Hiện nay, vấn đề đóng bảo hiểm xã hội và hưởng lương hưu được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và các văn bản hướng dẫn.

Theo đó, mức hưởng lương hưu hằng tháng được quy định tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và được hướng dẫn bởi khoản 2 Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP.

 

Mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính theo công thức sau:

Mức hưởng lương hưu hằng tháng = Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

 

Trong đó, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu được tính như sau: 

- Đối với lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% - tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội; sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

Như vậy, lao động nữ cần 30 năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu tối đa.

- Đối với lao động nam nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội theo bảng dưới đây, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

Năm nghỉ hưu

Số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 45%

2018

16 năm

2019

17 năm

2020

18 năm

2021

19 năm

Từ 2022 trở đi

20 năm

Như vậy, lao động nam cần 35 năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu tối đa.

* Tóm lại, hiện nay, nếu người lao động muốn được hưởng lương hưu với tỷ lệ tối đa (75%) thì cần phải đáp ứng đủ điều kiện hưởng lương hưu và bắt buộc phải đóng bảo hiểm xã hội ít nhất 30 năm đối với nữ và 35 năm đối với nam.

Ngoài ra, đối với người lao động hưởng lương hưu trước tuổi quy định do suy giảm khả năng lao động thì tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng cũng sẽ được tính như trên nhưng cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì sẽ bị giảm 2%. 

 
Lao động nam cần 35 năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu tối đa; còn lao động nữ cần 30 năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu cao nhất.
 

Lao động nam cần 35 năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu tối đa; còn lao động nữ cần 30 năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu cao nhất.

Cách tính lương hưu khi lạm phát như thế nào?

Theo Điều 57 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Chính phủ sẽ quy định việc điều chỉnh tiền lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội (tức là điều chỉnh tiền lương hưu khi lạm phát).

Như vậy, khi có lạm phát thì Chính phủ sẽ điều chỉnh tiền lương hưu (tăng lương hưu) cho phù hợp với tình hình thực tế của từng thời kỳ.

Hiện nay, mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo Thông tư 36/2021/TT-BLĐTBXH ngày 31-12-2021.

Khi có luật mới thì mức đóng bảo hiểm thế nào?

Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang được Chính phủ lấy ý kiến nhân dân, lao động nam tham gia bảo hiểm xã hội từ 15 năm đến dưới 20 năm thì lương hưu cho mỗi năm đóng được tính bằng 2,25% tiền lương bình quân tháng đóng bảo hiểm xã hội. Mức lương hưu với lao động nam thuộc nhóm này dao động từ 33,75% đến 42,75%.

Trường hợp lao động nam đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm trở lên thì hưởng lương hưu với mức 45% và cộng thêm 2% cho mỗi năm đóng sau đó. Muốn hưởng tối đa 75%, người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội đủ 35 năm.

Đối với lao động nữ đóng 15 năm bảo hiểm xã hội thì hưởng lương hưu tối thiểu 45% và sau đó cộng thêm 2% cho mỗi năm tham gia. Để hưởng mức tối đa 75%, lao động nữ phải đóng bảo hiểm xã hội đủ 30 năm.

Như vậy, so với quy định hiện hành, người lao động vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội tối đa 30 năm đến 35 năm để được hưởng mức lương hưu cao nhất là 75%.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được lấy ý kiến đến tháng 4, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6, trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội tháng 10-2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5-2024, có hiệu lực từ ngày 1-1-2025. 

THẢO PHƯƠNG
(PS st theo QĐND)