Cách đây 2 năm, ngày 04/5/2016 Bộ Tài nguyên và môi trường đã có công văn số 1555/BTNMT-TCMT gửi UBND 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang về việc giải quyết ô nhiễm môi trường nước sông Cầu đoạn giáp ranh 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.
Theo đó, ngày 04/4/2016, sở TNMT tỉnh Bắc Giang nhận được phản ánh của nhân dân về việc trong 05 ngày (từ ngày 31/3/2016) chất lượng nước mặt sông Cầu đoạn từ cống thải của sông Ngũ huyện Khê, TP Bắc Ninh đến khu vực cuối nguồn (xã Đồng Phúc, huyện Yên Dũng , Bắc Giang) đã bị ô nhiễm, có mùi hôi, tanh, nước màu đen, cá chết hàng loạt.
Sở TNMT Bắc Giang đã đi kiểm tra, xác minh thực tế và ghi nhận: nước mặt sông Cầu tiếp nhận nước từ sông Ngũ Huyện Khê thuộc địa bàn TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh chảy vào có màu đen, mùi hôi tanh. Hiện tượng này kéo dài dọc sông Cầu từ điểm tiếp nhận nước của sông Ngũ Huyện Khê đến khu vực cuối nguồn (xã đồng Phúc, huyện Yên Dũng, Bắc Giang) và gây bức xúc cho người dân.
Đoàn đã tiến hành kiểm tra dọc sông Ngũ Huyện Khê, làng nghề sản xuất giấy Phong Khê, hệ thống xử lý nước thải làng nghề Phong Khê, Cống Đặng Xá (Vạn An: cống thải của sông Ngũ Huyện Khê ra sông Cầu), ngã ba sông Ngũ Huyện Khê đổ ra sông Cầu thuộc tỉnh Bắc Ninh và khu vực cuối nguồn thuộc xã Đồng Phúc, huyện Yên Dũng, Bắc Giang.
Đoàn công tác cũng đã tiến hành lấy mẫu tại các điểm khảo sát. Sau khi tiến hành khảo sát thực tế và làm việc với Sở TNMT 2 tỉnh trên, đoàn công tác có đánh giá, kết luận và đề xuất một số giải pháp. Tuy nhiên, từ đó đến nay, sau kết luận, mọi sự không được giải quyết triệt để và tình trạng sông Cầu đang “giãy chết” một lần nữa đưa ra báo động đỏ về sự việc.
Dòng sông ngày nào vốn đẹp và thơ mộng với làn nước trong mát... giờ đây trở thành nỗi đau xót, sợ hãi của người dân.
Nhiều bạn đọc đã từng có tuổi thơ bên dòng sông Cầu thơ mộng với dòng nước trong vắt hiền hòa, đã bày tỏ sự nuối tiếc, ngao ngán, bất bình và thậm chí cả bất lực trước sự buông lỏng quản lý về vấn đề môi trường. Bởi không chỉ dòng sông Cầu, mà rất nhiều dòng sông khác trước đây “khát nước là có thể uống nước sông” nhưng giờ đây đã thành một dòng sông chết…
Bạn đọc Nghiêm Mỹ hoài niệm: “Sông Cầu và sông Thương gắn liền với những năm tháng tuổi thơ của nhiều đứa trẻ như tôi. Quê tôi ở Đáp Cầu, vài bước chân là ra đến bờ sông Cầu. Sông Cầu có tiếng nước trong và sạch, những Câu ca quan họ ngọt ngào bao đời càng làm cho dòng sông vốn đẹp lại càng thơ mộng. Ngày ấy chúng tôi thường ra sông tắm bơi lội, các cô các bà thì giặt giũ và ngân nga dăm ba câu quan họ. Lớn lên tôi lại sống tại Phủ Lạng Thương, là thị xã Bắc Giang bây giờ.
Chiều hè ra bờ đê cuối thị xã, đường ven huyện Yên Dũng xem thả diều. Những chiếc diều sáo cả 4 thanh niên lực lưỡng không ra để lấy gió. Những ngày trở giời thẻ bè trên sông câu cá hoặc ra lò mổ trên bờ sông câu cá. Sông Thương nước không trong như sông Cầu, nhất là đoạn cống Đa Mai do nước đồng đổ vào sông thành hai dòng nước, cho nên có câu thơ: Sông Thương nước chảy đôi dòng Bên trong bên đục đau lòng hay chưa? Cách đây hơn mươi năm tôi cũng đã đến Thượng nguồn sông Cầu. Mùa đông có thể lội qua được nước chảy lững lờ qua các hòn đá cuội lớn giữa lòng sông. Thượng nguồn sông Cầu thuộc Phủ Lỗ, tỉnh Thái Nguyên. Giờ đây nhìn vào những bức ảnh mà lòng xót xa quá. Có riêng gì các di tích lịch sử bị phá hủy đâu mà thiên nhiên môi trường cũng bị phá hủy và không bao giờ lấy lại được nữa. Cứ nhìn sông Tô Lịch thì bạn biết, ngay xưa vua còn đi thuyền rồng trên đó, nhưng ngày nay đi qua dòng Tô Lịch bạn phải bịt mũi. Tôi e rằng những hoài niệm về dòng sông thơ mộng chỉ còn trong dĩ vãng”.
Bạn đọc Nguyễn Văn Điệp: “Những người lứa tuổi chúng tôi đã có một tuổi thơ tuyệt đẹp, trưa nào cũng tắm mát bơi lội trên sông Lam hiền hòa. Nhà thơ Tế Hanh đã có bài thơ Nhớ con sông quê hương, mô tả con sông trong vắt mát rượi thỏa chí đám trẻ thơ. Bây giờ sông nào cũng ô nhiễm và giãy chết cả, đâu chỉ có mỗi sông Cầu như vậy. Thật buồn và rất buồn. Mọi người hãy vào Google tìm đọc bài thơ Nhớ con sông quê hương nhé, góp phần làm sạch môi trường để đưa bài thơ đó trở lại sách văn của các em học sinh thân yêu”.
Bệnh đã rõ, giải quyết không khó, nhưng cơ quan nào sẽ làm?
Bạn đọc Phamdinhmui: “Doanh nghiệp nào gây ô nhiễm các cơ quan chức năng đều biết cả, nhưng sao lại khó giải quyết đến thế? Các con sông, các hồ đầm cứ dần bị bức tử, sẽ đến lúc con người cũng chẳng thể sống nổi. Vậy các vị có trách nhiệm nghĩ gì? Đây liệu có phải hệ quả tất yếu của thói vô trách nhiệm, hay lại cho rằng do "biến đổi khí hậu" gây nên?”
Sở Tài nguyên báo cáo "gan ruột" đề nghị Tổng cục Môi trường cứu sông Cầu.
“Tất cả là do nước thải công nghiệp. Chính quyền thay vì hoang mang tột cùng thì hãy chỉ mặt điểm tên những doanh nghiệp nghi vấn rồi kiểm tra. Phát hiện doanh nghiệp nào sai chấm dứt hợp đồng thuê đất với doanh nghiệp đó để họ buộc phải xử lý tốt về nước thải nguy hại. Điều này chắc chắn có trong hợp đồng khi cho doanh nghiệp thuê. Vấn đề là có sự bao che hay không thôi”, bạn đọc Nguyễn Trung Dũng
Bạn đọc Đặng Thanh Hải:“Chủ yếu do vùng Bắc Ninh các khu công nghiệp đổ thải xuống sông thôi. Tôi có lần về công tác ở Yên Dũng, Bắc Giang mùi khí thải ô nhiễm từ Bắc Ninh bay sang không chịu nổi. Theo tôi, Bộ tài nguyên môi trường cần có cơ chế xử phạt thật nặng đối với các doanh nghiệp xả thải trực tiếp xuống sông gây ô nhiễm môi trường”.
“Có rất nhiều cơ quan kiểm tra, giám sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên môi trường của địa phương cũng như các cơ quan liên ngành nữa kiểm tra giám sát hàng quý hàng năm. Nhưng kết quả thì sao??? và vì sao các cơ quan này hoạt động không có hiệu quả? Tôi nghĩ ai cũng biết cả rồi!”, bạn đọc Phạm Ngọc Hiếu.
Chỉ ra một góc nhìn mới, bạn đọc Lê Đán cho rằng: Tiền thuế môi trường mà dân và các doanh nghiệp đều đều đóng để làm gì???? Sao cứ nay bảo tăng phí môi trường mai lại bảo phải tăng phí môi trường mà trong khi đó môi trường càng ngày càng ô nhiễm nặng hơn”.
Bạn đọc Dangdinhcong lo lắng: “Kính mong báo Dân trí giúp người dân hai bên sông Cầu, trả lại sự sống cho con sông để người dân hai bên sông yên tâm. Biết bao cánh đồng lúa và hoa màu phụ thuộc vào dòng nước từ con sông, nếu không kịp ngăn dòng nước bẩn đó lại thì người dân sẽ mắc bệnh hết, ảnh hưởng ra cả xã hội vì thóc gạo được sản xuất ra rồi bán đi cho người dân thành phố ăn những hạt gạo và bắp ngô được sản xuất từ dòng nước bẩn. kính mong báo Dân trí giúp người dân hai bên sông Cầu”.
Bạn đọc Phạm Ngọc Hiếu: “Không chỉ mỗi sông Cầu đâu, có hàng ngàn hàng trăm con sông trên cả nước bị ô nhiễm trầm trọng mà không có giải pháp gì để cải thiện cả. Chúng ta quá thờ ơ với hiện tại tương lai của chúng ta quá. Mong rằng các cơ quan chức năng có hành động khẩn cấp, thiết thực với thảm họa này. Giao trách nhiệm tới chính quyền từng địa phương quản lý và có hình thức xử lý nghiêm khắc người đứng đầu mới giảm được tình trạng này”.
Một loạt những đề xuất “gan ruột” được bạn đọc nêu ra, nếu được thực hiện chắc chắn dòng sông Cầu cũng như những dòng sông đang “chờ chết” khác sẽ được hồi sinh:
Bạn đọc Dangdinhcong: “Theo tôi thì chỗ nào thải ra thì bịt nó lại là sông hết ô nhiễm ngay mà. Chúng tôi không cần những công ty phá hủy môi trường sống hiện tại và tương lai. Hãy bảo vệ dòng sông, bảo vệ nguồn nước. Cảm ơn báo Dân trí. Hy vọng tôi sẽ dc trông thấy dòng sông Cầu hồi sinh trở lại”.
Bạn đọc Nguyễn Văn Điệp:“Nhà nước đã quy định các DN phải xử lý nước đảm bảo sạch theo tiêu chuẩn mới được xả ra bên ngoài. Vậy thì DN nào không tuân thủ yêu cầu đó thì buộc đóng cửa. Quá đơn giản. Vấn đề ở đây là chính quyền sở tại không thực hiện quy định đó thôi, đằng sau sự không thực hiện là gì thì ai cũng biết”.
“Sở Tài nguyên báo cáo “gan ruột” mong Tổng cục Môi trường cứu dòng sông “giãy chết”! Người dân đọc được thông tin này, thì lại không 'thông' với Sở TN&MT Bắc Giang. Bởi lẽ: Sở Tài nguyên Sở Tài nguyên báo cáo “gan ruột”. Nhưng dân lại thấy là thiếu cái 'tâm', bởi thiếu 'tâm' nên không báo cáo, không có biện pháp 'cứu chữa' khi sông 'lâm bệnh'. Thiếu 'tâm' nên để đến lúc sông 'giẫy chết' mới có lời...“gan ruột”! Một thực tế hiển nhiên: Các quan và CBCNV của Quý Sở TN&MT Bắc Giang đều sinh sống và công tác tại 'tỉnh nhà'; Sông Cầu đâu có cách xa các Quan cả nửa vòng trái đất, vậy mà khi sông 'ốm', sông 'trở bệnh' Sở đâu có biết... Chỉ khi sông 'giẫy chết' Sở mới có lời báo cáo 'gan ruột' thì đã muộn. Đành rằng Sở cho đấy là báo cáo 'gan ruột', nhưng người dân lại hiểu rằng báo cáo ấy chỉ là từ cái...'a lô'; mà thiếu hẳn cái tâm - Trái tim nhiệt huyết, trách nhiệm cao của những công bộc hết lòng vì dân vì nước!”, bạn đọc Nguyễn Thanh Bình thẳng thắn.
Bạn đọc Minh Nhí: “Cần gì phải báo cáo "gan ruột" với Tổng cục Môi trường làm gì? báo cáo ngay với UBND hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang; xem khi chấp thuận cho xây dựng Khu công nghiệp; nhà máy đã thẩm định môi trường chưa? chắc là "tốt, phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam", thì mới xây dựng được; bây giờ chỉ cần hai sở "sờ lại" những gì mình đồng ý là ra ngay sai ở đâu, sửa ở đó kể cả đóng cửa các khu công nghiệp liệu. Hai tỉnh có dám làm không hay lại mắc...”.
Bạn đọc Đình Làng Ngà: "Người dân không cần các cơ quan chức năng, đặc biệt là Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh giải cứu dòng sông... trên giấy mà cần những động thái cụ thể, quyết liệt trên thực tế… Đây mới là lời thỉnh cầu gan ruột từ người dân".
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc!
Anh Thế - Ngọc Hân