Tử Cấm Thành hay Cố Cung theo cách gọi ngày nay, tọa lạc giữa trung tâm thành phố Bắc Kinh trước kia. Đây là nơi ở của các triều đại từ giữa nhà Minh đến cuối nhà Thanh. Có thể nói, tòa thành này là biểu tượng về quyền lực của Hoàng đế và các triều đại phong kiến Trung Quốc.
Tử Cấm Thành nằm trên tổng diện tích 720,000 m2, gồm 800 cung và 9999 phòng. Công trình xây dựng trong suốt 14 năm liền, từ 1406 đến 1420. Năm 1987, UNESCO đã xếp nơi này vào loại quần thể cổ bằng gỗ lớn nhất thế giới và công nhận là Di sản Thế giới.
Và phía sau cổng của bức tường thành là những sự thật thú vị.
Tử Cấm Thành là nơi ở của 14 Hoàng đế nhà Minh, 10 Hoàng đế nhà Thanh. Nơi này bị bỏ trống vào năm 1912 khi vua Phổ Nghi – vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Trung Quốc thoái vị.
Bước chân vào khuôn viên Tử Cấm Thành, người ta sẽ thấy đa số gạch lát trên mái các cung điện đều màu vàng. Đây là loại ngói lưu ly vàng. Màu sắc này tương ứng với thổ, là trung tâm ngũ hành. Ngoài ra màu vàng cũng là biểu tượng của sự tôn quý. Trong khi đó, các bức tường được sơn màu đỏ tươi, tượng trưng cho tôn nghiêm, may mắn. Vào thời xưa, chỉ có phủ thân vương, đền miếu quan trọng mới được phép dùng màu đỏ.
Tử Cấm Thành không bao giờ lụt. Hàng trăm năm trôi qua nhưng hệ thống thoát nước ở đây vẫn hoạt động rất tốt. Ngay từ năm đầu xây dựng vào thời nhà Minh, người thiết kế đã xây tuân thủ theo nguyên tắc “bắc cao nam thấp” để nước chảy ra. Ngày nay, ngay cả khi Bắc Kinh chìm trong lụt lội, thì bên trong Tử Cấm Thành vẫn an toàn khô ráo.
Tử Cấm Thành còn có bảo tàng riêng với bộ sưu tập đồ sộ vô giá. Trong đó, nhiều món đồ quý chưa bao giờ công bố trước công chúng. Hiện tại ở đây lưu giữ hơn 1 triệu món đồ có giá trị, liên quan tới các triều đại vua ở Trung Quốc, bao gồm cả những món lễ vật từ các quốc gia khác mang tới. Số báu vật này được xem là di sản quốc gia, được chính phủ Trung Quốc quản lý và bảo vệ.
Kể từ thời nhà Thanh, bên trong Tử Cấm Thành phải tuân thủ luật lệ, không một người đàn ông nào được ở lại đây sau khi mặt trời lặn, trừ Hoàng đế.
Số 9 là con số may mắn của người Trung Hoa, đồng thời đại diện cho Hoàng đế. Bởi vậy tại Tử Cấm Thành được thiết kế 9 cửa dẫn vào hậu cung. Các cửa này thoạt nhìn giống nhau, nhưng họa tiết hoa văn trang trí có sự khác biệt và không trùng lặp.
Tại khu vực cửa của hậu cung xuất hiện cặp sư tử đực và cái nằm tại bệ đá. Sư tử đực giữ quả bóng, biểu tượng của quyền lực. Trong khi đó, sư tử cái giữ sư tử con, biểu tượng của sự sống.
Trong các kiến trúc sư tham gia thiết kế xây dựng Tử Cấm Thành, có một người đến từ Việt Nam, tên là Nguyễn An. Theo sử sách ghi lại, Nguyễn An có tên gọi là A Lưu khi sống ở Trung Quốc. Từ nhỏ, ông đã thể hiện biệt tài về kiến trúc. Sau này, ông được chọn làm thái giám phục vụ trong cung điện thời nhà Minh và tham gia vào công trình này, từ giai đoạn thiết kế, cho tới chỉ đạo thi công, giám sát hiện trường.
Hoàng Hà