thưa :" Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị , Màu quê hương bền bỉ đậm đà", trong bài "Sáng tháng năm".
- Anh hãy cho biết câu thơ "Trường Sơn đông nắng, tây mưa, Ai chưa đến đó như chưa rõ mình" là của ai, trong bài nào, sáng tác năm nào?
- Dạ đó là câu thơ trong bài "Nước non ngàn dặm" của Tố Hữu, sáng tác năm 1973. (May quá, những câu hỏi này khá dễ đối với Xuân vì trước kia Xuân đã học, đã đọc qua cả, nếu mà nhà giám khảo hỏi sang một số bài khác thì rồi cũng có ngày chết đuối thôi, có vẻ như ông giám khảo này mê thơ Tố Hữu lắm thì phải, Xuân nghĩ bụng) .
Ông chủ khảo đột nhiên chuyển làn sang đề tài lịch sử, địa lí .
- Anh cho biết Trần Thái Tông(Trần Cảnh) lên ngôi vào năm nào?
- Dạ, Trần Cảnh chính thức lên ngôi vào ngày mồng 10 tháng 1 năm 1226 (ngày 11 tháng chạp năm Ất Dậu), khi đó ông mới 8 tuổi.
(Lại một câu trả lời trôi chảy, được điểm 10).
- Quân dân Đại Việt chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ ba vào năm nào ?
- Dạ, từ tháng 12 năm 1287 đến tháng 4 năm 1288 (lại điểm 10).
- Ngọn núi cao nhất Việt Nam là ngọn núi nào?
- Dạ là ngọn Phan-si -Păng, cao 3.143m.
- Sông dài nhất Việt Nam là sông gì? chảy qua những đâu?
- Dạ, sông dài nhất Việt nam là sông Mê-Kông, là sông được xếp thứ 13 trong những con sông dài nhất thế giới, nó chảy qua Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Cam Pu chia, Việt Nam và chảy ra Biển Đông của Việt Nam.
- Hoàng Sa là quần đảo thuộc tỉnh thành nào của Việt Nam?
- Dạ quần đảo Hoàng Sa là huyện đảo trực thuộc thành phố Đà Năng của Việt Nam, năm 1974 đã bị quân Trung Quốc xâm chiếm .
Ông Sùng lại chuyển sang đề tài văn học, ông hỏi :
- Trong truyện Kiều, câu thơ nào nói được cả bốn mùa trong năm?
Suy nghĩ giây lát, Xuân trả lời:
- "Sen tàn, cúc lại nở hoa, Sầu dài, ngày ngắn, đông đà sang xuân".(câu 1795-1796).
-Anh cho biết, có câu nào trong truyện Kiều hé lộ nàng Kiều bị bệnh táo bón?
- Dạ, có lẽ là câu " Dùng dằng khi bước chân ra, Cực trăm nghìn nỗi , dặn ba bốn lần" (!) (câu 2781, 2782).
- Trong truyện Kiều, có câu nào nói là nàng Kiều do hổ đẻ ra không ?
- Dạ, "Hổ sinh ra phận thơ đào" (câu 877).
- Câu nào trong truyện Kiều nói Kim Trọng bị rối loạn tiêu hoá?
- Dạ, đó là câu "Khi tựa gố , khi cúi đầ , Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày" (câu 487, 488) .
Ông Sùng đã bắt đầu thấy cảm mến anh chàng thí sinh này rất thuộc truyện Kiều, ông chưa buông tha. Ông chợt nhìn ra cây hoa ngọc lan trước nhà, bỗng nảy ra vế đối, yêu cầu anh đối lại :
"Hoa thơm không đẹp, hoa đẹp không thơm, hoa ngọc lan vừa thơm vừa đẹp ."
Xuân nghĩ, câu này hơi hóc đây! Chàng toát mồ hôi hột, đề này không có trong đáp án, chàng hơi bí và lo sợ, bộ máy tiêu hoá bắt đầu chuyển động, chàng tự nhiên muốn trung tiện. Đây rồi ! Rắm! Rắm là vế đối lại với hoa, Chàng thưa :
- "Rắm kêu không thối, rắm thối không kêu, rắm dưa hành vừa kêu vừa thối".
Ông Sùng nín cười và phán :
- Vế đối của anh thô tục quá, nhưng thôi cũng cho là được, 9 điểm (trừ 1 điểm vì anh làm ô nhiễm môi trường).
Chuyển sang vấn đề xã hội, ông hỏi :
- Anh hiểu tham nhũng là thế nào?
- Dạ, tham nhũng là lấy của công, của dân, của người khác làm của mình. Nhũng là nhũng nhiễu, vòi vĩnh dân để cho mình hưởng lợi .
- Có cái tham nào đáng yêu không ?
Dạ , đó là tham kiến thức ạ .
- Anh hãy tìm hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Khuyến nói lên giá trị của kiến thức so với vàng?
- Dạ thưa, "Vàng mua chứa để, vàng hay hết , Chữ bán dư ăn, chữ hãy còn" (Thơ khuyến học) .
Ông Sùng trích đọc một bài thơ, hỏi thí sinh bài này của tác giả nào?:
TÁT NƯỚC ĐÊM TRĂNG
"Đồng Mô nóng hạn gió không sang,
Ruộng nẻ chân chim, thiếp gọi chàng.
Gấp gáp "xì xùm" chao hối hả,
Nhịp nhàng , "ì oạp" xối chan chan..."
Thấy bài này nghe là lạ, không phải thơ của Hồ Xuân Hương, biết chủ khảo là nhà thơ, Xuân đánh bạo thưa:
- Dạ, bài này chắc là của bác ạ !
- Anh này giỏi, cho 10 điểm!
Ông Sùng còn muốn thử tài cầm kì thi hoạ của Xuân, nhưng thời gian đã hết, chỉ kiểm tra tài đánh đàn của Xuân .
Xuân cầm đàn dạo một bài nhạc trẻ kiểu híp hốp, Xuân vừa hát vừa nhảy rộn rã, cái tay bật đàn, cái chân dậm dật, cái mông nghí ngoáy, cô Đào ở sau nghe thấy tiếng nhạc cũng xuống cùng nhảy với chàng rất ăn ý và tình tứ. Ông chủ khảo Sùng không chịu được cũng đứng lên nhún nhẩy cùng điệu nhạc có vẻ điệu nghệ lắm. Kết thúc điệu nhảy, ông quay sang kiểm tra kiến thức ngoại ngữ của Xuân :
- Anh hãy trả lời "anh yêu em", một số nước khác nói thế nào?
- Dạ, là nước nào ạ ?
- Nga? Ya vas liu -bliu.
- Anh? I love you.
- Trung Quốc ? ủa ai nỉ.
- Lào? Khoi huk chau.
- Cam pu chia? Boong salang oun
- Thái Lan? Phom rak khun.
- Pháp? Je t,aine.
Xuân trả lời khá trôi chảy câu hỏi cuối cùng này. Cuộc thi kết thúc, Ông hơi ngạc nhiên trước khả năng trả lời của Xuân, ông hài lòng với thí sinh thứ 10 này. Phải nói rằng, dù sao, Xuân vẫn là chàng trai thông minh, có trí nhớ tuyệt vời. Ông quay sang hỏi ý kiến con gái có ưng chàng trai này không? Cô gái nở nụ cười, đôi má ửng hồng, không nói gì. Ông giao cho người nhà đem hết các món quà trả lại cho các thí sinh đã biếu trước đó và công bố chàng Xuân xứng đáng là chàng rể của ông. Ông đâu có biết đôi trai gái này đã gặp nhau và yêu nhau hơn năm nay rồi, điều bí mật mãi đến bây giờ chưa được tiết lộ là Đào đã lấy trộm được đề thi và đáp án của bố đưa cho Xuân, ông đâu có biết vì tình yêu, vì lợi ích nhóm, con gái ông đã cố tình nối dáo cho "giặc" .
7.12.2012