Tại sao em ruột ông Đinh La Thăng được đề nghị giảm nhẹ hình phạt?
Tại sao em ruột ông Đinh La Thăng được đề nghị giảm nhẹ hình phạt?
Nguồn:Báo Điện tử Dân Việt
Ông Đinh Mạnh Thắng (em trai ông Đinh La Thăng) bị khởi tố, bắt tạm giam ngày 8.12 để điều tra về tội Tham ô tài sản, trong vụ án Trịnh Xuân Thanh. 12 ngày sau, Cơ quan điều tra đã ra kết luận điều tra đề nghị truy tố ông Thắng.
Ông Đinh Mạnh Thắng khi còn công tác. (Ảnh: IT)
Trong vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam và Công ty cổ phần Minh Ngân có 8 bị can bị đề nghị truy tố. Ông Đinh Mạnh Thắng là người bị khởi tố và bắt tạm giam sau cùng so với số bị can trên.
Theo Cơ quan điều tra, thời điểm năm 2010, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Ngọc Sinh, Đặng Sỹ Hùng, Đào Duy Phong là những người có quyền quyết định, có trách nhiệm quản lý tài sản của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương đã thông đồng với các đối tượng liên quan, cùng đối tượng môi giới là Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, có sự giúp sức của Thái Kiều Hương, Lê Hòa Bình, Nguyễn Thị Kim Thoa, đại diện bên mua là Công ty Minh Ngân và Đinh Mạnh Thắng để ký thanh toán hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương với giá tương đương 34 triệu đồng/m2 đất, thấp hơn mức giá PVP Land đã thỏa thuận đặt cọc (52 triệu đồng/m2) tạo ra chênh lệch giá để chiếm đoạt cổ phần trị giá hơn 87 tỷ đồng của PVP Land, trong đó có tài sản Nhà nước. Giá trị tài sản các đối tượng đã chiếm đoạt là 49 tỷ đồng.
Về phía Đinh Mạnh Thắng, thời điểm đó là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà, đây là đơn vị liên kết, có vốn của Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC, lúc này Trịnh Xuân Thanh là Chủ tịch HĐQT). Đinh Mạnh Thắng có quen biết từ trước với Thái Kiều Hương. Theo lời khai của bị can này, cuối tháng 3.2010, ông được Thái Kiều Hương gọi điện nói Công ty Xuyên Thái Bình Dương đã tìm được khách hàng có nhu cầu mua dự án Nam Đàn Plaza với giá 52 triệu đồng/m2, họ đã đặt cọc 100 tỷ đồng, cần hoàn thiện nhanh thủ tục cho khách mua.
PVP Land là cổ đông lớn của Công ty Xuyên Thái Bình Dương, họ phải đồng ý bán thì các cổ đông còn lại mới bán được vì khách muốn mua tất cả dự án, do vậy cần phải có sự chấp thuận của Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT của PVC và Đào Duy Phong, Chủ tịch HĐQT của PVP Land. Thái Kiều Hương đã nhờ Đinh Mạnh Thắng tác động để Trịnh Xuân Thanh và Đào Duy Phong đồng ý.
Sau đó Đinh Mạnh Thắng thu xếp để Thái Kiều Hương, ông Han Gi Cheol (Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Vietsan) gặp Trịnh Xuân Thanh tại một nhà hàng ở đường Xuân Diệu (Tây Hồ, Hà Nội). Tại bữa ăn, Hương và ông Han muốn Trịnh Xuân Thanh đồng ý bán cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương. Trịnh Xuân Thanh đã đồng ý.
Từ việc bán cổ phần nhưng ký hợp đồng với giá thấp hơn thực tế, các đối tượng đã tạo ra khoản tiền chênh lệch giá. Thái Kiều Hương đã nhờ Đinh Mạnh Thắng nhận 14 tỷ đồng tiền chênh lệch giá để chuyển cho Trịnh Xuân Thanh. Bản thân bị can Thắng cũng được hưởng 5 tỷ đồng tiền môi giới có nguồn gốc từ tiền chênh lệch giá.
Hành vi của Đinh Mạnh Thắng được Cơ quan điều tra xác định đã phạm tội Tham ô tài sản được quy định tại Điều 278 Bộ luật Hình sự, với vai trò giúp sức. Đáng chú ý, trong quá trình làm việc với Cơ quan điều tra, Đinh Mạnh Thắng đã khai báo thành khẩn về hành vi của bản thân và đồng phạm. Đối tượng này cũng đã hoàn trả lại toàn bộ số tiền hưởng lợi. Bên cạnh đó, Đinh Mạnh Thắng còn có thành tích trong quá trình công tác nên Cơ quan điều tra đã đề nghị có thể xem xét giảm nhẹ hình phạt trong quá trình truy tố, xét xử.
Theo luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), trường hợp người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, đó thuộc tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự định khung, được quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự. Đối với người phạm tội có ít nhất từ hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 thì tòa án có thể quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của bộ luật.
Điều 278 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về tội Tham ô tài sản như sau:
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Gây hậu quả nghiêm trọng;
b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại mục A chương này (các tội về tham nhũng, bao gồm: Tham ô tài sản (Điều 278), tội Nhận hối lộ (Điều 279), tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280), tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281), tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 282), tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 283), tội Giả mạo trong công tác (Điều 284), chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Phạm tội nhiều lần;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.