GS Nguyễn Thục Quyên làm việc tại khoa Hóa và Hóa sinh tại Đại học California, Santa Barbara (UCSB) và là đồng Chủ tịch Hội đồng sơ khảo Giải thưởng VinFuture. Bà chính thức giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học California, Santa Barbara (UCSB) từ hè năm 2004.
Bà từng cộng tác nghiên cứu tại khoa Hóa học và Trung tâm Nano tại Đại học Columbia, cùng GS Louis Brus and Colin Nuckolls nghiên cứu về quá trình tự lắp ráp phân tử, đặc tính kích thước nano và các thiết bị liên quan.
GS Nguyễn Thục Quyên cũng đã dành thời gian tại Trung tâm Nghiên cứu IBM tại T. J. Watson (Yorktown Heights, New York) cộng tác với GS. Richard Martel và Phaedon Avouris về điện tử phân tử.
Các nghiên cứu của bà xoay quanh tính chất điện tử của polyelectrolytes liên hợp, giao diện trong các thiết bị quang điện tử, việc tạo và vận chuyển điện tích trong chất bán dẫn hữu cơ, vật liệu mới cho các ứng dụng pin mặt trời hữu cơ, tự lắp ráp phân tử, xử lý vật liệu, đặc tính kích thước nano của pin mặt trời hữu cơ và vật lý thiết bị.
Trong sự nghiệp khoa học, GS Nguyễn Thục Quyên đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá, bao gồm Giải thưởng Nhà nghiên cứu trẻ của Văn phòng Nghiên cứu Hải quân (2005), Giải thưởng Quỹ Khoa học Quốc gia CAREER (2006), Giải thưởng Harold Plous (2007). Năm 2008, GS Quyên nhận Giải thưởng Học giả – Giáo viên Camille Dreyfus, sau đó lần lượt là các giải Nghiên cứu viên Alfred Sloan năm (2009), Nghiên cứu viên Đổi mới và Năng lực Cạnh tranh Hoa Kỳ của Quỹ Khoa học Quốc gia 2010, Giải thưởng Nghiên cứu Cao cấp Alexander von Humboldt năm 2015, Nghiên cứu viên của Hiệp hội Hóa học Hoàng gia năm 2016. Đặc biệt, GS Quyên được bình chọn là Trí tuệ Khoa học có ảnh hưởng nhất Thế giới năm 2015, 2016, 2017 và 2018.
Bà nằm trong Top 1% nhà nghiên cứu Khoa học Vật liệu được trích dẫn nhiều nhất thế giới của Thomson Reuters và Clarivate Analytics.
Hành trình từ gian khó
Để trở thành một trong những nhà khoa học nữ có ảnh hưởng lớn nhất thế giới, GS Nguyễn Thục Quyên cho biết, đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. GS Quyên sinh ra ở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) trong một gia đình gồm 5 anh chị em. Khi còn nhỏ, bà theo mẹ đến các vùng kinh tế mới như: Phước Lâm, Long Điền, Đất Đỏ, Phước Tỉnh và Vũng Tàu để kiếm sống.
Đến tháng 7/1991, gia đình GS Nguyễn Thục Quyên rời Việt Nam sang Mỹ định cư. Thời gian đầu, bà không biết tiếng Anh nên bị bạn bè chê cười. Tuy nhiên, điều này không làm bà nản lòng mà càng chăm chỉ học tiếng Anh để có thể sớm hòa nhập với cuộc sống mới. Vào tháng 9/1993, người cô họ cho GS Quyên sống cùng nhà. Trong khoảng thời gian sống chung với cô, bà dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng, đi chợ và chạy việc vặt.
Trong khoảng thời gian trên, GS Nguyễn Thục Quyên xin học ở Đại học Santa Monica nhưng không được nhận vì trình độ tiếng Anh kém. Về sau, bà thuyết phục được nhà trường cho học thử một kỳ. Với tinh thần cầu thị, GS Nguyễn Thục Quyên vừa đi học ban ngày vừa học thêm ở trung tâm dạy tiếng Anh miễn phí. Sau những cố gắng và nghị lực phi thường, bà được nhận vào học. Để có tiền đóng học phí, bà làm thêm ở thư viện trường và vay thêm tiền từ chính phủ.
Tháng 9/1995, GS Nguyễn Thục Quyên xin chuyển lên Đại học Califonia, Los Angeles. Bà vừa học vừa làm thêm trong phòng thí nghiệm với công việc rửa dụng cụ. Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng đại học Hóa năm 1997, bà nộp đơn học cao học. Sau 1 năm, bà có trong tay tấm bằng thạc sĩ ngành Lý - Hóa và quyết định học tiếp tiến sĩ. Vào năm cuối học tiến sĩ, GS Nguyễn Thục Quyên là một 7 nghiên cứu sinh xuất sắc của Đại học Califonia, Los Angeles được trao học bổng.
Tiết lộ về chọn hướng nghiên cứu vật liệu mới cho ứng dụng pin mặt trời hữu cơ, GS Quyên cho biết: "Suốt 16 năm thời thơ ấu lớn lên trong cảnh không có điện ở quê nhà nên mối quan tâm đặc biệt đến năng lượng mặt trời luôn ở trong tiềm thức hướng về quê hương".
Lần trở về này, GS Quyên cho biết rất quan tâm tới những nhà nghiên cứu trẻ tại Việt Nam. Trong suốt sự nghiệp, bà đã chứng kiến những học sinh, sinh viên người Việt sáng tạo, chăm chỉ, tò mò, luôn sẵn sàng học hỏi: "Nếu có những cơ hội và sự chỉ dẫn, những nhà nghiên cứu trẻ ở Việt Nam có thể đạt được những điều vĩ đại như những nhà khoa học khác trên toàn thế giới". Nữ giáo sư hy vọng có thể xây dựng viện nghiên cứu với phòng lab tối tân, mở những workshop để kết nối các nhà khoa học trẻ Việt Nam với thế giới bên ngoài.