Đôi điều cảm nhận về tập thơ "HƯƠNG ĐOÀI" - Nhà giáo Nguyễn Xuân Điềm

Ngày đăng: 09:42 30/04/2021 Lượt xem: 270
ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN VỀ TẬP THƠ  “HƯƠNG ĐOÀI”

                            Nhà giáo Nguyễn Xuân Điềm
 
      Thoạt nhìn bìa tập thơ, người đọc thấy ngay rằng đó là một đoạn đường có hai cua nối liền nhau trên một bờ vực. Cây cối bị bom Mỹ phạt trụi hết cành lá, chỉ còn trơ trụi dăm cây khô. Con đường trắng xóa bụi đất, đá nổi bật lên vài chiếc xe vận tải phủ kín lá ngụy trang.Chắc đoạn đường là một trọng điểm bị bom Mỹ đánh phá ác liệt. Nhìn bìa sách ta cũng có thể đoán được nội dung của nó sẽ phản ánh một phần nào về cuộc chiến đấu cam go, ác liệt và đời sống gian khổ nhưng đầy tinh thần lạc quan của các chiến sỹ Trường Sơn trên con đường huyền thoại mang tên Bác.
      Quả thật với 102 bài Thơ và văn thì nội dung của cuộc sống chiến đấu của các chiến sỹ Trường Sơn có tới 36 bài. Không phải là những trang tự sự nóng hổi thời khói lửa mà là những trang thơ hồi ức. Dù hồi ức nhưng những câu thơ của anh lính Trường Sơn Nguyễn Sơn Hải vẫn rất sinh động. Cung đường mà đồng đội anh bảo vệ như hiện lên trước mắt:
                      “Cung đường nắng gắt mưa tuôn đại ngàn
     Rừng Trường Sơn đang độ “biếc lộc tơ” mà bị bom Mỹ “Xé nát xác xơ thảm rừng
Những ngày ở hậu cứ, Sơn Hải cùng các chiến sỹ thông tin trực chiến canh gác bầu trời:
                      “Thông tin quan sát thức cùng
                    Canh bầy thám báo phá đường đêm đen”
    Người làm thơ không thể giấu mình trong các trang thơ mình viết. Cái ngày nhập ngũ vì thiếu cân khi tuyển quân, anh đã “giấu những cục gạch sau lưng cân bàn” để đủ trọng lượng làm anh Lính Cụ Hồ. Đáng quý thay tình yêu nước trong trái tim chàng trai Nguyễn Sơn Hải !
Ngày váo chiến trường, cùng tránh bom với một nữ chiến sỹ:
                          “Từ ngày kề gối trong hầm
                       Hai đầu chụm lại tránh tầm bom rơi
                            Thế là từ đó đôi nơi
                       Tình trong như đã, mỗi người còn e...”
       Cái tình giây phút nhưng Sơn Hải chẳng bao giờ quên được, vẫn “vấn vương” theo anh suốt một thời trai trẻ. Nay đã về quê, dù đã có một tổ ấm đề huề con cháu nội ngoại, nhưng anh vẫn mong được gặp nàng trong mỗi dịp “Hội quân” để tìm:
                                   “Mây tóc tuổi xuân chiến trường”
         Cuộc tình ấy như một nhà thơ lãng mạn đã viết :
                   
                        Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
                     Ngàn năm chưa dễ mấy ai quên !
        Thời gian của người lính Trường Sơn dù chỉ có 5 năm trong đạn bom khói lửa, nhưng anh lính Sơn Hải đã tìm được bạn trăm năm - cũng là một nữ chiến sỹ Trường Sơn. Cô gái của quê lúa Thái Bình đã nên duyên cầm sắt với chàng trai của miền đá ong Xứ Đoài Sơn Tây.
                        “Trường Sơn vang khúc quân ca
                         Non sông Thống nhất, tình ta hợp hòa”
     Dù sống trong một mái nhà hạnh phúc, nhưng anh vẫn nhớ tới đồng đội một thời khói lửa:
                       “Tóc xanh khi ở rừng xanh
                       Cuộn tròn năm tháng nay thành màu mây”        
    Anh thỉnh cầu:
                             “....Hồn bạn ngủ yên
                           Non sông đất nước không quên đời đời”...
    Ngày 30/4/1975: Ngày giải phóng Sài Gòn - ngày Thống nhất non sông; Ngày ấy trong con mắt của anh lính Trường Sơn Nguyễn Sơn Hải vào tiếp quản Sài Gòn thật đẹp:                       
           “Cờ hoa đón lính Trường Sơn
                              Ngác ngơ như buổi lạc chân xứ người
                              Sao vàng cờ đỏ rợp trời
                             Áo xanh loang bụi một thời Trường Sơn.”
      Thơ anh như reo lên :
                          “Bắc Nam thống nhất thật rồi
                          Bài ca chiến thắng đất trời Việt Nam!”
      Trong các cuộc chiến tranh phong kiến liên miên ngày xưa, người lính ra trận đã được các nhà thơ xưa đúc kết : “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”
nghĩa là:      “Xưa nay chinh chiến mấy ai đã về”. Anh cũng như tôi- người viết bài này- may mắn được trở về, xum họp với gia đình, có cha mẹ, vợ chồng, con cái - khi anh đến nghĩa trang, viếng người đồng đội cũ sau mấy chục năm ròng: “Nén hương tôi gọi anh nằm đó”. Nhưng đáp lại chỉ là nấm mồ xanh im lặng. Một đồng đội của anh bị nhiễm chất độc da cam, các con anh cũng phải chịu tác hại của chất độc ấy:
                           “Cũng Trai, cũng Gái nhưng mà ngẩn ngơ
                            Ngày đêm cha mẹ bơ phờ
                            Sống trong khắc khoải đợi chờ hư không.
 
 
        Nhìn đồng đội sớm khuya tiều tụy, anh cũng “dằn lòng quặn đau”như nỗi đau của đồng đội.
       Về với đời thường anh tham gia nhiều công tác xã hội ở địa phương như Chủ tịch Hội Trường Sơn ở Xã, công tác Ủy viên MTTQ ở xã, Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn huyện, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Trường Sơn huyện, anh được đi dự Trại viết thơ văn do Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn Việt Nam tổ chức. Mở rộng giao lưu, tình đồng đội thêm mặn mà, thắm thiết gặp lại nhau trong màu xanh áo lính sao mà đẹp thế:
                               “Màu xanh áo vẫn chẳng sờn
                               Tình nồng vẫn nhớ núi non ngày nào !”
       Nhưng cái đáng quý nhất là tình trong quân ngũ, dù bốn lăm năm phục viên giải ngũ, vào Hội thơ Trường Sơn, anh chỉ nghĩ đó là một sân chơi thơ vườn:
                            “Dẫu rằng câu tứ chưa trơn
                            Nặng tình, sâu nghĩa Trường Sơn thuở nào !”
       Nhưng khi đọc những bài thơ Xuân của anh như “Chúc Xuân”,”Sáng Xuân”, “Lúa Xuân”, “Mưa Xuân”, “Xuân của tuổi Xuân”… Người đọc đã nhận thấy tâm tư của anh đã lấp lánh hồn thơ. Hay như mùa Thu - mùa Thu của thơ ca đến anh đã có những câu thơ thật đẹp:
                           “Thu vàng sóng lúa lao xao
                           Phất phơ hoa cỏ liệng chao cánh chuồn
                           Chiều tà ửng đỏ hoàng hôn
                           Vi vu diều sáo thả hồn lãng du.”
       Với các từ láy lao xao, phất phơ, vi vu... chất lãng du của một tâm hồn lãng tử đã xuất hiện trong thơ của anh cựu chiến sỹ Trường Sơn Nguyễn Sơn Hải.
       Khi nghe đài báo lũ lụt miền Trung, nhìn hình ảnh trên tivi anh diễn tả bằng các câu thơ tả thực:
                   “Trẻ già giấc ngủ không giường
                   Ngâm chân trong nước ngả lưng mái nhà.”
       Anh có 5 bài viết về cảnh lũ lụt đó để sẻ chia tình cảm của người lính Trường Sơn năm nào với đồng bào miền Trung trong cơn hồng thủy.
        Đáng quý biết bao, tình đồng bào, đồng đội, tình gia đình quê hương đất nước đã hiện hữu trong thơ anh, mà tình cảm nào cũng mặn mà sâu sắc.
        Về mặt hình thức biểu hiện thì 102 bài trong tập thơ có đến 87 bài lục bát, 3 bài 8 câu 7 chữ. Điều đó chứng tỏ anh nghiêng hẳn về sáng tác thơ lục bát - thể thơ mang đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam ta. Tuy vậy có những câu thơ biểu hiện chưa rõ ràng như câu: “Thi huynh, thi hữu ắt oai nha”. Câu này mới chỉ là khẩu ngữ của thổ âm Nam bộ thời @. Hay câu: “Tháng ngày Mẹ những ẩm ê” người Việt ta hay nói ê ẩm, chẳng ai nói ẩm ê.       Trong bài “Chim Khuyên” thì từ “véo von” lặp lại 2 lần, trong bài “Chim bồ Câu” anh viết:
                                  “Một thời Chim nối nhịp cầu
                                 Đưa thư kháng chiến hai đầu giao liên.”
        Thời nay vô tuyến viễn thông đã thay thế cho chim đưa thư từ lâu rồi!!!
       Gấp tập thơ lại, người đọc cảm nhận được tình cảm của Nguyễn Sơn Hải có riêng mà có chung. Đó là tình yêu nước nồng nàn, tình đồng đội sâu sắc, tình gia đình mặn mà thắm thiết. Và có cả mối tình đầu thơ mộng theo anh suốt đời.
        Thơ anh sẽ tiến xa, sẽ vươn cao hơn nữa, nếu như phép tu từ nhân hóa, ẩn dụ, so sánh, cách sử dụng các từ láy, thành ngữ, điệp ngữ đúng lúc, đúng chỗ hơn nữa.
         Dù sao thì tập thơ “HƯƠNG ĐOÀI” cũng đã tỏa hương và neo lại trong lòng độc giả một số bài hay và một số câu hay. “Ngọc còn có vết” vài lời cảm nhận chia sẻ cùng đồng Hội, đồng Hương.
 

tin tức liên quan