"Đến với một áng tri ân" - TG: CCB, Bác sỹ Quân y: Kim Hương

Ngày đăng: 07:25 26/07/2021 Lượt xem: 487
 
-----------------------------------------------------------------

ĐẾN VỚI MỘT ÁNG TRI ÂN
 
THẠCH HÃN ƠI!
(Tác giả Phạm Sinh )
 
Thạch Hãn ơi! Nay chúng tôi về đây
Tưởng nhớ lại tám mốt ngày đêm khói lửa
Tìm các anh nhưng chẳng còn thấy nữa…
Mặt sông ánh hồng màu lửa - Máu các anh
 
Thạch Hãn ơi! đôi bờ những mầm xanh
Nó mọc lên từ cốt nhục các anh có phải?
Cây và sóng sông cứ rì rào reo mãi
Nơi mà các anh nằm lại dưới lòng sông
 
Thạnh Hãn ơi! Sông có biết không
Các anh đấy - đồng đội chúng tôi đấy
Thương nhớ các anh cùng về đây tưởng niệm
Thả hoa đăng trên gương mặt của sông
 
Thạnh Hãn ơi! Sông có biết không
Đừng để hoa đăng trôi ra biển nhé
Cứ vòng lượn dọc ngang sông nhè nhẹ
Đừng rời xa nơi đất mẹ các anh nằm
 
Thạnh Hãn ơi! Sông có cách nào không?
Khỏa xốp nước lên cho khói hương bay xuống
Để phần mồ đáy sông các anh tận hưởng
Nghĩa cử tri ân của đồng đội hôm nay
 
Thạch Hãn ơi! Nay chúng tôi về đây
Viếng đồng đội mình hy sinh vì Tổ quốc
Nguyện trước các anh chúng tôi luôn vững bước
Bảo vệ, dựng xây đất nước mãi thanh bình
 
Thỏa niềm mong của người đã hy sinh…
 

Phạm sinh.
 
 

NHỮNG ĐIỀU CẢM NHẬN
Kim Hương

       Tháng bẩy về, cả đất nước cùng hướng tới ngày 27, thắp sáng ngọn nến tưởng nhớ tới các Anh hùng Liệt sỹ đã hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Khắp mọi nơi, trên các Nghĩa trang Liệt sỹ, các tượng đài tưởng niệm đều sáng lên ngọn lửa tri ân. Hôm nay Kim Hương kính mời đồng đội và các anh chị em cùng về với dòng sông Thạch Hãn, tưởng nhớ 81 ngày đêm nơi Thành Cổ Quảng Trị qua bài thơ “THẠCH HÃN ƠI” của tác giả Phạm Sinh.
       Phạm Sinh là CCB của Sư đoàn 471 Anh hùng – Bộ đội Trường Sơn thời chống Mỹ cứu nước. Với tâm huyết của người lính từng mắc võng trên tuyến đường máu lửa Trường Sơn nên anh hiểu sâu sắc giá trị máu xương của người lính trên chiến trường. Bài thơ “Thạch Hãn ơi” là những phút trải lòng của anh với bao đồng đội đã anh dũng hy sinh trên “dòng sông lửa”, làm nên chiến công hiển hách cùng Thành Cổ đi vào trang sử.
       Khổ thơ đầu tiên, tác giả đưa chúng ta về với dòng sông gắn liền những ký ức đau thương. Sông Thạch Hãn là nơi hi sinh của biết bao Chiến sỹ từ phía Nhan Biều, Ái Tử vượt sông vào Thành cổ tiếp tế và chiến đấu. Để cắt con đường tiếp tế đó, bọn địch điên cuồng dội bom, bắn phá tàn bạo, khiến rất nhiều Chiến sỹ ta nằm lại nơi này. Đặc biệt là ngày 16 tháng 9 năm 1972- ngày cuối cùng của 81 ngày đêm, sau khi nhận lệnh cấp trên rút toàn bộ số quân sang bờ bắc dòng sông để bảo toàn lực lượng. Hàng trăm Chiến sỹ và Thương binh sau nhiều ngày ngâm mình trong nước, đói rét đã không còn đủ sức chống đỡ với dòng nước lũ. Và sông Thạch Hãn một lần nữa trở thành nơi an nghỉ vĩnh hằng của các Chiến sỹ Thành Cổ Quảng Trị anh hùng. Hằng năm vào tháng 7 - Tháng đền ơn đáp nghĩa, nhất là ngày 27 Chính quyền địa phương và các đoàn Cựu chiến binh từ các nơi đến thả hoa đăng trên sông để tưởng niệm các Liệt sỹ.
"Thạch hãn ơi- nay chúng tôi về đây
Tưởng nhớ lại tám mốt ngày đêm khói lửa
Tìm các anh nhưng chẳng còn thấy nữa
Mặt sông ánh hồng màu lửa- máu các anh"
       "Thạch Hãn ơi!" - Tên dòng sông được tác giả cùng đoàn CCB cất lên trong da diết, yêu thương, họ đang tìm đến với những đồng đội của mình, họ hình dung ra từng đoàn Chiến sỹ đang ngâm mình dưới nước để vượt sông vào tiếp sức cho Thành cổ. Mặt sông bỗng sáng bừng lên với những "ánh hồng màu lửa" màu của nỗi đau thương mất mát, màu của sự chia cắt bi thương, màu của tội ác chiến tranh đó chính là màu của "máu các anh" đã nhuộm đỏ nơi này. Là một người lính, chắc hẳn không ai quên được 81 ngày đêm khốc liệt nơi Thành cổ. Cuộc chiến diễn ra từ ngày 28 tháng 6 đến ngày 16 tháng 9 năm 1972. Trong 81 ngày đêm đó, Mỹ ngụy đã điên cuồng trút xuống đây 328.000 tấn bom đạn, một con số khổng lồ, mỗi mét vuông đất nơi đây là một mét vuông máu bởi sự hi sinh của các anh. Có ai trong chúng ta biết được dưới lớp "cỏ non Thành Cổ- một màu xanh non tơ" kia, dưới tầng gạch vỡ kia còn biết bao xương cốt Chiến sỹ còn nằm lại? Cuộc chiến tàn khốc suốt 81 ngày đêm hứng chịu và chống trả, trái tim con người và từng tấc đất nơi đây như được tôi luyện thành thép. Đó chính là hiện thân của vẻ đẹp con người Việt Nam, của sức sống dân tộc sáng mãi tinh thần chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước.
       Ở khổ thơ thứ hai, tên dòng sông lại được cất tiếng gọi trìu mến, thiết tha đầy cảm kích:
"Thạch Hãn ơi! Đôi bờ những mầm xanh
Nó mọc lên từ cốt nhục các anh có phải?
Cây và sóng sông cứ rì rào reo mãi
Nơi mà các anh nằm lại dưới lòng sông"
       Nỗi buồn đau thương xót được vắt ra từ con tim để cô đọng thành những dòng thơ, tạo nên tiếng nhạc bi tráng, rì rào thiết tha như tiếng ru hồn Liệt sỹ ngân lên từ hai bên bờ sông. Nơi mà những mầm xanh đang lớn lên "từ cốt nhục các anh có phải"... Lời thơ được thốt ra thật xót xa, thương cảm khiến đôi mắt người đọc bỗng nhòa cay. Ta như nghe tiếng gió ru cây hòa cùng tiếng sóng sông tạo thành bản nhạc du dương, bổng trầm, lúc thì êm dịu như tâm hồn người lính, lúc thì ngân vang như một khúc ca bi tráng. Họ như còn sống mãi tuổi hai mươi dâng hiến cuộc đời mình cho đất mẹ bình yên, cho bầu trời Quảng Trị, cho cỏ cây hoa lá bên sông xanh ngát màu xanh của niềm tin, hi vọng, của hòa bình trong khát vọng tự do. Để mùa hè đỏ lửa 81 ngày đêm năm 1972 sẽ sáng mãi trong sử sách và lưu danh đến muôn đời.
       Những ngày tháng bảy, cả nước lại quặn lòng nhớ về Quảng Trị- mảnh đất miền Trung gió Lào cát trắng. Hai khổ thơ tiếp theo, tác giả đưa chúng ta về nơi bến sông Thạch Hãn, thắp hương và cùng "Thả hoa đăng trên gương mặt của sông". Mỗi câu thơ cho chúng ta thấy những bông hoa, những ngọn hoa đăng đang trôi nhè nhẹ, lung linh, thắp sáng mặt sông. Các anh hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Có người kịp gọi tên người thân yêu trước khi gửi thân mình vào sóng nước. Có người cả tiếng gọi "Mẹ ơi" cũng tắt nghẹn nửa chừng khi địch bất thần nã pháo vào đội hình vượt sông. Không một tấm hình, không một dòng thư, các anh chẳng để lại gì trước lúc hi sinh. Tất cả kỷ vật cùng chìm xuống lòng sông, theo các anh về cõi vĩnh hằng. Trong bài thơ “Lời Người Bên Sông” tác giả Lê Bá Dương đã viết:
"Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm".
       Máu của các anh đã hòa tan để làm nên một dòng sông Thạch Hãn linh thiêng trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng. Mong các anh hãy đón nhận tình cảm của những người đồng đội, để những ngọn đèn hoa đăng trôi nhẹ và lượn vòng quanh như đội hình hành quân âm vang hùng tráng...
"Thạch Hãn ơi! Sông có cách nào không?
Khỏa xốp nước lên cho khói hương bay xuống
Để phần mồ đáy sông các anh tận hưởng
Nghĩa cử tri ân của đồng đội hôm nay"
       Một lần nữa tên của dòng sông lại được tác giả cất tiếng gọi trìu mến với lời thỉnh cầu, ước muốn sông hãy "khỏa xốp nước lên" để làn khói hương cùng những lời tâm sự thấm sâu xuống lòng sông nơi phần mộ của đồng đội an nghỉ. Có một điều sao lạ vậy khi ta thấy một sự “viển vông” trong lời thỉnh cầu dòng sông của tác giả - “khỏa xốp nước lên”. “To” đến như “ông trời” cũng chẳng thể làm được việc này… Thật là một ý tưởng không dừng lại ở “viển vông” mà nó thực sự là “điên rồ” – cái “điên rồ” nổ ra từ tâm tưởng muốn những phần mồ đồng đội nơi đáy sông được tận hưởng dòng khói hương tri ân của mình… Chúng ta hãy thấu hiểu và hãy đừng chỉ trích về cái “điều lạ” có trong khổ thơ trên mà ngược lại chúng ta hãy tôn vinh nó bằng cái tên trìu mến – “Khổ thơ đắt nhất” của “THẠCH HÃN ƠI!”.
       Cùng chung mạch cảm xúc về “dòng sông lửa”, trong bài “Anh sẽ về” tác giả Lê Trung Sơn đã viết:
"Thạch Hãn giờ dòng chảy vẫn như xưa
Hồn bạn tôi có còn nguyên đáy nước
Thả nến, thả hoa có ai nhận được
Vết đạn bom thù nhức nhối con tim"
       Máu xương các anh đã tan vào đất mẹ, hòa vào sông nước mênh mang của dòng Thạch Hãn để ngàn đời sau vẫn mãi khắc ghi.
       Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị đã trở thành khúc tráng ca bất tử của dân tộc Việt Nam. Biểu tượng sáng ngời của Chủ nghĩa anh hùng Cách mạng. Khổ thơ cuối cùng là lời hứa của tác giả đại diện cho bao lớp người trước dòng sông:
"Nguyện trước các anh chúng tôi luôn vững bước
Bảo vệ dựng xây đất nước mãi thanh bình


Thỏa niềm mong của người đã hy sinh…"
       Năm tháng trôi đi, lịch sử đã bước sang trang mới, nhưng sự hi sinh của các chiến sỹ nơi Thành Cổ vẫn sống mãi trong lòng người dân Việt Nam. Hình ảnh dòng sông Thạch Hãn đỏ lửa như khúc ca bi tráng để các thế hệ sau mãi biết ơn và ghi nhớ.
       “THẠCH HÃN ƠI” - Một bài thơ dài 25 câu, chia 6 khổ, viết theo thể thơ mới, không câu nệ vần điệu, số chữ của mỗi câu mà tự do phóng khoáng nhưng đó là tiếng lòng sâu lắng nhất của người lính. Anh viết mà như đang đứng trang nghiêm bên bờ Thạch Hãn trong giờ phút thả hoa đăng kính viếng linh hồn những người đồng đội trân quý đã yên nghỉ nơi đáy sông và khắp Thành Cổ bi hùng. Mỗi câu chữ như được chắt lọc từ thẳm sâu lòng biết ơn với dòng cảm xúc dâng trào, cô đọng. Bài thơ đã chạm thấu tim đời, đưa Kim Hương trở về với ký ức đau thương, mỗi ảnh hình, mỗi nét chữ được viết ra cùng nước mắt nhạt nhòa. Là một người lính thế hệ sau, Kim Hương chỉ được biết chiến dịch 81 ngày đêm qua sách vở và qua lời kể trực tiếp của cha mình- người trở về từ sau cuộc chiến. Mọi cảm nhận phần nào còn hạn hẹp... kính mong tác giả Phạm Sinh và bạn đọc lượng thứ. Mỗi nét bút là một nén tâm hương xin được gửi tới bến sông Thạch Hãn và Thành cổ với lòng biết ơn sâu nặng. Cảm ơn tác giả Phạm Sinh đã mang đến cho Kim Hương dòng cảm xúc để viết nên tiếng lòng mình.

Phú Thọ, ngày 25 tháng 7 năm 2021 
CCB, Bác sỹ Quân y: Kim Hương

(Phó CN Trang thơ: Những vần thơ và người lính)
 
tin tức liên quan