Trung tướng vẫn xách cặp đi học như học viên sĩ quan: Chuyện có một không hai trong QĐNDVN
Học là quá trình tìm hiểu, tiếp thu tri thức của con người. Mà tri thức thì vô cùng vô tận cho nên việc học cũng sẽ không ngưng nghỉ trừ phi người ta không thể hoặc không muốn học nữa.
Chính vì vậy, V.I Lê nin đã có một câu nói rất nổi tiếng: "Học! Học nữa! Học mãi!". Còn Bác Hồ kính yêu của chúng ta thì căn dặn một cách gần gũi và thiết thực hơn về cách học: "Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học ở nhân dân".
Tuy nhiên, với quân hàm Trung tướng lúc bấy giờ thì việc sẵn sàng cắp cặp đi học ở các trường sĩ quan trong một thời gian - tất nhiên là rất ngắn - cũng rất hiếm hoi.
Nhưng với tướng Nguyễn Hữu An (sau này ông được phong quân hàm Thượng tướng) thì đó lại là chuyện hết sức bình thường.
Thượng tướng Nguyễn Hữu An và Trung tướng H. Moore trở lại thăm Ia Đrăng tháng 10-1993. Ảnh tư liệu QĐND
Không đi học thì khác gì "thày bói xem voi"
Nguyễn Hữu An, theo đánh giá của đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một "vị tướng trận mạc". Ông đã tham gia nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch nổi tiếng với cương vị chỉ huy và đều giành thắng lợi.
Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã trực tiếp chiến đấu và chỉ huy các trận đánh ở đèo Bông Lau, Lũng Phầy năm 1949. Trong chiến dịch biên giới năm 1950, ông là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 251 chủ công của trung đoàn 174 (trung đoàn Cao Bắc Lạng) tấn công và tiêu diệt đồn Đông Khê, mở đầu thắng lợi cho chiến dịch.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là trung đoàn trưởng trung đoàn 174, thuộc đại đoàn 316, 3 lần tấn công đồi A1. Sáng 7 tháng 5 năm 1954 trung đoàn 174 dưới sự chỉ huy của ông đã tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm A1, mở đường đánh vào cánh đồng Mường Thanh, kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong kháng chiến chống Mỹ, ông nổi tiếng với việc chỉ huy trận Ia Đrăng - Plâyku năm 1965. Trong trận đó, quân ta đã chiến thắng giòn giã 2 tiểu đoàn lính "kỵ binh bay" nổi tiếng, làm thất bại chiến thuật "trực thăng vận" của Mỹ. Trận đánh mà tướng lĩnh Mỹ đánh giá đã "làm thay đổi cục diện chiến tranh Việt Nam".
Trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, ông là Tư lệnh Quân đoàn 2 đã chỉ huy đơn vị chiến đấu giải phóng Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, một loạt tỉnh Nam Trung Bộ và đánh thẳng vào dinh Độc Lập, buộc Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng không điều kiện trưa 30/4/1975…
Dày dạn trận mạc như thế, chiến công đầy mình như thế nhưng ông là người rất khiêm tốn và thường xuyên tự học, tự nghiên cứu... để nâng cao trình độ bản thân. Năm 1982, khi được trên giao nhiệm vụ Phó Tổng Thanh tra Quân đội, ông vui vẻ nhận nhưng có một đề nghị:
"Cho ông 2 tháng để đi tìm hiểu, học tập ở tất cả các quân, binh chủng trong toàn quân rồi mới về chính thức nhận nhiệm vụ".
Tất nhiên là đề nghị đó được chấp thuận và ông dự định sẽ đến học tập tại các Trường sĩ quan của quân, binh chủng mỗi nơi khoảng 1 tuần trở lại.
Cũng có những người tỏ thái độ ngạc nhiên về ý định đó song ông điềm đạm trả lời: "Mình vốn trưởng thành từ chiến sĩ bộ binh. Đối với các quân binh chủng kỹ thuật thì chưa có dịp để tìm hiểu. Bây giờ về cơ quan này, không hiểu biết gì mà lại đi thanh tra người ta thì có khác gì thày bói xem voi?". Đúng là một lý do rất giản dị nhưng cũng đày sức thuyết phục.
Nguyên Phó Tổng Thanh tra quân đội , nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng Thượng tướng Nguyễn Hữu An
Mình vốn trưởng thành từ chiến sĩ bộ binh. Đối với các quân binh chủng kỹ thuật thì chưa có dịp để tìm hiểu. Bây giờ về cơ quan này, không hiểu biết gì mà lại đi thanh tra người ta thì có khác gì thày bói xem voi?
Cậu cứ coi tớ như một người chiến sĩ, một học viên bình thường
Sau khi được cấp trên đồng ý, ông chỉ thị cho đồng chí bí thư điện thông báo cho các học viện, nhà trường của khối quân, binh chủng nắm được lịch học tập để có kế hoạch chuẩn bị trước.
Điện cũng cho biết yêu cầu của ông: chương trình, nội dung phải khái quát, linh hoạt sao cho với chừng đó thời gian người học có hiểu biết một cách tổng thể về trang bị vũ khí và có thể sử dụng được.
Đối với các học viện, nhà trường thì đây quả là một nhiệm vụ khó khăn bởi yêu cầu thì cao mà thời gian lại quá ngắn.
Chính vì vậy, chỉ huy các học viện, nhà trường đã cùng chỉ huy các khoa phòng bàn bạc để xây dựng một chương trình học tập hợp lý nhất, đồng thời phải lựa chọn những giáo viên xuất sắc nhất, có khả năng ứng biến linh hoạt nhất với các tình huống để đảm nhiệm nhiệm vụ.
Tại Trường sĩ quan Tăng Thiết giáp (lúc đó là Trường sĩ quan Chỉ huy - Kỹ thuật Tăng) Ban Giám hiệu quyết định sẽ chỉ giới thiệu với ông các nội dung chuyên ngành với thời gian cụ thể như sau: Vũ khí và Bắn - 1,5 ngày; Kỹ thuật xe máy - 1,5 ngày; Thông tin - 1 ngày; Chiến thuật Tăng Thiết giáp - 1,5 ngày; còn 0,5 ngày dự bị và tọa đàm, giải dáp chung.
Thực tình, đó là một chương trình khá ngặt nghèo song do biết ông là người rất thông minh và có bề dày kinh nghiệm thực tiễn nên các giáo viên được chọn đều thống nhất là sẽ không giới thiệu một cách bài bản mà sẽ thật linh hoạt, cái gì ông đã biết là có thể bỏ qua để tập trung vào những vấn đề cốt lõi nhất.
Có lẽ do là một "vị tướng trận mạc", đã cùng chiến đấu nhiều năm với các binh chủng chiến đấu nên địa chỉ đầu tiên ông lựa chọn là Trường sĩ quan Pháo Binh, tiếp đó là Trường sĩ quan Tăng Thiết Giáp (TTG).
Tại trường sĩ quan TTG, sau một Lễ khai mạc rất ngắn gọn, chuyên ngành đầu tiên được giới thiệu với ông là môn Vũ khí và Bắn. Thấy giáo viên là một Thượng úy còn rất trẻ, ông cười rất tươi và động viên: "Cậu cứ coi tớ như một học viên bình thường, vấn đề gì tớ biết rồi ta sẽ bỏ qua, vấn đề gì tớ cần biết tớ sẽ hỏi".
Câu nói giản dị nhưng đã phá tan khoảng cách giữa một vị tướng với người sĩ quan trẻ và làm cho anh trở nên tự tin hơn rất nhiều.
Biết ông vừa trải qua thời gian tìm hiểu về pháo binh nên các nội dung giới thiệu về binh khí pháo súng rất thuận lợi.
Bộ đội xe tăng huấn luyện trên thao trường.
Giáo viên chỉ so sánh pháo trên tăng với pháo mặt đất, chỉ ra những đặc điểm khác biệt của pháo tăng đồng thời đi sâu vào hệ thống điều khiển hỏa lực là vấn đề khác biệt lớn nhất giữa pháo trên tăng với pháo mặt đất. Thật thần kỳ, chỉ với 3 tiết học ông đã cơ bản hiểu được về hệ thống vũ khí trên tăng.
Thời gian còn lại của buổi sáng, ông được giới thiệu về phần lý thuyết và quy tắc bắn trên xe tăng. Vốn đã chỉ huy đánh hiệp đồng binh chủng nhiều trận, chứng kiến sức mạnh hỏa lực của xe tăng nhiều lần giờ ông thấy rất tâm đắc với những vấn đề lý thuyết và nắm rất nhanh các kiến thức.
Chiều hôm đó, ông được đưa ra pháo mô hình và lên xe thật để xem kết cấu, quan hệ lắp ráp pháo, súng, đạn; xem vị trí tư thế ngồi của các thành viên, thực hành động tác quay pháo, lấy thước ngắm, ngắm bắn... Ông cũng tự tay mình nạp vài quả đạn pháo được cố định ở các vị trí khác nhau.
Sáng hôm sau, ông được đưa tới Trường bắn của binh chủng. Sau hai vòng xe chạy luyện tập làm quen với các điều kiện bắn ông được thực hành bắn đạn thật tất cả các loại vũ khí trên xe trong các phương pháp bắn khác nhau: dừng bắn, tạm dừng bắn và hành tiến bắn.
Ông phấn khởi ra mặt khi tự tay mình tiêu diệt hết các mục tiêu - tất nhiên với điều kiện không quá ngặt nghèo về thời gian.
Kết thúc bắn, ông cùng kíp xe phục vụ thực hành thông rửa nòng pháo như một thành viên chính thức. Bộ quần áo công tác mới tinh vừa khoác vào chiều hôm trước đến khi kết thúc buổi tập luyện đã lấm lem, bết dầu mỡ, bùn đất như mọi chiến sĩ xe tăng khác.
Có được kinh nghiệm của môn học đầu tiên, các môn học sau tiến hành rất thuận lợi. Ông cũng thực hành lái xe - kể cả lái qua một số vật cản, sử dụng điện đài để chỉ huy trong xe và liên lạc với bên ngoài.
Riêng môn Chiến thuật thì chủ yếu là ông hỏi và giáo viên trả lời, giải thích là chính. Sau đó ông tham quan thực hành một vài hình thức chiến thuật của xe tăng.
Kết thúc tuần huấn luyện, trông ông có vẻ sạm đen đi một chút nhưng lại khỏe mạnh, rắn giỏi hơn. Trong buổi chiều rút kinh nghiệm ông chân thành cảm ơn tất cả các thành phần đã giúp đỡ ông hiểu và nắm được các vấn đề cơ bản về kỹ chiến thuật TTG.
Kết luận bài phát biểu, ông tươi cười: "Cứ tưởng lính xe tăng các cậu sướng lắm. Té ra cũng vất vả ra phết nhỉ! Không đến đây tìm hiểu thì biết làm sao được".
Còn đối với những người đã trực tiếp được giới thiệu cho ông dạo đó, điều lớn nhất còn đọng lại sau kỳ học là lòng kính trọng và yêu mến đến vô bờ vị tướng tài ba và rất trọng tri thức - Thượng tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Hữu An (1926-1995).