"Đợi một tiếng chuông" - Tản văn của Nguyễn Hữu Quý

Ngày đăng: 09:15 23/07/2021 Lượt xem: 388
 
-----------------------------------------------------------------

ĐỢI MỘT TIẾNG CHUÔNG
Tản văn Nguyễn Hữu Quý

       Trước ngày 27 tháng 7 một tuần, tôi trở lại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn nằm ở thượng nguồn sông Bến Hải. Chuyến đi có bốn người, vợ tôi và hai người bạn thân. Trừ bạn đời của tôi vốn là cô giáo, ba người còn lại là cựu chiến binh. Phan Tiến Chương, đồng hương huyện Bố Trạch (Quảng Bình) nhập ngũ cùng đợt tháng 6.1974 với tôi và cũng là lính Trường Sơn. Trần Đăng Hóa, quê Gio Linh (Quảng Trị) từng làm bộ đội ra đa, bạn thân thiết với tôi từ hồi còn học phổ thông thời bố mẹ Hóa tập kết ra miền Bắc. Vợ tôi quê Quảng Trị, là con đầu của một đôi vợ chồng tập kết hồi 1954. Em sinh ra ở Vĩnh Linh, nơi tạo cảm hứng cho những ca khúc nổi tiếng ra đời thời ngày Bắc đêm nam như "Xa khơi", "Câu hò trên bến Hiền Lương"… Công việc của chúng tôi là đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn thắp hương cho các anh chị bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến hi sinh trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại thời chống Mỹ.
       Tôi nói tôi trở lại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn vì mình đã có nhiều lần có mặt nơi linh thiêng này. Nơi yên nghỉ của mười nghìn Liệt sĩ này đã mấy lần đi vào thơ tôi như một gửi gắm, giao phó huyền diệu với những "Bông huệ trắng"; "Khát vọng Trường Sơn"; "Tiếng ve ở nghĩa trang Trường Sơn"; "Nấm mộ hai bia"; "Mây trắng Trường Sơn"; "Trường Sơn tóc dài"; "Nhớ về tuổi học trò của một Liệt sĩ"…và không thể không nhắc đến trường ca "Vạn lý Trường Sơn". Hình như đã dồn tụ lại một Trường Sơn bi tráng còn chất chứa muôn vàn bí ẩn trong tôi vốn là lính Trường Sơn trước khi về tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nếu như không có "Bông huệ trắng" và "Khát vọng Trường Sơn", cả hai tác phẩm đều được tặng thưởng và giải thưởng của Văn nghệ Quân đội năm 1995 và 1996 thì chắc chắn tôi chẳng bao giờ có hạnh phúc trở thành người của "Nhà số 4" ở phố Lý Nam Đế, Hà Nội. Những thi phẩm thời hậu chiến mang khát vọng của hàng vạn người không trở về sau muôn vàn khốc liệt, mất mát, thương đau. Có lẽ vì thế mà nó đã chạm được vào trái tim của người đọc chăng?


Bên mộ bạn - Liệt sĩ Nguyễn Thị Liên. Nguyễn Hữu Quý “trầm tư ngồi đợi một tiếng chuông…”
 
       Tháng 7. Quảng Trị, lồng lộng gió Lào. Cái thứ gió ai đã một lần gặp phải chắc khó lòng quên được. Gió đổ xuống ào ạt từ trùng điệp Trường Sơn, khô và nóng như vừa thoát ra khỏi lò lửa khổng lồ. Cây cỏ khó lòng xanh tươi khi bị nung trong thứ gió được coi như biểu tượng của miền đất này. Thế mà, ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, bao bọc xung quanh những khu mộ san sát cây cối vẫn tươi xanh như có phép nhiệm màu. Cây, to và bé, cao hay thấp đều tự nhiên xanh, tự nhiên đẹp như được tưới tắm bằng muôn lớp giọt đời khuất vắng. Hàng thông vạm vỡ nâng đỡ vòm lá kim vi vút; cây bồ đề mang trong đó một huyền thoại chưa rõ nguồn cơn. Người ta kể rằng, khi xây xong tượng đài Tổ quốc ghi công thì phía sau đó nhú lên một cây bồ đề. Cứ như Đức Phật bao la đã gieo xuống đây một hạt giống yêu thương. Chỉ có yêu thương mới làm dịu lại đau thương. Chỉ có yêu thương mới giác ngộ được những lầm lỗi hận thù. Yêu thương vô tư rồi sẽ có tất cả. Lời Phật đấy; quá khứ, hiện tại rồi mai sau vẫn còn nguyên giá trị. Chẳng biết từ bao giờ, phía sau tượng đài Tổ quốc ghi công, dưới tán bồ đề tỏa rộng người ta đã đặt một tượng Phật đứng bằng đá màu trắng. Bức tượng không lớn, chỉ bằng vóc dáng của một phụ nữ Việt bình thường. Chúng tôi lần lượt vào thắp hương trước tượng Phật, những vòng khói lam mờ bay lên thơm nhẹ. Trước mắt tôi bất chợt một khoảng lặng vô tận, giữa mênh mang và sâu dày rung lên những thầm thì gần gũi.
       Bên kia, chiếc chuông đồng lớn vẫn nằm im như một pho sách chưa mở. Những trang sách vô hình ghi chép cuộc đời của những con người đang yên nghỉ ở nơi đây. Phần đông các anh chị, các bạn còn rất trẻ. Trẻ đến mức làm chúng ta không khỏi xót xa. Họ ngã xuống ở tuổi thanh xuân vì bom đạn, vì bệnh tật, và vì cả những tai ương không ngờ khác. Bạn tôi, Phan Tiến Chương đi tìm mộ của ba người chú nằm ở đây. Tìm mãi vẫn chỉ gặp được hai người. Loay hoay mãi mới thấy mộ người chú thứ ba. Những nén hương được thắp lên. Cũng như tôi vậy, có lần về thăm bạn thời học trò của mình ở đây; Liệt sĩ Nguyễn Thị Liên, quê xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình loanh quanh mãi vẫn không thấy dù chẳng phải lần đầu tiên. Liên hi sinh khi mới mười tám tuổi. Tuổi ấy đầy sức sống và thường hồn nhiên. Liên, tôi nhớ rất hồn nhiên, hay tham gia trò chơi với chúng tôi và có chuỗi cười giòn tan dễ gần. Bài thơ "Nhớ về tuổi học trò của một Liệt sĩ" viết từ năm 1977 của tôi tặng hương hồn Liên có những câu: "Giọng cười đem cái thương cái mến / Chia đều cho mỗi chúng tôi"…Có lẽ, Liên muốn chơi trò trốn tìm với tôi chăng? Tất nhiên sau đó thì tôi vẫn tìm được người bạn gái đáng yêu ấy ở vị trí rất dễ thấy vì nhà của Liên ở gần lối đi. Lần này, thì tôi tìm thấy ngay. Những cành hoa cúc vàng đặt trên mộ bạn. Khói hương làm cay mắt tôi…Vợ tôi, ngồi cạnh bên rơm rớm nước mắt.
       Im lặng quá. Bay xa đâu rồi tiếng cười của bạn? Đi về đâu cái dáng mảnh mai, khuôn mặt trái xoan nhẹ nhõm? Liên ơi, tôi thầm gọi bạn và trong nắng tháng bảy trầm tư ngồi đợi một tiếng chuông…
 
(Viết sau chuyến đi viếng các Liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn - 19.7.2021)

Đại tá, Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý
Phó Chủ tịch TT Hội VHNT Trường Sơn VN

 
tin tức liên quan