Nông sản Việt là cô gái đẹp: Thật không?

Ngày đăng: 07:17 17/06/2018 Lượt xem: 515



             Nông sản Việt là cô gái đẹp: Thật không?

 

                                                               Nguồn:Báo Điện tử Đất Việt


"Người nông dân Việt Nam chỉ biết và chỉ nghĩ tới việc sản xuất, trồng cấy cho ra được sản phẩm, chứ không biết bán hàng ở đâu..."



Trong tương lai, nếu đội ngũ doanh nghiệp phát triển, trình độ nông dân được nâng lên, làm ăn tập thể với khối lượng lớn, nông dân và doanh nghiệp liên kết chặt chẽ, có sự giúp đỡ của các nhà khoa học, viện, trường… và Nhà nước làm nhạc trưởng điều phối, thì Việt Nam sẽ là nước nông nghiệp mạnh trên thế giới.

Đó là niềm tin của PGS.TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành (Tập đoàn Lộc Trời) khi trao đổi về những giải pháp để phát triển nông sản Việt.

PV: Trong một diễn đàn về kinh tế nông nghiệp tổ chức mới đây, một vị lãnh đạo doanh nghiệp đã ví von, nông sản Việt đang như một cô gái đẹp, chỉ chờ người ta tới nhà tán tỉnh và nói hãy mua tôi đi, ám chỉ sự thụ động trong sản xuất, xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Tuy nhiên, trong những báo cáo về thành tích của ngành, vẫn xuất hiện những con số đẹp như: xuất khẩu tới 180 quốc gia, vùng lãnh thổ, kể cả những nơi đặt tiêu chuẩn rất cao; 4 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp tăng 11,9% so với cùng kỳ 2017; thặng dư ngành nông nghiệp từ 7 tỷ USD năm 2015 dự kiến vượt 9 tỷ USD trong năm nay...

Thưa ông, những thông tin trên có mâu thuẫn với nhau không? Ông bình luận thế nào về nhận định của vị chuyên gia, rằng cô gái đẹp nông sản Việt Nam đang thiếu người làm mối?

PGS.TS Dương Văn Chín: Rất tiếc phải nói rằng tôi không đồng ý với quan điểm này. Người nông dân Việt Nam không chảnh và cũng không thụ động như vậy. Người Việt Nam rất sáng tạo, nhất là nông dân, họ trồng cây gì cũng được.

Hễ cây gì có tính thị trường, bán được giá cao thì nông dân Việt Nam đổ xô trồng cây đó với hy vọng sẽ tăng được thu nhập của gia đình. Khi trồng, họ lại mày mò kỹ thuật, học bạn bè, học trên báo chí, học các nhà khoa học để làm cho bằng được.

Vấn đề nằm ở chỗ, người nông dân Việt Nam chỉ biết và chỉ nghĩ tới việc sản xuất, trồng cấy cho ra được sản phẩm, chứ không biết bán hàng ở đâu, thị trường trong nước, ngoài nước thế nào.

Đó không phải là lỗi của người nông dân. Việc bán ở đâu là của thương lái, doanh nghiệp. Việt Nam phải có thật nhiều doanh nghiệp bán nông sản tươi cho thị trường trong nước và xuất khẩu, nhưng đồng thời cũng phải có các nhà máy chế biến rau, củ, quả, trái cây thành sản phẩm đóng hộp để nó không bị hư, nâng cao giá trị gia tăng.

Trong xã hội, phải có sự phân công, chuyên môn hóa như vậy. Bên cạnh người sản xuất phải có những doanh nghiệp, đơn vị chuyên về thương mại, họ biết thị trường nào cần, yêu cầu ra sao để thu mua và cung cấp.

nong san viet la co gai dep that khong
PGS.TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành (Tập đoàn Lộc Trời).

Nếu vậy, có thật nông sản Việt là một cô gái đẹp, hay đó cũng chỉ là lời nói cho vừa lòng nhau của chính những người trong cuộc? Và liệu khâu yếu của Việt Nam có phải chỉ là khâu thị trường hay còn gì khác nữa? Xin ông phân tích cụ thể.PV: Tuy nhiên, có một thực tế là bấy lâu nay người nông dân Việt Nam vẫn chăm chăm trồng lấy sản lượng, phục vụ cho nhu cầu khách hàng không khó tính, chủ yếu từ Trung Quốc. Điều này dẫn đến hệ quả là bất cứ biến động nào từ thị trường Trung Quốc cũng khiến nông sản ế, phải chờ giải cứu.

PGS.TS Dương Văn Chín: Như tôi đã nói, không thể đổ lỗi cho người nông dân. Bản thân người nông dân lúc nào cũng muốn bán được hàng với giá cao, lợi nhuận nhiều. Nếu doanh nghiệp nói với họ rằng đừng phun hóa chất nào đó để bán được hàng ở thị trường Mỹ, thay vì chỉ bán cho thị trường Trung Quốc nếu phun hóa chất đó thì chắc chắn người nông dân sẽ làm theo. Nông dân Việt không chăm chắm bán cho thị trường Trung Quốc.

Vai trò của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thương mại hết sức quan trọng. Nhiều doanh nghiệp thương mại tìm hiểu thị trường, xem mỗi thị trường có nhu cầu thế nào, sau khi nắm bắt được, doanh nghiệp mới về đặt hàng người nông dân.

Chẳng hạn, đối với sản phẩm A, doanh nghiệp cần 10.000 tấn và rải ra 6 tháng trong năm. Như vậy, doanh nghiệp phải chọn vùng nào là vùng truyền thống trồng sản phẩm A, sau đó họ cử cán bộ xuống hợp đồng với nông dân và phải xây dựng quy trình, tập huấn cho nông dân trồng theo đúng quy trình đó, nhất là phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi đạt tiêu chuẩn, doanh nghiệp mới xuất đi thị trường nước nhập khẩu được.

Thế nhưng, điểm yếu của Việt Nam hiện nay là rất ít doanh nghiệp làm chuyện đó, còn người nông dân sản xuất, muốn bảo vệ sản phẩm của họ không bị sâu bệnh tấn công thì phải phun thuốc. Nhưng nhiều khi người ta phun thuốc không đúng thời gian cách ly khiến nông sản vẫn còn nhiễm bẩn và nhiều khi không đạt tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.

Vì lẽ đó, phải có sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, mà người nông dân phải trồng theo một vùng lớn nhất định. Nếu liên kết được nông dân trong hợp tác xã thì rất tốt, nhưng hợp tác của Việt Nam hiện còn rất yếu nên doanh nghiệp có thể ký hợp đồng với hàng trăm nông dân ở vùng nào đó với hàng ngàn hecta trồng một sản phẩm nhất định nào đó.

Đặc biệt, việc liên kết, tổ chức sản xuất phải theo chuỗi và quy trình khép kín để đảm bảo có khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Có như vậy sản phẩm mới xuất đi được nhiều nước.

Tất nhiên, nông nghiệp Việt Nam còn yếu nhiều chỗ, không chỉ ở khâu thị trường. Đối với việc xúc tiến thương mại, bản thân doanh nghiệp phải làm, không ai làm thay được, cũng không thể đổ thừa cho Nhà nước.

Nhà nước chỉ trợ giúp thêm, còn bản thân doanh nghiệp muốn kinh doanh mặt hàng nào thì bằng mọi cách phải giới thiệu sản phẩm đó cho nhiều người biết để họ mua sản phẩm của mình, để bán được nhiều hàng, bán được giá cao và lợi nhuận càng nhiều.

PV: Không thể phủ nhận rằng, sự thụ động trong việc tìm nguồn tiêu thụ nông sản xuất phát đầu tiên từ phía người nông dân. Dường như vẫn xuất hiện tâm lý trồng nhiều bán rẻ, không coi đất đai là tài nguyên khó tái tạo nên chọn dễ, bỏ khó, chỉ thích thị trường Trung Quốc 'thượng vàng hạ cám'.

Thưa ông, phải lý giải tâm lý này như thế nào, do sự thiếu chuyên nghiệp của nông dân Việt hay do họ chưa nhận được sự giúp đỡ đúng mức? Ông nghĩ thế nào về ý kiến, không nên tiếp tục các chiến dịch giải cứu nông sản, để nông dân thực sự tham gia vào cuộc chơi thị trường, từ đó trưởng thành hơn?

nong san viet la co gai dep that khong
Nông sản Việt Nam.

Doanh nghiệp phải liên kết với nông dân, giúp nông dân tìm đầu ra cho sản phẩm, bán ở đâu, tiêu chuẩn thế nào để thông báo cho nông dân làm đúng tiêu chuẩn đó. Trong lộ trình phát triển những năm tới, sự liên kết ấy sẽ ngày càng hiệu quả hơn và người nông dân sẽ ngày càng tuân thủ nghiêm túc quy trình doanh nghiệp đặt ra.PGS.TS Dương Văn Chín: Tôi cho rằng, người nông dân chưa nhận được sự giúp đỡ đúng mức. Nông dân Việt không biết và không hình dung được trên thế giới có những thị trường nào, thị trường nào cao cấp và yêu cầu của thị trường cao cấp ở cỡ nào. Bản thân nông dân Việt Nam chưa đủ mạnh để hình thành các hợp tác xã vươn ra làm luôn cả việc buôn bán.

Ở các nước khác, chẳng hạn như Israel, nông dân có tính tự giác và tập thể rất cao. Họ thống nhất trồng một sản phẩm hàng năm sản lượng bao nhiêu, chất lượng cỡ nào, từ đó xuất khẩu đi các nước và bán trong thị trường nội địa.

Các hợp tác xã ở Nhật Bản cũng rất mạnh. Tuy nhiên, khác với Israel, hợp tác xã ở Nhật Bản có mạng lưới rộng khắp toàn quốc, họ tiêu thụ sản phẩm của nông dân, nhưng cũng cung cấp cả vật tư, giống, phân bón… cho nông dân.

Còn ở Việt Nam, trình độ hợp tác giữa nông dân với nhau chưa đủ mạnh. Trước đây, mô hình hợp tác xã ở Việt Nam là bắt buộc, chứ không dựa trên tinh thần tự nguyện, do đó bị thất bại.

Cũng vì lẽ đó mà đến bây giờ, nhiều nông dân vẫn còn ấn tượng xấu về hợp tác xã, ai vận động vào hợp tác xã là họ không muốn vào. Người nông dân Việt chỉ muốn có mảnh đất trồng sản phẩm ra, tự đi bán.

Mà như vậy thì một nông dân trồng giống A theo quy trình A, một nông dân trồng giống B theo quy trình B... không thể nào có được khối lượng mặt hàng lớn để bán theo đơn đặt hàng của nước nhập khẩu. Phải có tính tập thể thì mới đi lên sản xuất lớn được.

Đối với câu chuyện giải cứu nông sản, theo tôi, không nên có từ "giải cứu" trong kinh tế thị trường, bởi đó không phải là cách giải quyết bền vững và nó đi ngược với quy luật thị trường.

Nhà nước không thể có tiền để hết giải cứu thịt heo lại đến giải cứu dưa hấu, củ cải, su hào, bắp cải... Thay vì yêu cầu Nhà nước giải cứu, hãy để cho thị trường tự điều tiết, nếu trồng sản phẩm thừa mứa không bán được, người nông dân sẽ bỏ, không trồng cây đó nữa.

Nhà nước nên có cơ chế, chính sách để khích lệ càng nhiều càng tốt các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, đặc biệt là cơ sở chế biến nông sản và thương mại các hàng nông sản. Việt Nam có hàng trăm nghìn doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, bản thân mỗi doanh nghiệp đó có thể chọn một thế mạnh để cạnh tranh.

Ví dụ, doanh nghiệp A có vốn chừng vài trăm tỷ đồng, chuyên về bưởi da xanh. Doanh nghiệp có thể lựa những trái lớn, có kích cỡ đều nhau theo nhu cầu của thị trường để xuất khẩu trái cây tươi.

Đối với những trái bưởi nhỏ, méo mó, không đẹp mắt nhưng chất lượng vẫn ngon, doanh nghiệp có thể đầu tư xưởng sơ chế, nhà máy chế biến (không cần lớn) để làm nước bưởi đóng hộp, đóng lon bán trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể trích dầu từ vỏ bưởi tươi để làm tinh dầu... Như vậy, doanh nghiệp khai thác được triệt để sản phẩm từ vườn bưởi.

Tương tự, có nhiều doanh nghiệp chuyên về loại nông sản khác, họ sẽ giúp nông dân tiêu thụ nông sản. Chưa kể, doanh nghiệp có tri thức, khoa học kỹ thuật sẽ hướng dẫn, tập huấn cho nông dân trồng với công nghệ hiện đại nhất, có sản phẩm tốt nhất, năng suất, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Như vậy, để nông dân tham gia vào cuộc chơi thị trường không phải là để nông dân đi bán hàng, họ không đủ mạnh để đi bán hàng hóa của mình, nếu có chăng chỉ là bán nho nhỏ ở chợ quê, chợ huyện, còn bán với số lượng lớn xuất khẩu thì không làm nổi. Tham gia thị trường là phải tạo sự tương tác, hỗ trợ giữa nông dân với doanh nghiệp, đó là bước phát triển của nông nghiệp Việt Nam.

PV: Về phía các nhà quản lý, trách nhiệm của các cơ quan này ra sao khi vòng luẩn quẩn được mùa - mất giá đã tồn tại rất lâu nhưng vẫn chưa có được thuốc đặc trị? Thực tế đó liệu có nguyên nhân từ cách nhìn vẫn mang nặng tính thành tích trong chiến lược phát triển nông sản hay không?

Để nông sản Việt có chỗ đứng vững chắc hơn trên các thị trường, điều đầu tiên cần làm và phải làm ngay là gì? Ông có tin rằng, sẽ có những sự thay đổi tích cực để nâng vị thế nông sản Việt, để nông dân Việt có thể làm giàu trên mảnh đất của họ không và vì sao?

PGS.TS Nguyễn Văn Chín: Nhà nước có sứ quán, tham tán thương mại ở các nước và việc các cơ quan này phải nắm thông tin thị trường toàn cầu là rất quan trọng. Nhà nước sẽ cung cấp rộng rãi thông tin đó trong cả nước để nông dân, doanh nghiệp biết, từ đó có định hướng cho phù hợp với xu hướng thị trường thế giới.

Nhà nước phải hỗ trợ cho nông dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản. Lưu ý rằng hỗ trợ chứ không phải làm thay. Có nhiều cách để hỗ trợ: cung cấp thông tin, giải pháp công nghệ, giới thiệu nơi cung cấp công nghệ tối ưu chế biến nông sản...

Tiền thuế là do người dân đóng góp, Nhà nước sẽ dùng tiền đó để giúp lại cho ngành nông nghiệp nước nhà. Tất nhiên, việc giúp đỡ, hỗ trợ sẽ ở mức độ không vi phạm cam kết WTO và các FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Tóm lại, để nông sản Việt có chỗ đứng vững chắc trên các thị trường, điều đầu tiên và cũng là quan trọng nhất chính là xác định rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của người nông dân, doanh nghiệp và Nhà nước, từ đó tạo sự liên kết chặt chẽ. Nhà nước phải đóng vai trò nhạc trưởng để các thành phần khác trong xã hội có định hướng để tham gia.

Cũng phải xác định rằng cái vòng luẩn quẩn được mùa-rớt giá của nông sản Việt không phải do bệnh thành tích, nhiều khi nó do tính tự phát của người nông dân. Nông dân thấy trên thị trường mặt hàng nào có giá thì trồng nhiều để kiếm lợi nhuận.

Chẳng hạn, sau khi Nhà nước cho phép chuyển đất lúa làm vườn cây ăn trái, người dân Vĩnh Long lên liếp trồng cam sành hàng loạt. Họ trồng rất dày, bón phân nhiều khiến sản lượng cam tăng lên đột ngột, cam nhiều nước, chất lượng kém, giá hạ thấp. Vậy là phá sản.

Lẽ ra, khi làm vườn người dân phải tính rất kỹ: miếng đất đó có phù hợp với cam sành hay không, lên liếp ở độ cao nào... Sau khi tính toán vườn cam phải tồn tại mấy chục năm, người dân mới tính bón phân hữu cơ cho bền vững. Còn ở đây, người dân làm rất tự phát, trồng ồ ạt, khiến sản phẩm quá dư thừa.

Nhiều trường hợp Nhà nước có khuyến cáo nhưng nông dân không nghe. Nhà nước có quy hoạch tỉnh nào trồng cây gì, diện tích bao nhiêu... nhưng người dân cũng không nghe. Hệ quả là làm dư thừa, giá rẻ, phải đổ bỏ và khi đổ bỏ thì mới kêu Nhà nước giải cứu.

Để khắc phục tình trạng này, Nhà nước không thể quy hoạch chung chung, khuyến cáo chung chung, mà phải có biện pháp, chế tài một cách hiệu quả. Khi có quy hoạch và tin tưởng quy hoạch đó là khoa học, thì địa phương nào làm vượt diện tích quy hoạch phải bị phạt, người nông dân cũng bị phạt.

Nếu chúng ta làm được những điều đã nói ở trên, tôi tin rằng vị thế nông sản Việt sẽ được nâng lên, người nông dân cũng có thể làm giàu trên mảnh đất của mình.

Tôi đi Israel, điều kiện của họ rất khắc nghiệt, hơn nửa diện tích đất đai là hoang mạc và bán hoang mạc, chỉ có khoảng 20% diện tích có thể trồng trọt. Bản thân Israel không sản xuất đủ để nuôi sống người dân của mình.

Tổng giá trị xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Israel hàng năm chỉ khoảng 2 tỷ USD, thấp hơn Việt Nam 15 lần. Israel phải nhập khẩu lương thực, thực phẩm để nuôi sống người dân mỗi năm chừng 4 tỷ USD. Thế mạnh của Israel là công nghệ rất hiện đại, còn về tổng thể, họ không bằng Việt Nam.

Việt Nam hơn 90 triệu dân, xuất khẩu nông sản mỗi năm đạt khoảng 30 tỷ USD. Thành tích đó rất lớn, đấy là do trí tuệ người Việt Nam, nhờ sự cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo, đất đai, khí hậu đa dạng, sản phẩm nông nghiệp phong phú.

Hay Hà Lan là quốc gia không có nhiều đất đai, họ chủ yếu nhập nguyên liệu thô để về chế biến, nâng giá trị gia tăng, còn bản thân họ không sản xuất được nhiều.

Tôi tin tưởng trong tương lai, nếu đội ngũ doanh nghiệp phát triển, trình độ nông dân nâng lên, làm ăn tập thể với khối lượng lớn, doanh nghiệp và nông dân liên kết chặt chẽ, có sự giúp đỡ của các nhà khoa học, các viện, trường… và Nhà nước làm nhạc trưởng điều phối, thì Việt Nam sẽ là nước nông nghiệp mạnh trên thế giới.

 
tin tức liên quan