Xứ thần Việt bảo vua Thanh là ếch ngồi đáy giếng!

Ngày đăng: 09:04 16/08/2017 Lượt xem: 516

Lưỡng quốc khôi nguyên ví vua Thanh như “ếch ngồi đáy giếng”

 

Bằng tài năng và trí tuệ, Nguyễn Đăng Cảo khiến triều đình nhà Thanh nể phục, phê tặng ông danh hiệu Khôi nguyên Bắc triều.

  
Theo Bắc Ninh dư địa chí của tác giả Đỗ Trọng Vĩ, Nguyễn Đăng Cảo còn có tên Đăng Hạo, người xã Hoài Bão, huyện Tiên Du (nay thuộc thôn Hoài Bão, xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Ông sinh năm Kỷ Mùi (1619), mất năm nào chưa rõ.

Từ khi còn nhỏ, Nguyễn Đăng Cảo đã nổi tiếng thông minh, đọc sách một lần có thể thuộc lòng, được gọi là thần đồng. Tính tình phóng khoáng, thích giao du đây đó, năm 28 tuổi, ông thi đỗ Hội nguyên, Đình nguyên, đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ tam danh (Thám hoa).

Khoa thi này không lấy trạng nguyên và bảng nhãn. Ông là người đứng đầu trong số những người thi đỗ. Đến năm 1659, ông lại đỗ đầu khoa Đông các, được phong Đông các đại học sĩ.

Là người nổi tiếng cương trực, thẳng thắn, ông không được triều đình trọng dụng. Ông làm quan chưa đầy 3 năm thì bị bãi chức. Mỗi khi có sứ nhà Thanh sang hạch sách, gây khó dễ, vua Lê lại phải mời ông ra ứng đối. Tài năng đối đáp, văn chương sắc bén của ông làm sứ nhà Thanh nhiều phen bẽ mặt.

 luong quoc khoi nguyen vi vua thanh nhu “ech ngoi day gieng” hinh anh 1

Đền thờ Nguyễn Đăng Cảo. Ảnh: Báo Bắc Ninh.

Theo sách Sứ thần Việt Nam của tác giả Nguyễn Lan Phương, có lần, sứ nhà Thanh sang Đại Việt. Khi đến Xương Giang, người này dừng lại, sai quân đưa đến triều đình ta một vuông gấm trên vẽ ba nét ngang rất lớn và nói: “Nếu Đại Việt không giải được, sứ đoàn sẽ không vào Thăng Long”.

Cả triều đình không ai hiểu ý sứ thần muốn gì, phải về Tiên Du, Bắc Ninh mời Nguyễn Đăng Cảo vào kinh giảng. Đăng Cảo nghe xong nói “cái trò đánh đố chữ nhỏ nhặt ấy có gì ghê gớm đâu”.

Sau đó, ông lấy bút quét một nét sổ trên giấy cho sứ triều mang về tâu vua, dặn cứ thế đưa cho sứ Thanh. Quả nhiên, sứ nhà Thanh rất phục và đi tiếp vào Thăng Long.

Nhà vua không hiểu ý của sứ thần ra sao, đồng thời cũng chưa biết vì sao Đăng Cảo viết vậy mà sứ nhà Thanh đồng ý vào Thăng Long, nên lại cho người về quê hỏi Đăng Cảo.

Ông trả lời sứ của triều đình rằng: “Ở trong sách kinh dịch tượng có quẻ 'Càn' là ba nét ngang, thêm một nét sổ thì thành chữ 'Vương'. Họ muốn sang phong vương cho vua ta đó thôi". Cả triều đình nghe ra, vô cùng nể phục Nguyễn Đăng Cảo.

Nhà vua thấy ông mẫn tiệp, liền cử làm chánh sứ sang Trung Quốc đáp lễ. Khi giáp mặt, thấy ông già cả, vua nhà Thanh liền ra câu đối: “Lão khuyển lạc mao, do hướng đình tiền phệ nguyệt”. Nghĩa là: Chó già rụng lông thấy trăng còn đứng ra sân mà sủa.

Biết đó là ý miệt thị của vua nhà Thanh, Nguyễn Đăng Cảo liền đối lại: “Tiểu oa đoản cảnh, mạn cư tỉnh để khuy thiên”. Nghĩa là: Ếch con ngắn cổ, cũng dám ngồi đáy giếng coi trời bằng vung.

Vế đối có nội dung ngang tàng, ý mỉa mai, xem thường cả triều đình lẫn vua Thanh không hiểu biết, bụng dạ hẹp hòi. Đây là vế đối quá chuẩn, thể hiện được trí tuệ và bản lĩnh của người Việt. Từ đó, vua quan nhà Thanh không dám coi thường sứ nước Nam nữa. Vua Thanh còn sai quan tiễn sứ đoàn ra về rất trịnh trọng.

 luong quoc khoi nguyen vi vua thanh nhu “ech ngoi day gieng” hinh anh 2

Tranh vẽ về Nguyễn Đăng Cảo. Nguồn: Báo Bình Phước.  

Lần khác, nhà Thanh sai sứ sang sách nhiễu. Triều đình bí quá phải triệu hồi ông cung tiếp. Sứ Thanh đòi nộp một cái giường đồng, 100 ông già đầu bạc, 100 người con gái tóc dài. Nghe xong, ông cười to bảo: Nộp cho họ 100 gốc lúa, 100 thúng muối.

Năm 1653 đời vua Lê Thần Tông, nhà Thanh lại sai sứ mang chiếu chỉ sang cùng 10 vuông gấm, gói các loại mũ xiêm cùng quần áo. Vua Lê không hiểu ý định của sứ thần, lại phải mời ông về kinh.

Ông xem xong các đồ vật rồi tâu lên vua rằng đây là trang phục của người Trung Hoa, họ gửi sang tỏ ý muốn ta phải theo thiên triều, lệ thuộc vào họ, ăn mặc theo nhà Thanh, phải cắt tóc để đuôi sam, khác với nhà Minh. Ta nên trả lại bộ quần áo này và đưa lại cho họ y phục dân tộc để họ thấy ta không chịu chấp nhận.

Vua liền cử ông lên biên giới tiếp và tìm cách đối phó với sứ thần nhà Thanh. Ông cho lấy một tấm lĩnh gói váy, áo, yếm… để trong hòm kín đẹp, sai quân lính mang vào nhà công cán cho sứ Thanh. Sau đó, ông đã phản bác ý định của vua Thanh.

Ông còn làm bài “giải chư hầu” phản bác những nhận định sai lầm về các nước chư hầu gửi sứ Thanh mang về dâng vua, khẳng định chủ quyền dân tộc.

Vua Thanh xem xong không giấu nổi sự khâm phục liền phán "Địa linh, nhân kiệt đời nào cũng có, nhưng vượt trội hơn cả từ nay về sau chỉ có một Đăng Hạo".

Tương truyền Nguyễn Đăng Cảo thi 3 kỳ ở huyện đều đứng đầu. Khi về tỉnh dự thi vấn đáp, quan trường thi thấy ông vào không quỳ lạy mà chỉ chào, tỏ vẻ không hài lòng, đã dùng những câu hỏi hiểm hóc nhất để hỏi. Đăng Cảo đều trả lời trôi chảy.

Sau đó, quan Tả Tham chính vẫn còn chất vấn thêm. Nguyễn Đăng Cảo bèn nói: “Theo điều lệ của triều đình chỉ được hỏi 6 câu, các ông đã hỏi đến 12 câu rồi, tôi biết nhưng không trả lời nữa”.

Quan Hiến sát thấy vậy bèn nói nhỏ với viên quan Tham chính rằng đây là nhân tài.

 

 
Theo Nguyễn Thanh Điệp (Zing)
tin tức liên quan