Chúng tôi ở vùng lò lửa Trung Á (kỳ 3)
Nguồn: Báo Điện tử Thời Mới
Đêm đêm, cứ từ 10 giờ 30 phút là Mỹ tiến hành các phi vụ tấn công Afghanistan bằng tên lửa hành trình Tômahốc phóng đi từ các tàu chiến hoặc bằng máy bay B2 và dùng không quân chiến thuật ném bom vào các địa điểm được cho là nơi ẩn náu của quân Taliban.
"Cuộc chiến" mới tại Islamabad
Đêm đêm, cứ từ 10 giờ 30 phút là Mỹ tiến hành các phi vụ tấn công Afghanistan bằng tên lửa hành trình Tômahốc phóng đi từ các tàu chiến hoặc bằng máy bay B2 và dùng không quân chiến thuật ném bom vào các địa điểm được cho là nơi ẩn náu của quân Taliban.
Hiệu quả đến đâu, chỉ có Thánh Allah biết được bởi lẽ tất cả phóng viên nước ngoài không được phép vào Afghanistan trừ mấy phóng viên của Pakistan, đưa tin phát hình theo chỉ đạo của Kabul. Các phương tiện trinh sát bằng vệ tinh, máy bay... được coi là vô cùng hiện đại của Mỹ coi như bị "mù" bởi rừng núi quá hiểm trở và chắc chắn những nhà quân sự của Taliban không dại gì mà để các phương tiện vũ khí của mình phơi bày trên đường hoặc tại những khu căn cứ cũ cho Mỹ dễ tiêu diệt. Chúng tôi hay la cà tại khách sạn Marriot và hỏi chuyện các phóng viên nước ngoài, họ đều tỏ ý nghi ngờ chiến dịch tấn công của Mỹ và cho rằng đây là cuộc diễu võ dương oai sức mạnh quân sự của Mỹ, thậm chí có người còn bảo đây là đợt tập luyện của lính tân binh, là tiêu hủy bom đạn, tên lửa "xecơnhen", là quảng cáo để bán vũ khí.
Chiều nào ông Apdul Mohamet Zaeep, đại sứ chính quyền Taliban - vị đại sứ ở một quốc gia mà chỉ còn có một nước công nhận là Pakistan - cũng họp báo, tố cáo Mỹ sát hại dân thường, và kết tội Mỹ với đủ mọi lời lẽ nặng nề. Cánh báo chí thì kéo đến đông như hội nhưng những người cũ thì cứ thưa dần bởi lẽ họ biết chả có thông tin gì mới. Rất nhiều phóng viên muốn đến dự họp báo là để tận mắt nhìn thấy những người Taliban bằng xương bằng thịt, chính vì vậy nhiều buổi họp báo, người nói cứ nói còn người nói chuyến phiếm cứ nói chuyện.
Tuy nhiên, ai cũng cảm nhận được rằng tuy chiến tranh đang xảy ra ở Afghanistan nhưng cuộc chiến đó không quan trọng bởi lẽ Mỹ đang đánh nhau với những người mà họ không còn để mà mất, những người mà luôn tuân theo lời dạy của Thánh Allah đại ý: "Cuộc sống trên Trái Đất này ngắn ngủi và cơ cực lắm. Hãy chiến đấu cho Allah, ngươi sẽ được ban thưởng".
Vả lại, từ lâu họ đã coi Mỹ là kẻ không có đức tin, là kẻ thù mà cũng theo Kinh Coran, tha thứ cho kẻ thù là tội lỗi.
Chúng tôi gặp nhiều phóng viên và hầu hết họ cho rằng Mỹ đã sai lầm khi định dùng sức mạnh quân sự tấn công Taliban, mặc dù chắc chắn là Mỹ sẽ xóa sổ được chính quyền này và dựng lên được một chính quyền mà sẽ ngoan ngoãn theo sự chỉ bảo của họ.
|
Nhà báo Nguyễn Như Phong trên khu đặt máy của CNN tại khách sạn Mariott |
Theo họ, người Mỹ cũng như người Châu Âu, cuộc sống đầy đủ, kinh tế phồn vinh cho nên họ coi trọng cuộc sống và cái chết đối với họ là khủng khiếp. Hơn nữa bấy lâu nay, họ chuyên đi gây đau khổ cho người chứ có bao giờ quan tâm đến nỗi đau khổ của các dân tộc khác đâu, vì thế, mới gặp “tí” bom đạn, “tí” chết chóc là loạn cả lên, cứ làm như chỉ có máu của họ mới cao quý, còn máu người khác là nước lã. Vì thế đánh nhau với kẻ không còn gì để mà mất trong cuộc chiến không dàn quân, không giới tuyến, không có ngày giờ bắt đầu và không biết baogiờ kết thúc thì xem ra khó chơi lắm. "Anh hùng sợ kẻ bần cùng khố dây" hay "vua thua thằng liều", trường hợp này xem ra đúng đấy.
Cuộc chiến tranh từ bên kia biên giới đã chuyển lửa sang Pakistan và một cuộc chiến tranh mới ở Pakistan đã bắt đầu và khởi xướng là từ những cuộc biểu tình.
Pakistan có 20 đảng phái được chính thức hoạt động, trong đó có 4 tổ chức lớn như Đảng Nhân dân lao động, Đảng Tập hợp những người Hồi giáo, Đảng Dân chủ, Đảng Bindi... Đối lập với chính phủ gay gắt nhất chính là Bindi, bởi lẽ đây tập hợp nhiều những nhóm Hồi giáo cực đoan, và trong thời gian vừa qua, chính họ tổ chức nhiều cuộc biểu tình lớn ở Islamabad, Karachi. Quetta, Peshawar...
Luật pháp Pakistan cho phép các tổ chức được biểu tình nhưng cũng lại quy định nghiêm ngặt như sau: Muốn biểu tình phải xin phép thị trưởng thành phố và phải có địa điểm nhất định. Địa điểm đó không được làm cản trở giao thông. Ngày giờ tiến hành biểu tình phải được công bố trên báo chí...
Chúng tôi đã đi theo các đoàn biểu tình vào các ngày 8 và 12-10 và cũng thấy được nhiều điều lý thú.
Từng đoàn người đi trên các ngả đường dẫn đến địa điểm đã định. Ngoài khẩu hiệu ra bao giờ họ cũng chuẩn bị một hình nộm (dạo này là hình tổng thống Mỹ), vài chiếc dép cũ, một chiếc bình lớn làm bằng giấy... Đoàn người đi như chạy trên trên đường, thi thoảng họ dừng lại cho phóng viên quay phim, chụp ảnh và sẵn sàng trả lời phỏng vấn, đặc biệt là thích phát biểu trước nhà báo. Họ cũng sẵn sàng nhường vị trí tốt cho các nhà báo quay phim chụp ảnh.
Sau khi tập hợp lực lượng về địa điểm đã định, việc đầu tiên là họ đọc kinh Coran, cầu Thánh Allah phù hộ cho người được họ ủng hộ. Những bài kinh được hai hoặc ba thanh niên có "chất giọng" khỏe đọc và họ đọc như hát, có vần có điệu hẳn hoi. Kết thúc mỗi đoạn, cả đoàn người lại đồng thanh "Ô...! Binladen". Kết thúc đọc kinh cầu nguyện, người cầm đầu cuộc biểu tình bắt đầu phát biểu và chủ yếu là bằng tiếng địa phương. Tuy nhiên, cũng có trường hợp như tại cuộc biểu tình chiều ngày 12-10, chắc là vì thấy có nhiều nhà báo nước ngoài nên họ cử người dịch ra tiếng Anh. Đầu tiên thì còn nói nhẹ nhàng, càng về sau, họ càng cao giọng và hét lên những câu gì đó khi kết thúc. Thậm chí họ còn khóc nức nở hay vừa nói trong tiếng nấc nghẹn ngào vừa lau nước mắt. Lúc bắt đầu “máu” lên, họ không từ một thứ ngôn từ nào để thóa mạ đối tượng được đưa ra công kích mà , chủ yếu là Tổng thống W.Bush, Thủ tướng Anh Tony Blair, và dĩ nhiên có cả Tổng thống Pakistan ông Musharraf. "Như con chó, như đôi giày, như kẻ vô loài..." đó là những từ ngữ họ dành cho người đó.
Trong cuộc biểu tình chiều ngày 12, người cầm đầu đã đọc bài "diễn văn" với nội dung thế này: "Hãy chiến đấu chống lại chúng. Thánh Allah đã ban cho chúng ta sức mạnh để chống lại chúng và làm dịu đi sự đau khổ trong những trái tim tín đồ Hồi giáo chúng ta. Bush, một tên tội phạm đã tiến hành cuộc chiến tranh chống lại người Hồi giáo vì Bush muốn chứng minh nước Mỹ là siêu cường số 1 trên thế giới này. Mục tiêu của cuộc chiến tranh này là để chấm dứt chính quyền Taliban và quốc gia Hồi giáo Afghanistan, bởi vì chính quyền Taliban không phải là những kẻ tuân phục nước Mỹ và trở thành mối đe dọa với chính nước Mỹ... Những người cầm quyền Mỹ, một đất nước không phải là Hồi giáo, và nước Anh, một kẻ theo đuôi nước Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh chống lại Afghanistan, họ rêu rao rằng cuộc chiến tranh này là chống lại chủ nghĩa khủng bố, đấy thật là một lời nói dối xấu xa nhất trên thế giới này... Hỡi những người Hồi giáo trên toàn thế gian, cuộc chiến tranh chống lại Afghanistan là cuộc chiến tranh chống lại thế giới Hồi giáo chúng ta, chúng ta hãy tiến hành cuộc Thánh chiến này, tất cả những người Hồi giáo trên thế gian này là một... !".
|
|
Len lỏi trong đám biểu tình là những người mang mía đã tiện khúc, cùi dừa ướp đá đi bán, còn bọn trẻ con, đầu đội mũ trắng thì nhảy cẫng lên như được đi xem hội. Tôi để ý, cấm thấy có người phụ nữ nào. Hóa ra phụ nữ Hồi giáo không được phép tham gia vào những hoạt động mang tính xã hội như thế này.
Kết thúc bài nói của người cầm đầu là phát biểu của vài người có uy tín trong đảng và "tiết mục" gây phấn khích nhất là khi mấy chú bé chít khăn lên đầu đem hình nộm ra “hành hạ”. Chúng tung hình nộm lên, lấy dép, giày đánh thật lực vào hình nộm và cả đám đông hò reo cuồng nhiệt. Đến khi hình nộm rách tả tơi, chúng mới châm lửa đốt...
Cảnh sát vũ trang khiên, mũ, áo giáp, súng bắn hơi cay, cầm dùi cui đứng thành hàng lối cẩn thận nhưng đôi khi cũng hò reo theo người biểu tình; cảnh sát Anti Terroris (chống khủng bố) thì mang súng tiểu liên M16 hoặc AK đứng len lỏi trong biển người... Xe cứu hỏa, xe cứu thương đỗ bên cạnh và cách đó không xa là những xe thiết giáp nhẹ chở quân đội sẵn sàng xung trận nếu những người biểu tình biểu lộ sự hăng hái “quá giới hạn của luật pháp"!
Những cuộc biểu tình càng nhiều, càng thể hiện sự bất đồng trong nội bộ Pakistan trước những vấn đề quan trọng, nhất là việc ủng hộ hay không ủng hộ Mỹ tấn công Afghanistan. Chính phủ của Tổng thống Musharraf đang lâm vào tình trạng khó xử chưa từng thấy. Thái độ của chính quyền Pakistan hiện là quốc gia duy nhất còn công nhận Taliban có ý nghĩa sống còn với chính quyền Taliban. Nếu họ đồng ý hỗ trợ Mỹ, cho Mỹ dùng các căn cứ quân sự làm bàn đạp đưa quân đặc nhiệm vào Afghanistan, cung cấp tin tức tình báo cho Mỹ, ngừng các hoạt động trợ giúp chính quyền Taliban thì Mỹ có thể dễ dàng hơn rất nhiều trong việc thực hiện mục tiêu của mình. Nhưng như vậy có nghĩa là chính quyền đã "tuyên chiến" với rất nhiều tổ chức Hồi giáo trên đất nước và cuộc nổi loạn là điều không tránh khỏi. Tự nhiên rước hoạ vào nhà, đó là điều Chính phủ Pakistan không muốn. Còn nếu không hỗ trợ Mỹ thì hẳn Mỹ không để yên cho Tổng thống Musharraf. Lại cấm vận, lại coi Pakistan là nơi "nuôi dưỡng" bọn khủng bố và một đất nước đang gặp muôn vàn khó khăn về kinh tế (năm nay mức phát triển kinh tế là -3%) sẽ càng cơ cực hơn. Vả lại, từ trước đến nay, Mỹ vẫn coi Pakistan là quốc gia “không có nhiều thiện cảm”, điều đó, người Pakistan hiểu hơn ai hết.
Chính vì thế, dư luận cho rằng, nếu Mỹ tiến hành cuộc chiến chống Afghanistan càng lâu thì khả năng xảy ra nội chiến ở Pakistan càng lớn. Và đúng là cuộc nội chiến đã được nhóm lửa.
***
Đại tá, Giám đốc Cảnh sát thành phố Islamabad , ông Zu Bair là người còn khá trẻ và rất lịch lãm. Tôi gặp được ông là nhờ sự láu cá của người dẫn đường kiêm phiên dịch. Số là ông này có quen với giám đốc, vì vậy, khi nhận được lời đề nghị của tôi, ông ta đã gọi điện cho giám đốc và ông ta hứa tiếp tôi trong cuộc gặp khi ông đến kiểm tra việc chống bạo loạn ở một đồn cảnh sát.
- Tôi rất bận, anh biết đấy, tình hình diễn biến ngày một phức tạp. Đặc biệt là ở Karachi, Quetta và Peshawar. Chúng tôi phải đưa một số cảnh sát chống bạo động đi giúp họ. Vì vậy, tôi chỉ có thể trao đổi với anh rất ngắn - Ông nói bằng tiếng Pakistan chậm rãi, còn người phiên dịch thì chuyển qua tiếng Pháp cho tôi hiểu.
Tôi cảm ơn ông đã dành ít phút cho tôi và hỏi ngay ông về những cuộc biểu tình của ngày 9-10.
- Chúng tôi rất thông cảm với những người biểu tình. Họ có quyền biểu lộ tình cảm của họ trước việc những người anh em của họ đang bị tấn công. Tất nhiên, trong số đó cũng có những người cực đoan, nhưng rất may là không xảy ra chuyện gì lớn. Cảnh sát chúng tôi có đủ sức kiểm soát các cuộc biểu tình ở Islamabad. Chúng tôi kiên quyết chống khủng bố, tuy nhiên với những người Hồi giáo cực đoan thì khó có thể kiểm soát được hành động của họ. Và ngay bản thân họ nhiều khi cũng không làm chủ được mình.
Ông nói với tôi bằng giọng trầm trầm buồn. Rồi thật bất ngờ, ông thẳng thắn bày tỏ:
- Hai dân tộc chúng tôi gắn bó đã lâu, như anh em. Giống như Việt Nam và Lào. Nếu bây giờ có ai xâm phạm nước Lào, tôi tin là Việt Nam sẽ không ngồi yên.
Theo ông, tình hình sẽ còn phức tạp bởi vì khả năng Mỹ phải đưa lính đặc nhiệm vào lùng bắt Binladen và tiêu diệt chính quyền Taliban là khó có thể tránh khỏi. Rồi ông cho tôi biết tình hình chung về trật tự an toàn xã hội và một số hoạt động của cảnh sát. Tôi nghe mà thực sự ngỡ ngàng.
Thủ đô Islamabad có hơn 11.000 cảnh sát và có 4 "binh chủng" là Cảnh sát giao thông, Cảnh sát hành chính, Cảnh sát vũ trang và Cảnh sát hình sự. Ngoài một số đơn vị tập trung như Cảnh sát vũ trang, Cảnh sát giao thông, còn các đơn vị kia chia về 9 đồn, mỗi đồn có quân số từ 250 đến 400 người.
Theo ông, có lẽ Islamabad là thành phố có trật tự trị an và giao thông tốt nhất thế giới. Bằng chứng là mỗi tháng chỉ xảy ra 30 đến 35 vụ án như trộm cắp, hoặc trọng án. Còn tai nạn giao thông cũng chỉ trên dưới 40 vụ. Trong khi đó, tại Karachi, mỗi tháng có khoảng 1.500 vụ án và 200 vụ tai nạn giao thông. Cảnh sát thủ đô làm việc rất nhàn vì hầu như không có án và đặc biệt là thành phố không có tệ nạn xã hội như gái điếm, nghiện hút, cờ bạc...
Cũng phải thôi, những người theo đạo Hồi vốn đã phải tuân theo giáo lý cực kỳ nghiêm cho nên chính họ phải tự kiềm chế mình. Hơn nữa, tệ nạn cũng không có đất để tồn tại khi mà rượu, bia bị cấm ngặt, chơi cờ bạc bị bắt, có khi bị chính gia đình trừng phạt rất nặng; vũ trường, các quán bar, karaoke không có. Cả thành phố có một vũ trường mà chủ yếu là người nước ngoài đến đây (dạo này thì toàn nhà báo). Nói đến chuyện rượu, tôi nhớ đến vẻ mặt căng thẳng đến nghiêm trọng của người phiên dịch khi tôi đề nghị ông kiếm cho chai rượu. Phải khó khăn lắm và chắc là cũng nổi máu liều ông mới mua lậu được một chai vốtka Nga, dùng giấy báo bọc kín rồi đem lên ôtô và lấy một vỏ chai nước khoáng trút rượu sang. Đến nhà hàng, gọi đồ ăn xong, chúng tôi lấy rượu ra, uống vội uống vàng, mắt lấm lét như thằng ăn cắp. Khổ cho tôi là cứ "5 xu" rượu là mặt đỏ gay, thành ra bị những khách hàng là người Hồi giáo nhìn như kẻ trên giời rơi xuống.
Trật tự giao thông ở Islamabad cực kỳ tốt. ở đây không thấy tắc đường và không mấy khi nghe thấy tiếng còi xe. Hệ thống đường giao thông trong thành phố rộng thoáng, hơn nữa, ý thức chấp hành luật giao thông của lái xe không chê vào đâu được. Xe chạy trong thành phố đa phần là rất cũ và nói chung, người dân có vẻ ít coi trọng đến hình thức xe, miễn chạy được là tốt. Nhưng cảnh sát thì lắm quá, chỗ nào cũng thấy CSGT. Cảnh sát ở Islamabad được chính quyền quan tâm. Là chỉ huy từ cấp đội trở lên là được cấp nhà ở và nhà nước trả tiền, cấp trưởng đồn là có ôtô, có người phục vụ... Nhưng các nơi khác lại không được thế, chính vì vậy, người ta vẫn đánh giá chung nạn tham nhũng, ăn hối lộ trong cảnh sát Pakistan là nghiêm trọng. Cảnh sát được quyền dùng súng khá rộng rãi . Nếu phải nổ súng mà nhỡ gây chết người thì trong bất cứ trường hợp, kẻ bị chết là có... tội, không ai có quyền thắc mắc. Trang bị của các cảnh sát khác thế nào chứ cảnh sát vũ trang như tôi thấy trong các cuộc biểu tình thì nghèo nàn và lạc hậu. Khiên, mũ, giày dép của họ rất cũ và cổ lỗ sĩ, nom thua xa Cảnh sát bảo vệ của Việt Nam. Cảnh sát Pakistan được sự bảo vệ khá tốt của chính quyền đặc biệt là đối với sự "chọc ngoáy" của báo chí. Báo chí bản địa thì rất ít khi dám viết về công tác của cảnh sát, mà nếu có viết thì cũng cấm được nói xấu. Việc nào cần phê phán thì phải được sự đồng ý của Thị trưởng thành phố. Dĩ nhiên, chả có ông Thị trưởng nào lại để cảnh sát - "cánh tay phải" của mình là đối tượng bị bới móc. Chính vì vậy, nghề cảnh sát ở Islamabad là nghề được yêu thích và xã hội coi trọng.
|
Biểu tình đòi Thánh chiến |
Nếu như không có những lôcốt đắp bằng bao tải cát mọc lên nhan nhản ở một số ngã trên đường dẫn vào các khu đoàn ngoại giao, các cơ quan của chính phủ, nhà băng... Nếu như không có đủ các loại cảnh sát, cảnh binh của quân đội, những tổ lính đặc nhiệm ngồi trên xe Jeep gắn súng đại liên... Và nếu như không có đội quân báo chí đông đảo kẻ vác camera, người lủng lẳng máy ảnh lùng sục khắp nơi và những người Afghanistan chạy trốn khỏi quê hương đứng ở các ngả đường chìa tay xin giúp đỡ thì thành phố Islamabad, thủ đô nước Cộng hòa Hồi giáo Pakistan dịu dàng, quyến rũ biết bao.
Những khu phố nhỏ, những biệt thự xinh xắn nằm lẫn trong những cánh rừng thông, bạch đàn, sồi, táo được chăm sóc cẩn thận; những mảnh rừng toàn cây cổ thụ có khắp nơi trong thành phố, hoặc chạy dọc những đại lộ sạch bong không chút bụi... đã làm cho thành phố ở độ cao 500 mét so với mặt biển này có một nét đặc biệt mà có lẽ không thành phố hiện đại nào trên thế giới có được.
Chim chóc trong thành phố nhiều vô kể, mà nhiều nhất là sáo nâu, quạ khoang, quạ nâu, họa mi. Khách sạn chúng tôi ở cách trung tâm thành phố khoảng 3km, trước và sau toàn là rừng. Cứ khi phương đông mới ửng màu mang cá, lũ quạ đã cãi nhau quàng quạc ngay cạnh cửa sổ và chúng cứ ầm ĩ như thế cho đến lúc mặt trời lặn. Quạ trong thành phố nhiều vô kể, đặc biệt là ở những khu có đặt thùng rác công cộng lớn. Chúng nhặt nhạnh thức ăn thừa, xác súc vật chết và chầu chực ở các nhà hàng bình dân... Những người khách thỉnh thoảng ném cho chúng mẩu bánh "nan" và thế là chúng lao vào, tranh ăn, đánh nhau tán loạn dưới gầm bàn. Cũng giống như ở Paris, quạ là những tên kẻ cắp siêu hạng và là thủ phạm chính gây ra những vụ mất trộm mà khổ chủ chỉ còn biết giơ nắm đấm về phía lũ quạ. Khăn mặt, bít tất, áo lót, quần lót... là những thứ chúng đặc biệt thích lấy. Lũ chim sáo thì kéo đàn kéo lũ ra kiếm ăn ở những bãi cỏ ven đường và phớt lờ những chiếc xe tải chạy rầm rầm bên cạnh.
Với diện tích hơn 900km2 mà chỉ có 720.000 dân, có lẽ Islamabad là thành phố có mật độ dân thưa vào loại nhất nhì thế giới. ở Pakistan, người giàu có không thích thủ đô, bởi lẽ đây tĩnh lặng và đặc biệt là không có chỗ để... tiêu tiền. Không sòng bạc, không có những vũ trường nhộn nhịp, không có những phố "sex" như ở nhiều thành phố trên thế giới... vì thế buổi tối ở đây yên tĩnh lạ kỳ.
Cửa hàng cửa hiệu ở đây mở cửa rất muộn, thường là sau 9 giờ và đóng cửa lúc sắp nửa đêm.Thách giá cao, cò kè bớt một thêm hai là thói quen cố hữu của người dân. Đối với cánh lái xe taxi đón khách tại khách sạn, họ không từ bỏ một cơ hội nào nếu như "chém" được khách. Với lái xe chưa quen biết không bao giờ được tin vào “đức hạnh” của họ nếu như bạn không muốn mất tiền gấp 10 lần. Tuy nhiên, có thể yên tâm tuyệt đối vào tay lái của họ mặc dù xe chạy trong thành phố không hạn chế tốc độ, thậm chí có thể chạy 100km/h. Lái xe ở Pakistan rất tôn trong luật giao thông và biết nhường nhịn, lại không bao giờ uống rượu bia (vả lại có đâu mà uống). "Biển" báo giảm tốc độ duy nhất và có hiệu quả đặc biệt mà không một lái xe nào dám vi phạm đó là những con lươn đắp ngang đường cao khoảng 30cm ở những nơi cần hạn chế tốc độ. Xe chạy tới đó, bắt buộc phải giảm tốc độ xuống 15km để bò qua... Nhìn những con lươn giảm tốc, tôi bỗng nghĩ tới Hà Nội và thấy muốn ngăn chặn nạn đua xe, có lẽ phải dùng cách này.Nhưng khổ nỗi đám rửng mỡ đua xe ở Hà Nội lại hầu hết con nhà giàu hoặc có chức sắc nên chắc chắn cha mẹ chúng không bao giờ đồng ý hoặc tìm mọi cách ngăn chặn nếu chính quyền "dám" làm như vậy bởi họ không muốn con cái họ "bay" lên trời nếu như phóng xe với tốc độ khoảng 40 km/giờ qua đó.
Hệ thống thông tin liên lạc ở Islamabad rất kém và lạc hậu. Điện thoại công cộng chủ yếu gọi trong thành phố. Muốn gọi quốc tế thì cực kỳ nhiêu khê. Các khách sạn sẽ bắt khách đăng ký gọi và hỏi "mấy phút", hết giờ gọi, máy ngắt ngay và phải trả giá gấp ba lần so với giá cước quy định. Có một loại thẻ dùng gọi được ra nước ngoài nhưng mỗi lần gọi phải bấm khoảng... 20 con số mà đi tìm được những nơi gọi điện như vậy, không phải đơn giản.
Cánh nhà báo vừa đến Islamabad đã khá nhiều người bị hãng điện thoại danh tiếng này cho ăn quả lừa đắng ngắt, mất tiền đau đớn mà không biết kiện ai (trong đó có cả tôi). Số là dân nhà báo thì phương tiện thông tin là thứ tối cần thiết. Đến Islamabad, nếu như không có điện thoại di động đã hòa mạng quốc tế thì đành phải bấm bụng mua một card Mobiling GSM của Công ty Viễn thông ORASCOM. Sau những thủ tục rất lằng nhằng và nhanh nhất cũng là...2 giờ, bởi lẽ người đến mua thì đông mà cô bán hàng trẻ đẹp, mũi cao, mắt đen láy sẵn sàng nói chuyện điện thoại với ai đó hàng nửa tiếng, rồi phải đặt cọc 24.878 rupi tiền Pakistan (khoảng hơn 400 USD), bạn mới có được một chiếc card, với lời đảm bảo "sắt đá" là gọi được nước ngoài "No problem" đồng thời được nghe căn dặn rất kỹ: Hãy làm thủ tục lấy lại tiền đặt cọc trước 24 giờ trước khi hợp đồng hết hạn. Nộp tiền xong, lấy card lắp vào máy, những tưởng một giờ sau sẽ hoà mạng như lời hứa, nhưng hình như chưa có ai nhanh hơn... 4 tiếng cả. Hoà mạng rồi, thấy cột báo sóng nhấp nháy, vội vàng gọi về nước thì ôi thôi...! Lúc này mới biết hệ thống điện thoại di động của Pakistan không hòa mạng quốc tế! Tỉnh ngộ thì đã muộn, đành đến cắt hợp đồng. Nhưng thủ tục để cắt hợp đồng, lấy lại tiền đặt cọc còn khốn khổ hơn nhiều, mặc dù đã bị chặt mất 4000 rupi vì tội khách "huỷ hợp đồng trước thời hạn". Và như để trêu ngươi, chế giễu sự cả tin của bạn vào lời đường mật kia, cắt hợp đồng xong, bạn ở chỗ nào, sẽ có một lá thư với lời lẽ ngọt ngào uốn lượn của những kẻ biết cách móc tiền của người khác gửi đến: "Cám ơn bạn đã tin cậy, trở thành khách hàng thứ hơn...100 triệu của hãng"!
Chính phủ Pakistan cũng đang đau đầu với nạn tham nhũng có ở khắp nơi, khắp chốn, mặc dù quan chức có lương rất cao, được chính phủ đảm bảo về nhà ở, xe ôtô, người phục vụ. (Đồn trưởng một đồn cảnh sát cũng đã được hưởng tiêu chuẩn này). Theo những con số mới nhất, khoảng gần 25% số tiền đầu tư cho các công trình quốc gia bị "mất tích". Các nhà báo cũng có thể dùng tiền để có thể gặp được người mình cần lấy thông tin, dĩ nhiên là giá cả có khác nhau tuy theo độ quan trọng và vị trí của người đó. Nhưng hầu hết số tiền đó là lọt vào tay đám thư ký, trợ lý, chánh văn phòng... những người có trách nhiệm sắp xếp cuộc gặp. Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, câu ngạn ngữ đó hóa ra ở đâu cũng đúng!
(Còn nữa)
( C. H sưu tầm)