Từ bán đồ điện tử, bà Nguyễn Thị Phương Thảo thành nữ tỷ phú USD

Ngày đăng: 08:02 07/03/2018 Lượt xem: 804


 Từ bán đồ điện tử, bà Nguyễn Thị Phương Thảo thành nữ tỷ phú USD



                                                              Nguồn:Báo Điện tử Dân Việt


 Từ việc bắt đầu kinh doanh đủ thứ nghề như hàng điện tử… sau đó là lĩnh vực tài chính, bất động sản, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air đã có tài sản lên tới 3,4 tỷ USD trong năm 2018 do Forbes công bố. Đồng thời, trong top 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới, bà Thảo đứng vị trị thứ 55.

   

Forbes vừa công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2018, trong đó Việt Nam có 4 tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo, Trần Đình Long và Trần Bá Dương.  Đây là lần thứ hai  bóng hồng tỷ đô Nguyễn Thị Phương Thảo góp mặt trong danh sách tỷ phú thế giới, với tài sản 3,1 tỷ USD, đứng thứ 766. Như vậy, chỉ sau một năm, tài sản của bà Thảo tăng thêm 2,2 tỷ USD.

Không chỉ vậy, trong danh sách 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới, bà Thảo cũng lọt vào danh sách này và đứng ở vị trí thứ 55.

Top 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới là danh sách những người phụ nữ quyền lực và có ảnh hưởng nhất thế giới được Forbes công bố. Mỗi năm, danh sách này lại xuất hiện thêm những cái tên mới bên cạnh những bóng hồng làm chao đảo chính trường hay nền kinh tế mà cả thế giới quen mặt.

 tu ban do dien tu, ba nguyen thi phuong thao thanh nu ty phu usd hinh anh 1

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam và là người giàu thứ 3 trên TTCK Việt Nam hiện tại (Ảnh: I.T)

Hành trình trở thành nữ tỷ phú của bà Nguyễn Thị Phương Thảo

Sinh trưởng trong một gia đình Hà Nội gốc, năm 17 tuổi, bà Thảo đi du học đại học ngành Kinh tế tài chính và sớm nổi tiếng trong cộng đồng với bản thành tích học tập xuất sắc và tài kinh doanh thiên bẩm.

Khi còn là sinh viên năm thứ 2 bà đã bước vào thương trường. Khi ấy thị trường Đông Âu thiếu thốn hàng tiêu dùng, mọi thứ đều khan hiếm nên bà kinh doanh đủ thứ, từ hàng điện tử, máy tính, máy fax, đến băng đĩa, đồng hồ, hàng nông sản từ các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong sang Đông Âu. Đồng thời bà cũng đưa về Việt Nam những mặt hàng thị trường khan hiếm và cần thiết như phân bón, sắt thép, thiết bị...

Vốn liếng của bà Thảo lúc bấy giờ chỉ là chữ tín và sự lao động chăm chỉ của bản thân. “Khi thấy mình chăm chỉ và có trách nhiệm thì các đối tác phân phối lớn sẽ chọn là đại lý để phân phối hàng cho họ nên mình không cần nhiều vốn. Do mình làm việc rất hiệu quả và trung thực. Ví dụ, thị trường giá cả hay biến động thì mình làm việc theo cách ngày nào giá bao nhiêu và doanh thu ngày hôm đấy tương ứng với giá hôm ấy mình đều thông báo cho họ rất cẩn thận. Bởi vậy, người ta có niềm tin và thấy được làm việc với mình hiệu quả, doanh thu lợi nhuận đảm bảo tốt”, nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo nhớ lại.

Nhờ khởi nghiệp thành công và có niềm tin, chỉ sau 3 năm khi mới 21 tuổi, bà đã có 1 triệu USD đầu tiên (thời đó là rất lớn) nhờ kinh doanh các loại hàng điện tử, máy văn phòng, máy fax và cao xu tự nhiên. Với số vốn này, bà Thảo chuyển sang kinh doanh những mặt hàng công nghiệp như sắt thép, máy móc, phân bón và một số loại hàng hóa khác.

Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đầu tư về Việt Nam khá sớm với hai lĩnh vực là tài chính và bất động sản. Cụ thể, bà góp vốn thành lập Techcombank, sau đó là VIB và hiện tại là Phó chủ tịch HĐQT HDBank. Sau đó là lĩnh vực hàng không với vị trí tổng giám đốc Vietjet Air. Gần 25 năm sau, bà nổi lên như một nữ tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam. Phần lớn tài sản của bà đến từ cổ phần ở VietJet Air, HDBank và Dragon City (Phú Long), dự án bất động sản rộng 65 héc ta ở TP. HCM.

 tu ban do dien tu, ba nguyen thi phuong thao thanh nu ty phu usd hinh anh 2

Tổng giá trị tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã lên tới 3,1 tỷ USD (Ảnh: Forbes)

Từ bệ phóng “bikini airlines” tới tham vọng xây dựng hệ sinh thái hàng không

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn CNBC, bà Thảo cho biết đang có nhiều kế hoạch lớn hơn. “Vietjet đặt mục tiêu trở thành hãng hàng không đa quốc gia, chứ không chỉ là hãng hàng không nội địa”, bà Thảo nói.  

Trong khi đó, theo Nikkei, Vietjet có kế hoạch mở rộng mạng lưới trên khắp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong 5 năm tới và đã ký thỏa thuận với các nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới để mua thêm máy bay mới để hoàn thành mục tiêu của mình. Hiện Vietjet có đội tàu hiện đại với tuổi trung bình chỉ 3,3 năm, thuộc vào loại trẻ nhất trên thế giới.

Còn một báo cáo hàng không của VinaCapital cho rằng, công thức hãng hàng không giá rẻ, mật độ chỗ ngồi cao, hiệu suất sử dụng máy bay và năng suất lao động cao, chi phí bảo trì thấp đang giúp Vietjet vượt qua các đối thủ cạnh tranh trên thị trường Đông Nam Á.

Dù đạt được nhiều thành trông trên thương trường, song theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, sự thành công xuất phát từ nhiều yếu tố. Nữ tỷ phú USD này nói: “Một số người nói rằng bất cứ thứ gì tôi đặt tay vào đều sinh lợi nhuận. Nhưng tôi không nghĩ điều đó đơn giản như vậy. Không có con đường thành công nào dễ dàng. Tôi đã học hỏi và có nhiều nghiên cứu của riêng mình. Đó là một sự lao động vất vả và để thành công bạn phải có niềm đam mê với công việc kinh doanh mà bạn đang đầu tư.”

Tại APEC CEO Summit 2017 diễn ra sáng 9.11.2017, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng bày tỏ tham vọng xây dựng một hãng hàng không gọi là "consumer airlines". Điều đặc biệt của mô hình hàng không này đó là không chỉ đơn thuần phục vụ nhu cầu di chuyển của hành khách, hàng hoá mà còn tạo ra một hệ sinh thái riêng trên nền tảng công nghệ.

 tu ban do dien tu, ba nguyen thi phuong thao thanh nu ty phu usd hinh anh 3

CEO Vietjet Air chia sẻ tham vọng xây dựng hệ sinh thái hàng không tại APEC CEO Summit 2017 (Ảnh: I.T)

"Tôi gọi hãng hàng không của mình là consumer airlines. Hãng hàng không mới này sẽ cung cấp nhiều sản phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của hành khách, ngoài ra có thể cho vay tài chính, bán bảo hiểm, thương mại điện tử", bà Thảo cho rằng đây là khái niệm mới mẻ so với định nghĩa hàng không lâu nay.

Đặc biệt, bà Phương Thảo khẳng định lợi nhuận với một hãng hàng không non trẻ như Vietjet quan trọng nhưng điều công ty muốn hướng đến đó là tạo ra những giá trị mới cho cộng đồng. Theo đó chi phí đi lại, vận chuyển phải đảm bảo ở mức thấp, tiết kiệm tiền cho người dân, doanh nghiệp, qua đó là động lực kích cầu tăng trưởng kinh tế, du lịch…

CEO cũng bày tỏ tham vọng kết nối với các hãng hàng không toàn cầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Quatar thậm chí là Mỹ, châu Âu nhằm giúp khách hàng thuận tiện trong việc đi lại thay vì chỉ đi các quãng ngắn 2 - 3 giờ.

Là CEO hiếm hoi của ngành, bà Thảo được nhìn nhận là đang làm thay đổi thị trường hàng không. Kể từ khi cất cánh từ năm 2011, đến nay sau 6 năm, sự thay đổi lớn nhất mà bà Thảo tạo ra trên thị trường là hiện thực hóa giấc mơ mọi người đều được tiếp cận với dịch vụ hàng không hiện đại.

Là người kín tiếng với truyền thông, trả lời Forbes là một trong những lần ít ỏi bà Thảo chia sẽ với truyền thông quốc tế. Bà cho biết sự phát triển của VietJer Air là nằm trong kế hoạch của Ban lãnh đạo. "Tôi nghĩ vì hàng không hơi gây chú ý, nên mọi người tập trung vào nó và thấy rằng VietJet tăng trưởng nhanh so với các hãng khác. Nhưng so với những điều tôi là từ trước đến giờ, thì sự tăng trưởng của nó đều nằm trong kế hoạch cả. Các dự án của tôi như HDBank, chuẩn bị mất 8 năm, và tăng trưởng gấp 15 lần, doanh nghiêp tài chính tiêu dùng tăng 600% trong 3 năm nhưng chẳng qua mọi người không chú ý thôi. Còn tăng trưởng của hãng hàng không này cũng không nằm ngoài kế hoạch của tôi”.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970 là một nữ doanh nhân, tỷ phú USD hiện trên cương vị là tổng giám đốc của VietJet Air kiêm Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank)

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là tiến sỹ học viện Mendeleev ngành điều khiển học kinh tế, Cử nhân Tài chính tín dụng tại Học viện Thương mại Matcova, Cư nhân nghành Quản lý kinh tế lao động trường Kinh tế quốc dân Matcova, Ủy viên sáng lập Viện Hàn lâm Nghiên cứu hệ thống Liên Bang Nga.

Tính đến quý I.2018, bà Thảo hiện đang sở hữu 39,55 triệu cổ phiếu VJC, tương đương 8,76% vốn điều lệ và 40 cổ phiếu HDB, tương đương 3,67% vốn điều lệ HDBank.

tin tức liên quan