Hắn tên là Khôi, lớn lên trong thời buổi chiến tranh gian khó. Mặc dù vậy, khuôn mặt cũng khôi ngô tuấn tú như cái tên của hắn; cuộc đời hắn tưởng chừng sẽ thuận buồm xuôi gió, học hành tới nơi tới chốn, đỗ đạt cao. Ai ngờ chưa đầy 18 tuổi, chiến tranh chống Mỹ cứu nước đang đi vào cao trào tổng động viên giành thắng lợi. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước hắn viết đơn tình nguyện nhập ngũ để ra chiến trường chiến đấu chống quân thù. Nhập ngũ được ít ngày thì cuộc tổng tiến công trong cả nước giành thắng lợi hoàn toàn. Cả nước vui mừng chào đón ngày chiến thắng, hắn tưởng sẽ sớm được trở về để tiếp tục con đường học hành dang dở mà hắn từng mơ ước. Đâu ngờ, cuộc đời quân ngũ nơi rừng sâu để chống funro và bị sốt rét cứ kéo dài mãi. Tuy nhiên với bản tính là người chịu khó và thông minh, hắn luôn làm việc say mê và tích cực, không nề hà bất cứ việc gì dù khó khăn, gian khổ. Hắn được cấp trên tin tưởng giao cho phụ trách từ tiểu đội trưởng trở lên, cái cấp mà cánh lính trẻ thường trêu nhau là “đầu binh cuối cán”. Những năm tháng bộ đội ở giữa rừng sâu, thiếu thốn, gian khổ mọi thứ; nhưng có một thứ miễn phí được dùng thoải mái đó gọi là nước tự nhiên, tha hồ tắm sông, tắm suối, nước từ đầu nguồn các con suốt chảy ra trong vắt và mát rượi, còn nước sinh hoạt thì đào giếng để dùng…
Thế rồi không ngờ một ngày hắn lại được cấp trên cho đi ôn thi đại học, hắn lại thi đỗ đại học ở nước ngoài, được dùng nước sạch của nước bạn, sạch đến độ có thể uống trực tiếp nước từ vòi nước công cộng vì nước đã được sử lý đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh một cách nghiêm ngặt. Sau 5 năm học, hắn tốt nghiệp về nước lại được nhận công tác ngay giữa thủ đô, cuộc đời đẹp tựa giấc mơ. Đâu ngờ, cuộc đời chưa hết khó khăn lại đến với hắn, như bao người dân Việt Nam khác trong thời kỳ khó khăn ấy.
Những ngày đầu về nhận công tác ở thủ đô, hắn phải đi ở nhờ, vợ con thì vẫn ở quê. Hắn hy vọng nhận được thùng hàng từ Nga gửi về sẽ bán đi để mua căn nhà ở thủ đô dù ở trong ngõ cũng sướng. Lại ai ngờ, ngày nhận thùng hàng thì mới biết hải quan Nga đã mở ra kiểm tra thu hết những mặt hàng giá trị; chỉ để lại cho hắn mỗi thứ một cái theo tiêu chuẩn của dân Nga thời bao cấp như một cái bàn là, một cái nồi hầm và một chiếc tủ lạnh Salatop… Tính ra, bán đi trừ tiền thuê xe chở về nhà chẳng còn được bao nhiêu.
Hắn gom tiền lại và vay thêm anh em, bạn bè đủ để mua một căn hộ chung cư thời bao cấp ở mãi trên tầng 5 tầng cao nhất của các chung cư thời ấy. Mùa hè thì nắng, nóng cực độ, mùa đông thì gió lạnh lùa vào buốt thấu sương… Thế là hắn bắt đầu sống những ngày cơm niêu, nước lọ. Hàng ngày đi làm về, hắn rẽ qua chợ mua rau và mấy lạng thịt về lọ mọ nấu ăn. Có hôm cô em họ ghé chơi thấy thế nói: Anh tội gì phải thế, đi học nước ngoài về mà chẳng khác mấy ông công nhân. Mọi người như anh, họ toàn đi ăn nhà hàng hoặc nhậu nhẹt với bạn bè, còn anh thì… may mà anh có vợ rồi, không thì ế dài dài luôn !
Ở một mình được một thời gian hắn thấy buồn quá, phóng xe về quê, bàn với vợ, đưa đứa con lớn xuống Hà Nội ở cùng với bố cho vui. Vợ hắn mừng quá, con ở với bố vừa vui, vừa có người quản lý ông chồng văn nghệ sỹ nửa mùa cho mình. Vả lại điều kiện học hành cho con ở thành phố cũng tốt hơn ở các tỉnh lẻ. Ngày hắn lai con gái bằng xe máy xuống Hà Nội ở với bố, vợ hắn sắm thêm cho hai bố con, một lô soong nồi, bát đĩa mới…
Về Hà Nội, hắn lại lo đi xin cho con vào học lớp một, vì chưa có hộ khẩu ở Hà Nội nên con hắn phải đóng tiền học trái tuyến, tính ra thời ấy cũng tốn kém kha khá đấy. Không biết cán bộ, công chức nào của nhà nước thời bao cấp lại nghĩ ra được sáng kiến trái khoáy nửa thị trường, nửa bao cấp ấy …? Lại những ngày lọ mọ nấu ăn cho hai bố con, vì lười đi chợ hắn cứ mua thức ăn cho hai bố con ăn vài ngày liền. Có lần bị mất điện mấy ngày, thức ăn bị thiu, con ăn vào bị đau bụng, đi ngoài, hắn phải lo cuống cuồng cho con đi viện khám bệnh.
Nhưng mất điện chưa khổ bằng mất nước, nhất là vào những tháng mùa hè nóng đến 39, 40 độ. Vì nhà hắn ở trên tầng cao nhất, nước bơm vào ban ngày các hộ tầng dưới họ lấy hết, nước chưa kịp lên đến tầng 5 thì hết giờ bơm nước, thế là hắn phải xuống bể công cộng để xách nước về nấu ăn, tắm giặt… Sau hắn phải thức đêm để lấy nước vào ban đêm cho đỡ phải đi xách nước, nhưng vì thức khuya, thiếu ngủ, nên sáng hôm sau đi làm đến cơ quan, nhiều hôm hắn phờ phạc như thằng nghiện. Mọi người hỏi sao mà trông như “gà dù” ấy thế, hắn kể đêm nào cũng phải lo đi sách nước để sáng ra có nước dùng trong sinh hoạt.
Anh trưởng phòng dáng vẻ chững trạc hỏi: Sao đi họp không phản ánh với tổ dân phố về tình trạng thiếu nước trầm trọng đến như vậy. Hắn trả lời, em phản ánh rồi nhưng chẳng thấy hồi âm gì, đi họp tổ dân phố chủ yếu là phải đóng tiền cho các quỹ xóa đói giảm nghèo đã đành, quỹ vệ sinh, quỹ an ninh, quỹ gì nữa em chẳng nhớ hết; còn tình trạng mất nước thì “ nguyễn y vân”. Anh trưởng phòng lại mách nước tiếp, thế thì đến gặp trực tiếp tổ công nhân bơm nước, phản ánh với họ xem sao ? Hắn bèn trả lời, em cũng đã đến nói với tổ bơm nước rồi, họ nói là nước trên cấp về có hạn; vả lại hệ thống đường ống đã thiết kế thế rồi, phải chịu thôi không còn cách nào khác !
Để khắc phục tình trạng phải thức đêm hắn định học tập các hộ dân trong khu tập thể mua máy bơm đặt trên bể nước tập thể, đóng cái hòm khóa lại để giữ máy bơm, kẻo hở ra một tí là trộm nó bê đi ngay. Nhưng khi đi khảo sát tìm chỗ đặt máy bơm thì chẳng còn chỗ nào trống nữa, mọi người đã mắc trước hết rồi, dầy đặc các loại máy bơm nước của Tây, Tầu và ta các kiểu, đường ống dẫn nước chẳng chịt, đan chéo nhau, trông xa như một mạng nhện khổng lồ mà không thấy bắt được con ruồi nào !
Nghe bạn hắn mách, lắp trực tiếp máy bơm vào đường ống hút nước ngược về nhà mình, hắn thấy có lý, bèn về áp dụng ngay. Đêm đầu tiên khi thấy họ bơm nước, hắn cắm máy bơm của mình vào, máy chạy êm ro, nước tràn về mát rười rượi, sướng làm sao, đang đêm hắn tự thưởng cho mình một bữa tắm thoải mái bằng dòng nước mát mới bơm được về. Mặc dù hắn biết là đang đêm mà tắm như vậy là phản khoa học và rất nguy hiểm… Tắm xong, mát mẻ, hắn yên trí ngủ ngon, sáng hôm sau thấy bể nhà mình đầy nước, hắn mừng quá, tưởng từ nay sướng như tiên, đêm cứ việc ngủ ngon, sáng dậy đã có đầy bể nước tha hồ mà tắm giặt, nấu ăn…
Đêm thứ hai, sáng dậy hắn kiểm tra không thấy bể nước đầy thêm được tí nước nào, sờ đến máy bơm thì nó bị cháy khét lẹt từ bao giờ. Sáng đến cơ quan làm việc kể chuyện cho mấy thằng bạn cùng phòng nghe, bọn nó cười nhăn nhở và còn nói: Sao mày rốt thế, lắp bơm nước trực tiếp vào đường ống, nhưng vẫn phải canh chừng khi nào họ bơm nước thì mới cho máy của mình chạy được; khi họ dừng bơm nước là phải tắt máy ngay không thì cháy máy là cái chắc. Thôi trả học phí đi em ạ ! Thế là hắn lại phải nghiến răng chi ra hơn một triệu bạc mua máy bơm mới và vẫn phải thức đêm hút dòng nước ngược như vậy hơn một chục năm trời !
Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, nền kinh tế theo cơ chế “thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” dần phát triển; cộng với sự chịu khó làm ăn, tiết kiệm chi tiêu, có được ít tiền hắn muốn hạ thổ, mua một mảnh đất cắm rùi, khoan lấy một cái giếng nước để thoát khỏi cái cảnh thức đêm canh nước.
Hắn quen anh bạn thời bộ đội có mảnh đất gần bờ sông Hồng, rộng rãi khi hắn đến dự buổi gặp mặt các Cựu chiến binh. Thấy địa thế quá đẹp, mặc dù ngoài đê chính, nhưng mặt đê quai. Tuy những năm gần đây vẫn còn bị ngập vào mùa mưa; nhưng bây giờ đã có thủy điện Hòa Bình rồi chắc sẽ không còn bị lụt nữa. Tương lai chắc thành phố sẽ phải quy hoạch lại khu bờ sông chứ không có nước nào lại để hai bên bờ của một con sông lớn chảy qua giữa thủ đô lại có cảnh tượng hoang sơ và nhếc nhác như thế. Vì hắn đã trông thấy bờ sông của các nước phương Tây, phương Đông và ngay cả Sài gòn và Đà Nẵng hai bên bờ sông được quy hoạch xây dựng thành vườn hoa, cây xanh rất đẹp.
Thế là hắn về bàn với vợ quyết định mua mảnh đất ngay sát bờ sông, ngày đó còn rất hoang sơ và vắng người, thông qua một mảnh giấy viết tay đơn giản vì hắn tin tưởng vào đồng đội vào sống ra chết cùng với mình thời còn trong quân ngũ. Khi gia đình biết tin, hắn vấp phải sự phản đối rất quyết liệt từ phía bố mẹ và sau này hắn cũng vấp phải rắc rối, suýt mất mảnh đất từ chính mảnh giấy viết tay đơn giản ấy, cùng với sự tin tưởng ngây thơ vào đồng đội, bạn bè của mình… Đúng như dự định hắn xây được căn nhà bê tông 3 tầng khá kiên cố và thuê thợ khoan một giếng khoan sâu đến hơn bốn mươi mét để dùng trong sinh hoạt, vì ngày đó ở khu vực này còn chưa có nước máy, mặc dù chỉ cách trung tâm thủ đô chưa đến 3 km.
Mạch nước ngầm lại được lấy ở gần bờ sông còn rất sạch, chưa bị ô nhiễm môi trường. chỉ cần bơm lên lọc qua là có thể dùng thoải mái, không còn nỗi lo canh cánh, cảnh mất nước như xưa, mỗi khi đêm về. Tuy nhiên, sau một thời gian tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh đến chóng mặt, trước đây hai bên nhà hắn đều còn là hai mảnh đất trống. Chỉ một thời gian ngắn sau đã thành phố với những dẫy nhà cao 4 đến 5 tầng. Hắn lo nước ngầm có thể đã bị ô nhiễm, nhân cơ hội Công ty nước sạch thành phố về lắp đường ống nước máy mới và tuyên truyền, kêu gọi người dân dùng nước sạch do thành phố cung cấp. Hắn phấn khởi lắm, hăng hái xây bể nước ngầm, mua bơm nước mới để đẩy nước lên cao trên tầng thượng; vì máy bơm nước giếng khoan chủ yếu có chức năng hút nước lên, còn máy bơm nước từ bể ngầm lên mới có chức năng đẩy nước ngược lên cao. Mặc dù phải chi ra đến hơn hai triệu để mua máy bơm nước mới của Italia để đấy nước lên cho khỏe; hắn cũng không tiếc tiền, vì chẳng thấm gì so với việc xách nước hoặc thức đêm canh nước như ngày xưa.
Thế nhưng đến mùa hè lại không thấy có nước máy về bể nước ngầm để bơm nước lên, gọi điện cho công ty nước thì không thấy ai nghe máy. Vài ngày sau là hết nước dùng, hắn lại phải đi mua dây bơm nước, xin hàng xóm vẫn còn sử dụng nước giếng khoan dẫn về để dùng. Chờ cả vài tuần cũng không thấy có nước về, gọi điện cho công ty nước thì máy cứ to tí te, mà chẳng ai thèm nghe; chẳng lẽ cứ đi xin nước mãi. Thế là hắn lại phải mua một máy bơm hút giếng khoan mới để bơm nước lên dùng… Nhưng trong lòng vẫn ấm ức, sao Công ty nước sạch, hàng tháng vẫn đến thu tiền nước đều đặn thế mà khi mất nước không thèm thông báo cho dân biết, gọi điện cũng không thèm nghe máy là sao…?
Hay đúng như người ta thường nói: Điện, nước là các công ty nhà nước độc quyền cung cấp, nên dân có nước hay không họ chẳng mấy quan tâm, vì lương thưởng họ vẫn lĩnh đều đều mà. Hắn kiên trì gọi điện xem trách nhiệm của họ ra sao. Phải đến hơn một tháng kiên trì gọi điện thì rất may có một anh bạn, chắc tầm trung niên nghe máy; sau khi nghe hỏi nguyên nhân vì sao không cấp nước cho nhân dân trong phường. Anh ta bèn giải thích, hệ thống nước của thành phố được đấu theo mạch vòng, về mùa hè ít nước, chỗ bác ở lại cao hơn so với nơi khác nên nước không thể chẩy đến được về mùa hè !
Thế nhưng bực nhất là ngay ngày hôm sau có chị ở công ty nước đến đòi thu tiền nước; hắn trả lời là hơn một tháng nay làm gì có hột nước nào mà thu tiền, Chị ta trả lời: Tuy không có nước vẫn phải trả đồng hồ nước ! Hắn ngạc nhiên hỏi, đã không có nước sao lại đòi thu tiền đồ hồ nước ? Chị ta nói: Đồng hồ nước công ty mới thay nên hàng tháng vẫn phải thu tiền đồng hồ và tháng sau chị ta lại đến bấm chuông và đòi thu tiền đồng hồ nước. Chuyện thật mà nghe cứ như đùa ! Mặc dù nhiều người dân trong phường đều không chịu được cảnh làm ăn cửa quyền của công ty nước; đã chuyển lại dùng nước giếng khoan hết cả… Vài ngày sau thấy công ty nước họ đến từng nhà trong phường khóa đường dẫn nước và tháo hết đồng hồ nước mang về, thật đúng là một công ty nhà nước mà làm việc như trò trẻ con !
Bước sang năm 2019 - 2020, nghe phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, thành phố đã đầu tư xây dựng nhiều nguồn nước mới phục vụ nước sạch cho người dân, có cả một nhà máy nước to đùng lọc nước từ sông Đuống phục vụ cho nhu cầu nước sinh hoạt của thành phố. Chấm dứt cảnh thiếu nước về mùa hè như những năm vừa qua. Bây giờ nước có thể bơm lên cao mấy chục tầng để phục vụ cho các chung cư cao cấp cơ mà...!
Một hôm hắn trông thấy một anh chàng thanh niên rất đẹp trai, đeo kính cận đi khảo sát đường ống nước sạch, trong thâm tâm hắn vẫn muốn dùng hệ thống nước sạch do thành phố cung cấp để yên tâm hơn trong sinh hoạt, khỏi lo nước ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe. Hắn cùng một vài người hàng xóm hỏi anh chàng cán bộ công ty nước đẹp trai là thế chúng tôi muốn được cung cấp lại nước thì phải đăng ký như thế nào ? Anh ta giải thích: Các bác phải đến công ty nước làm đơn đăng ký cấp nước. Sau đó công ty sẽ cử người về thiết kế cấp lại nước cho các bác. Hắn nói sao không đăng ký qua mạng được à, thời buổi covit 19 đang hoành hành, lây lan nhiều nơi thế này, sao không cho đăng ký qua mạng, vừa nhanh chóng, vừa đảm bảo an toàn. Các ngành dịch vụ khác như ngành điện, viễn thông đều trả tiền qua mạng từ lâu rồi mà… ? Việc đó cháu không biết, các bác đến mà hỏi công ty !
Hắn đành hỏi tiếp: Đường ống có sẵn rồi sao phải thiết kế, đồng hồ và nước đều phải trả tiền, sao phải thiết kế nữa ? Anh ta nói: Vẫn phải thiết kế đấy là quy định của Công ty. Trả lời thế thì bó tay chấm com rồi còn gì ! Lại là quy định của thói cửa quyền thời bao cấp của công ty nhà nước. Thôi thì trời không chịu cấp nước, thì nước phải chịu trời vậy ! Hằn đành ngậm ngùi hỏi thế tiền thiết kế là bao nhiêu? Anh ta trả lời là khoảng hơn hai triệu ! Mọi người kêu trời vì thói cửa quyền hiện hữu, không còn là bóng ma của thời bao cấp vẫn còn ám ảnh nữa, mà nó đang hiện hữu sờ sờ trước mặt mọi người.
Có một bà trong xóm nói thôi các bác ạ, cứ dùng nước giếng khoan đi, nhà em làm nghề xét nghiệm nước; em vẫn xét nghiệm thường xuyên, nước ngầm hiện nay vẫn còn đảm bảo đủ tiêu chuẩn, chỉ cần mỗi nhà trang bị một bộ lọc nước cho sạch là được. Mọi người tan hết giấc mơ nước sạch, ra về củng cố lại máy lọc nước nhà mình. Mặc dù đang ở trong thời đại 4.0, nhưng để dùng được nước sạch của thành phố chắc phải sang đến thời đại 5.0 các bạn à ? Đúng là có một dòng nước đang chảy ngược với dòng chảy lịch sử phát triển nền kinh tế, xã hội của đất nước…!