Chiến lược phát triển máy bay không người lái của Trung Quốc

Ngày đăng: 08:15 24/12/2021 Lượt xem: 190

           Chiến lược phát triển máy bay không người lái của Trung Quốc


                                                            Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet

Từ nhiều năm nay, Trung Quốc tăng cường đầu tư cho việc phát triển máy bay không người lái (UAV).

 

Những lực lượng chính nghiên cứu, đề xuất

Một là, Cục Tình báo (Cục 2), Bộ Tổng tham mưu, có nhiệm vụ thu thập và phân tích tin tình báo để cung cấp cho quá trình phát triển, hiện đại hóa UAV. Đây là lực lượng nòng cốt trong việc thực hiện những hoạt động tình báo liên quan đến hệ thống cảnh báo không gian và thám không.

 
Chiến lược phát triển máy bay không người lái của Trung Quốc
Một loại UAV của Trung Quốc. Ảnh: Wikipedia

Cục Tình báo quản lí hai cơ quan và một viện nghiên cứu để tham mưu những vấn đề liên quan đến phát triển công nghệ, hệ thống cảm biến trong thiết bị UAV, gồm: Cục Quản lý trang thiết bị khoa học kỹ thuật; Viện Nghiên cứu 55; và Cục Trinh sát.

Hai là, Cục Tác chiến điện tử và radar (Cục 4), Bộ Tổng tham mưu, có nhiệm vụ đưa ra các yêu cầu về tác chiến điện tử và tác chiến liên hợp liên quan đến radar trên UAV. Đây là đơn vị được ưu tiên trong đầu tư các hệ thống trinh sát, vô tuyến điện trinh sát kỹ thuật và hệ thống chống nhiễu, chịu trách nhiệm chính trong việc đưa ra yêu cầu trong thiết kế chế tạo UAV.

Ba là, Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu, có nhiệm vụ bổ sung và hoàn thiện các ý tưởng chiến lược, quản lý, huấn luyện tác chiến liên hợp, huấn luyện các quân binh chủng; đưa ra các yêu cầu cần thiết cho thiết kế UAV nhằm đáp ứng yêu cầu của lực lượng mặt đất qua thử nghiệm và diễn tập thực binh.

Bốn là, Tổng bộ trang bị quân đội (GAD), quản lý một số nhóm chuyên gia chuyên nghiên cứu về UAV. Nhóm chuyên gia này có nhiệm vụ chính là tư vấn cho Quân ủy Trung ương và Quốc vụ viện Trung Quốc về nguồn kinh phí, công nghệ và chính sách công nghiệp để nghiên cứu, phát triển UAV.

Những cơ quan thiết kế, sản xuất chủ yếu

Trước tiên phải kể đến Viện Nghiên cứu UAV (Viện 365)  thuộc Đại học Công nghiệp Tây Bắc ở Tây An. Đây là cơ quan lớn nhất và lâu năm nhất của Trung Quốc trong việc nghiên cứu, sản xuất UAV; có khoảng 200 chuyên gia, nhà nghiên cứu chuyên nghiên cứu về UAV và các loại máy bay khác.

Trong khoảng 50 năm, viện đã nghiên cứu, sản xuất được hơn 40 phiên bản UAV thuộc 4 series khác nhau; đang nắm giữ khoảng 90% thị phần UAV ở Trung Quốc, tổng cộng có hơn 2.500 UAV đã xuất xưởng. Những mã sản phẩm chính là ASN-10, ASN-209, ASN-212, ASN-213, ASN-215, ASN-216, ASN-217, ASN-229A.

Tiếp đó là Tập đoàn Xuất nhập khẩu Công nghệ Hàng không quốc gia Trung Quốc (AVIC). AVIC có chức năng như hãng thương mại toàn cầu trong việc xuất khẩu UAV, là nhà lắp ráp, sản xuất UAV hàng đầu của Trung Quốc.

Năm 2011, AVIC thành lập Công ty máy bay Quý Châu (GAC) với chức năng sản xuất, thử nghiệm và cung cấp UAV cho quân đội Trung Quốc. GAC quản lý trung tâm nghiên cứu và chế tạo UAV tại An Thuận, Quý Châu. GAC cũng hợp tác với Viện Thiết kế máy bay Thành Đô để nghiên cứu, chế tạo một số loại UAV thế hệ mới.

Viện Thiết kế máy bay Thành Đô bắt đầu nghiên cứu và phát triển UAV Yi long (Pterosaurs-Thằn lằn bay) vào năm 2005. UAV Thằn lằn bay được tiếp nhiên liệu trên không và có tính năng tương tự UAV Predator MQ-1 của Mỹ. Mới đây, viện đã chế tạo UAV thế hệ mới cánh cụp cánh xòe, có tính năng tương tự Global Hawk của Mỹ.

Thứ ba, Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học không gian vũ trụ Trung Quốc (CASIC), vốn là cơ quan nghiên cứu hàng đầu các hệ thống tên lửa đạn đạo và phòng không. CASIC bắt đầu các công việc liên quan đến UAV từ năm 1990, dựa trên những yêu cầu của Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 và Chiến lược phát triển đến năm 2030 của Chính phủ Trung Quốc.

Các thiết kế nổi tiếng của tập đoàn có: UAV Đại bàng trời (Sky Eagle) HW-600 tầm trung với tầm hoạt động 1.500km, độ cao 10km và có các cảm biến EO, SAR, ELINT, được coi là Predator của Trung Quốc;  UAV Lưỡi kiếm (Blade) HJ-300 hạng trung; UAV Chim cắt (Sparrow Hauk) series HW-100 hạng nhẹ; UAV Ascender dòng HW-200 hạng nhỏ...

Tiếp theo, Tập đoàn Khoa học và Công nghệ không gian Trung Quốc (CASC), là nhà cung cấp chính các hệ thống không gian và tên lửa cho quân đội Trung Quốc. CASC có 2 viện số 9 và 11 nghiên cứu, sản xuất các phụ kiện liên quan đến UAV. Viện số 9 chuyên sản xuất vi điện tử và hệ thống hướng dẫn, điều hướng và điều khiển, viện này cũng giám sát một trung tâm kỹ thuật chuyên tích hợp hệ thống cảm biến của UAV. Viện số 11 chuyên về lĩnh vực khí động học.

Sản phẩm nghiên cứu sản xuất của CASC có nhiều UAV tiên tiến, trong đó có CH-3. CH-3 có thiết kế độc đáo với cánh mũi lớn về phía trước với các mặt điều khiển, tầm bay 2.400km, độ cao 5.000m, thời gian hoạt động lên đến 12-15 giờ.

Thứ năm, Tập đoàn Kỹ thuật điện tử Trung Quốc (CETC), đóng vai trò nhà cung cấp phụ các hệ thống điện tử, thiết bị cảm biến và thiết bị điện tử. Cơ quan này tập trung vào việc phát triển các UAV cho tác chiến điện điện tử; tham gia phát triển các UAV tàng hình có khả năng hoạt động ở độ cao lớn, trong thời gian dài; phát triển các hệ thống liên lạc mạng và xử lý tình báo với các thiết bị thu hình ảnh SAR trên UAV, cho phép thu hình mục tiêu qua mây và trời tối.

( C.H sưu tầm)

tin tức liên quan