Hồ sơ một cuộc chuyển tù (Kỳ 2)

Ngày đăng: 02:48 20/11/2017 Lượt xem: 816


 
                                 Hồ sơ một cuộc chuyển tù (Kỳ 2)

                                
                                                       Nguồn:Báo Điện tử Thời Mới


Lãnh đạo Đảng, Chính phủ và TP Hà Nội thấy rất rõ là không thể để Hoả Lò, một khu trại giam lớn, giữa Thủ đô. Lý do đầu tiên để dẫn đến việc chuyển trại “chính trị” như vậy. Còn lý do thứ hai đó chính là sự xuống cấp trầm trọng của trại giam.

   

II: Vì sao phải xây “Hỏa Lò mới”?

Đi thăm một số buồng giam, đồng chí Phạm Thế Duyệt, Bí thư Thành ủy Hà Nội thấy điều kiện sống của phạm nhân cũng như điều kiện sinh hoạt làm việc của cán bộ, chiến sĩ CA là không thể nào... tồi tệ hơn thế. Đồng chí Bí thư ra lệnh ngay các sở, ban, ngành phải “xắn tay áo” vào để cải tạo khẩn cấp Trại Hỏa Lò.

Để thực hiện cuộc chuyển tù có một không hai này, cả Ban Giám đốc CA TP Hà Nội, chỉ huy một số phòng nghiệp vụ, chỉ huy CA các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, CA huyện Từ Liêm, dưới sự chỉ huy của Đại tá Nguyễn Đình Thành, Giám đốc CATP đã vào cuộc với tất cả tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Tuy nhiên, khi biết tôi có ý định viết về cuộc chuyển tù này, một số anh em CA “mách” cho tôi phải gặp được ba nhân chứng quan trọng. Đó là Đại tá Vũ Đình Hoành, nguyên Phó giám đốc CATP Hà Nội, Thượng tá Nguyễn Văn Hoắc nguyên Giám thị Trại giam Hà Nội suốt từ năm 1992 đến năm 2003 và Trung tá Vũ Xuân Hồng, Đội trưởng Đội Tham mưu Tổng hợp của Trại giam Hỏa Lò (cũ) và Trại giam Hà Nội mới xây dựng từ năm 1993 cho tới nay.

Sở dĩ phải gặp bộ ba “xe - pháo - mã” này bởi vì họ là những người trực tiếp vạch kế hoạch, trực tiếp điều hành, riêng Đại tá Vũ Đình Hoành còn trực tiếp đi chọn đất xây dựng trại giam mới.

Trong quá trình đi tìm tài liệu, tôi đã gặp may.

Số là chẳng hiểu do đâu mà toàn bộ tài liệu liên quan đến cuộc chuyển tù này bị mất sạch. Các cán bộ của Văn phòng Công an TP, của Phòng Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát mất rất nhiều thời gian lục tìm nhưng không thấy. Đang không biết tìm kiếm ở đâu nữa thì tôi đến gặp Trung tá Hồng.

Trời ạ, hóa ra anh vẫn còn giữ được những bản kế hoạch viết tay, những bản mệnh lệnh, chỉ thị, những bản danh sách phạm nhân chuyển trại trên từng chuyến xe... tất cả đã ố vàng và những dòng chữ đánh bằng máy chữ Optima đã có chỗ mất nét. Quả thật, nếu không có bộ tài liệu này thì dù có tin vào trí nhớ của các anh đến mấy, tôi cũng không dám viết. Đại tá Hoành và Trung tá Hồng thì dễ gặp, nhưng anh Hoắc thì khó bởi anh đã chuyển vào Nha Trang ở từ sau khi về hưu.

Tôi gặp Đại tá Hoành và thật bất ngờ khi thấy ông vẫn đi rất nhanh nhẹn và giọng nói sang sảng. Nhìn ông, không mấy ai nghĩ năm nay đã vào tuổi 71, mà tưởng chỉ ngoài 60. Trong những năm anh công tác, tôi đã được theo anh đi điều tra một số vụ án lớn. Tôi rất nhớ câu nói của anh khi đến một đơn vị CA: "Làm lãnh đạo phải bằng năng lực chứ không bằng uy lực. Phải bằng uy tín chứ không bằng uy quyền. Phải tuân theo pháp lý nhưng phải nhớ đạo lý".

Bằng trí nhớ tuyệt vời, Đại tá Hoành giúp tôi dựng lại bối cảnh của trại giam vào thời điểm cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Và việc di chuyển trại giam cũng chỉ được nghĩ đến sau khi Đảng, Nhà nước bắt đầu công cuộc đổi mới, Hà Nội cũng như cả nước thay da đổi thịt từng ngày.

Ngày ấy, có một bức tranh không đẹp là ngay giữa trung tâm thủ đô lại có một khu nhà giam xám xịt. Hằng ngày, không thể tính được có bao nhiêu chuyến xe chở phạm nhân từ các quận, huyện đến “nhập kho”, rồi xe chở phạm từ “kho” đi xét xử ở các cấp tòa án, rồi bao nhiêu lượt phạm nhân ra, vào...
 

ho so mot cuoc chuyen tu ky 2

Dẫn giải tử tù ra gặp người thân


Đoạn phố Hỏa Lò có một ngôi nhà mang số 1 này lúc nào cũng nườm nượp phạm nhân, công an, người nhà phạm nhân đến chờ tiếp tế... "Ai đưa tôi đến chốn này. Bên kia tòa án, bên này nhà giam", đã có không ít phạm nhân nghêu ngao như vậy khi phải “nhập kho" Hỏa Lò. Rồi suốt ngày đêm, lúc nào cũng nhộn nhạo tiếng còi xe ưu tiên, tiếng quát hét, và tất nhiên không hiếm những tiếng gào khóc, của phạm nhân và người thân của họ.

Lãnh đạo Đảng, Chính phủ và TP Hà Nội cũng thấy rất rõ là không thể để một khu trại giam lớn đến như vậy giữa Thủ đô. Lý do đầu tiên để dẫn đến việc chuyển trại “chính trị” như vậy.

Còn lý do thứ hai đó chính là sự xuống cấp trầm trọng của trại giam.

Vào những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, tôi cũng đã nhiều lần vào Trại giam Hỏa Lò lấy tài liệu viết bài, thậm chí còn được vào tận từng buồng giam... Ấn tượng nhất đối với tôi ở trại giam này, đầu tiên là giàn nho rất lớn ở ngoài sân. Không hiểu giàn nho này được trồng từ bao giờ nhưng gốc cây nho to như bắp chân và luôn tươi tốt. Có người nói là giàn nho này được trồng ngay sau khi nhà tù Hỏa Lò được xây xong. Thép làm giàn nho là loại thép cùng loại với thép chấn song nhà tù. Mặc dù phơi mưa nắng như vậy nhưng nước thép cứ đen bóng, không thấy có rỉ sét.

Vào mùa hè, giàn nho luôn xanh mướt, che rợp cả một khoảng sân rộng và trĩu quả. Nho ở đây quả nhỏ và chua gắt. Mặc dù giàn nho luôn được những phạm nhân tự giác chăm chút nhưng không bao giờ thiếu những con sâu nho to như ngón tay và cũng xanh như lá, nom gớm chết.

Cũng phải nói thêm rằng, vào thời Pháp thì chỉ những phạm nhân đã thành án hoặc loại tù thường phạm mới đi qua cổng chính có đề chữ Maison Centrale, còn tù nhân là các nhà yêu nước, các chiến sĩ cách mạng thì phải đi cổng nhỏ cách cổng chính hơn chục mét.

Ấn tượng thứ hai là bầu không khí ở đây. Chỉ cần bước qua cánh cổng sắt vào khu giam giữ thì ngay lập tức, tôi như bị vấp phải bức tường... vô hình. Đó là mùi hơi người nồng nặc; mùi từ hệ thống cống thoát nước bẩn, từ các hầm hố xí tự hoại đã bị hở, bị bục vì thời gian bốc lên ngùn ngụt; mùi ẩm mốc từ những bức tường thấp... tất cả đã tạo nên một bầu không gian ngột ngạt đến tức ngực.

Cũng vào những năm từ giữa thập niên 80 đến đầu thập niên 90 thế kỷ XX, Trại giam Hỏa Lò đã xuống cấp một cách thảm hại. Hệ thống cấp thoát nước hư hỏng nặng nề, số lượng phạm nhân luôn quá tải ...

Vào những năm từ 1980 đến 1990, do đời sống khó khăn cho nên nạn trộm cắp vặt ở Hà Nội gia tăng đến mức chóng mặt. Ví dụ như năm 1981, có đến 11.000 vụ trộm cắp... Mà ngày đó, có khi chỉ cần lấy một chiếc xe đạp, một chiếc ví có vài đồng, lấy một chiếc mũ cối... là phải vào nhà giam và đưa ra tòa xét xử rồi.
 

ho so mot cuoc chuyen tu ky 2

Một tử tù được gặp vợ con


Tội phạm vào Hỏa Lò chủ yếu là thường phạm nghĩa là phạm các loại tội mà có mức án dưới 3 năm tù. Trọng án xảy ra rất ít, và án kinh tế thì cũng chẳng đáng kể. Như vậy, so với bây giờ thì tính chất phạm tội đã thay đổi cơ bản về “chất”. Tội phạm trộm cắp hiện nay ít hơn nhiều so với “ngày xưa”, nhưng tội phạm ma túy, giết, cướp lại tăng.

Do phạm nhân quá đông, nên có những buồng giam như B16, B9, B8, B14... phạm nhân phải nằm “úp thìa”. Mỗi buồng này có diện tích từ 120 đến 200m2 nhưng số lượng tù thì thường từ 150 đến 300. Buồng giam đông như vậy mà chỉ có 2 khu vệ sinh cho nên việc giải quyết “đầu ra” luôn luôn là một cực hình đối với phạm nhân. Đã vậy, hệ thống hố xí tự hoại được xây dựng từ thời Pháp bị hư hỏng nặng, vì vậy, nhiều lúc phân tươi tràn cả lên nền nhà.

Phạm nhân ở trong buồng bị “tra tấn” bởi thứ mùi này đã đành, nhưng cán bộ quản giáo cũng chịu khổ không kém. Mỗi lần vào buồng giam kiểm tra xong, khi ra ngoài, anh em phải đi tắm ngay, ấy thế mà vẫn bị “ám hơi”, về nhà, vợ con nhận ra mùi "trại giam". Hơn nữa, phạm nhân bị giam thì chỉ vài ba tháng, hoặc lâu lắm là nửa năm, khi có án xong được đi trại cải tạo, còn cán bộ quản giáo, ròng rã hết năm này qua năm khác...

Thế mới biết sức chịu đựng của những người quản giáo ở Trại giam Hỏa Lò thật phi thường và chắc chắn là chả mấy ai “yêu” cái nghề này. Chả thế mà anh em có câu: “Ai về nhắn nhủ mẹ cu. Nuôi con chóng lớn coi tù thay cha”. Nghe thật não lòng.

Vào những năm kinh tế khó khăn trước thời kỳ Đảng, Nhà nước bắt đầu công cuộc đổi mới, khi mà cán bộ công chức Nhà nước phải ăn cơm độn bo bo, độn khoai lang, khoai tây, thậm chí có nơi phải nhận phân... urê để trừ vào phần gạo bị thiếu, thì chuyện phạm nhân trong trại chết vì suy kiệt, vì bệnh tật cũng không hiếm. Ngay cán bộ quản giáo trong trại Hỏa Lò, khi khám bệnh cũng phát hiện ra hơn 30% bị nhiễm lao và có không ít cán bộ phải đi điều trị dài ngày ở bệnh viện.

Cộng vào đó là nạn đầu gấu, đại bàng hoành hành ở trong trại mà cán bộ quản giáo không làm cách nào dẹp hết được.

Có vô vàn những chuyện kể về các cách hành hạ bạn tù, cách kiếm tiền của bọn đầu gấu trong trại. Không thiếu những gã đầu gấu tuy nằm tù nhưng lại có... tiền gửi về giúp đỡ gia đình. Chính vì vậy có những gã đầu gấu đã tìm mọi cách để ở lại trại. Tôi đã được chứng kiến một gã đầu gấu có bắp chân bị lột hết lớp da ngoài trông gớm giếc.

Hỏi ra mới biết là gã đã lấy nilon, đốt chảy rồi... nhỏ giọt lên bắp chân để gây bỏng. Vì bắp chân cứ lở loét như vậy nên không trại cải tạo nào nhận, cho nên hắn được ở lại trại Hỏa Lò để... cải tạo. Khi hắn ở buồng giam, ngày cũng như đêm, luôn luôn có phạm nhân thay nhau... hầu quạt cái bắp chân của hắn. Thật ra, để chữa khỏi thì không khó, nhưng hắn lại... không muốn chữa. Vì nếu khỏi thì phải đi nơi khác... mà như thế, coi như mất nguồn “thu nhập chính”.

Có lần, với mong muốn được thực mục sở thị cuộc sống trong tù, tôi đề xuất với Trung tá Nguyễn Đức Nhanh, Trưởng phòng CSĐT - nay là Giám đốc CA TP Hà Nội - một kế hoạch rất chi là “lãng mạn”. Theo kế hoạch này thì Phòng CSĐT lập cho tôi một bộ hồ sơ phạm pháp giả, rồi "tống" tôi vào trại ở chung với phạm nhân một ngày, một đêm. Việc này phải “tuyệt mật”, không để cho quản giáo biết...

Nghe tôi nói xong, anh Nhanh nhìn tôi bằng ánh mắt thương hại cho cái sự ngây thơ của nhà báo rồi buông một câu: "Vớ vẩn! Đêm, thằng nào nó cho chú một chiếc đũa từ lỗ tai nọ sang lỗ tai kia thì ai chịu tội cho”. Nhưng sau đó, tôi cũng được đi thực tế ở tất cả các buồng giam, tất nhiên là không được chụp ảnh và có hai quản giáo dẫn đi. Và tôi cứ hãi hùng mãi về tất cả mọi thứ ở đây.

Ngày ấy, có hai vụ phạm nhân trốn thoát khỏi Hỏa Lò và được coi là vào loại "kinh điển".

Vụ thứ nhất xảy ra vào đêm ngày 21/2/1990.

Phạm nhân Hoàng Văn Tiến có biệt danh là Tiến “phỉ”, quê ở Ái Mộ, Gia Lâm, phạm tội cướp, bị giam ở buồng số 8 khu 2, là nơi giam những kẻ phạm trọng tội. Tường nhà giam cao 4,7m, nhưng hắn đã cùng với một phạm nhân khác tên là Đỗ Văn Được dùng quần dài buộc vào song cửa sổ rồi đu lên và đục trần vôi rơm ra. Trần nhà được làm từ gần trăm năm trước đã mục, mọt gần hết cho nên hắn dỡ ra chẳng khó khăn gì.

Hắn dỡ mái ngói chui ra rồi chạy theo đường mái ngói từ buồng 8 sang khu bếp rồi ra chòi gác số 2. Hắn dùng chăn vắt qua đường dây điện 220vôn, vượt tường nhảy xuống đường đi tuần tra trong trại. Hắn ra ngoài vào khu nhà làm việc của Phòng CSĐT và lấy luôn một bộ quần áo cảnh sát của anh em phơi ngoài dây, “diện” vào. Tiện thể, hắn dắt luôn chiếc xe đạp của ai đó và lững thững đi ra cổng chính. Hắn bình tĩnh đứng lại xin thuốc lá của anh chàng cảnh sát bảo vệ gác cổng rồi thong thả lên xe đi mất hút.

Nhưng lại có một vụ mà nghe cứ như chuyện bịa.

Cũng tại buồng giam số 8, khi đó mới sửa lại bức tường ngoài. Trong khi vữa xây chưa kịp khô thì một gã phạm nhân đã khoét tường và rình cơ hội “bùng”. Đúng lúc ấy, anh quản giáo T. lững thững tới. Chờ cho quản giáo vừa đi qua, hắn liền chui ra và cũng thong thả đi sau lưng quản giáo. Người quản giáo liếc nhìn thì tưởng đó là phạm nhân tự giác và cũng chẳng hỏi thêm câu nào. Còn hắn thì cũng đủ khôn ngoan để giữ một khoảng cách “lễ độ” sau lưng quản giáo.
 

ho so mot cuoc chuyen tu ky 2

Một tử tù được gặp lại vợ


“Ông” đi trước, “cháu” đi sau, và cứ thế, hắn theo chân quản giáo ra hẳn khu ngoài, nơi có giàn nho. Mà ở đây, phạm nhân tự giác cũng như công an, người dân đến khá đông, đi lại lộn xộn, nhốn nháo. Thế là hắn ra luôn ngoài phố rồi... biến.

Một lần đồng chí Phạm Thế Duyệt, Bí thư Thành ủy Hà Nội vào kiểm tra công tác ở Trại Hỏa Lò. Sau khi nghe Ban Giám đốc CA TP và đồng chí Nguyễn Văn Hoắc, Giám thị trại báo cáo về thực trạng của Trại Hỏa Lò, đồng chí hết sức ngỡ ngàng. Rồi đồng chí đi thăm một số buồng giam và thấy điều kiện sống của phạm nhân cũng như điều kiện sinh hoạt làm việc của cán bộ, chiến sĩ CA là không thể nào... tồi tệ hơn thế. Đồng chí Bí thư ra lệnh ngay các sở, ban, ngành phải “xắn tay áo” vào để cải tạo khẩn cấp Trại Hỏa Lò.

Ngay lập tức, Công ty Môi trường - Đô thị Hà Nội cử công nhân đến, hằng ngày... gánh phân đổ đi, cải tạo lại hệ thống hố xí tự hoại. Công ty Cấp nước Hà Nội cho công nhân đến thông đường ống nước cũ, chỗ nào hỏng quá thì lắp đường ống mới. Rồi một số buồng giam được lắp thêm quạt trần, bóng điện... Nhưng tất cả những cố gắng đó cũng chỉ giảm bớt một cách gọi là những khó khăn của trại.

Rồi bên cạnh sự xuống cấp, sự quá tải của Trại Hỏa Lò, lại còn thêm một khó khăn nữa đối với trại - đó là việc trại không có nơi để... thi hành án tử hình.

Suốt một thời gian dài, mỗi khi thi hành án tử hình, CA Hà Nội lại phải đến xin Bộ Chỉ huy quân sự TP cho “bắn nhờ” tại trường bắn Yên Sở. Mỗi lần đi “xin” như vậy cũng rất ngượng. Mà hơn nữa, dù có thông cảm đến mấy với anh em CA, thì rõ ràng Bộ Chỉ huy quân sự cũng chẳng thích thú gì.

Nơi bộ đội tập luyện hằng ngày mà lại mang phạm nhân đến đấy bắn, nghe không được. Mà mỗi khi thi hành án, có phải cứ lôi tử tù đến bắn “đòm” một phát là xong đâu? Phải chuẩn bị trước vài ba ngày, thế là có khi lại ảnh hưởng đến kế hoạch tập luyện của bộ đội.

Nhưng không bắn ở Yên Sở thì... bắn ở đâu? Có lần phải mang sang Đông Anh, lại có khi đi tận... Sóc Sơn. Nhưng dù ở chỗ nào thì cũng gặp sự phản đối của chính quyền và nhân dân địa phương.

Vì thế, khi đặt vấn đề xây dựng trại giam mới, thì có một yêu cầu đặt ra là nơi đó phải có trường bắn.

Từ năm 1989 kế hoạch xây dựng một trại giam mới thay thế cho Trại giam Hỏa Lò được gấp rút tiến hành. Nhưng lúc này, lại vấp phải một trở ngại mới - đó chính là từ những cán bộ đã từng bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò.

(Còn nữa)
tin tức liên quan