Trung Quốc bắt và xét xử Ủy viên Bộ chính trị đương nhiệm như thế nào?

Ngày đăng: 08:05 04/01/2018 Lượt xem: 1.029


Trung Quốc bắt và xét xử Ủy viên Bộ chính trị đương nhiệm như thế nào?


                                                         
                                                                  Nguồn:Báo Điện tử Thời Đại


Vụ án Bạc Hy Lai là một trường hợp điển hình trong thời hiện đại về trình tự và cách thức Trung Quốc xử lý một Ủy viên Bộ chính trị của mình.

Trung Quốc bắt và xét xử Ủy viên Bộ chính trị đương nhiệm như thế nào?
Ông Bạc Hy Lai trong phiên xét xử tháng 8/2013 (Ảnh: JINAN INTERMEDIATE PEOPLE'S COURT)
 

Trình tự xử lý Bạc Hy Lai

Thời điểm tháng 2/2012, ông Bạc Hy Lai - con trai cố Phó thủ tướng Trung Quốc Bạc Nhất Ba - đang giữ chức Ủy viên Bộ chính trị trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 17, Bí thư thành ủy thành phố Trùng Khánh - một trong 4 đô thị lớn trực thuộc trung ương Trung Quốc.

Ngày 6/2/2012, Vương Lập Quân - khi đó là Phó thị trưởng, Giám đốc Công an Trùng Khánh và là cấp dưới thân tín của Bạc - chạy tới tới Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, xin tị nạn. Tuy nhiên, phía Mỹ không tiếp nhận Vương và trao trả ông này cho Trung Quốc.

Vụ Vương Lập Quân "sa lưới" đã dẫn tới hàng loạt sai phạm, âm mưu của Bạc Hy Lai cùng vợ là Cốc Khai Lai bị khui ra.

Ngày 15/3/2012, trung ương ĐCSTQ quyết định cho thôi giữ chức Bí thư thành ủy, Ủy viên thường vụ thành ủy, Thành ủy viên Trùng Khánh đối với Bạc.

Ngày 10/4, Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương ĐCSTQ (CCDI) thông báo lập án điều tra ông Bạc "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng".

Ngày 26/10, Ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội Trung Quốc) thông báo ngưng tư cách Đại biểu Ban thường vụ của Bạc.

Ngày 4/11, Hội nghị toàn thể trung ương 7 khóa 17 của ĐCSTQ thông qua hình thức kỷ luật khai trừ đảng đối với Bạc, đồng nghĩa xác nhận ông này không còn được giữ các chức Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên trung ương ĐCSTQ khóa 17.
 

Trung Quốc bắt và xét xử Ủy viên Bộ chính trị đương nhiệm như thế nào? - Ảnh 1.


Bạc Hy Lai (trước) và Vương Lập Quân (Ảnh: Reuters)


Đến ngày 26/7/2013, vụ án Bạc Hy Lai nhận hối lộ, tham ô, lạm dụng chức vụ được Viện kiểm sát nhân dân thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, đưa ra khởi tố tại Tòa án nhân dân trung cấp thành phố Tế Nam.

Ngày 22/8, phiên xử công khai thứ nhất trong vụ án Bạc Hy Lai được tổ chức tại tòa án nói trên. Các phiên xử diễn ra trong năm ngày, từ 22 đến 26/8. Đến 22/9, ông Bạc bị kết án tù chung thân, tước toàn bộ quyền lợi chính trị trọn đời.

Cho đến trước thời điểm bị xử lý, Bạc Hy Lai vẫn được xem là một chính trị gia giàu triển vọng và có cơ hội lọt vào ban lãnh đạo Trung Quốc khóa 18, khi Đại hội ĐCSTQ tổ chức vào tháng 11/2012.

Giữ chức Bí thư Trùng Khánh từ 2007 đến 2012, Bạc đưa Trùng Khánh vươn lên thành một trong những đô thị có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất ở Trung Quốc. Ông ta xây dựng được hình ảnh một lãnh đạo quyết đoán và hiệu quả.

Bạc Hy Lai cũng là người phát động phong trào hát nhạc cách mạng ở Trùng Khánh với các chương trình phát vào khung giờ vàng của truyền hình, đồng thời mạnh tay truy quét những băng đảng tội phạm và xử lý doanh nghiệp sai phạm tại thành phố.
 

Trung Quốc bắt và xét xử Ủy viên Bộ chính trị đương nhiệm như thế nào? - Ảnh 2.


Quang cảnh phiên xử công khai Bạc Hy Lai (Ảnh: people.com.cn)


Phiên tòa xét xử Bạc Hy Lai diễn ra như thế nào?

Kể từ phiên tòa đầu tiên xét xử Bạc Hy Lai, toàn bộ diễn biến phiên xử đã được Tòa án nhân dân trung cấp thành phố Tế Nam cập nhật trực tiếp trên Weibo (mạng xã hội Trung Quốc tương tự Twitter), thu hút sự quan tâm của đông đảo người dùng mạng nước này.

Bên cạnh Weibo chính thức của tòa án, truyền thông nhà nước cùng các hãng truyền thông tư nhân hàng đầu Trung Quốc như Tencent, Sina,... đều tham gia đưa tin công khai về vụ xử.

8h9' ngày 22/8/2013, Tòa trung cấp Tế Nam đăng dòng weibo đầu tiên thông báo phiên xử sắp bắt đầu, sau đó liên tục cập nhật hơn 40 dòng trạng thái khác cho đến khi tòa tạm nghỉ vào buổi trưa, nội dung gồm diễn biến tại tòa, cáo trạng của Viện kiểm sát, các phần hỏi đáp trên tòa cùng loạt hình ảnh trong phiên xử...

Hiện nay, toàn bộ ký lục về các phiên xử Bạc Hy Lai vẫn được lưu trữ có thể tìm thấy dễ dàng bằng các công cụ tìm kiếm trên mạng Internet ở Trung Quốc.

Theo thông cáo của Tòa trung cấp Tế Nam, có tất cả 19 ký giả từ các hãng thông tấn được nghe xử bên trong tòa, ngoài ra còn hàng loạt đơn vị khác được phép vào khu vực bảo vệ vòng ngoài nhưng không được vào bên trong pháp đình.

Sau phiên xử đầu tiên ngày 22, sự quan tâm của quần chúng địa phương với hiện trường vụ xử cũng giảm đi. Các phóng viên ghi nhận cho đến ngày 25, 26/8, hầu như chỉ còn lại các cơ quan truyền thông vẫn bám trụ để đưa tin.
 

Trung Quốc bắt và xét xử Ủy viên Bộ chính trị đương nhiệm như thế nào? - Ảnh 3.


Hình ảnh Bạc Hy Lai trước vành móng ngựa được Tòa trung cấp Tế Nam cập nhật trên Weibo chính thức vào lúc 8h43 sáng ngày 22/8/2013 (Ảnh: JINAN INTERMEDIATE PEOPLE'S COURT)


Cập nhật trực tiếp phiên xử Bạc Hy Lai không phải là lần đầu các tòa án ở Trung Quốc áp dụng hình thức này. Trước đó, các tòa án cao cấp ở tỉnh Hà Bắc, Hồ Nam,... từng áp dụng với các vụ án đưa ra xét xử tại đây.

Tuy nhiên, vụ án ông Bạc là tiền lệ một quan chức cấp cao trong ban lãnh đạo đương nhiệm bị đưa ra xét xử công khai. Giáo sư luật Nhậm Tiến từ Học viện hành chính quốc gia Trung Quốc gọi đây là sự kiện mang tính biểu trưng.

Theo ông Nhậm, hình thức công khai thông tin xét xử trong vụ Bạc Hy Lai đã đáp ứng và thỏa mãn quyền được tiếp nhận thông tin của dư luận xã hội, thể hiện tính công bằng-công chính trong xã hội và mang ý nghĩa giáo dục nhất định. Tường thuật trên Weibo được cho là phương pháp tiện lợi, trực tiếp, đơn giản, độ bao phủ rộng, tính tương tác mạnh, ảnh hưởng xã hội lớn.

Giáo sư Uông Ngọc Khải, thuộc cùng cơ quan với ông Nhậm, cho biết phiên tòa xử công khai ông Bạc Hy Lai về cơ bản là khác biệt với những vụ xử các quan chức cấp cao trước đó được bảo mật kỹ lưỡng. Điều này thể hiện tốt tính minh bạch của trình tự tư pháp và quyết tâm chống tham nhũng của ban lãnh đạo Trung Quốc.

"Từ các thông tin báo chí có thể thấy toàn bộ quá trình xét xử và kết án [Bạc Hy Lai] được công khai, bao gồm thông cáo báo chí trước phiên xử, cho phép dư luận xã hội đăng ký dự thính tại tòa...," ông Uông nói, tái khẳng định "xét xử công khai minh bạch là hết sức cần thiết".

tin tức liên quan