Lỷ A Tài là người dân tộc Dao. Anh Tài vừa là Bí thư chi bộ, Trưởng thôn kiêm Bí thư Chi đoàn thôn Mào Sán Cáu. Lỷ A Tài cho biết, cây quả máu này vốn mọc dại trong rừng, anh trồng trong vườn nhà được khoảng 10 năm. Cây dây leo, có lá xanh quanh năm và sinh trưởng mạnh từ mùa xuân cho tới mùa hè.
Lỷ A Tài cho biết, cây quả máu trồng rất lâu thì mới ra quả, khoảng sau 5 năm mới ra hoa lần đầu. Cây ra hoa từ tháng 2, đậu quả và từ tháng 6-7 trở đi thì bắt đầu chín.
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, kiêm Bí thư chi đoàn thôn Mào Sán Cáu Lỷ A Tài bên rổ quả cây quả máu mới hái được từ trên cây.
Quả cây quả máu mọc thành chùm, có hình bầu dục, thuôn về phía cuống. Khi chùm quả còn nhỏ và xanh trông giống như chùm nho xanh. Khi chín, chùm quả chuyển dần từ màu xanh sang màu phớt hồng và khi chín đủ thì chuyển sang màu đỏ tươi như máu và chín kỹ chuyển sang màu tím đen.
Theo anh Lỷ A Tài, cây quả máu khi chín có vị chua chua ngọt ngọt rất dễ ăn. Chính vì vậy, trẻ con rất thích ăn loại quả này. Phụ nữ, nhất là phụ nữ có thai, hoặc sau khi sinh đang cho con bú mà ăn quả máu này bổ máu, da dẻ hồng hào. Còn cánh đàn ông thường dùng quả này để ngâm rượu uống bồi bổ sức khỏe. Rượu ngâm quả máu có màu đỏ rất đẹp và tỏa mùi thơm nhẹ nhàng, dễ uống.
Điểm đặc biệt, theo Lỷ A Tài, muốn ăn quả máu thì người ta phải dùng tay bóp nhẹ, nặn, chà xung quanh quả cho đến khi quả chuyển sang màu tím đen. Sau khi bóp mềm thì quả thì mới nặn ra 1 chất dịch như máu đỏ để ăn.
Lỷ A Tài chia sẻ, anh cũng không biết cây quả máu là loài cây gì, chỉ biết đồng bào dân tộc địa phương, nhất là những người cao tuổi gọi bằng cái tên như vậy. Và từ trước đến nay, loài quả đỏ đẹp này chỉ dùng để ăn tươi và ngâm rượu./.