Trung Quốc - Cái giá của trỗi dậy

Ngày đăng: 07:17 18/01/2018 Lượt xem: 514


             
                      Trung Quốc - Cái giá của trỗi dậy



                                                            Nguồn:Báo Điện tử Người Lao Động


Sự trỗi dậy của Trung Quốc thời gian qua đã gây ấn tượng mạnh, giúp nước này chuyển từ vị trí "ngoại vi" sang "trung tâm" của hệ thống toàn cầu. Tuy nhiên, cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với các vấn đề quốc tế cũng thay đổi, dẫn đến phản đối mạnh mẽ hơn.

 
Trung Quốc - Cái giá của trỗi dậy
Người dân Sri Lanka biểu tình phản đối một dự án của Trung Quốc tại Mirijjawila. Ảnh: REUTERS

Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Bắc Kinh thúc đẩy chính sách đối ngoại ngày càng quyết đoán và gây nhiều chú ý. Giờ đây, những quốc gia vài năm trước còn hoan nghênh đầu tư và cam kết của Trung Quốc bắt đầu chống lại sự ảnh hưởng của nước này.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc được hưởng lợi bởi tình hình toàn cầu từ cuối thời chiến tranh lạnh. Liên Xô sụp đổ, phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng muốn đưa các quốc gia khác vào trật tự thế giới mà họ đã tạo ra. Riêng Mỹ thúc đẩy Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, góp phần thúc đẩy kinh tế quốc gia đông dân nhất thế giới tăng trưởng mạnh.

Sang thế kỷ XXI, Washington tập trung đến chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo, Trung Đông và Afghanistan, trong khi châu Âu bận tâm tới đồng euro và sự tăng trưởng của Liên minh châu Âu. Chỉ có Nhật Bản vẫn chú ý tham vọng quyền lực của Trung Quốc.

Giữa bối cảnh đó, Bắc Kinh hành xử một cách khéo léo. Khi Trung Quốc bắt đầu cải cách kinh tế vài thập kỷ trước, ông Đặng Tiểu Bình kêu gọi các nhà lãnh đạo sau này tiếp tục "ẩn mình" trên trường quốc tế. Tại Liên Hiệp Quốc, các nhà ngoại giao Trung Quốc thường để Nga dẫn đầu trong các cuộc tranh cãi với phương Tây. Bắc Kinh cũng tỏ ra là "đối tác tin cậy" của các nước đang phát triển ngoài phương Tây.

Dù vậy, 5 năm trở lại đây, Trung Quốc đưa ra những đề xuất gây chú ý, lập căn cứ quân sự ở nước ngoài, tiến hành các cuộc tập trận, diễu binh rầm rộ và tranh chấp lãnh thổ với một số nước láng giềng.

Với các khoản vay được nhà nước hỗ trợ, các công ty Trung Quốc tăng cường mua sắm ở nước ngoài, dẫn đến nỗi lo Bắc Kinh sẽ kiểm soát những tài sản thương mại quan trọng. Tâm trạng lo lắng cũng xuất hiện tại châu Phi, nơi các khoản đầu tư của Bắc Kinh bị xem là nhằm tranh giành ảnh hưởng chính trị nhiều hơn thúc đẩy kinh tế địa phương.

Chiến lược an ninh mới của Mỹ đánh giá Trung Quốc là một đối thủ. Các chính trị gia Canada và Úc cũng lo ngại Trung Quốc can thiệp vào công việc nội bộ của mình.

tin tức liên quan