Lính hình sự Công an Hà Nội và cuộc truy bắt những kẻ “biến hình”

Ngày đăng: 07:30 12/09/2018 Lượt xem: 518


Lính hình sự Công an Hà Nội và cuộc truy bắt những kẻ “biến hình”



                                                 Nguồn:Báo Điện tử Dân Việt


Thay tên đổi họ, chỉnh sửa ngoại hình, làm lại giấy chứng minh nhân dân… là những thủ đoạn mà không ít kẻ phạm tội thường sử dụng để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Nhưng với lính hình sự Hà Nội thì những đối tượng dù có lắm chiêu đến mấy, sớm hay muộn cũng sẽ phải hiện nguyên hình.



1. Trở về Hà Nội sau những ngày đi công tác dài, Trung tá Vũ Đức Bình, điều tra viên Đội 10 Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an TP Hà Nội da mặt sạm đen vì nắng gió miền Trung. Và mặc dù không thể "xốc nách" đối tượng đưa về Cơ quan Công an, song quá trình điều tra, xác minh đối tượng truy nã lâu năm Trần Nam Trung để tiến hành thanh loại cũng có thể coi là một "kỳ tích". Bởi hắn đã thay tên đổi họ, thay đổi ngoại hình và đặc biệt là đã làm một chứng minh thư nhân dân với những thông tin khác hoàn toàn những thông tin trên Lệnh truy nã khiến cho công tác truy bắt đối tượng cực kỳ khó khăn.

Việc "bắt" được đối tượng Trần Nam Trung là cả một quá trình điều tra kỳ công, kỹ lưỡng thể hiện tinh thần quyết liệt đấu tranh với tội phạm và trình độ nghiệp vụ cao của lực lượng Cảnh sát hình sự (CSHS) Hà Nội.

Trung tá Bình đã chia sẻ với chúng tôi quá trình ấy…

Tháng 1.2015, Đội 10 Phòng CSHS nhận được nguồn tin từ người dân về đối tượng truy nã lâu năm Trần Nam Trung (SN 1959, đăng ký thường trú tại Phước Tân, Long Thành, Đồng Nai) nhiều khả năng đang trốn tại một tỉnh phía Nam. Trung tá Vũ Đức Bình được phân công là mũi chủ công tiến hành điều tra, truy bắt Trung.

Để xác minh các mối quan hệ của Trung, Trung tá Bình có cả một danh sách dài các địa chỉ phải lưu tâm. Ông Lê Lợi (bố Trung) quê gốc ở thành phố Vinh (Nghệ An), gia đình lên Bắc Giang xây dựng kinh tế từ lâu. Ông Lợi có một cậu con trai làm thợ may ở quận Long Biên, Hà Nội. Còn bản thân Trung trước khi bỏ trốn thì trú tại quận Hoàn Kiếm.

Trung can tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị Công an quận Đống Đa phát lệnh truy nã vào ngày 3.7.2000. Qua tiến hành xác minh tại Phòng Cảnh sát truy nã (PC52) Công an TP Hà Nội thì Trung vẫn có tên trong danh sách bị truy nã. Tiến hành xác minh Trần Nam Trung tại các địa phương mà nghi đối tượng đang lẩn trốn như Đồng Nai, Khánh Hòa… thì đều không có kết quả.

Tiếp cận địa chỉ của đối tượng tại phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội các trinh sát được biết hiện không còn ai tại địa chỉ này. Gia đình của Trung đã chuyển về sống tại phường Lê Lợi, TP Bắc Giang. Tiếp tục tiến hành xác minh nhân thân của Trung tại TP Bắc Giang, Trung tá Bình được gia đình cho biết năm 1981 Trung xuất ngũ về địa phương sống cùng mẹ đẻ là bà Nguyễn Thị Uẩn tại ngõ 134 Lê Lợi, phường Lê Lợi (TP Bắc Giang). Năm 1990 Trung bỏ nhà đi đâu gia đình không nắm được.

Suốt từ đó đến nay, không ít lần Công an Hà Nội, Cục Cảnh sát truy nã tội phạm tổ chức truy bắt đối tượng Trần Nam Trung nhưng đều không thành. Vậy Trung đã biến đi đâu?

Nghiên cứu hồ sơ về đối tượng, Trung tá Bình phát hiện những thông tin "không bình thường" về Trung. Mặc dù tên khai sinh mang họ Lê, song trong các giấy tờ mà đối tượng để lại thì lại mang họ Trần (Trần Nam Trung). Gia đình đối tượng cho biết Trung là con ông Lê Lợi (SN 1938) và bà Nguyễn Thị Uẩn (SN 1940). Vợ Trung là chị Phan Thị Thanh Hương, thường trú tại TP Pleiku, Gia Lai.

linh hinh su cong an ha noi va cuoc truy bat nhung ke bien hinh

Trần Nam Trung sau những lần thay tên đổi họ.

Cũng theo những thông tin mà Trung tá Bình nắm được, thì dường như Trung đã có ý định "mờ ám" từ lâu, khi mà hồ sơ sau khi xuất ngũ của Trung có nhiều điểm sai khác với hồ sơ gốc. Khoảng thời gian từ năm 1994 đến năm 2000 Trung đổi từ họ Lê sang họ Trần, đổi tên bố, tên mẹ. Vợ Trung cũng chuyển thành Phan Thanh Hương. Từ sau năm 2000, Trung khai mình là Lê Minh Trung, với tên bố giả, tên mẹ giả, tên vợ giả.

Chính những thông tin "loạn xà ngầu" này đã khiến cho các trinh sát rất vất vả để tìm kiếm thông tin về Trung.

Cũng theo người nhà của Trung, năm 2003 anh ta đã từng dẫn vợ cùng hai con trai về nhà mẹ đẻ chơi một ngày rồi đi luôn. Từ đó gia đình bặt tăm Trung. Năm 2013 thì gia đình nhận được tin là Trung đã mất.

Dĩ nhiên, các trinh sát hình sự không dừng lại ở đây. Vì các anh biết rằng, đã có những trường hợp gia đình đối tượng muốn che giấu con em nên đã khai bừa là đã chết.

Tiến hành xác minh thêm, các trinh sát phát hiện ra sở dĩ Trung có thể "lặn" một hơi dài là do năm 2000, Trung trốn vào Nha Trang và đã làm được một chứng minh thư mới tên Lê Minh Trung, SN 1956. Từ đó Trung đã "biến" thành một người khác. Đối tượng truy nã Trần Nam Trung (SN 1959) coi như không còn tồn tại.

Dù đã thay tên đổi họ, song từ năm 2000 đến nay, Trung cùng gia đình liên tục chuyển chỗ ở. Từ Hà Nội đi Bắc Giang, rồi vào Nha Trang, xuống Đồng Nai, Bình Dương…

Tiếp tục tìm kiếm thông tin về Trung, Công an Hà Nội còn phát hiện ngoài lệnh truy nã của Công an quận Đống Đa, Trần Nam Trung còn bị Công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định truy nã ngày 31.5.2006 về hành vi thành lập công ty để mua bán hóa đơn giá trị gia tăng thu lợi bất chính.

Trinh sát PC45 đã có mặt tại UBND phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương để xác minh. Tại đây có căn cứ để kết luận Trần Nam Trung đã chết. Các trinh sát đã tiến hành lấy lời khai vợ của Trung là chị Phan Thị Thanh Hương. Chị Hương cho biết đã cùng chồng phiêu dạt khắp nơi. Đã có lần chị Hương phát hiện ra chồng mình không phải là Trần Nam Trung mà là Lê Minh Trung. Cuối năm 2012, Trung có biểu hiện bị bệnh nan y. Cho đến ngày 1.6.2013, Trung kêu mệt, khó thở và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa TP Thủ Dầu Một. Đêm cùng ngày Trung chết.

Dù những lời khai, chứng cứ thu thập được đã cho thấy Trần Nam Trung và Lê Minh Trung nhiều khả năng là một đối tượng, song Trung tá Bình vẫn có mặt tại Công an tỉnh Khánh Hòa để trích lục hồ sơ, lấy danh chỉ bản của Lê Minh Trung nhằm đối chứng với danh chỉ bản của Trần Nam Trung. Qua mắt thường cũng có thể thấy chúng trùng khít.

Tiếp tục trưng cầu giám định vân tay lưu giữ trên danh chỉ bản lập ngày 17.8.1994 của Công an tỉnh Đồng Nai theo tờ khai CMND mang tên Trần Nam Trung và vân tay trên danh chỉ bản lập ngày 28.6.2000 của Công an tỉnh Khánh Hòa theo tờ khai CMND mang tên Lê Minh Trung cho thấy kết quả trùng khớp. Như vậy là đã có đủ căn cứ để kết luận Trần Nam Trung và Lê Minh Trung là một, và đối tượng này đã chết. Cơ quan Công an Hà Nội cũng đã ra quyết định đình nã đối với Trung.

2. Cách đây ít lâu, tại phường Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) xảy ra một vụ trọng án. Đối tượng sau khi gây tội ác đã trốn đến một ngôi chùa, cạo đầu trọc để giả vờ là "người nhà chùa" nhằm trốn tránh sự truy bắt của lực lượng Công an. Tuy nhiên, hắn vẫn nhanh chóng bị công an Hà Nội tìm ra, tóm gọn.

Tháng 4.2011, ông Nguyễn Bằng (SN 1953, trú tại số 17, ngõ 1, Âu Cơ, phường Quảng An) bị một đối tượng sát hại mà phải đến nhiều ngày sau người thân mới phát hiện ra. Nhận định đây là vụ án giết người cướp tài sản rất nghiêm trọng, lực lượng điều tra trọng án Công an TP Hà Nội đã nhanh chóng tổ chức điều tra truy bắt.

linh hinh su cong an ha noi va cuoc truy bat nhung ke bien hinh

Đàm Văn Tuyên trước và sau khi gây ra vụ sát hại ông Nguyễn Bằng.

Tiến hành rà soát một số đối tượng thanh niên ngoại tỉnh sống lang thang, ít nhiều có mối quan hệ "tình cảm" với nạn nhân, các trinh sát tìm ra một manh mối. Một nhân chứng cho hay, trước thời gian bị sát hại khoảng một tuần họ thấy ông Bằng dẫn một nam thanh niên khá đẹp trai, để tóc kiểu Hàn Quốc, nhuộm hoe vàng… về nhà mình. Lúc ấy, ông Bằng còn đeo một chiếc nhẫn bạc có gắn đá…

Từ đầu mối này, các trinh sát hình sự được tỏa ra nhiều nơi, tụ điểm của giới "gay" để rà soát. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan điều tra phát hiện một đối tượng quê ở Bắc Giang có hình dáng giống như nhân chứng đã miêu tả hay xuất hiện ở khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm vào buổi chiều. Tuy nhiên, thời gian gần đây không thấy hắn có mặt tại đây nữa.

Kết hợp với các dấu vết thu thập ở hiện trường, cùng đôi giày đối tượng bỏ lại… Cơ quan điều tra đã dựng lên được một đối tượng ngày 10.4.2011 đã có mặt tại nhà ông Bằng. Đến xẩm tối thì hắn vẫy xe ôm chở ra bến xe buýt đi Hà Đông. Tiếp tục lần theo các dấu vết, Cơ quan Công an sau đó đã tìm được danh tính của đối tượng. Hắn là Đàm Văn Tuyên, trú tại xã Bắc Lũng (Lục Nam, Bắc Giang).

Một tổ công tác được cử lên Lục Nam (Bắc Giang) để truy bắt Tuyên. Tuy nhiên, khi trinh sát ập vào ngôi nhà 2 tầng ở thôn Lọng Nghè (Bắc Lũng, Lục Nam) thì… không có ai ở nhà. Hàng xóm cho biết, mẹ của Tuyên đang đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, còn bố của hắn và các anh trai em trai đều đi làm ở xa.

Được sự giúp đỡ của Công an xã Bắc Lũng và Công an huyện Lục Nam, lực lượng điều tra được biết thêm, Tuyên có mối quan hệ với một số nhóm thợ xây quê Bắc Giang, hiện đang hành nghề ở Hà Nội. Nhưng tại Hà Nội hiện có cả trăm nhóm thợ xây Bắc Giang. Không nản chí, cán bộ chiến sĩ Công an Hà Nội tiếp tục được huy động rà soát. Tin trinh sát báo về tại ngôi chùa Giao Quang (Xuân Nộn, Đông Anh, Hà Nội) mới xuất hiện một… "anh sư" với nhiều biểu hiện nghi vấn. Ngay lập tức, một tổ công tác thuộc Đội Điều tra trọng án đã lập tức có mặt tại Xuân Nộn.

Chùa Giao Quang là một ngôi chùa nhỏ của xã đang được trùng tu, nằm giữa cánh đồng, địa thế rất trống trải. Các chiến sĩ công an lặng lẽ chia quân bao vây. Sau cái nháy mắt với đồng đội, 2 trinh sát đã lôi tuột đối tượng Tuyên trong gầm giường khi hắn đang dán mình vào sát bờ tường như con thạch sùng. Sau khi đã khóa tay đối tượng, các chiến sĩ thoáng giật mình vì đầu hắn đã cạo trọc lốc. Tuy nhiên, khuôn mặt, cái mũi, đôi mắt của hắn thì không thể lẫn đi đâu được. Tuyên sau đó đã bị Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên án tử hình về hai tội giết người và cướp tài sản.

 
tin tức liên quan