Hồ sơ một cuộc chuyển tù (Kỳ 1)

Ngày đăng: 02:45 20/11/2017 Lượt xem: 859


                          Hồ sơ một cuộc chuyển tù (Kỳ 1)


Trong lịch sử Công an nhân dân Việt Nam, chắc chắn rằng chưa có một cuộc chuyển phạm nhân nào có quy mô lớn như cuộc chuyển trại giam Hà Nội từ số 1 phố Hỏa Lò đến trại mới xây dựng ở xã Xuân Phương huyện Từ Liêm.


 

Hơn 1.700 phạm nhân, trong đó có 6 phạm nhân bị kết án tử hình được chuyển hết chỉ trong không đầy 6 tiếng đồng hồ.

Toàn bộ số phạm nhân được đến "nơi ở mới" an toàn và điều đặc biệt là chỉ những người trong cuộc mới biết. Vậy tại sao lại phải di chuyển trại giam? Trại giam mới được xây dựng như thế nào? Và cuộc chuyển tù đó được tiến hành ra sao?

Trước khi nói về cuộc chuyển tù từ trại giam Hỏa Lò đến trại giam mới, thiết tưởng cũng nên lược lại chút ít về lịch sử nhà tù Hỏa Lò, nơi được coi là bảo tàng di tích cách mạng đặc biệt của Thủ đô còn lưu giữ những chứng tích tội ác của thực dân Pháp đối với các chiến sĩ yêu nước và cách mạng Việt Nam.

I - Lịch sử trại giam Hỏa Lò

Đối với người dân Hà Nội trại giam Hỏa Lò là nơi chả ai lạ gì. Lù lù giữa trung tâm Thủ đô là một khu trại giam với những tường đá cao trên có chăng dây điện trần bảo vệ. Tên "cúng cơm" của trại là Maison Centrale - dịch ra tiếng Việt là "Đề lao Trung ương". Nhưng vì trại nằm trên phố Hỏa Lò cho nên cái tên cúng cơm do thực dân Pháp đặt kia bị quên lãng và người ta quen gọi là Nhà tù Hỏa Lò.

ho so mot cuoc chuyen tu ky 1

Cổng nhà tù Hỏa Lò xưa


Nhà tù Hỏa Lò được xây dựng năm 1896 nghĩa là 48 năm sau khi thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Việt Nam (năm 1858). Ngày 17 tháng 10 năm 1887, Tổng thống Pháp ra sắc lệnh thành lập "Liên bang Đông Dương" (Union Indochinoise) và 9 năm sau sau, nhà tù Hỏa lò được khẩn trương xây dựng cùng với Tòa đại hình (nay là Tòa án nhân dân Tối cao) và Sở Mật thám (nay là Công an TP Hà Nội ở 87 Trần Hưng Đạo).

Sở Mật thám - Tòa đại hình - Nhà tù được bố trí thành hình tam giác, tạo thành thế "kiềng ba chân" vững chắc cho bộ máy cai trị của thực dân Pháp. Khu đất được chọn xây dựng nhà tù thuộc làng Phụ Khánh, Tổng Vĩnh Xương, huyện Thọ Xương cũ của Hà Nội. Làng Phụ Khánh là một làng nghề chuyên sản xuất chum, vại sành sứ. Vì dân làng phải đốt lò nung, cho nên còn có cái tên là thôn Hỏa Lò. Khi thực dân Pháp lấy đất ở thôn xây dựng nhà tù, vì thế mới có tên " Nhà tù Hỏa Lò".

Người Hà Nội vẫn đố nhau rằng: "Phố nào mát nhất Hà Nội?" - Phố Hàng Quạt. "Phố nào nóng nhất Hà Nội" - Phố Hỏa Lò. "Phố nào có một số nhà" - Phố Hỏa Lò. "Dân phố nào bướng nhất Hà Nội?" - Dân phố Hàng Ngang …

Nhà tù Hỏa Lò nằm trên khu đất rộng 12.908 m2 và trông sang ngay Tòa đại hình. Từ nhà tù Hỏa Lò, có một đường hầm dẫn thẳng sang tầng nhà hầm của tòa án. Những phạm nhân nguy hiểm, khi đem ra xét xử đều đi theo con đường hầm này. Đường hầm này cũng như nhà hầm được ta sử dụng một thời gian sau.

Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đã có lúc cán bộ tòa án Tối cao phải xuống làm việc dưới hầm. Nghe nói từ tầng hầm của tòa án còn có hai đường hầm nữa. Một đường chạy sang Sở Mật thám, còn một đường được coi là lối thoát bí mật chạy qua khu chợ 19/12 hay còn gọi là chợ Âm phủ, nhưng lối lên ở đâu thì không ai biết.

Nhà tù Hỏa Lò có lối kiến trúc thể hiện một cách rất đặc trưng cho cái sự tù đày: Thâm nghiêm, chắc chắn và lạnh lẽo.

Bao quanh nhà tù là bức tường đá dày nửa mét có cốt thép và cao 4 mét. Trên tường có cắm mảnh chai và chăng dây điện cao thế. Dưới chân tường ở phía trong có một con đường nhỏ rộng chừng 1,2 mét, là đường cho lính tuần tra. Bốn góc nhà tù có 4 tháp canh Trại có 9 khu giam giữ và từng khu biệt lập với nhau bằng những cửa sắt bịt tôn. Ngoài ra còn các khu làm việc cho lính canh, trại giam tù người Âu, trại giam tù nữ, khu nấu ăn… Khu xà lim giam tử tù đặt ở trong cùng và một hầm tối để giam những người cứng đầu…

Nhà tù Hỏa Lò nhốt tù vào ngày 1/1/1899, mặc dù lúc này nhà tù xây dựng vẫn đang xây dựng chưa xong. Vào những năm từ 1950 đến 1953, có những lúc nhà tù chứa đến 2.000 người. Có những phòng giam chỉ rộng chưa đầy 200 mét vuông nhưng đã nhốt đến ngót 300 người. Tù nhân không đủ không khí để thở, có người đã chết ngạt. Trong khi đó, theo thiết kế được Toàn quyền Đông Dương Paul Dumer duyệt, nhà tù Hỏa Lò có công suất nhốt phạm là 500 người. Mặc dù từ những năm 1930, nhà tù được nhiều lần "cơi nới” mở rộng diện tích nhốt tù, nhưng cũng chỉ chứa được khoảng 1.000 tù nhân.

Thế hệ những người yêu nước đầu tiên bị giam ở đây là cụ Phan Bội Châu, cụ Lương Văn Can, cụ Dương Bá Trạc… Thế hệ thứ hai là các đảng viên cộng sản như Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười… Còn thế hệ thứ ba là những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, du kích , biệt động nội thành. Thời gian giam giữ tù nhân thế hệ thứ ba là từ năm 1947 cho đến 10/10/1954.

Trong nhà tù Hỏa Lò, những chiến sĩ cách mạng không bao giờ coi việc bị bắt là thất bại. Nhà tù đã được các chiến sĩ cách mạng biến thành trường học, thành nới rèn luyện y chí cách mạng, tinh thần kiên cường đấu tranh. Ngay từ năm 1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên được thành lập do đồng chí Hoàng Quốc Việt làm bí thư. Lịch sử đấu tranh cách mạng trong trại Hỏa Lò đã gắn liền với một số cuộc vượt ngục nổi tiếng.

Cuộc vượt ngục đầu tiên là vào tháng 12 năm 1932 do đồng chí Nguyễn Lương Bằng lãnh đạo đã thành công một cách ngoạn mục. Bảy chiến sĩ cách mạng đã giả vờ ốm nặng và được đưa ra nhà thương Bạch Mai để chữa bệnh.

Tại bệnh viện, được sự chuẩn bị kỹ lưỡng của cơ sở bí mật, các tù nhân đã có được thẻ thuế thân, quần áo, tiền ăn đường và được đưa đi giấu. Cuộc vượt ngục đông nhất là vào ngày 11/3/1945. Lợi dụng việc lính Nhật canh gác chưa quen, 100 tù nhân trong đó có đồng chí Đỗ Mười, Trần Đăng Ninh, Trần Tử Bình… đã theo đường cống ngầm thoát ra ngoài. Sau này còn có nhiều cuộc vượt ngục táo bạo nữa với số lượng người từ 5 đến 9 người.

Nhưng cuộc vượt ngục nổi tiếng nhất là của 17 tử tù vào đêm Giáng sinh năm 1951. Biết được lịch sử bắn của bọn cai ngục, cho nên việc tổ chức vượt ngục được tiến hành vô cùng khẩn trương. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ nhà tù, các tử tù được cung cấp lưỡi cưa sắt, dũa. Họ đã cưa khóa chân, cưa chấn song cửa sắt và thoát ra theo đường cống ngầm… Do một sự không may, khi ra đến đường thì bị lộ. Chỉ có 5 người trốn thoát còn thì bị bắt lại và sau đó các từ tù lại bị ra tòa rồi lĩnh thêm mỗi người… 5 năm tù giam.
 

ho so mot cuoc chuyen tu ky 1

Bà Nguyễn Thị Định, Phó chủ tịch nước nói chuyện với các nữ quản giáo trại giam Hỏa Lò năm 1991


Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, người đã từng bị mật thám Pháp bắt giam năm 1948 tại Hỏa Lò, sau đó ông vượt ngục trở về hoạt động điệp báo và khi giải phóng Thủ đô, ông là một trong những cán bộ công an đầu tiên vào tiếp quản trại Hỏa Lò.

Ông nhớ lại:

"Giữa tháng 5/1948, để kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay giữa lòng Hà Nội, ở ngoài gửi vào cho chúng tôi cờ đỏ sao vàng cỡ 1,2 x 0,8 m để treo ở những nơi công cộng. Đêm 15/8/1948, tôi treo cờ ở nóc chợ Đồng Xuân (cảnh binh đi tuần phát hiện thấy, thu lại lúc 4h sáng). Tổ anh Quang (nhà ở phố Hàng Sắt), anh Sĩ Vân (nhà ở phố Hàng Bài) đều là học sinh Trường Chu Văn An (lúc đó trường còn học tạm ở phố Hàng Cót), bơi ra Tháp Rùa, hồ Hoàn Kiếm treo cờ (phía trông sang khách sạn Phú Gia).

Sáng 19/5/1948, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phất phới ở Tháp Rùa. Kể từ ngày Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội, đây có thể là lần đầu tiên cờ đỏ sao vàng tung bay giữa lòng thủ đô Hà Nội. Tiểu thương, học sinh, công nhân, công chức đi qua hồ Hoàn Kiếm ai cũng nhìn thấy. Nhiều người đi chầm chậm để được ngắm lá Quốc kỳ. Cả Hà Nội ngày hôm đó bàn tán xôn xao và khâm phục hoạt động của cán bộ kháng chiến ngay trong lòng Hà Nội.

"...Tôi bị địch bắt cuối tháng 5/1948, có lẽ là người cuối cùng của mảng này vì khi bị bắt vào Sở Mật thám Bắc Việt (nay là trụ sở Công an Hà Nội) giam ở xà lim, đưa lên phòng hỏi cung, tôi đã thấy An Đức Bình, chú Cậy (giao liên), anh Khâm (bạn cũ trong Đội Thiếu niên tiền phong thành Hoàng Diệu năm 1956). Sáng hôm sau, chúng chuyển chúng tôi sang phòng Nhì, Cửa Đông, tra tấn, phúc cung.

Ở đây, chúng tôi bị bịt mặt suốt ngày đêm, vừa khó thở, vừa không rõ mình ở đâu, ở cạnh mình là ai. Chỉ khi đến bữa ăn hoặc đưa đi hỏi cung, tra tấn, quay điện, chúng mới cởi bỏ vải bịt mặt cho chúng tôi. Chúng tập trung truy hỏi về vụ treo cờ, còn việc theo dõi Đặng Hữu Chí, chúng không truy hỏi vì không có tài liệu và cũng không có ai khai báo. Sau đó chúng chuyển tôi về Hỏa Lò.

Nhà tù Hỏa Lò năm 1947 - 1948, địch chia thành hai khu vực đi vào cổng chính (cổng di tích hiện nay) đi qua sân vào qua một cổng nữa mới tới các trại giam là nơi giam giữ tù chính trị, số này có thể bị xử án (như anh Trần Bình, anh Đặng Đình Kỳ trong vụ diệt tên Trương Đình Tri, bị giam ở đây) .

Khu vực đi vào cổng phụ, thường gọi là cổng con (cũng ở phố Hỏa Lò) để giam giữ số tù binh loại nguy hiểm, áo tù có kẻ chữ D ở sau lưng (Dangereux: nguy hiểm). Trong khu vực này là căng số 1 (hiện nay để lại làm di tích), trại nữ và một khu biệt giam. Có một sân trồng 3 cây bằng và nhà bếp, nhà tắm (nay thuộc tháp Hà Nội).

Đầu tháng 6/1948, địch giải mười ba anh em chúng tôi từ hầm đá Cửa Đông đi lối cổng phụ đưa vào giam ở căng số 1. Địch gắn cho chúng tôi mỗi người một số tù chứ không gọi tên (đã lâu nên tôi quên số tù của mình chỉ nhớ mang máng là 6034).

Trại tù binh Hỏa Lò ngày một đông, các bác tù cũ nằm ở 2 dãy sàn lim phía trên, chúng tôi mới đến, mỗi người được phát một cái chiếu để nằm, một cà mèn để đựng khẩu phần ăn. Tối đến trải chiếu nằm dưới gầm sàn lim hoặc ở nền nhà giữa đường đi mà ngủ. Có lẽ do bị tra tấn điện, đánh nhiều vào đầu và thể trạng yếu lại nằm trên sàn ximăng nên tôi bị ốm, đầu bị một áp - xe (nhọt bọc mủ); mấy ngày liền chỉ ăn cháo, trải chiếu nằm ở gần sàn lim căng 1 (chỗ gần bể nước uống).

Địch phải cho tôi sang điều trị ở nhà thương nhà tù Nhà Tiền (nay là nhà in Tiến Bộ ở gần bến xe Kim Mã) mổ ở đầu. Nửa tháng sau bệnh đã đỡ, địch giải tôi về lại nhà lao Hỏa Lò (đến nay giữa đỉnh đầu vẫn còn vết sẹo mổ).

Theo các bác tù cũ kể lại, sau ngày Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội, lính Pháp huy động tù Hỏa Lò (loại D) đi tìm và khiêng xác chết trong thành phố về chôn ở con đường cạnh tòa án (nay là chợ 19-12). Nhiều hôm lính Tây say rượu hoặc bực tức cá nhân, bắt tù đào hố chôn người xong thì xả súng bắn luôn tù Hỏa Lò hất xuống hố; có hôm anh em tù Hỏa Lò đi 20 người, lúc về chỉ còn 5-7 người.
 

ho so mot cuoc chuyen tu ky 1

Bà Nguyễn Thị Định, Phó chủ tịch nước thăm các phạm nhân nữ tại trại giam Hỏa Lò năm 1991


Sinh hoạt ở nhà tù Hỏa Lò có giờ giấc, có nề nếp. Địch cho tù nhân ăn cơm trộn đậu (để chống tê, phù) luôn cho ăn đói, hy vọng tù nhân vừa giảm sức chống đối, vừa suốt ngày chỉ nghĩ đến ăn, không nghĩ đến các chuyện khác. Hai ba ngày, tù nhân được tắm một lần bằng nước rửa rau muống theo tiêu chuẩn quy định "4 ca kỳ, 2 ca dội" (mỗi người chỉ được nước tắm bằng 6 cà mèn đựng cơm ăn, dội 4 ca nước cho thấm cả người, kỳ cọ xong, chỉ được 2 ca nước dội cho sạch người). Vì vậy chẳng bao lâu, người anh Minh Đông và tôi đầy nốt hắc lào, anh Minh Đông hắc lào còn lan lên xung quanh vành mắt phải.

Nhà tù Hỏa Lò trở thành trường học dạy tôi trưởng thành nhiều mặt, từ ý chí kiên định cách mạng đến kinh nghiệm công tác, tình đồng chí, đồng đội.

Tôi không thể quên những lúc ốm đau tưởng chết, anh em đã vận động y tá nhà tù buộc đưa tôi đi cứu chữa ở nhà tù Nhà Tiền, đun cơm nguội thành cháo cho tôi ăn. Tình đồng chí, đồng đội chăm sóc nhau lúc đau yếu, nhường cơm, xẻ áo thể hiện cụ thể, sâu sắc, thấm thía vào gan vào thịt...”

Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, bọn cai ngục âm mưu chuyển một số tù chính trị quan trọng vào Sài Gòn. Nhưng vào ngày 4/9/1954, được tin báo có xe chở tù đi nơi khác, đồng bào Hà Nội đã ùn ùn kéo đến vây chặt cổng nhà tù Hỏa Lò. Sau nhiều giờ đấu tranh quyết liệt dưới trời mưa, cuối cùng, bọn cai ngục phải từ bỏ việc chuyển các tù chính trị vào Sài Gòn.

Sau khi tiếp quản thủ đô, Nhà tù Hỏa Lò được dùng làm nơi giam giữ những người phạm tội hình sự và chủ yếu là trong thời gian đang chờ điều tra, xét xử. Phạm nhân nào có mức án từ 3 năm trở lên được đưa đi các trại cải tạo khác.

Nhưng từ ngày 5/8/1964, Nhà tù Hỏa Lò lại phải làm thêm một việc mới, đó là giam giữ các phi công Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc. Số phi công Mỹ bị giam ở đây có lúc lên đến cả hơn trăm tên và trong đó có người sau này đã trở thành nhân vật nổi tiếng.

Đó là Douglas Peterson, là đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam và John Mc.Cain, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ. John Mc. Cain là viên phi công rơi xuống hồ Trúc Bạch và là nhân vật trong thiên bút ký nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Tuân: "Đèn phố phường Hà Nội vẫn sáng hơn bất cứ lúc nào hết".

(Còn nữa)
tin tức liên quan