Những người viết nên huyền thoại “Tàu không số”

Ngày đăng: 08:28 24/10/2021 Lượt xem: 181

                    Những người viết nên huyền thoại “Tàu không số”


                                       Nguồn: Báo Điện tử Biên Phòng

Đã 60 năm trôi qua kể từ ngày chiếc “Tàu không số” đầu tiên rời bến, vận chuyển hàng hóa, vũ khí cho chiến trường miền Nam, những câu chuyện huyền thoại về lòng quả cảm, mưu trí, ý chí cách mạng của những người lính Hải quân nhân dân vẫn trường tồn với thời gian. Những chiến công của họ đã góp phần làm nên chiến thắng chung của dân tộc, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của QĐND Việt Nam anh hùng.

 

ựu chiến binh Bùi Tư chia sẻ kỉ niệm về những chuyến đi chở vũ khí vào Nam trên những chuyến “Tàu không số” (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Kim Nhượng

Để trực tiếp chi viện vũ khí, hàng hóa và nhân lực cho cách mạng miền Nam, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở đường vận chuyển chiến lược trên Biển Đông. Trong suốt 15 năm làm nhiệm vụ vận tải chiến lược quân sự trên biển (1961-1975), Đoàn 125, Quân chủng Hải quân đã huy động được gần 1.900 lượt tàu thuyền, vận chuyển hơn 152.000 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh và hơn 80.000 cán bộ, chiến sĩ từ Bắc vào Nam; chống chọi với hơn 20 cơn bão, chiến đấu hơn 30 lần với tàu địch, đánh trả 1.200 lần máy bay địch tập kích, bắn rơi 5 chiếc và bắn cháy nhiều tàu xuồng của địch.

Là một người con của đất cảng anh hùng, nơi đánh dấu đầu tiên cho những chiếc “Tàu không số” vượt biển cả, đưa hàng nghìn tấn vũ khí vào miền Nam, cựu chiến binh Bùi Tư (trú tại thôn Bốn B, xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) nhớ lại: “Sau Tết năm 1965, tôi được điều từ tàu 68 sang tàu 42 làm báo vụ cho đồng chí Thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng, Chính trị viên là đồng chí Trần Ngọc Ẩn. Khoảng 9 giờ tối ngày 12-10, tàu cập cảng K15, các đồng chí làm nhiệm vụ nhanh chóng vận chuyển vũ khí, đạn dược xuống tàu. Chỉ khoảng 3 giờ đồng hồ, hầm hàng 2 đã đầy, tàu bắt đầu rời cảng. Sáng sớm ngày 16-10, các ca vừa bàn giao xong, hai đồng chí quan sát trên boong cabin đã phát hiện một cột khói đen phía sau tàu ta. Cột khói ngày càng cao lên, lộ rõ một chiến hạm của Mỹ. Chúng tôi chú ý quan sát những hành động của tàu chiến Mỹ, chưa đến 10 phút thì lại nghe thêm tiếng động cơ máy bay, bay rất thấp dọc theo hướng đi của tàu 42 chúng tôi. Khoảng 5 phút sau, tàu chiến của Mỹ đến ngang tàu chúng tôi, ra đa tàu chiến này quay liên tục và một vài thủy thủ trên tàu chiến quan sát tàu 42 bằng ống nhòm, còn chiếc máy bay, bay rất thấp theo hướng tàu 42, chưa hết tiếng động cơ chiếc thứ nhất, lại có thêm chiếc máy bay thứ hai. Đúng như dự đoán của thuyền trưởng, không đầy một giờ sau, một chiếc máy bay có chữ “NAVY” bay rất thấp, lượn lòng vòng trên đầu chúng tôi, rồi rời đi. Đó là lần đầu tiên, chúng tôi chạm mặt với địch trên biển”.

Cựu chiến binh Bùi Tư kể tiếp: “Lênh đênh trên biển nhiều ngày, tàu 42 của chúng tôi đã gần tiếp cận được nơi tập kết. Khoảng hơn 12 giờ trưa, lệnh báo động chiến đấu vang lên, tôi mang khẩu RPD lên boong cabin, bám la bàn chuẩn và làm nhiệm vụ quan sát, đồng chí Ba Sang đột nhiên hô: 90 độ mạn phải có đèn chớp đỏ. Chưa đầy 10 phút sau, vị trí 5 báo cáo, 1 tàu địch đang đuổi theo tàu ta. Thuyền trưởng lệnh: Chuẩn bị bộc phá nổ! Đồng chí Nguyễn Công Ở báo cáo: Bộc phá nổ chuẩn bị xong! Thuyền trưởng bảo tôi: Chú ý, máy bay địch từ sân bay Năm Căn sẽ bay ra, ta đi chính xác, sân bay Năm Căn ở mạn phải 10 độ. 10 phút sau, tôi báo cáo: Trước mũi tàu có đèn chớp máy bay của địch. Thuyền trưởng lệnh: Máy giảm xuống tiến một. Lái theo sau vệt đèn pha máy bay! Tôi truyền lệnh của thuyền trưởng xuống buồng lái. Trong lúc đó, máy bay địch pha đèn và lượn vòng tìm mục tiêu. Tàu 42 đi sau máy bay địch được gần 2 vòng, máy bay địch lại lượn vòng ra xa. Thuyền trưởng lệnh tàu 42 di chuyển vào bờ. Chạy được khoảng 10-15 phút, tôi báo cáo: Mạn phải 10 độ có ánh đèn chớp sáng, nghi có máy bay địch. Lúc này, một con tàu của ta xuất phát từ bến đã nhanh chóng ra hỗ trợ tàu 42. Thuyền trưởng lệnh lái tàu 42 theo đèn tàu hỗ trợ. Sau đó, thuyền trưởng lệnh kết thúc báo động chiến đấu, mọi người thở phào nhẹ nhõm”.

 

Tàu HQ 671 hay còn được biết đến với số hiệu C41, 641 được biên chế cho Đoàn 125, đã góp phần làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: Tư liệu

Sau chuyến đi của tàu 42, tàu 69 vào Vàm Lũng (Cà Mau) đêm 25-11-1965, tàu 68 vào Cà Mau ngày 17-12-1965. Riêng với tàu 42, ngày 22-3-1966 cập bến Cà Mau an toàn và còn những chuyến tiếp theo. “Những chuyến đi của chúng tôi đều phải trải qua những giây phút căng thẳng, cân não với kẻ thù, nhưng càng đi, chúng tôi càng có kinh nghiệm” - Cựu chiến binh Bùi Tư kể lại.

Để ghi nhận thành tích của tàu 42, tháng 8-1970, Nhà nước đã tuyên dương tập thể cán bộ, chiến sĩ trên tàu 42 là đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Mặc dù tàu nhỏ, máy móc thô sơ, nhiều chuyến đi gặp sóng to, gió lớn, bị địch ngăn chặn, săn lùng 5 đến 6 chặng, nhưng cán bộ, chiến sĩ trên tàu vẫn dũng cảm, mưu trí, đoàn kết chặt chẽ, vượt mọi khó khăn, nguy hiểm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Xuân Thơm, sinh ra và lớn lên ở xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, là một điển hình cho tinh thần chiến sĩ “Tàu không số” ngày ấy. Ông bắt đầu tham gia Đoàn 962 từ tháng 6-1962, từng bước trưởng thành thành một thuyền trưởng “Tàu không số” dày dạn kinh nghiệm. Ông đã tham gia 16 chuyến vượt biển, 12 chuyến thành công và 4 chuyến không thành công, mỗi chuyến đi lại là một câu chuyện, một kỷ niệm khó quên.

Kỷ niệm đặc biệt của ông là chuyến đi năm 1972. Khi ấy, ông làm thuyền trưởng tàu 653, đi vào bến Vàm Lũng, Cà Mau. Ngày 12-2-1972, tàu 653 xuất phát nhằm thẳng hướng 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng đến ngày 18-2-1972, nhận được một bức điện từ Sở Chỉ huy Đoàn 125 cho biết: Tàu HQ 05 của Hải quân ngụy đang tuần tra tuyến Hòn Khoai - Côn Sơn, đề nghị cho tàu ngụy trang và kiên trì đi theo hướng quay ra miền Bắc. Sau khi nhận lệnh, các chiến sĩ tăng cường ngụy trang tàu và triển khai công tác sẵn sàng chiến đấu. Tất cả các loại súng DKZ, B41, AK, 12,7 ly đều được lắp đạn và bố trí sẵn. Thấy tàu ta không động tĩnh gì mà cứ thẳng tiến ra Bắc, tàu HQ 05 thay đổi hướng đi bằng cách chặn đầu, ép tàu ta đi theo chúng liên tục 5 ngày, các thủy thủ thay nhau lái, canh địch và tiếp tục đi theo kế hoạch: Thẳng hướng ra Bắc. Khi ra tới vĩ tuyến 17, biết không thể thắng được ý chí chiến đấu của ta, địch mới cho tàu quay lại. Đến trưa ngày 25-2-1972, tàu của ta về cập cảng an toàn, kết thúc chuyến đi đầy cam go, thử thách. Đó là một chuyến đi để lại rất nhiều kinh nghiệm, dù bị địch phát hiện và áp sát trong nhiều ngày, nhưng nhờ ý chí, quyết tâm cao của cán bộ, chiến sĩ, tàu của ta vẫn cập bến an toàn.

 

Chiến tranh lùi xa, đất nước đã hòa bình, thống nhất, nhưng các thế hệ sau này sẽ không bao giờ quên trong thắng lợi vĩ đại của dân tộc, có phần đóng góp công sức, xương máu của rất nhiều cán bộ, chiến sĩ đoàn “Tàu không số” - những người dù biết trước có thể sẽ hi sinh, nhưng vẫn giữ vững lòng tin, không hề sợ hãi, không hề do dự. Những cán bộ, chiến sĩ trên “Tàu không số” ngày ấy đã phát huy cao độ tinh thần của lớp thanh niên thời đại Hồ Chí Minh và là tấm gương sáng, là động lực thúc đẩy thế hệ trẻ ngày nay tiếp bước cha anh, góp công sức trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan