1.200 con rắn 'ngậm thuốc bổ' lúc nhúc dưới đáy ao
Nguồn:Báo Điện tử Dân Việt
Mô hình nuôi rắn ri cá trong lưới mùng (vèo) của anh Bùi Hoàng Bằng được nhiều nhà nông trong huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho là lạ mà hay. Anh Bùi Hoàng Tám cho đàn rắn 1.200 con ăn cá tạp “ngậm thuốc bổ”. mỗi năm lời hơn 400 triệu đồng.
Anh Bùi Hoàng Bằng, ngụ ấp 2, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) cho hay, giá cả và đầu ra của loại rắn ri cá rất ổn định, không dội hàng, được nhiều thương lái đến đặt hàng quanh năm, giá bán cao hơn các loại rắn khác. Cạnh đó, 1 số nông dân địa phương cũng thường xuyên bắt được nhiều rắn ri cá ngoài tự nhiên nên anh Bùi Hoàng Bằng đã chọn mô hình nuôi rắn ri cá trong vèo (còn gọi là lưới mùng) và đã thành công.
Chính vì yếu tố LẠ MÀ HAY nên mới đây, mô hình nuôi rắn cho ăn cá tạp “ngậm thuốc bổ” của Bùi Hoàng Bằng đã giải Nhất cuộc thi “Sáng tạo khoa học kỹ thuật” thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang lần thứ 2, năm 2017 diễn ra vào cuối tháng 12/2017.
|
Anh Bùi Hoàng Bằng đang bắt rắn ri cá trong lưới mùng thả trong mương vườn. |
Anh Bằng chia sẻ: “Thịt của loại rắn ri cá rất thơm ngon, bổ dưỡng có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon dân dã miền Tây hoặc món ăn cao cấp trong các nhà hàng, khách sạn. Nếu nuôi rắn ri cá đúng bài bản thì rất mau lớn, rủi ro thấp bởi khả năng kháng bệnh rất cao của loài rắn này. Trước khi nuôi số lượng lớn rắn ri cá, tôi đã tự nghiên cứu những tài liệu có liên quan cũng như đi tham quan cách nuôi loài rắn này ở nhiều tỉnh miền Tây...”.
|
Anh Bùi Hoàng Bằng bắt từng bầy rắn ri cá trong lưới mùng lên giới thiệu tại cuộc thi "Sáng tạo kỹ thuật" thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang năm 2017. |
Anh Bùi Hoàng Bằng bắt đầu nuôi rắn ri cá từ năm 2009 với 50 con rắn giống. Sau 15 tháng nuôi, rắn ri cá đã đạt trọng lượng từ 1,2-1,5 ký/con, với giá bán từ 400-450.000 đồng/ký, trừ hết các khoản chi phí anh còn lời xấp xỉ 30 triệu đồng. Tuy nhiên, qua quá trình nuôi, anh nhận thấy nuôi rắn ri cá trong bể xi măng kết quả chưa thật cao. Năm 2012, anh Bằng quyết định chuyển hướng sang nuôi rắn ri cá trong lưới mùng thả vào ao mương và đạt kết quả tốt.
|
Anh Bùi Hoàng Bằng (phải) thuyết trình về quy trình kỹ thuật nuôi rắn ri cá thương phẩm, rắn ri cá sinh sản trước hội đồng giám khảo cuộc thi "Sáng tạo kỹ thuật" thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang năm 2017. |
Không chỉ nuôi rắn ri cá thương phẩm, hiện nay anh Bùi Hoàng Bằng còn tiến hành nuôi và cho rắn ri cá sinh sản theo ý muốn trong 18 cái vèo. Mỗi vèo anh thả nuôi từ 17-20 con rắn ri cá cùng lứa. Nguồn nước trong vèo nuôi rắn ri cá phải luân phiên thay đổi để đảm bảo sạch, an toàn cho bầy rắn. Bên trên mặt nước của ô vèo nuôi rắn ri cá, anh thả nhiều lục bình để tạo bóng mát cho đàn rắn trú ẩn. “Đối với rắn ri cá nuôi bán thịt 3 ngày cho chúng ăn 1 lần. Với rắn ri cá nuôi đẻ thì mỗi tuần cho ăn 1 lần. Thời điểm cho rắn ri cá giao phối tốt nhất là từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 7 Âm lịch. Rắn ri cá mẹ đẻ mỗi năm chỉ 1 lần, mỗi lần từ 10-35 con…”, anh Bùi Hoàng Bằng chia sẻ kinh nghiệm nuôi rắn ri cá.
|
Mỗi vèo (lưới mùng), anh Bùi Hoàng Bằng nuôi từ 17-20 con rắn ri cá. Sau 15 tháng nuôi, rắn ri cá được xuất bán với trọng lượng đạt từ 1,2-1,5 ký/con. |
Ông Trương Văn Tám, ngụ xã Thạnh Hòa nhận xét : “Cái lạ mà hay của nuôi rắn ri cá là cách anh Bằng “chế biến” thức ăn cho đàn rắn. Ban đầu, anh ấy cho mấy loại cá tạp như sặt rằn, rô phi ăn các loại thuốc bổ. Sau khi cho đàn cá tạp ăn thuốc bổ khoảng 30 phút thì chuyển qua cho đàn rắn ri cá ăn. Cách làm này giúp đàn rắn ri cá phát triển tốt, sinh sản đều và tỷ lệ hao hụt của rắn giống rất thấp…Cách này như là cho đàn rắn ăn cá tạp “ngậm thuốc bổ” vậy đó…”.
Hiện nay với 18 cái vèo trong mương vườn, anh Bùi Hoàng Bằng thả nuôi 1.200 con rắn ri cá mỗi năm, sau khi trừ hết các khoản chi phí, anh còn lời trên 400 triệu đồng.
Đánh giá về mô hình nuôi rắn cho ăn cá tạp “ngậm thuốc bổ” của anh Bằng, ông Trương Văn Chín-Trưởng Ban giám khảo cuộc thi cho biết: “ Đây là mô hình mới, lạ mà hay, sáng tạo, có tính khả thi vì mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, dễ thực hiện, không cần nhiều nguồn vốn đầu tư. Cần nghiên cứu, phổ biến để người dân đia phương học tập, làm theo…”.