Giá xăng trong nước có thể tăng tới đâu?

Ngày đăng: 09:34 09/03/2022 Lượt xem: 126

Giá xăng trong nước có thể tăng tới đâu?

Giá bán lẻ trong nước có thể lên sát 30.000 đồng một lít vào kỳ điều chỉnh ngày 11/3 nếu nhà điều hành không can thiệp bằng các công cụ bình ổn giá, theo các chuyên gia.

Giá dầu thô leo đỉnh khiến giá thành phẩm mặt hàng này tại thị trường thế giới cũng không ngừng đi lên. Theo dữ liệu được Bộ Công Thương công bố tới ngày 7/3, giá thành phẩm xăng dầu trên thị trường Singapore với xăng RON92 (loại dùng pha chế xăng E5 RON92) là 142,01 USD một thùng; xăng RON95 là 145,88 USD; dầu diesel 158,44 USD mỗi thùng.

Như vậy, từ 1/3 đến nay, giá thành phẩm thế giới đã tăng gần 20% mỗi lít xăng, dầu. Việc này khiến chênh lệch giá cơ sở (dùng để tính toán giá bán lẻ trong nước) và giá thế giới ngày càng tăng.

Một doanh nghiệp xăng dầu ở Hà Nội cho biết, với giá cơ sở ngày 7/3, giá bán ra trong nước đang âm khoảng 3.800 đồng một lít, dầu diesel âm 4.800 đồng mỗi lít.

Theo đó, giá bán lẻ trong nước có thể lên sát ngưỡng 30.000 đồng một lít vào kỳ điều hành ngày 11/3 nếu nhà điều hành không can thiệp bằng các công cụ bình ổn giá, như xả thêm từ Quỹ bình ổn xăng dầu (hiện còn khoảng 620 tỷ đồng.

Cây xăng góc đường Lý Chính Thắng - Trương Định, quận 3, tháng 2/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Cây xăng góc đường Lý Chính Thắng - Trương Định, quận 3, tháng 2/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Trước sự biến động lớn về giá, các doanh nghiệp cho rằng, Nhà nước cần nhanh chóng điều chỉnh giá xăng dầu cho phù hợp với thị trường, thay vì chờ tới kỳ điều hành ngày 11/3.

Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, quy định nếu các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 10% hoặc trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định về biện pháp điều hành. Trong khi đó, biến động giá tuần qua đã tăng gần 20%.

"Lúc này nhà điều hành nên tính toán điều chỉnh ngay thay vì chờ đủ 10 ngày. Bởi nếu kéo dài như hồi đầu tháng 2, tôi sợ sẽ không ít doanh nghiệp tư nhân, cây xăng đóng cửa", đại diện doanh nghiệp ở Bình Dương nói.

Lãnh đạo một doanh nghiệp ở Hà Nội tính toán, bình quân giá thế giới tăng 10% thì giá nhập về Việt Nam sau khi cộng các chi phí, thuế... tăng khoảng 15%, tương đương giá mỗi lít xăng đắt thêm gần 3.000 đồng. Điều hành linh hoạt hơn lúc này giúp doanh nghiệp cắt lỗ, xoay vòng tiền để nhập tiếp hàng về bán, tránh đứt đoạn nguồn cung.

Thực tế giá thế giới liên tiếp lập đỉnh khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước thời gian qua đối diện tình thế "càng kinh doanh càng lỗ".

Đại diện một doanh nghiệp đầu mối thuộc top 5 thị trường chia sẻ, hiện mỗi lít xăng doanh nghiệp này đang chịu âm 3.000 đồng. Nếu cộng dồn các lần tăng trước đó, mức chênh lệch có thể lên tới 5.000 đồng.

"Xăng dầu khan hiến, chúng tôi luôn tìm cách nhập để đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Trong khi đó, giá mua vào đều cao hơn giá bán ra ở trong nước nên lỗ chồng lỗ", ông nói.

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối khác tại TP HCM cũng cho hay, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lúc này không chỉ đau đầu vì giá thế giới leo thang, mà nguồn cung trên thị trường quốc tế không dồi dào. Căng thẳng Nga - Ukraine khiến các doanh nghiệp xuất khẩu vào thế "kìm hàng", đẩy giá lên cao.

"Chúng tôi đều phải tranh thủ từng phút, nhập được lúc nào thì mua ngay, vì qua một ngày là giá xăng, dầu lập đỉnh mới. Dù lỗ, chúng tôi vẫn phải nhập hàng để đảm bảo nhu cầu thị trường", ông nói.

Tương tự, các đại lý bán lẻ cũng cho biết đang khó trăm bề. Ông Lê Văn Mỵ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thương mại Hóc Môn cho rằng hiện mỗi ngày lỗ vài trăm triệu đồng.

Đang gánh lỗ 3.000 đồng một lít xăng cũng là tình cảnh chung của một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu với 8 cửa hàng bán lẻ tại Bình Dương. "Chúng tôi rất khó khăn, đóng cửa thì bị phạt mà nhập hàng thì nguồn cung nhỏ giọt, giá tăng chóng mặt, lỗ liên tục nhưng vẫn phải trả đủ mọi chi phí", ông nói.

Trong khi đó, mức chiết khấu mà các doanh nghiệp phân phối dành cho đại lý hiện đã về 0 đồng. "Mức chiết khấu 300-350 đồng một lít xăng, dầu được duy trì một ngày sau điều chỉnh giá ngày 1/3, sau đó giảm về 100 đồng, và hiện là 0 đồng", anh Tùng, trưởng phòng kinh doanh một đại lý có 20 cửa hàng ở Hà Nội cho biết.

Chiết khấu xuống thấp nhưng lượng hàng nhập được, theo anh, vẫn chưa cải thiện như cách đây gần 2 tháng. "Đều đặn hai tháng nay, mỗi tháng chúng tôi lỗ hơn một tỷ đồng. Lỗ mà vẫn phải bán nếu không chúng tôi lại bị phạt. Kéo dài thế này sẽ khó trụ được, khi ngân hàng không cho vay nếu tài chính của doanh nghiệp xấu", anh nói thêm.

nghìn đồng/lítDiễn biến giá xăng thời gian qua(3 tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022)RON 95E5 RON 9211-10-202126/10/202110-11-202125/11/202110-12-202125/12/202111-1-202221/1/202211-2-202221/2/20221-3-202220k22k24k26k28kVnExpress

Về vấn đề này, đại diện Bộ Công Thương cho biết, tổ điều hành liên Bộ Công Thương - Tài chính vẫn đang theo dõi sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới để có phương án điều hành phù hợp, linh hoạt. "Chúng tôi sẽ đảm bảo đúng quy đinh, hài hoà lợi ích của doanh nghiệp, nhà nước và người dân", người này nói.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho rằng việc điều hành linh hoạt lúc này là cần thiết và cơ quan quản lý cần có một kế hoạch cụ thể với các giải pháp tính toán tổng hoà lợi ích, cân đối bài toán vĩ mô cũng như sức chịu đựng của người dân, nền kinh tế trước bài toán tăng giá xăng dầu.

"Với hệ thống cung ứng, cơ quan quản lý cần có giải pháp hỗ trợ họ thông qua hệ thống ngân hàng để cấp tín dụng ưu đãi, giúp doanh nghiệp, đại lý có nguồn tiền quay vòng để nhập hàng về bán. Còn về phía người tiêu dùng, nhà điều hành cần có kịch bản giá dựa trên tính toán về mức độ chịu đựng, tránh lạm phát tâm lý", ông nhận xét.

tin tức liên quan