Lý Ông Trọng
Lý Ông Trọng (tên thật là Lý Thân), sinh ra tại làng Chèm (nay thuộc Bắc Từ Liêm, Hà Nội), sống vào cuối đời Hùng Vương và những năm đầu thời Thục Phán An Dương Vương (thế kỷ thứ III TCN).
Lý Ông Trọng là bậc dũng sĩ, vóc dáng cao to, khí chất phi phàm. Dưới thời An Dương Vương, ông giúp vua đánh tan quân xâm lược nhà Tần. Sau khi đánh bại đội quân xâm lược của Tần Thủy Hoàng, nhằm cải thiện mối bang giao với nước Tần, Thục Phán An Dương Vương cử Lý Ông Trọng đi sứ phương Bắc.
Thời Tần Thủy Hoàng bị quân Hung Nô quấy nhiễu, gặp đúng lúc Lý Ông Trọng sang đi sứ nên vua Tần đã mời ông giúp sức. Đáng kinh ngạc là khi ông cầm quân ra giữ đất Lâm Thao (vùng Cam Túc, Trung Quốc hiện nay) thì quân Hung Nô tràn đến bao nhiêu cũng thua, dần trở nên kinh sợ khi nghe danh Lý Ông Trọng.
Tần Thủy Hoàng hết đỗi vui mừng, liền sắc phong Lý Ông Trọng làm Vạn Tín hầu và gả công chúa cho. Dù nhận được sự sùng kính của nhà Tần, Lý Ông Trọng chưa bao giờ thôi nhớ về quê hương, liền viện cớ xin vua Tần cho mình trở lại quê nhà
Sau khi Lý Ông Trọng mất, Tần Thủy Hoàng cho đúc pho tượng đồng khổng lồ hình Lý Ông Trọng, đặt ở cửa Tư Mã, kinh đô Hàm Dương để đánh đuổi quân Hung Nô. Từ xa, quân địch lầm tưởng Lý Ông Trọng còn sống nên sợ hãi bỏ chạy tháo thân, không dám bén mảng tới nước Tần nữa. Uy danh của ông truyền từ đời này qua đời khác, bao trùm cả Âu Lạc đến khắp các vùng Trung Hoa.
Nguyễn An
Nguyễn An (1381-1453), quê ở Hà Đông, Hà Nội, nổi tiếng là thần đồng từ nhỏ, thiên tài về kiến trúc. Năm 16 tuổi, ông tham gia xây dựng nhiều cung điện nguy nga ở kinh thành Thăng Long thời vua Trần Thuận Tông.
Năm 1407, nhà Minh đưa quân sang xâm lược nước ta với danh nghĩa "phù Trần diệt Hồ", đánh bại nhà Hồ. Họ bắt nhiều người tài giỏi, ưu tú của nước ta mang về Trung Hoa, trong đó có Nguyễn An. Sau đó, Nguyễn An được chọn làm thái giám phục vụ trong cung nhà Minh.
Thời điểm đó nhà Minh đang chuẩn bị xây dựng kinh thành ở Bắc Kinh (Tử Cấm Thành). Tài năng của Nguyễn An thu hút sự chú ý của vua Minh. Vua tin tưởng giao cho ông làm tổng công trình sư. Nguyễn An trở thành người chịu trách nhiệm quyết định tối cao cho công trình, chỉ sau vua Minh.
Tháng 1/1437 khởi công, đến tháng 4/1439, chín cửa thành lầu, bao gồm cả hào thành, cầu cống có liên quan của Tử Cấm Thành đều hoàn tất tốt đẹp. Công trình quy mô to lớn đáng lẽ phải huy động tới cả chục vạn dân phu, mà Nguyễn An chỉ dùng có hơn 1 vạn quan binh là có thể hoàn thành nhiệm vụ đạt yêu cầu. Dân chúng không ai bị quấy nhiễu, vua Minh hài lòng.
Hồ Nguyên Trừng
Hồ Nguyên Trừng (1374-1446), con trai cả của Hồ Quý Ly, quê ở làng Đại Lại, huyện Vĩnh Phúc, lộ Thanh Hoa (ngày nay thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Ông là người có biệt tài về đúc súng, pháo.
Sau khi bị quân Minh bắt về Trung Quốc, ông được vua Minh trọng dụng, trở thành thầy dạy đúc súng pháo của người Trung Quốc, đem lại bước tiến lớn trên con đường sử dụng thuốc nổ vào chiến tranh của nước này.
Theo sách Minh sử có ghi chép, đến đời vua Thành Tổ nhà Minh (1403-1424) đánh nước Giao Chỉ học được phép đúc thần cơ sang pháo, lúc bấy giờ mới đặt ra đội súng thần cơ (thần công). Như vậy, các tài liệu sử học của cả Việt Nam và Trung Quốc đều xác nhận rõ, chỉ từ khi có Hồ Nguyên Trừng mới xuất hiện súng thần công.
Nhờ tài năng về quân sự kiệt xuất, Hồ Nguyên Trừng làm quan qua 4 đời vua Minh. Cuối năm Bính Dần 1446, ông mất vì bệnh tuổi già, hưởng thọ 72 tuổi. Sau khi Hồ Nguyên Trừng qua đời, vua Minh sắc phong làm Thần hỏa khí có đền thờ khang trang, mỗi khi tế súng đều phải tế ông.
Khương Công Phụ
Khương Công Phụ (731-805), tự Đức Văn, người xã Cổ Hiển, nay là xã Định Thành, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, từ bé nổi tiếng thông minh, có trí nhớ tuyệt vời.
Khi vua Đường chỉ cho 8 sĩ tử An Nam sang Trường An thi, Khương Công Phụ vượt qua hết các kỳ khảo hạch với thứ hạng luôn đứng đầu. Trong kỳ thi ở Trường An, ông xuất sắc đỗ Trạng Nguyên, làm đến chức Tể tướng của triều vua Đường Túc Tông.
Khương Công Phụ là trường hợp "có một không hai" trong lịch sử phong kiến ở Việt Nam, khi là người Việt đầu tiên và duy nhất thi đỗ trạng nguyên, rồi giữ vị trí cao trong bộ máy cai trị của đất nước Trung Hoa.
Ông từng dâng lên vua bài “Kế sách trị nước” với nhiều ý tưởng xuất sắc. Vua Đường Đức Tông vì thế rất kính nể. Giới nho sĩ qua nhiều thế hệ ca ngợi ông không chỉ tài năng văn chương, mà còn có phẩm chất, tư cách của "kẻ sĩ" xuất chúng.
Kim Nhã