Taliban vác súng đến sân xem bóng đá, trao cúp cho đội vô địch
Nguồn: Báo Điện tử VTC
Các thành viên Taliban đến sân xem bóng đá ở thành phố Herat và trao cúp cho đội vô địch hôm 20/8, dấu hiệu cho thấy môn thể thao vua vẫn có chỗ đứng ở Afghanistan.
Một trong những nỗi lo lớn nhất của người hâm mộ thể thao Afghanistan là bóng đá có thể bị xóa sổ khi Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước. Tuy nhiên, lo ngại trên chưa xảy ra, ít nhất ở thời điểm này.
Hôm 20/8, các thành viên Taliban đến sân vận động ở thành phố Herat để theo dõi trận đấu hạ màn giải Herat Premier League. Đi cùng họ là đội vệ sĩ có trang bị đủ súng đạn.
|
Thành viên Taliban đến sân theo dõi bóng đá. |
Cuộc so tài diễn ra giữa CLB Attack Energy Club và Herat Money Changers. Sau 90 phút, Attack giành chiến thắng 1-0 nhờ quả phạt đền của Farzad Ataie để lên ngôi vô địch. Attack đã nhận chiếc cúp từ Maulvi Shir Ahmad - một thủ lĩnh Taliban có mặt tại sân.
Cả hai đội sẽ chơi bóng tại giải vô địch quốc gia Afghanistan (Afghan Super League). Dù vậy, thời gian diễn ra giải đấu chưa được tiết lộ.
Theo Marca, hoài nghi Taliban cấm bóng đá ở Afghanistan là không có cơ sở. Trong cuốn sách "Khủng bố và Thể thao", tác giả Carlos Igualada viết: "Bóng đá là một trong những môn thể thao được chế độ Taliban sử dụng từ năm 1996 đến 2001 để thu hút người dân, và theo một cách nào đó, nó trở thành công cụ hữu ích để đưa thông điệp của họ ra ngoài xã hội".
|
Taliban trao cúp cho đội vô địch. |
Trong khi đó, Daily Mail cho rằng đến xem bóng đá là một phần trong nỗ lực cải thiện hình ảnh của Taliban từ khi nắm quyền kiểm soát Afghanistan.
Tuy nhiên, các trận đấu phải tuân thủ quy định của Taliban. Những cầu thủ vi phạm đều bị trừng phạt. Năm 2000, một đội bóng từ Pakistan sang Afghanistan trong chuyến du đấu hè từng bị bắt và phạt cạo trọc đầu vì vi phạm quy định trang phục.
20 năm trước, cựu đội trưởng Mohammad Isaq của đội tuyển Afghanistan từng khẳng định các thủ lĩnh Taliban tham gia tài trợ cho bóng đá. "Họ quyết định mức lương cho cầu thủ và tài trợ mọi chi phí duy trì CLB. Có tổng cộng 12 đội tham gia thi đấu, tất cả đều ở Kabul", Isaq nói.
Các trận đấu khi ấy diễn ra trên sân Ghazi với sức chứa 26.000 người. Đây cũng là nơi Taliban tổ chức các cuộc hành quyết công khai.
Sân vận động đã được tu sửa lại trước khi mở cửa trở lại vào năm 2011 và trở thành Trung tâm Thể thao Quốc gia Afghanistan, dù ĐTQG nước này mới chỉ chơi 3 trận với tư cách là đội chủ nhà ở đó.
"Có người nói rằng linh hồn của những người bị hành quyết vẫn còn ở đây. Quá nhiều máu đã chảy trên sân Ghazi, vì vậy chúng tôi đã phải đắp thêm một lớp đất lên trên để che giấu mọi thứ", Mohammad Nasim, người quản lý sân, trả lời Reuters vào năm 2008.
|
CĐV cầu nguyện ở giờ nghỉ giữa hai hiệp. |
Dù bóng đá nam có cơ hội được tổ chức, song bóng đá nữ nhiều khả năng bị xóa sổ. Trong giai đoạn Taliban cai trị từ năm 1996 đến 2001, quyền phụ nữ tại Afghanistan bị hạn chế tối đa.
Trước đây, phụ nữ Afghanistan không được phép làm việc, học tập hoặc khám chữa bệnh bởi các bác sĩ nam trừ khi có nam giới đi kèm. Những cá nhân vi phạm luật phân biệt giới tính đều bị bỏ tù, bị đánh đập công khai, và thậm chí bị xử tử.
Đội trưởng Shabnam Mobarez của đội nữ Afghanistan yêu cầu cơ quan quản lý bóng đá thế giới can thiệp vào tình hình ở quê nhà để đảm bảo an toàn cho các cầu thủ. Trong khi đó, Khalida Popal, cựu nữ tuyển thủ Afghanistan, cũng cho rằng các cầu thủ nữ đang bị đe dọa tính mạng.
"Tôi nhận được những tin nhắn của các nữ tuyển thủ Afghanistan. Họ đang bật khóc, nói rằng mình bị bỏ rơi, mắc kẹt ở nhà và không thể thoát ra ngoài. Họ sợ hãi. Mọi thứ cứ như một giấc mơ. Không, nói đúng hơn thì đó là cơn ác mộng.
Các cầu thủ gửi video của họ và nói rằng 'những người tôi từng đề cập đến đang ở ngoài cửa nhà tôi. Tôi không thể thở được. Tôi rất sợ và không nhìn thấy sự bảo vệ. Mọi thứ có lẽ kết thúc rồi", Popal nói với BBC.
( C. H sưu tầm)