Nguồn gốc của con dao găm Ai cập làm bằng vật liệu vũ trụ

Ngày đăng: 10:12 25/02/2022 Lượt xem: 177

Nguồn gốc của con dao găm Ai cập làm bằng vật liệu vũ trụ

Một nhóm các nhà nghiên cứu gần đây đã quét tia X một con dao găm bằng sắt được tìm thấy trong lăng mộ Tutankhamun - pharaon Ai Cập thuộc Vương triều thứ 18, trị vì vào khoảng những năm 1332-1323 TCN. Mục đích nghiên cứu là để tìm ra cách thức chế tạo những vật thể, kim loại cổ được làm từ thiên thạch. 

Giả thuyết ban đầu cho rằng con dao găm là thành quả của quá trình rèn ở nhiệt độ thấp, nhưng họ không nghĩ nó được chế tác tại Ai Cập.

 

Hai hình trên là mặt trên và dưới của con dăm găm, hình cuối là ảnh chụp vào năm 1925

Khi nhóm khảo cổ học bước vào phòng chôn cất trong Tutankhamun ở Thung lũng các vị vua vào những năm 1920, họ phát hiện con dao găm dài 1 foot giữa khung cảnh lộng lẫy bên trong lăng mộ. Lưỡi kiếm của nó làm bằng sắt, một khám phá khó hiểu khi Thời đại đồ sắt bắt đầu một thế kỷ sau khi vua Tut chết. Họ lý giải người cổ đại đã dùng sắt thiên thạch để chế tạo - những khối kim loại rơi ra từ không gian và sau đó được rèn trên Trái Đất.

Ngoài Ai Cập, nhiều nơi khác cũng rất ưa chuộng đồ vật có cách chế tạo như vậy. Một con dao găm thiên thạch được tìm thấy ở Thổ Nhĩ Kỳ có từ thời kỳ đồ đồng sớm, 1.000 năm trước khi Tutankhamun ra đời.

Bên cạnh con dao găm, Tutankhamun được chôn cùng với một cái tựa đầu và vòng tay đều bằng sắt. Nghiên cứu năm 2016 đã tìm ra lời giải cho câu hỏi về nguồn gốc sắt ở thời đại vua Tut, nhưng chưa thể lý giải đó là thiên thạch gì cũng như cách người xưa chế tác nó. Nghiên cứu mới được xuất bản trên tạp chí Meteoritics & Planetary Science đã đi tìm câu trả lời cho hai câu hỏi trên.

Đồng tác giả nghiên cứu Tomoko Arai, nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Chiba, Nhật Bản nói: “Để hiểu rõ về quá trình sản xuất và nguồn gốc của con dao găm, chúng tôi đã tiến hành phân tích hóa học hai chiều không phá hủy và không tiếp xúc mặt trên”.

Các nhà nghiên cứu đã lập bản đồ cấu trúc nguyên tố của lưỡi dao bằng cách chiếu tia X vào nó, họ tìm thấy nồng độ sắt, niken, mangan và coban. Ở những chỗ bị đen trên lưỡi dao, có dấu vết của lưu huỳnh, clo, canxi và kẽm. Sự phân bố của chúng trên bề mặt con dao cũng là điểm đáng chú ý.

“Chúng tôi nhận thấy một kết cấu gạch chéo xuất hiện ở một số vị trí của cả hai mặt. Điều này giống với hoa văn Widmanstätten, đặc trưng của thiên thạch sắt octahedrite”, Arai nói.

Hoa văn Widmanstätten là một hiệu ứng đáng chú ý có trong thiên thạch có tỷ lệ phân bố niken khác biệt. Hoa văn trên con dao găm thể hiện đặc trưng của octahedrite - nhóm thiên thạch sắt lớn nhất.

Nguồn gốc của con dao găm Ai cập làm bằng vật liệu vũ trụ

Hoa văn Widmanstätten trên thiên thạch octahedrite

Để xác minh kết quả của phân tích nguyên tố, nhóm nghiên cứu đã so sánh hoa văn trên dao găm của Tut với hoa văn trên thiên thạch Nhật Bản có tên Shirahagi. Được biết một số thanh kiếm của Hoàng đế Taisho được làm từ sắt của Shirahagi. Cả hai đều là thiên thạch thuộc nhóm octahedrite.

Hoa văn đặc biệt trên con dao găm Ai Cập cổ đại cũng là gợi ý cho cách thức nó được tạo ra. Cấu trúc Widmanstätten sẽ biến mất nếu mảnh sắt được nung trong nhiệt độ rất cao.

“Chúng tôi cũng tìm thấy những mảng đen nhỏ ở một vài vị trí trên bề mặt. Ban đầu chúng tôi nghĩ đó là vết rỉ sét, nhưng sau đó nhận ra chúng là sắt sunfua, thường xuất hiện trong các thiên thạch sắt octahedrite”, Arai nói. 

Cùng với hoa văn Widmanstätten, sự xuất hiện của sắt sunfua cho thấy con dao găm được rèn ở nhiệt độ tương đối thấp - dưới 950 độ C. Phân tích hóa học không đưa ra manh mối về nguồn gốc của con dao găm, nhóm nghiên cứu phải chuyển sang điều tra văn bản ghi chép sự kiện 3.400 năm tuổi có tên Amarna Letters. Nó ghi lại các hoạt động ngoại giao ở Ai Cập cổ đại vào giữa thế kỷ 14 trước Công nguyên. 

Ghi chép có đề cập đến một con dao găm bằng sắt trong một vỏ bọc bằng vàng - có lẽ không phải là một phụ kiện phổ biến vào thời đó - đã được vua của Mitanni - một vùng của Anatolia - tặng cho Amenhotep III, ông nội của Tutankhamun, nhân dịp pharaoh kết hôn với con gái của ông. 

Con dao găm có thể là vật gia truyền bên đằng ngoại của pharaoh, có được từ mối quan hệ với người nước ngoài. Phân tích nguyên tố của nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng đá quý trên chuôi dao găm được đính bằng thạch cao vôi, được sử dụng phổ biến ở Mitanni nhưng không được sử dụng ở Ai Cập cho đến sau này.

Arai cho biết các nghiên cứu trong tương lai sẽ giúp đào sâu hơn nhiều khía cạnh thú vị của con dao găm đến từ đá ngoài hành tinh.

Nguồn: Gizmodo


tin tức liên quan