6 cách hiệu quả giúp bố mẹ trị con ương bướng

Ngày đăng: 05:03 31/10/2018 Lượt xem: 612

6 cách hiệu quả giúp bố mẹ “trị” con ương bướng

 
 
 

Dân trí Hãy nghe các chuyên gia giải thích về tính cách của trẻ bướng bỉnh, lý do chúng trở nên bướng bỉnh và các lời khuyên hữu ích để con bạn biết cách lắng nghe và hợp tác.

Nếu bạn thấy mình đang phải nghe từ “Không” ngày càng thường xuyên hơn từ các cô bé, cậu bé của mình, nếu bạn thấy chúng luôn từ chối làm những việc cơ bản như đi ngủ đúng giờ, ăn tối, hoặc tắm, và ngôi nhà đang trở thành một trận chiến giữa bố mẹ và con cái, bạn sẽ thấy rằng, con đã trở nên bướng bỉnh hơn. Tuy nhiên, bạn không đơn độc. Rất nhiều các bậc phụ huynh khác cũng đang phải đối phó với sự cứng đầu của con cái, một đặc điểm xuất hiện ở nhiều giai đoạn phát triển khác nhau của trẻ.

Đặc trưng tính cách của những đứa trẻ bướng bỉnh là gì và tại sao chúng lại trở nên bướng bỉnh ngay từ đầu?

Bố mẹ cần phải hiểu – không phải tất cả trẻ em khi bày tỏ mong muốn độc lập đều đồng nghĩa với sự ương bướng. Những đứa trẻ ương ngạch thường có đặc trưng bởi sự thông minh và sáng tạo. Chúng hỏi rất nhiều câu hỏi và cuối cùng, có thể mở ra cánh cửa cho sự nổi loạn. Chúng có vị trí riêng của mình và chúng là những “người của hành động”. Trẻ ương bướng thường tìm cách được lắng nghe và thu hút sự chú ý, chúng thể hiện sự độc lập nhiều hơn, kiên quyết với những gì chúng thích và có kỹ năng lãnh đạo rõ ràng – khiến chúng dường như ngày càng trở nên độc đoán. Trẻ em nói chung đều hay trải qua các cơn giận dữ, nhưng với trẻ bướng bỉnh, chúng nổi giận thường xuyên hơn.

Trẻ bướng bỉnh cũng đặc trưng bởi các tư tưởng cứng nhắc – chúng từ chối thay đổi cách nghĩ, hành động và cư xử, ngay cả khi chúng phải đối mặt với áp lực từ bên ngoài. Khi trẻ ở thời kì thơ ấu, bố mẹ chúng thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc dạy dỗ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, những đứa trẻ có khuynh hướng từ chối các quy tắc khi còn nhỏ, lúc trưởng thành thường có tình độ cao hơn về giáo dục và thành công hơn trong sự nghiệp.

6 cách giúp bố mẹ “trị” trẻ cứng đầu

1. Lắng nghe, không tranh cãi

Giao tiếp là con đường hai chiều – nếu bạn muốn con lắng nghe, bạn cần lắng nghe con trước. Một đứa trẻ quyết đoán thường có các quan điểm rõ ràng và dễ dàng tranh cãi. Nếu chúng cảm thấy tiếng nói của chúng không được lắng nghe, giọng điệu chúng có thể trở nên thách thức và thiếu tôn trọng. Hầu hết thời gian, con bạn sẽ nhất định làm điều gì đó mà bạn đề nghị chúng không làm, vì thế, hãy làm ngược lại, nghe và nói về những điều đang làm chúng phiền lòng có thể giải tỏa căng thẳng và giúp bạn thuyết phục chúng hành động theo cách bạn muốn. Vì vậy, làm thế nào để khiến một cậu bé 5 tuổi cứng đầu lắng nghe bạn? Hãy để cậu bé là người dẫn đường, cho cậu không gian để diễn đạt những gì cậu nghĩ theo cách bình tĩnh và đừng cố gắng đối đầu với cậu ta.

2. Nói chuyện, đừng ép buộc

Khi trẻ em bị buộc làm điều gì đó không đúng ý muốn, chúng có khuynh hướng nổi dậy và làm mọi điều có thể trong khả năng để không nghe lời. Thuật ngữ mô tả chính xác nhất hành vi này là "phản đối": một khái niệm được mượn từ tâm lý học, có nghĩa là xung lực bản năng để chống lại bất kỳ cảm giác ép buộc hoặc ràng buộc nào. Đây là đặc điểm không chỉ của trẻ em mà là của con người nói chung, đặc biệt là với những người cứng đầu. Để khắc phục điều này, bạn cần nói chuyện thay vì ép buộc con làm việc này việc kia. Ví dụ: nếu con bạn kiên quyết xem TV ngay cả khi đã đến giờ đi ngủ, bạn đừng cố buộc trẻ ngừng xem. Thay vào đó, hãy ngồi xuống bên cạnh và cho con thấy bạn cũng đang quan tâm đến những gì con đang xem. Bạn càng quan tâm, càng cởi mở thì con sẽ càng gần bạn hơn. Và cuối cùng, khi con đạt đến sự giao tiếp tốt với bố mẹ, chúng sẽ dễ dàng hợp tác hơn.

3. Cho con lựa chọn

Mặc dù còn nhỏ, nhưng trẻ phát triển thái độ và quan điểm rất nhanh và chúng không thích bị bảo phải làm gì. Do đó, khi bạn muốn đứa con ngoan cố của mình làm việc gì đó, hãy cho chúng lựa chọn thay vì chỉ dẫn rõ ràng. Ví dụ con không muốn đi ngủ, đừng bắt con đi ngủ mà hãy hỏi “Con muốn mẹ đọc truyện gì cho con trước lúc ngủ?”. Lúc này, bạn sẽ thấy con sẵn sàng leo lên giường chờ nghe câu chuyện chính chúng đã lựa chọn.

Tuy nhiên, cho quá nhiều lựa chọn lại không phải điều tốt. Chẳng hạn như việc bảo con tự chọn một bộ đồ trong cả một tủ đồ sẽ khiến trẻ khó quyết định, hoặc sẽ chọn một bộ mà bạn không thích. Hãy tránh rắc rối này bằng cách cho trẻ chọn giữa 2 hoặc 3 bộ quần áo mà bạn đã lựa ra sẵn.

4. Giữ bình tĩnh

Khi tranh luận với trẻ cứng đầu rất dễ khiến bố mẹ nổi nóng, bực bội, la hét, lên giọng để át đi sự không nghe lời của con. Việc này chỉ khiến tình hình trở nên xấu đi. Một khi bạn cao giọng, con bạn sẽ xem đó là “lời mời” cho một cuộc chiến bằng lời nói, và sẽ rất dễ dàng khiến cuộc nói chuyện leo thang thành một trận chiến đấu la hét. Vì bạn là người trưởng thành trong cuộc chiến này, bạn phải là người có trách nhiệm điều hướng cuộc trò chuyện đến mục đích thực tế hơn để tìm ra giải pháp thay vì mất bình tĩnh.

Để làm điều này, trước và sau mỗi cuộc trò chuyện, hãy làm bất cứ điều gì khiến bạn bình tĩnh: Hít thở sâu, nghe nhạc êm dịu,... như vậy, con bạn cũng có thể cùng nghe và bình tĩnh lại cùng với bạn.

5. Tôn trọng con

Nếu bạn muốn con bạn tôn trọng bạn và quyết định của bạn, bạn phải học cách tôn trọng con. Con bạn sẽ không chấp nhận thẩm quyền của bạn nếu bạn ép buộc chúng. Dưới đây là một số ví dụ về cách bạn có thể bày tỏ và nhận lại sự tôn trọng trong mối quan hệ với con:

- Tìm kiếm sự hợp tác thay vì bắt con làm theo hướng dẫn

- Thiết lập các quy tắc và ranh giới cho con, đừng cẩu thả khi thực hiện.

- Không từ chối cảm xúc và ý kiến của con, cũng không đánh giá thấp.

- Để con làm những việc con có thể tự làm thay vì làm mọi thứ cho con. Hãy nói với con rằng bạn tin tưởng con.

- Hãy là tấm gương cho con: đây là câu thần chú bạn cần nhớ và thực hiện.

6. Thương lượng

Đàm phán là một khái niệm thường gặp trong kinh doanh hay chính trị, nhưng đôi khi nó trở nên cần thiết để đối phó với những đứa đứa trẻ ngoan cố. Trẻ em có xu hướng phản ứng tiêu cực khi chúng không có được những gì chúng muốn. Vì vậy khi bạn muốn con lắng nghe, bạn cần hiểu lý do khiến chúng không chịu làm.

Đây là các bước giúp bạn thương lượng với con:

- Bắt đầu bằng cách đặt câu hỏi như: "Điều gì khiến con phiền lòng?", "Có điều gì khiến con phiền lòng không?", "Con có muốn gì không?": Những câu hỏi này khiến trẻ nhận thấy rằng bạn tôn trọng cảm xúc và mong muốn của chúng.

- Sau đó, bạn có thể nói chuyện và thương lượng với con.

- Từ đây bạn có thể tiến lên để nói chuyện và đàm phán với họ. Tất nhiên, điều này không có nghĩa bạn phải đồng ý với tất cả yêu cầu của con, nhưng bạn nên suy nghĩ và thực tế để xem những gì bạn có thể nhân nhượng và thỏa hiệp với con.

Hữu Nguyên

Theo BM


tin tức liên quan