Vừa qua, tại dự thảo Luật CCCD sửa đổi, Bộ Công an đã đề xuất nhiều chính sách mới, trong đó có việc thay đổi một số thông tin trên mặt thẻ. Đáng chú ý, thông tin nơi thường trú, quê quán ở mặt trước sẽ thay bằng nơi cư trú và nơi đăng ký khai sinh.
Đổi “nơi thường trú” thành “nơi cư trú”: Điểm mới tích cực
CCCD là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân. Thẻ CCCD là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam do cơ quan quản lý căn cước cấp, có giá trị chứng minh thông tin về căn cước công dân của người đó.
Việc dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi điều chỉnh thông tin “nơi thường trú” thành “nơi cư trú” là một điểm tích cực, phù hợp với thực tiễn cư trú của người dân và đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về dân cư.
Điều 11 Luật Cư trú năm 2020 quy định nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú. Khoản 8, 9 Điều 2 Luật này đã giải thích “nơi thường trú” là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú. Còn “nơi tạm trú” là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.
Đối với người không có nơi thường trú và nơi tạm trú thì Điều 19 Luật Cư trú năm 2020 quy định nơi cư trú của người không có cả nơi thường trú và nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú là nơi ở hiện tại của người đó; trường hợp không có địa điểm chỗ ở cụ thể thì nơi ở hiện tại được xác định là đơn vị hành chính cấp xã nơi người đó đang thực tế sinh sống. Người không có nơi thường trú, nơi tạm trú phải khai báo thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại.
Như vậy, theo Dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi, công dân có thể cung cấp thông tin về nơi cư trú khi đăng ký cấp thẻ CCCD là một trong các thông tin sau: (1) nơi thường trú, (2) nơi tạm trú hoặc (3) nơi ở hiện tại nếu không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú. Theo nội dung điều chỉnh này, công dân sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn để có thể đăng ký cấp thẻ CCCD. Nếu như trước đây công dân bắt buộc phải có nơi thường trú thì mới đủ điều kiện cấp thẻ căn cước công dân thì với thay đổi này giúp cho công dân dù ở bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện cư trú khác nhau đều có thể đáp ứng điều kiện về nơi cư trú để được cấp thẻ căn cước công dân. Từ đó bảo đảm thực hiện quyền được cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân được ghi nhận trong Luật CCCD.
Ở khía cạnh quản lý nhà nước, việc thay đổi này giúp các cơ quan quản lý nhà nước về dân cư và cư trú có thể thu thập đầy đủ thông tin, dữ liệu của công dân để quản lý tốt hơn bởi hiện nay những công dân không có nơi thường trú (đặc biệt là những người vô gia cư) sẽ không đủ điều kiện để cấp căn cước công dân, vì thế việc quản lý các đối tượng này thường gặp nhiều khó khăn.
Phân biệt “nguyên quán” và “quê quán”
Về mặt từ ngữ, “nguyên quán” hay “quê quán” dùng để xác định nguồn gốc của một người, dựa vào những căn cứ nhất định. Tuy nhiên, tra cứu các văn bản quy phạm pháp luật thì không có quy định nào giải thích thế nào là “nguyên quán”, thế nào là “quê quán” mà chỉ có các quy định hướng dẫn cách ghi các thông tin này.
Trước đây, điểm e khoản 2 Điều 7 Thông tư số 36/2014 của Bộ Công an quy định về biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú có hướng dẫn cách ghi thông tin về “nguyên quán” như sau: Ghi nguyên quán theo giấy khai sinh. Trường hợp không có giấy khai sinh hoặc giấy khai sinh không có mục này thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của ông, bà nội hoặc ông, bà ngoại. Nếu không xác định được ông, bà nội hoặc ông bà ngoại thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của cha hoặc mẹ. Phải ghi cụ thể địa danh hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh. Trường hợp địa danh hành chính đã có thay đổi thì ghi theo địa danh hành chính hiện tại.
Hiện nay, Thông tư số 36/2014 đã được thay thế bởi Thông tư 56/2021 (có hiệu lực thi hành từ 1-7-2021), nội dung thông tin về “nguyên quán” đã bị bỏ đi và không còn sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú.
Trong khi đó, theo khoản 8 Điều 4 của Luật Hộ tịch, điểm đ khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2015 thì “quê quán” của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.
Còn điểm i khoản 2 Điều 7 Thông tư 66/2015 của Bộ Công an (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 41/2019/TT-BCA) quy định về biểu mẫu sử dụng trong công tác cấp, quản lý thẻ CCCD, tàng thư CCCD và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hướng dẫn cách ghi mục “quê quán” trong Tờ khai CCCD như sau: Ghi địa danh hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh theo giấy khai sinh, sổ hộ khẩu. Trường hợp các giấy tờ đó không ghi đầy đủ địa danh hành chính theo cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh thì ghi địa danh hành chính theo giấy tờ đó. Trường hợp địa danh hành chính có sự thay đổi thì ghi theo địa danh hành chính mới đã được thay đổi theo quy định.
Có thể thấy rằng việc xác định, phân biệt thông tin về “nguyên quán” hay “quê quán” trong thực tiễn thời gian qua gặp nhiều khó khăn do pháp luật không có sự giải thích chi tiết về các thông tin này, hướng dẫn về cách ghi thông tin trong các quy định trên cũng còn chung chung.
Do đó, Điều 19 Dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi thay thế thông tin “quê quán” trên CCCD thành “nơi đăng ký khai sinh” là phù hợp với thông lệ quốc tế về ghi nhận dữ liệu căn cước công dân của cá nhân, đồng thời giúp công dân dễ dàng thực hiện việc kê khai thông tin khi làm thủ tục đăng ký cấp thẻ CCCD.
ThS NGUYỄN NHẬT KHANH,
Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM
(PS st theo Pháp Luật)