Tổng thống Trump và ông Kim Jong-un sẽ gặp nhau ở đâu?
Nguồn:Báo Điện tử Người Đưa Tin
Một chuyến thăm tới Bình Nhưỡng của Tổng thống Donald Trump dường như là không thể xảy ra. Ngược lại, sẽ khó có khả năng ông Kim Jong-un tới Washington.
Tổng thống Trump gặp phái viên Hàn Quốc.
Cách đây vài ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào cuối tháng 5.
Thoả thuận lịch sử được đưa ra sau cuộc họp giữa ông Trump với cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong, người đầu tuần này vừa có gặp mặt ông Kim tại Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã bày tỏ thiện chí bằng tuyên bố đóng băng tất cả các bài kiểm tra tên lửa và hạt nhân. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, thông qua người phát ngôn của ông, ca ngợi cuộc họp sắp tới là "cột mốc quan trọng trong lịch sử".
Chưa bao giờ có một nhà lãnh đạo Triều Tiên nào gặp mặt một vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm kể từ khi quốc gia này được thành lập vào năm 1948. Cuộc tiếp xúc gần gũi nhất giữa hai nước là cuộc gặp của cố lãnh đạo Kim Jong-il và Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright.
Cuộc họp này diễn ra vào cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Bill Clinton, lý do khiến cho những cam kết bị phai nhạt dần ngay sau đó. Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá, cuộc gặp mặt giữa ông Kim Jong-un và Tổng thống Trump sẽ khác rất nhiều khi ông Trump sẽ còn ở Nhà Trắng thêm 3 năm nữa.
Cuộc gặp lịch sử diễn ra tại đâu?
Bàn Môn Điếm là địa điểm hợp lý nhất.
Địa điểm cuộc gặp lãnh đạo Mỹ-Triều hiện vẫn chưa được xác định cụ thể và đang được hai bên thảo luận. Một số nhà phân tích dự đoán rằng vì nhiều lý do, hai nước sẽ gặp ở một địa điểm trung lập quen thuộc.
Theo nhà quan sát Triều Tiên Andrew Salmon, ông Kim từng có thời gian học tập tại Thụy Sĩ và gắn bó với nơi đây, do đó Geneva có thể là một địa điểm được cân nhắc, mặc dù thành phố này hiện cũng không có nhiều ý nghĩa đối với Triều Tiên hay Mỹ.
Trung Quốc trước đó đã tổ chức các cuộc đàm phán sáu bên và được coi là trung gian hữu ích cho các nỗ lực giảm căng thẳng về vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Tuy nhiên, quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đang xuống mức thấp thời gian gần đây, cùng với lý do ông Kim chưa bao giờ gặp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nên địa điểm này cũng bị loại trừ.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên được biết đến là chưa từng có chuyến đi nước ngoài nào kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2011, vì vậy một chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Washington cũng có vẻ như không khả thi.
Khả năng Tổng thống Trump bay trực tiếp đến Bình Nhưỡng cũng khó xảy ra vì những quan ngại về vấn đề an ninh.
Do đó, địa điểm được chú ý nhiều nhất là làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Về cơ bản, ngôi làng phân chia hai miền liên Triều trong vùng phi quân sự DMZ đã từng có một số vị Tổng thống Mỹ tới thăm.
Trong khi tháng 4 tới đây, Tổng thống Moon Jae-in và ông Kim Jong-un sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ở chính Bàn Môn Điếm - một bước đi lịch sử có ý nghĩa quan trọng không kém.
Đối với Tổng thống Trump, vùng DMZ sẽ là một sân khấu lý tưởng để cuộc gặp mặt lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên diễn ra.
Cuộc gặp Mỹ-Triều diễn ra thế nào?
Quan điểm của Triều Tiên về hạt nhân sẽ là trở ngại lớn nhất trong cuộc gặp.
Theo giới phân tích, bước vào cuộc gặp mặt, cả hai nhà lãnh đạo có thể sẽ cùng đưa ra những điều kiện có lợi cho riêng mình.
"Có vẻ như các biện pháp cứng rắn của chính quyền Donald Trump đã làm việc hiệu quả: Trước đây, Triều Tiên không bao giờ đồng ý đóng băng chương trình hạt nhân của mình, nhưng bây giờ họ sẽ hài lòng với điều kiện không bị ai đe dọa", chuyên gia Andrei Lankov từ Đại học Kukmin (Seoul), nhận định.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng hy vọng về cuộc gặp là khá thấp: "Tôi không nghĩ rằng hội nghị thượng đỉnh này sẽ ngay lập tức mang đến những bước đột phá lịch sử, nhưng nó có thể là mảnh ghép lớn cho câu đố chưa có lời giải trong nhiều năm qua".
Mặc dù ông Kim nói sẵn sàng nói chuyện về phi hạt nhân hóa, ít người thực sự tin rằng Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ toàn bộ kho vũ khí của mình - điều đã ghi hẳn vào trong Hiến pháp.
Lập trường của Mỹ từ lâu là giải trừ vũ khí hạt nhân, tuy nhiên vấn đề sẽ là ở chỗ nếu Triều Tiên không đồng ý từ bỏ toàn bộ kho vũ khí thì Mỹ liệu sẽ chấp nhận ở mức độ nào. Ví dụ, ngừng thử nghiệm, ngừng sản xuất hay cho phép cộng đồng quốc tế giám sát?
Ông Lankov nói: "Triều Tiên dường như sẽ không bao giờ chấp nhận ngừng toàn bộ hạt nhân và điều này có thể gây trở ngại cho cả hai".
Có thể đáng lo ngại nhất, một cuộc đàm phán tan vỡ sẽ khiến bán đảo trở nên căng thẳng hơn so với năm ngoái và càng trở thành lý do thuyết phục Washington rằng cách duy nhất là tấn công quân sự.
Chun In-bum, một tướng Hàn Quốc về hưu cho biết: "Nếu các bên gặp nhau mà không thể đạt được thoả thuận nào thì rất dễ gây ra một cuộc khủng hoảng lớn hơn".
Dù vậy, ít nhất trong thời gian gần đây, triển vọng hòa bình có vẻ sáng sủa hơn dự kiến so với rất nhiều năm qua.
"Không ai biết điều gì sẽ xảy ra, nhưng chắc chắn rằng chúng ta đang ở một thời điểm tốt đẹp hơn rất nhiều những gì từng trải qua. Chúng ta cần đặt niềm tin vào Tổng thống Trump, và dĩ nhiên là với Tổng thống Moon, vì sự kiên trì của ông trong việc theo đuổi hòa bình bất chấp sự hoài nghi từ nhiều nhà quan sát", Daniel Tudor, một cây viết về Triều Tiên nêu quan điểm.
Thị trưởng thành phố Seoul Park Won-soon cũng bày tỏ niềm vui mừng: "Tôi rất vui khi chứng kiến điều này. Hòa bình cùng với mùa Xuân đang tới đây. Một dấu hiệu tốt cho sự bình yên trên bán đảo Triều Tiên và khu vực châu Á".