Hồ sơ một cuộc chuyển tù (Kỳ cuối)

Ngày đăng: 02:53 20/11/2017 Lượt xem: 778



                     Hồ sơ một cuộc chuyển tù (Kỳ cuối)

                                                            Nguồn:Báo Điện tử Thời Mới


Được những người có trách nhiệm trong cuộc chuyển tù “tham vấn”, Thượng tá H. bảo: Phải chuyển vào lúc 10h đêm thứ Ba, ngày 16/3. Ông nói chắc: Sẽ có mưa, gió lúc chuyển, nhưng mọi việc đều tốt đẹp. Lúc chuyển tù, trời nổi giông thật.



IV: Kế hoạch G93

Trung tá Vũ Xuân Hồng, Đội trưởng Đội Tham mưu của Trại giam Hà Nội suốt từ năm 1993 đến nay nhớ lại:

- Vào một ngày giữa tháng 6/1993, Giám đốc Nguyễn Đình Thành gọi anh Hoắc và tôi lên. Giám đốc giao cho anh Hoắc chuẩn bị một kế hoạch để đưa phạm nhân ở Hỏa Lò về trại giam mới, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 3/1994. Sau khi Giám đốc nói với chúng tôi nhiều về mục đích, ý nghĩa của cuộc chuyển tù lớn nhất trong lịch sử công an từ trước tới nay, Giám đốc đặt ra yêu cầu là phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cuộc di chuyển, thời gian trong khoảng 2 hoặc 3 ngày... Và không được để... ai biết.

Giám đốc cũng nhấn mạnh, việc chuyển tù này không chỉ là nhiệm vụ của trại giam mà còn là của toàn thể cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Nội. Ban Giám đốc sẽ đáp ứng đến mức cao nhất tất cả những yêu cầu về phương tiện, lực lượng bảo vệ và các công tác nghiệp vụ khác.

Là một người lính đặc công luôn coi việc tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh cấp trên là tối thượng nên Thượng tá Nguyễn Văn Hoắc không hỏi lại nhiều và lẳng lặng về chuẩn bị.

Việc di chuyển trại, nghe thì có vẻ đơn giản nhưng đến khi bắt tay vào soạn kế hoạch thì mới thấy “hiện” lên một “núi” công việc cần phải làm.

Thượng tá Hoắc cùng các đồng chí trong Ban Giám thị và Đội Tham mưu phải tiến hành khảo sát toàn bộ tuyến hành trình từ phố Hỏa Lò đến xã Xuân Phương. Đoạn đường này dài đúng 13km, chạy từ đông sang tây của thành phố. Trên đường phải qua hàng chục giao lộ, trong đó có chắn tàu nằm trên phố Điện Biên Phủ và ngã tư Cầu Giấy, ngã ba Cầu Diễn... là những nơi hay bị ùn tắc. Như vậy, việc chuyển lại phải “căn” giờ làm sao tránh được lúc tàu chạy qua.

Số lượng phạm nhân phải chuyển là từ 1.700 đến 1.800 phạm nhân. Trong đó, có 6 phạm tử hình; 35 phạm có án từ 10 năm đến chung thân; có 80 phạm có án từ 5 năm đến 9 năm; thường phạm có 1.205; phạm nhân đang giam cứu về tội nghiêm trọng có 40; có 150 phụ nữ... Cộng tất cả các loại là 1.800 phạm nhân.

Trên cơ sở này, Ban Giám thị giao cho Đội Tham mưu kết hợp với Đội Quản giáo tiến hành phân loại phạm theo tính chất, mức độ, tội danh để lập danh sách. Trừ số phạm tử hình sẽ di chuyển trên xe con, còn các loại phạm khác sẽ đi chung trên xe lớn loại 45 chỗ. Nhưng phải tính toán, phân loại làm sao để phạm nhân trong cùng một vụ án không được đi chung chuyến.

Danh sách phạm nhân trên mỗi chuyến xe được đánh máy làm 5 bản: Quản giáo giữ hai bản để đối chiếu lúc “xuất” phạm ở trại cũ và “nhập” phạm vào trại mới; Đội Tham mưu giữ một bản; cảnh sát bảo vệ dẫn giải một bản và một bản Ban Giám thị giữ.

Tổng cộng số phương tiện vận chuyển là 35 xe, trong đó có 4 xe đặc chủng, 3 xe chuyên dùng và 20 xe chở khách đi thuê và 8 xe tải. Phải sử dụng 400 khóa tay, 401 khóa xích; 60 dùi cui các loại, 26 khẩu AK, 50 súng ngắn;... ngoài ra còn phải chuẩn bị đèn pin và các loại công cụ hỗ trợ khác. Riêng với xe khách đi thuê, cần phải được gia cố thêm chấn song sắt ở cửa sổ xe...

Cũng theo bản kế hoạch này, Thượng tá Hoắc còn đề ra hàng loạt phương án giả định có thể xảy ra trên đường vận chuyển. Đó là ùn tắc đường do ngẫu nhiên, ùn tắc do cố ý; đánh cướp phạm; phạm nhân bỏ trốn; cháy xe chở phạm; tai nạn giao thông; xe chết máy...

Từng tình huống được nêu ra đều có các phương án xử lý kèm theo, thậm chí còn cụ thể là khi nào thì sẽ được dùng... bình xịt hơi cay; khi nào được nổ súng? Nếu xảy ra tình huống xấu, ai sẽ là người ra lệnh tại chỗ; trong trường hợp máy bộ đàm bị hỏng, không xin ý kiến chỉ huy được thì phải xử lý thế nào, lực lượng xe chữa cháy sẽ “nấp” ở những vị trí nào trên suốt tuyến đường, để đảm bảo có mặt sau... 2 phút nếu có xe cháy?

Là người cẩn thận, Thượng tá Hoắc mang dự thảo kế hoạch đến hỏi Thiếu tướng Nguyễn Chuông, trước là Tư lệnh Sư đoàn của anh. Thiếu tướng Nguyễn Chuông bảo, đây là một trận đánh, cho nên luôn luôn phải nghĩ ra tình huống xấu để mà đối phó, và phải chuẩn bị kỹ đến mức... không còn điều gì mà gây “gợn” trong lòng.

Trong việc chuyển trại, yếu tố rất quan trọng đó là thời gian. Với 1.800 phạm thì phải tính toán cụ thể đến... từng giây? Thoạt nghe, Thượng tá Hoắc cho là Thiếu tướng quá “kỹ” nhưng khi tính toán thì mới thấy nếu như mỗi phạm nhân chỉ cần chậm... nửa phút thôi thì lại không đơn giản.

Sau khi tham khảo ý kiến của Thiếu tướng Nguyễn Chuông, anh Hoắc cho “thực tập” dẫn giải. Các cán bộ tham mưu mang theo đồng hồ... bấm giây để kiểm tra xem một phạm nhân từ lúc đọc lệnh dẫn ra, khóa tay, đối chiếu danh sách, đưa ra xe... rồi khi đến trại mới lại đối chiếu danh sách, đưa vào buồng giam, mở khóa tay... Toàn bộ quy trình ấy mất bao nhiêu thời gian.

Cũng theo tính toán thì mỗi xe phải chạy 5 chuyến mới chở hết phạm nhân và như vậy là tổng số chiều dài quãng đường phải đi là khoảng 130 cây số. Ngần ấy thời gian đi - về cộng thời gian đưa phạm “xuất - nhập”, cộng với thời gian nghỉ ngơi thì phải trong một ngày mới xong.

Vào cuối năm 1993, bản dự thảo kế hoạch mang tên G93 do Thượng tá Hoắc ký được trình Ban Giám đốc. Một cuộc họp xem xét tổng thể kế hoạch G93 được tiến hành dưới sự chủ trì của Đại tá Nguyễn Đình Thành, Giám đốc Công an TP Hà Nội với sự tham gia của các phó giám đốc, trưởng các phòng nghiệp vụ có liên quan, trưởng công an các quận huyện...

Tại cuộc họp này, Đại tá Vũ Đình Hoành xác định rõ việc di chuyển trại là của Công an thành phố mà PC25 (Trại giam Hỏa Lò) là đơn vị chủ công. Cần phải đảm bảo an toàn, trật tự tuyệt đối và đảm bảo tiến độ về thời gian.

Đại tá Phạm Chuyên lại nhấn mạnh đến việc bảo đảm bí mật và công tác đảm bảo hậu cần, đồng thời đề nghị phải quy định rõ trách nhiệm của từng cán bộ, chiến sĩ... Sau khi xem xét và cho ý kiến vào từng loại công việc, Ban Giám đốc lại giao Phòng Tham mưu cảnh sát hoàn chỉnh kế hoạch.

Ngày 24/8/1993, bản dự thảo kế hoạch di chuyển Trại giam Hỏa Lò do đồng chí Ngọc Anh, Phó Trưởng phòng Tham mưu cảnh sát, (hiện nay anh là Trưởng phòng PC13) viết tay được trình Đại tá Vũ Đình Hoành xem trước.

Kèm theo bản này là đề xuất ý kiến của đồng chí Ngọc Anh, nguyên văn như sau: "Kính gửi: Anh Hoành. Em đã dự thảo xong KH di chuyển Trại Hỏa Lò. Theo em, ở thành phố làm KH chung tổng thể, còn chi tiết từng đơn vị phải có KH riêng. PC25 có KH giao nhận và phương tiện; công an quận huyện có KH bảo vệ trên đường; CSCĐ bảo vệ trên xe và vòng trong vòng ngoài của trại + giải quyết đột xuất. CSGT cấm, phân luồng, dẫn, dẹp. Hậu cần dự trù kinh phí, thuê xe cộ...". Kính chuyển anh xem trước sau đó photo gửi cho các đơn vị tham gia và hướng dẫn các đơn vị có kế hoạch riêng để hoàn thành trước khi duyệt tổng thể”.

Bản kế hoạch này vẫn cơ bản theo tinh thần của G93, nhưng cụ thể hơn về các lực lượng hỗ trợ, tăng cường và có phân công trách nhiệm cho từng đơn vị. Theo bản kế hoạch này, Công an quận Hoàn Kiếm phải huy động 205 cán bộ, chiến sĩ, bố trí tại 38 điểm trên tuyến đường đoàn xe đi qua. Công an quận Ba Đình huy động 78 quân, bố trí ở 26 điểm; Công an huyện Từ Liêm 121 quân; Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) 259 quân, ngoài ra còn có 61 cảnh sát giao thông (CSGT); 20 cảnh sát hình sự (CSHS); 20 cảnh sát điều tra; 5 xe chữa cháy và các đơn vị khác như hậu cần, y tế, khoa học hình sự, thông tin; tham mưu cảnh sát... Tổng cộng số quân là 1.041 đồng chí.

Bản kế hoạch này còn đặt ra những tình huống cụ thể và đề xuất cách xử lý, trong đó có 5 tình huống bất ngờ đó là: ùn tắc giao thông; xe chết máy trên đường; mất điện và phạm nhân gây lộn xộn, phạm nhân gây rối và tập kích cướp phạm.

Về tình huống thứ 4, cách xử lý như sau: Khi xảy ra tình huống phạm nhân gây rối như hô hét, đập phá, phải có thông tin nhanh nhất cho Trung tâm chỉ huy. Khẩn trương đóng cửa buồng giam. Sử dụng đèn pha (nếu là ban đêm) và dùng camera quay phim toàn bộ. Huy động CSCĐ bảo vệ vòng ngoài chuẩn bị hơi cay sẵn sàng sử đụng khi có lệnh. Khi sử dụng hơi cay phải có chuẩn bị trước: lực lượng đưa phạm ra ngoài để khỏi bị chết ngạt; chuẩn bị bác sĩ cấp cứu; xe chữa cháy đưa vòi bơm vào sát buồng giam...

Còn trong tình huống bị tập kích cướp phạm thì phải: Chủ động xử lý tại chỗ, không để tụ tập đông người; được phép nổ súng cảnh cáo; CSCĐ bao vây, chia cắt số người tụ tập, bắt giữ ngay những người có hung khí và số đối tượng hô hét, kích động. Trường hợp có đối tượng sử dụng vũ khí quân dụng như súng, lựu đạn... thì được phép tiêu diệt. Trường hợp phạm nhân bị đánh tháo thì khẩn trương bao vây toàn bộ khu vực, kiểm soát tất cả người ra vào, tổ chức cho trinh sát, cảnh sát khu vực; CSCĐ chia từng tổ bao vây lùng sục khu vực phạm trốn và kiểm soát hành chính toàn bộ khu vực.

Đến ngày 26/8, bản kế hoạch di chuyển trại được Ban Giám đốc thông qua. Đại tá Nguyễn Đình Thành cho ý kiến chỉ đạo là phải tổ chức cho các lực lượng tham gia di chuyển tập luyện thuần thục; tổ chức nắm tình hình tư tưởng của phạm nhân trong từng buồng giam; quét các tụ điểm phức tạp về hình sự trên tuyến đường đoàn xe đi qua; đồng thời có kế hoạch phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự thành phố. Đồng chí cũng yêu cầu là chỉ được chuyển trại khi nào trại mới hoàn tất và công tác chuẩn bị xong toàn bộ, phải khẩn trương nhưng không được vội.

Cuối tháng 2/1994, mọi công việc chuẩn bị chuyển trại cơ bản đã xong. Một số đơn vị như CSCĐ, CSGT, quản giáo... đã tập luyện khá nhuần nhuyễn các tình huống phải xử lý. Qua công tác nắm tình hình thì phạm nhân trong trại không hề hay biết gì. Ngoài xã hội cũng không biết Công an Hà Nội đang âm thầm chuẩn bị cho cuộc di chuyển trại giam mang tính lịch sử này.

Sau khi Công an Hà Nội báo cáo lên Trung tướng Phạm Tâm Long, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội vụ và được sự đồng ý thì Giám đốc giao cho Thượng tá Hoắc tính toán nên di chuyển vào ngày nào trong khoảng thời gian từ ngày 13/3 đến 30/3/1994.

Nhưng nghĩ lại thì Thượng tá Hoắc đề xuất là nên chuyển trại vào ban đêm vì làm như vậy sẽ tránh được sự ồn ào không cần thiết, tránh ùn tắc giao thông và tăng được tốc độ di chuyển. Vì vậy anh mạnh dạn báo cáo Ban Giám đốc. Đại tá Nguyễn Đình Thành và Đại tá Vũ Đình Hoành lúc đầu cũng không tin là làm sao có thể chuyển từ 11h đến 5h sáng mà xong. Nhưng trước những lý lẽ đưa ra kèm theo sự tính toán khoa học thì các anh thấy rằng có thể làm được.

Về việc tại sao lại chọn đêm ngày 16/3 để di chuyển, Trung tá Vũ Xuân Hồng cho biết một chi tiết khá thú vị. Số là thấy việc di chuyển trại lớn quá mà dự kiến có không ít tình huống phức tạp sẽ nảy sinh, nên một đồng chí trong Ban Giám đốc bảo có lẽ phải “Đông - Tây y kết hợp”- nghĩa là đi... xem chọn ngày.

Vốn là người chẳng tin vào những chuyện tâm linh nên Thượng tá Hoắc chẳng mặn mà gì. Nhưng vì nể cấp trên, và cũng nghĩ tới câu “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” nên anh và Vũ Xuân Hồng cũng tìm chọn... người xem. Chọn người ngoài thì sợ... mang tiếng là công an cũng... xem ngày vì vậy phải chọn người “thân tín”.

Nghe nói rằng Thượng tá H. là người am hiểu, nên hai anh tìm đến. Sau khi lẩm nhẩm tính toán, Thượng tá H. bảo: Phải chuyển vào lúc 10h đêm thứ Ba, ngày 16/3 (tức ngày 24/2 âm lịch). Đó là ngày Bính Thân, tháng Ất Mão năm Giáp Tuất. Vũ Xuân Hồng cẩn thận hỏi lại là nếu chuyển vào giờ đó thì sẽ có chuyện gì xảy ra. Thượng tá H. nói chắc chắn rằng: Sẽ có mưa, gió lúc chuyển, nhưng mọi việc đều tốt đẹp.

Ngày 5/3, ngày giờ di chuyển được ấn định. Ngày 8/3, Đại tá Vũ Đình Hoành ký thông báo tạm đình chỉ việc xuất nhập can phạm, phạm nhân ở Trại giam Hỏa Lò trong 3 ngày từ 16 đến 19. Trường hợp có phạm nhân đặc biệt nguy hiểm chuyển đến thì phải báo cáo Ban Giám đốc.

Tổng chỉ huy là Giám đốc Công an thành phố; trực tiếp điều hành là Đại tá Vũ Đình Hoành; Đại tá Phạm Chuyên chỉ huy “nhập” phạm nhân ở trại mới, Thượng tá Nguyễn Văn Hoắc chỉ huy “xuất” phạm tại Hỏa Lò.

Chiều ngày 16/3, những người đến Trại Hỏa Lò đều thấy có thêm những ngọn đèn pha ngoài cổng trại và nghĩ rằng có... đóng phim. Cũng chiều hôm đó, Phòng Hậu cần Công an thành phố đặt những người chuyên làm xôi để bán ở Phú Thượng, quận Tây Hồ hơn... 1.300 xuất. Khỏi phải nói những người bán xôi vui thế nào khi lần đầu tiên trong đời họ nhận được một “đơn đặt hàng” với số lượng lớn như thế.

19h30, tất cả các phương tiện vận chuyển và các đơn vị CSCĐ được lệnh tập kết ở Cung Văn hóa Hữu Nghị.

21h, Đại tá Vũ Đình Hoành ra lệnh cho các đơn vị kiểm tra lần cuối và đúng 22h, việc di chuyển trại bắt đầu.

Trung tá Nguyễn Đức Nhanh được giao nhiệm vụ “khai mạc” cuộc chuyển trại với nhiệm vụ chuyển “chuyến hàng” đầu tiên là 6 phạm nhân bị kết án tử hình... Đó là Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Đình Tước, Bùi Văn Vinh, Nguyễn Văn Thắng, Trần Văn Hậu và Huỳnh Thức (sau này, tử tù Thành và Tước đã được Chủ tịch nước tha tội chết, giảm án xuống còn chung thân).

Bị đưa ra khỏi buồng giam, các phạm nhân tử hình ngơ ngác vì “sao bắn chúng cháu sớm thế này?”. Có kẻ khóc rống lên, có kẻ van xin rối rít... nhưng chỉ đến khi được đưa ra khỏi cổng trại, họ mới biết là không phải đưa đi bắn.

10h15, đoàn xe chở tử tù chuyển bánh, và lúc này, trời nổi giông. Mưa quất xuống rào rào, gió mùa đông bắc tràn về mạnh mẽ... Đường phố Hà Nội bỗng nhanh chóng vắng ngắt. Lúc này, mọi người mới nhớ đến những dự đoán của Thượng tá H. và thấy kỳ lạ không thể hiểu nổi.

Cuộc chuyển tù diễn ra với tốc độ nhanh hơn dự kiến. Đến 5h kém 15 sáng ngày 17 thì phạm nhân cuối cùng được “nhập kho” an toàn.

Sáng hôm đó, những gia đình phạm nhân đi tiếp tế đến nhà số 1 phố Hỏa Lò, họ ngơ ngác thấy trại vắng tanh và ngoài cổng có một bảng thông báo là Trại đã chuyển vào xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

Cuộc chuyển tù có một không hai trong lịch sử Công an nhân dân như vậy đó.


Một số hình ảnh tại trại giam Hà Nội:

 

ho so mot cuoc chuyen tu ky cuoi


Tác giả và phóng viên Đặng Huyền - Báo An ninh Thế giới làm việc với một nữ quản giáo

 
ho so mot cuoc chuyen tu ky cuoi


Nơi xếp sổ gửi quà tiếp tế và thăm gặp

 
ho so mot cuoc chuyen tu ky cuoi
Phát thuốc cho phạm nhân
ho so mot cuoc chuyen tu ky cuoi
tin tức liên quan