Để lọt vào danh sách tỷ phú của Forbes, cần những điều kiện gì?
Nguồn:Báo Điện tử Đời sống Pháp Luật
Tiêu chí được Forbes đánh giá dựa vào giá trị cổ phiếu cùng nhiều tài sản khác như bất động sản, tác phẩm nghệ thuật, du thuyền...
Mới đây, tạp chí Forbes (Mỹ) vừa công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2018. Trong đó, Việt Nam có 4 gương mặt lọt vào danh sách này. Đó là Chủ tịch Vingroup - Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air - Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát - Trần Đình Long và Chủ tịch Thaco - Trần Bá Dương.
Trước khi Forbes công bố danh sách này, cũng đã có nhiều đồn đoán về những nhân vật góp mặt vào danh sách năm nay. Tuy nhiên, theo bản danh sách chính thức, Việt Nam chỉ có thêm hai cái tên mới được bổ sung, bên cạnh hai tỷ phú được công nhận trước đó.
Forbes chỉ công nhận thêm 2 tỷ phú đôla mới của Việt Nam, dù vẫn còn cá nhân có tài sản đạt ngưỡng này.
Để có tên trong danh sách năm nay, tiêu chí được Forbes lựa chọn để đánh giá quy mô tài sản của một cá nhân dựa vào giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái tại ngày 9/2/2018.
|
Tiêu chí được Forbes đánh giá dựa vào giá trị cổ phiếu cùng nhiều tài sản khác. Ảnh: Forbes
|
Bên cạnh đó, Forbes cũng đánh giá dựa trên nhiều tài sản khác bao gồm sở hữu tại các công ty riêng, bất động sản, các tác phẩm nghệ thuật, du thuyền và nhiều loại tài sản khác.
Thế nhưng Forbes cũng thừa nhận "không biết hết sổ sách cá nhân của các tỷ phú, dù một số có cung cấp". Do đó, khi không có giấy tờ làm căn cứ, đơn vị này sẽ trừ vào tài sản ước tính.
Forbes từng cho biết việc xếp hạng các tỷ phú, triệu phú trên thế giới rất khó khăn. Và để xác định tài sản của các tỷ phú, tạp chí này đã kết hợp rất nhiều phương pháp tính toán khác nhau.
Cụ thể, tạp chí này định giá tài sản của các tỷ phú dựa trên giá trị cổ phiếu của họ trên các sàn chứng khoán, bất động sản sở hữu, tiền mặt, các khoản đầu tư có giá trị và trừ đi số nợ của họ. Forbes cũng đồng thời lấy ý kiến hàng loạt chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau để ước tính tài sản của các tỷ phú.
Ngoài tiêu chí về số cổ phần và giá cổ phiếu, Forbes còn đề cử phóng viên đến gặp và phỏng vấn các ứng viên trong danh sách tỷ phú, cùng những người có liên quan như nhân viên, đối thủ, luật sư và các chuyên viên phân tích từ các công ty chứng khoán.
Ngoài ra, Forbes cũng theo dõi những thỏa thuận mua bán tài sản, chuyển nhượng bất động sản, mua sắm các tác phẩm nghệ thuật của các ứng cử viên. Những việc này giúp xác định tính hợp lý của việc định giá tài sản.
Những tiêu chí định tính đã tạo ra sự khác biệt trong việc định giá tài sản của các tỷ phú, tạo ra sự khác nhau giữa Forbes và những đơn vị cùng công bố danh sách tỷ phú đôla.