CẬU BÉ GIA SƯ
Truyện ngắn Phạm Thành Long
Hai mươi mốt giờ tối. Thằng Tuấn mở cổng cho gia sư Hùng ra về. Đúng lúc Hùng lên xe đạp thì ông Bình, bố của Tuấn cũng vừa bước xuống xe.
- Ai vậy con ? Bố chưa nhìn thấy cậu ta trong số bạn của con ? Ông Bình hỏi Tuấn khi thấy cậu học trò vừa đi ra từ cổng nhà mình.
- Anh ấy là gia sư mới của con.
- Trung tâm nào giới thiệu vậy ?
- Anh ta tự tìm đến nhà mình xin làm gia sư. Mẹ đã kiểm tra rồi. Hôm nay là buổi thứ hai.
- Theo con thì thế nào ? Có được không ?
- Được hơn mấy người trước. Bố vào nhà đi. Con đóng cổng đây.
Ông Bình đã quá quen với sự đối đáp cộc lốc của cậu con trai quý tử nên không hỏi gì thêm. Mở cửa bước vào phòng, ông ngoái đầu lại rồi ném cho con trai một lời cảnh báo:
- Hãy thận trọng với gia sư. Liệu có tin tưởng được không hay lại là…
- Bố cứ làm như chỉ có nhà mình mới có của ấy. Nhà mình đã là cái đinh gì. Nhà thằng Tân, bạn con, tài sản nhà nó bố có mà sách dép...
- Ơ cái thằng này láo nhỉ. Tao chỉ dặn mẹ con mày cẩn thận thôi cũng không được hay sao ?
- Bố khỏi cần dạy mẹ chuyện ấy. Mẹ không lừa người khác thì thôi chứ kẻ khác làm sao mà lừa được bà ấy.
Ông Bình nghĩ, nếu có nói thêm gì với thằng con bất trị này cũng bằng thừa. Ông nhìn thằng con bằng cái nghiêm mắt cùng với tiếng “ghừm” uất nghẹn.
Biết mình vừa chọc giận ông già. Thằng Tuấn vội làm lành:
- Thôi thôi, bố lên phòng nghỉ đi.
Thằng Tuấn đi thẳng vào phòng khách. Nó mở tủ, lấy rượu ra, tự rót cho mình một ly. Đáng uống quá đi chứ. Từ nay, mình đã có một gia sư ưng ý ! Nó nghĩ. Mà cũng lạ nhỉ ? Sao bỗng nhiên trời lại mang một anh chàng gia sư “cao thủ” như thế đến cho mình nhỉ ?
Nhân nhi ly rượu, nó nhớ lại hình ảnh buổi chiều hôm qua…
Mười lăm giờ chiều. Tuấn đang ngồi với mẹ xem ti vi thì có tiếng chuông ngoài cổng. Mẹ Tuấn ra mở cổng.
- Dạ thưa bác. Cháu là Hùng. Cháu được giới thiệu, nhà mình muốn thuê gia sư, cháu tới hỏi xem…Chưa nói hết câu thì bà Bình đã chặn ngang bằng câu hỏi:
- Thế cậu tới từ trung tâm nào ?
- Dạ cháu không ở trung tâm nào. Cháu ở nhà số 320 Nguyễn Cao cạnh phố nhà mình thôi ạ.
Bà Bình lúc này mới kịp ngắm nghía cậu sinh viên đang đứng trước mặt. Quần áo bình thường. Giày dép bình thường. Đầu tóc cũng bình thường vì không nhuộm màu lèo loẹt. Cái túi xách đeo chéo qua ngực cũng thuộc loại bình thường. Có nghĩa cậu ta không thuộc diện con nhà giàu. Ừ nhỉ. Mình lẩn thẩn quá ! Nếu đã giàu thì nó đi làm gia sư làm quái gì cho mệt. Nhưng, nếu không phải người do một trung tâm nào giới thiệu đến thì đích thị là thằng trọc đầu rồi. Đã trọc đầu thì làm gì có tóc để mà nắm ? Nghĩ thế, bà như dội vào đầu cậu gia sư sinh viên nọ một gáo nước lạnh bằng một câu hỏi:
- Lấy gì làm cơ sở để tôi tin cậu muốn làm gia sư chứ không phải là kẻ cắp trá hình hả ?
Hùng thấy mình bị xúc phạm. Nó đau lắm. Định bỏ đi, nhưng chợt nhớ đến hoàn cảnh của mình hiện nay, Hùng liền lấy lại bình tĩnh và từ tốn đáp:
- Dạ cháu hiểu ý bác. Cháu có chứng minh nhân dân và thẻ học sinh đây ạ ? Gia đình cháu hiện ở số nhà 320 phố Nguyễn Cao cạnh đây. Bác có thể xác minh được ngay thôi ạ.
Lướt qua những thứ mà Hùng đưa, bà sững người lại khi xem chiếc thẻ học sinh.
- Nhầm rồi. Cái thẻ này đâu phải là thẻ sinh viên ?
- Dạ, không nhầm đâu ạ. Cháu đang học lớp 12 trường Am.
Nghe thế, bà Bình vội cười ngất:
- Hôm nay mình gặp phải thằng thần kinh kinh rồi. Đang học lớp 12 mà đòi làm gia sư cho đứa lớp 9 như con tôi ư ? Điên nặng. Nói rồi bà nhét trả lại những thứ giấy tờ mà Hùng vừa đưa, rồi lùi lại định đóng cổng.
- Xin bác cho cháu trình bày ạ. Đây là giấy chứng nhận giải Nhì Quốc gia học sinh giỏi Toán, giải Nhì học sinh giỏi Văn toàn Thành phố năm nay của cháu ạ. Những thứ này đưa bác xem không phải để khoe đâu ạ. Cháu chỉ muốn bác hiểu là năng lực của cháu hoàn toàn có thể giúp được em Tuấn nhà ta ạ.
Không thèm cầm xem những tờ chứng nhận, bà Bình chỉ nhìn liếc qua. Có mộc đỏ đoàng hoàng. Chắc không phải là giả. Thằng bé này học ở trường Am à ? Cái trường ấy thì nổi tiếng quá rồi. Hồi thằng Tuấn vào cấp 2, mình đã mất toi gần chục triệu bạc nhờ qua trung gian để chạy cho thằng Tuấn vào trường này mà rồi vẫn xôi hỏng, bỏng không. Có con học ở trường ấy, bố mẹ cũng mát mặt với bạn bè cơ quan, hàng phố. Suy nghĩ một hồi, bà Bình bỗng hạ giọng:
- Thôi được rồi. Nhưng sao cậu lại biết tên thằng con tôi ?
- Dạ cháu được cô Hoài giới thiệu ạ.
- Thế hử ? Cậu quan hệ thế nào với cô Hoài ?
- Dạ cháu là gia sư của con cô ấy ạ.
- Thế sao ? Thôi được rồi! Tôi tin cậu. Nghe thằng bé này giới thiệu là gia sư cho con cô Hoài, thì mình có thể yên tâm phần nào rồi. Cô Hoài là bạn thân cùng phố với bà. Thằng con cô ấy năm ngoái học hành bết bát còn hơn thằng Tuấn nhà mình. Nhưng năm nay, cô ấy khoe là thằng bé đã tiến bộ đến không ngờ. Chẳng lẽ là nhờ cậu gia sư này kèm mà nó tiến bộ như thế ư ? Bà Bình hạ giọng:
- Tôi có một điều kiện. Cậu phải thử việc một tuần không công. Và thằng Tuấn nhà tôi phải gật đầu, lúc ấy cậu mới mong được chấp nhận. Nếu thằng Tuấn nhà tôi mà thích thì tôi đồng ý trả thù lao cho cậu gấp rưỡi giá thị trường. Cậu hiểu không ?
- Dạ, cháu đồng ý. Cảm ơn bác đã cho cháu cơ hội để chứng minh khả năng của mình.
- Vào đi. Bà Bình phẩy tay ra lệnh.
Nghe mẹ gọi, thằng Tuấn từ từ đi ra cửa phòng khách. Nó nhìn Hùng từ đầu đến chân bằng một con mắt dò la. Hùng gật đầu:
- Anh chào Tuấn. Anh là Hùng.
- Cậu ấy đến thử việc làm gia sư. Con cứ thoải mái trao đổi nhé. Nếu con ưng ý thì tuần sau, cậu ấy là gia sư chính thức của con. Nói rồi bà Bình đi vào bếp. Từ phòng bếp, bà vừa làm việc vừa có thể kiểm soát được nội dung trao đổi của thằng Tuấn với cậu gia sư này.
- Anh cảm ơn bác và em đã cho anh cơ hội.
Hùng đưa tay ra bắt tay Tuấn một cách lịch lãm và rất người lớn. Lần đầu tiên thằng Tuấn được người khác tôn trọng. Nó nghĩ nhanh trong đầu: “Phong cách của thằng cha này có vẻ được đấy”.
- Đây là toàn bộ những gì liên quan đến anh. Hùng tiếp tục trình bày. Em có thể xem qua để có niềm tin. Hùng đưa cho Tuấn xem đống giấy tờ mà cách đây ít phút cậu đã đưa cho mẹ của Hùng coi.
Thằng Tuấn đọc lướt qua những giấy tờ ấy. Nó liên tục nhướn mắt lên một cách ngạc nhiên.
- Anh là học sinh trường Am ? Đoạt giải Nhì toán quốc gia à ? Lại cả giải Nhì Văn nữa sao ? Văn võ song toàn nhỉ ? Hơi bị hiếm đấy !
- Ừ. Anh đang học lớp 12 A1 chuyên toán.
- Bọn em “hơi bị” ngưỡng mộ trường Am đấy.
- Anh hỏi nhé, em cần anh giúp điều gì ? Hùng nhìn Tuấn thăm dò.
- Ý anh là sao ? Anh làm gia sư thì anh tự biết công việc của mình chứ ? Sao anh lại hỏi thế ?
- Trong quá trình giúp em học, anh sẽ tự phát hiện ra và sẽ giúp em lấp những lỗ hổng kiến thức. Nhưng để không bị lãng phí thời gian, anh muốn em cho biết em cần anh giúp điều gì nhất ? Hùng nhìn Tuấn chân tình hỏi.
- Muốn không phải học nhiều mà vẫn có kết quả tốt. Anh có giúp được không ? Tuấn cười vì câu trả lời đánh đố “đối tác” của mình.
- Anh có thể giúp em được điều này.
Câu trả lời của Hùng khiến Tuấn sững sờ vì bất ngờ.
- Anh nói đùa à ?
- Hoàn toàn nghiêm túc. Nếu em thực hiện tốt những hướng dẫn của anh thì việc học của em sẽ không hề vất vả. Tuy nhiên, hai tháng đầu thì em sẽ phải vất vả hơn một chút vì đó là thời gian em sẽ phải vá víu lại những lỗ hổng kiến thức lâu nay và làm quen với cách học mới. Khi đã vào nếp rồi, anh bảo đảm, em sẽ thấy việc học không đến nỗi vất vả mà còn khá thú vị nữa là đằng khác. Nhưng Tuấn phải cam kết với anh thực hiện năm điều sau đây: Một là giờ nào việc nấy, đã học là tập trung cao độ. Hai là không thực hiện xong kế hoạch không làm việc khác. Ba là thành thật và không dấu dốt. Bốn là, không bao giờ được nhờ anh làm thay em bất cứ việc gì liên quan đến chuyện học. Năm là, phải thực hiện những phút thư giãn trí tuệ mà anh đưa ra. Hết.
Thằng Tuấn tròn xoe mắt khi nghe năm nguyên tắc từ anh chàng gia sư mới này. Nó đã học với bốn “đời” gia sư rồi nhưng chẳng ai đưa ra với nó những nguyên tắc trong việc học hành cả. Phần lớn họ đều phải làm theo yêu cầu của nó. Đa phần là khi nào nó yêu cầu thì họ sẵn sàng làm bài hộ nó. Tuấn đã thấy thích sự khác người của anh chàng gia sư này. Nó chủ động chìa tay ra với Hùng:
- Ô kê. Em chấp nhận và cố thực hiện những nguyên tắc của anh xem sao.
Từ trong nhà bếp, bà Bình không bỏ sót một lời nào của cuộc đối thoại. Thằng Tuấn nhà bà là đứa bất trị, đầu bò đầu biếu. Nó mà đã chịu ai thì người đó phải cao thủ lắm. Thôi thì cũng mừng…
- Bây giờ anh em mình lên phòng học của em. Ta bắt đầu buổi đầu tiên nhé. Hùng giục.
- Ơ thế học ngay ạ ? Thằng Tuấn lại một lần nữa ngạc nhiên.
- Chứ sao ! Hùng cười, khoác tay Tuấn đi lên gác.
Tuấn tiễn gia sư ra về. Bà Bình ngồi chờ con ở phòng khách.
- Thế nào con, cậu ta có đủ sức để làm gia sư cho con không ?
- Quá được. Anh ấy giỏi gấp mấy lần mấy tay gia sư trước. Con thấy thích. Mẹ làm hợp đồng được rồi đấy! Không phải thử việc đâu.
Mẹ biết không. Hoàn cảnh nhà anh ấy thật đáng thương mẹ ạ. Nhưng anh ấy là người có nghị lực cực kỳ đấy. Nhà ở 320 Nguyễn Cao chỉ là nhà đi thuê, mẹ ạ. Gia đình anh ấy phải bán hết nhà cửa ở Triệu Việt Vương để bố anh ấy trả nợ. Anh ấy phải vừa đi học, vừa đi làm gia sư để tự nuôi mình và nuôi em gái đi học nữa, mẹ biết không ? Phong thái của anh ấy rất ra dáng một thủ lĩnh.
- Sao con biết những chuyện ấy ?
- Khi hướng dẫn con học xong, hai anh em ngồi tâm sự, nên con còn biết nhiều chuyện về gia đình anh ấy.
- Liệu có thể tin được hay không ?
- Con tin anh ấy nói thật. Anh ấy bảo, hoàn cảnh gia đình anh ấy ba năm trước cũng khá giả không kém gia đình nhà em bây giờ. Em đừng bao giờ ỷ lại vào điều kiện thuận lợi của gia đình. Phải biết tự lập và đừng bao giờ để hoàn cảnh đánh gục mình… Anh ấy còn nói nhiều điều nữa, hay lắm, “cao thủ” lắm...
- Ừ, nếu thế thì mẹ cũng tạm yên tâm rồi.
***
Sau một tuần học với gia sư mới, thằng Tuấn đã có nhiều thay đổi. Nó thay đổi từ giờ giấc học hành đến thái độ cư xử.
Ngày thứ tám, khi gia sư Hùng ra tới cổng thì gặp ông Hà, bố của Tuấn đi công tác về. Từ hôm đến nhận việc gia sư, hôm nay Hùng mới giáp mặt trực diện với ông bố của Tuấn. Nhìn ông ta, Hùng nhớ đã gặp ông này ở đâu rồi. Ông Hà cũng ngờ ngợ gặp Hùng ở đâu đó nhưng không thể nhớ chính xác.
Hùng cúi đầu chào. Hùng đi rồi nhưng ông Hà vẫn đứng trên thềm nhà nhìn theo. “Nhìn mặt nó sao thấy quen quá ! Mình đã gặp nó ở đâu nhỉ” ?
- Nhà cậu ta ở đâu, Tuấn ?
- Ở 320 Nguyễn Cao.
“Thế thì không phải rồi. Nhưng nhìn cậu ta rất giống thằng bé con lão Nguyễn Tùng, Giám đốc công ty cổ phần Hà Thành. Nhà lão ấy ở phố Triệu Việt Vương. Mấy năm trước, khi đến nhà lão ấy bàn chuyện làm ăn, thằng con trai vẫn chạy ra mở cổng cho mình”. Nghĩ thế, ông Hà liền dặn con:
- Ngày mai, cậu ta đến, con thử hỏi xem bố cậu ta tên là gì nhé.
- Bố anh ấy là Nguyễn Tùng, Giám đốc công ty Hà Thành trước đây.
- Sao con biết ?
- Anh ấy tâm sự với con mọi chuyện về gia đình anh ấy.
- Thảo nào. Sao lạ nhỉ ? Ông Hà lẩm bẩm rồi đi nhanh vào phòng khách. Quẳng chiếc cặp lên sa lông, ông ta lớn tiếng:
- Bà Bình đâu rồi. Mẹ con bà ra đây. Tôi có chuyện muốn nói.
Bà Bình lật đật từ trong bếp chạy ra.
- Có chuyện gì mà ông gắt gỏng thế hả ?
- Từ ngày mai, bà và thằng Tuấn dẹp ngay cái thằng gia sư ấy đi cho tôi nhờ.
- Ô hay, có chuyện gì vậy ?
- Nó là con trai lão Nguyễn Tùng, đối tác làm ăn cũ của tôi. Bây giờ lão ta đã vào tù rồi. Thằng con lão ấy đến làm gia sư cho thằng Tuấn với mục đích gì hả ? Khéo lại là một trò lừa đảo mới đấy.
- Tưởng chuyện gì. Chuyện cậu ta là con trai ông Giám đốc công ty cổ phần Hà Thành, bị thằng cấp phó lừa đảo đến đổ bể phải vào tù thì tôi biết. Tôi đã điều tra và biết rõ từ sau cái hôm thằng bé ấy đến đây xin thử việc. Nó cũng đã tâm sự thật với thằng Tuấn nhà mình về hoàn cảnh của nó. Tôi nghĩ nó chả biết gì về mối quan hệ giữa ông và bố nó trước đây đâu. Nếu có mưu đồ gì như ông nói thì hà cớ gì nó lại thành thật kể về gốc tích của mình như thế ? Ông chỉ được cái đa nghi. Thằng Tuấn nhà mình rất mê trình độ, phương pháp sư phạm và bản lĩnh của nó. Ông thử nghĩ mà xem. Thằng Tuấn mà đã nể phục ai thì không phải của vừa nhé. Nó đang kèm con mình học tốt thế, ông bảo thôi là thôi thế nào ? Chuyện làm ăn của bố nó với ông, liên quan gì đến bọn trẻ mà ông đuổi nó ?
- Bà dạo này thay đổi quá nhỉ ? Bây giờ lại đi sót thương người dưng cơ đấy !
- Thằng bé ấy có tội gì cơ chứ ? Bố nó làm, bố nó chịu chứ !
- Cứ cảnh giác vẫn hơn. Thiếu gì gia sư mà phải mời nó. Thôi dẹp đi. Kiếm người khác.
- Con không đồng ý. Anh ấy là người hướng dẫn giỏi. Những người trước đây chả ai bằng. Bố kiếm gia sư khác thì bố đi mà học với người ta. Con không học.
- Tôi cũng không đồng ý với quyết định của ông. Bà Bình vào hùa với con trai.
Không lung lay được hai mẹ con, ông Hà đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Ông ta tức giận bỏ lên gác, nhưng vẫn ném lại một câu đe dọa:
- Nếu xảy ra chuyện gì thì mẹ con bà đừng trách tôi không nói trước.
***
Thời gian trôi đi thật nhanh. Thằng Tuấn kết thúc năm học lớp chín với kết quả thật khả quan. Các môn tổng kết của nó đều xếp loại khá. Riêng môn toán tổng kết với tám điểm. Kết quả ấy làm mát lòng bà Bình. Vợ chồng bà chỉ có một mình thằng Tuấn. Sau mấy lần xảy thai, bà mới sinh được nó. Nó sướng từ trong trứng sướng ra. Được nuông chiều nên từ nhỏ, nó đã trở thành “quí tử” trên mọi phương diện. Trước đây, nó say nhiều thứ trừ việc say học…
Hôm nay, bà Bình và con trai gặp mặt gia sư Hùng để cảm ơn. Bà không giấu được niềm vui khi bắt đầu câu chuyện:
- Năm nay bác vui quá! Em Tuấn đã có kết quả học tập hơn hẳn năm trước. Bác cảm ơn Hùng đã giúp em tìm lại được hứng thú trong học tập và học tốt hơn trước đây rất nhiều. Hè này, bác muốn Hùng tiếp tục giúp em. Và tháng chín tới, em nó lên cấp ba, bác lại muốn nhờ cháu làm gia sư cho Tuấn giúp bác. Bác chả có gì nhiều. Bác tặng cháu mấy triệu ngoài tiền công để cháu mua chiếc xe đạp mới mà đi. Chiếc xe hiện nay của cháu thay chiếc mới được rồi đấy.
- Sao mẹ thưởng anh ấy ít thế ? Tuấn chen vào.
- Cháu có giúp em được nhiều đâu ạ. Tất cả do sự cố gắng của em Tuấn là chính. Cháu mừng là, kết quả học tập năm nay của em chỉ đạt loại khá nhưng là thực chất. Vì vậy, mẹ em thưởng như thế đã là quá lớn so với công sức của anh rồi. Cháu cảm ơn bác rất nhiều.
Khi Hùng đưa tay đón lấy chiếc phong bì từ tay bà Bình thì ông Hà đột ngột đẩy cửa bước vào. Đến bên bàn nước, ông tự rót nước cho mình rồi quay ra nói:
- Ngày trước, tôi cũng đã mang về cho bố anh nhiều hợp đồng béo bở. Hôm nay, gia đình tôi lại tạo cơ hội làm việc cho anh. Thật không ngờ, cuộc đời tôi lại mắc mớ với cả hai bố con anh nhiều như thế ?
- Cháu không hiểu ý của bác ? Hùng đáp lại.
- Ông bố cậu mắc nợ tôi quá nhiều, từ tiền nong đến uy tín đấy, cậu hiểu không ?
- Cháu không biết chuyện làm ăn giữa bác và bố cháu. Cháu nghĩ, bố cháu đã có một bài học đau đớn về niềm tin đã bị đặt nhầm chỗ. Còn việc cháu đến làm gia sư cho em Tuấn là vì chính cuộc sống của cháu. Cháu cũng muốn qua đây giúp Tuấn vượt qua chính bản thân mình. Trước đây, cháu cũng có hoàn cảnh gần giống với Tuấn. Đó là hội chứng của con nhà giàu. Hoàn cảnh và vật chất đã làm cho phần lớn những đứa con của những nhà giàu ỷ lại, đánh mất phương hướng trong cuộc sống. Cháu muốn Tuấn tìm lại những gì đã đánh mất. Tuấn đã bước đầu làm được điều đó. Cháu muốn Tuấn cũng giống như cháu, chứng minh một điều rằng, giá trị của mình là do chính mình tạo nên chứ không phải từ sự giàu sang mà cha mẹ khoác lên cho mình. Nếu bác cảm thấy phiền với sự có mặt của cháu thì điều đó sẽ được thực hiện từ ngay hôm nay. Chào bác.
Nói rồi Hùng đeo túi đứng dậy, cúi chào.
Bất ngờ trước thái độ của Hùng, bà Bình và Tuấn vội đứng lên giữ tay Hùng.
- Cháu cảm ơn tình cảm của bác. Nhưng em Tuấn có thể đến nhà cháu. Còn đến đây thì, xin lỗi bác, cháu không thể tiếp tục. Mong bác thông cảm.
Trong lúc kéo tay Hùng, bà Bình giật mình khi nhìn thấy cái bớt đỏ trên cánh tay Hùng. Bà vội vuốt tay áo của Hùng lên để nhìn cho rõ. Trời ơi, đó là cái bớt đỏ hình tròn, phía trên có dạng một cái móc. Cái bớt đỏ ấy như một chữ ơ. Liệu mình có nhìn nhầm không? Bà dụi mắt. Không thể? Cái bớt ấy bao nhiêu năm nay đã hằn lên trong tâm trí bà. Bà bàng hoàng. Nhưng, rất có thể có sự trùng hợp chứ ? Bà vội kìm lại cảm xúc. Bà từ từ buông tay Hùng ra. Giọng thẫn thờ, bà nói:
- Thôi được. Nếu cháu đã muốn như vậy thì mong cháu cho phép em Tuấn sang nhà cháu, nhờ cháu kèm. Bác cảm ơn !
***
Hùng về rồi, bà Bình bước vào căn phòng vẫn dành cho khách và đóng chặt cửa lại. Bà nằm vật trên giường. Chiếc đèn chùm treo giữa phòng như mờ đi. Quá khứ lại hiện về. Năm ấy bà mới ngoài hai mươi tuổi đời. Cô kỹ sư Bình vừa tốt nghiệp ra trường và đi làm những ngày đầu tiên. Cũng những ngày đầu tiên ấy, cô đã gặp mối tình “sét đánh”. Cô làm quen với Khanh - một thanh niên khá bảnh trai trong một buổi lao động xã hội chủ nghĩa tại công trường nạo vét một chiếc hồ ở phía nam thành phố. Rồi trong một lần hò hẹn, không kìm nén được ngọn lửa tình yêu, cô đã dâng hiến cái quí giá nhất của đời một người con gái cho người yêu. Cũng cái lần đầu tiên và duy nhất ấy giữa hai người, cô đã mang thai ngoài ý muốn. Khi cái thai ngày một lớn dần thì Khanh cũng thưa dần những cuộc hò hẹn với cô. Và cuối cùng, Khanh đã từ chối cái mầm sống đang lớn dần trong cơ thể Bình mà anh ta là tác giả. Bình gần như gục ngã trước lời từ hôn của Khanh. Cô nén chặt cái thai trong bụng mấy tháng liền. Cô đấu tranh với chính mình trong nỗi đau vật vã. Đến tháng thứ tư, cô đã quyết định xin tạm nghỉ việc cơ quan với lý do về quê “chữa bệnh”. Cô đã bí mật sinh con. Đó là một đứa con trai kháu khỉnh. Trên bụng cánh tay phải của nó có một chiếc bớt nhỏ màu đỏ hình chữ ơ. Nghĩ về tương lai, cô không đủ dũng cảm để tự mình nuôi con một mình. Cuối cùng, cô đã mang đứa con của mình cho một cơ sở nuôi trẻ mồ côi ở ngoại thành. Từ đó, cô không có thông tin nào về đứa con mà mình đã tự nguyện cho đi. Trong tâm khảm, hình ảnh thằng bé với cái bớt đỏ hình chữ ơ ấy cứ hiện về. Nó giày vò tâm khảm cô, ngay cả khi cô đã kết hôn với người chồng hiện nay là ông Hà. Nỗi đau của cô về đứa con đầu tiên, người chồng hiện nay của bà cũng không hề biết. Sau mấy lần xảy thai, phải bốn năm sau ngày cưới, bà mới sinh được Tuấn. Có lẽ đứa con tội lỗi mà cô từ bỏ đã oán hận cô, khiến cô mấy lần sinh nở không thành. Bà đã phải tìm đến cửa Phật để cầu mong được xá tội cho lỗi lầm của một thời tuổi trẻ…
Bà Bình quyết định tới gặp mẹ của Hùng. Phải khó khăn lắm bà mới thuyết phục được mẹ của Hùng nói ra sự thật. Lấy nhau nhiều năm nhưng bà và ông Nguyễn Tùng vẫn không có con. Được một người quen giới thiệu, ông bà đã tới cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi để xin con nuôi. Cậu bé ba tháng tuổi, có cái bớt đỏ trên cánh tay phải đã trở thành con của ông bà. Đó chính là Hùng - Nguyễn Hùng.
Khi biết cậu gia sư Nguyễn Hùng chính là đứa con mà mình đã từ bỏ ngày nào, tâm trạng bà Bình vô cùng rối bời. Nếu bà tiết lộ sự thật được giấu kín mười tám năm qua thì chắc chắn nhiều giông tố sẽ xảy đến. Trước tiên, bà phải đối mặt với ông Hà, chồng bà. Dễ gì một người tính tình cực đoan như ông ta sẽ bỏ qua sự lừa dối “kinh khủng” như thế của vợ! Thằng Tuấn, con bà, liệu có chấp nhận một người anh như Hùng? Và điều quan trọng nhất là thái độ và tình cảm của Hùng? Thằng bé có tha thứ cho tội lỗi mà người mẹ đẻ đã bỏ rơi nó hay không? Còn ông bà Tùng? Dễ gì họ chấp nhận để bà “cướp đi” đứa con duy nhất ra khỏi vòng tay yêu thương của họ sau ngần ấy năm trời. Và liệu Hùng có chấp nhập một sự thật này không? Cuối cùng, việc công khai mối quan hệ giữa Hùng và bà chắc chắn sẽ làm đảo lộn cuộc sống của cả hai gia đình. Nếu quyết định công bố sự thật, rất có thể, bà sẽ mất mát và đau khổ nhiều hơn những gì mà bà có thể được nhận từ sự kiện này. Nhưng nếu sự thật không được công bố thì bà sẽ ôm hận suốt đời với đứa con mà bà đã dứt ruột đẻ ra rồi lại bỏ rơi nó…Suy nghĩ trong dằn vặt làm bà càng thêm đau khổ. Bà gục mặt xuống gối. Nước mắt tuôn rơi trong tiếng nức nở. Trong nỗi đau dằn vặt tưởng như tận cùng ấy, bỗng bà thấy mình tỉnh táo hơn lúc nào hết.
“Mình không thể khuấy động cuộc sống hiện nay của thằng bé. Mình sẽ tìm mọi cách để âm thầm bù trì cho nó. Hãy cứ để thằng bé là gia sư Nguyễn Hùng của thằng Tuấn. Sự lựa chọn này với bà dù đau đớn và không hề mong muốn. Nhưng đó là sự lựa chọn khôn ngoan và tốt đẹp cho bà và nhiều người liên quan trong hoàn cảnh hiện nay. Rồi sẽ có cơ hội để một ngày nào đó trong tương lai sự thật sẽ được bày tỏ” ...
Nghĩ thế, rồi bà thiếp đi trong đau khổ.
Chiều mai, thằng Tuấn sẽ bắt đầu một ngày học mới tại nhà của cậu bé gia sư Nguyễn Hùng.
P.T. L