Tam Quốc diễn nghĩa: Lai lịch về chiếc quạt lông vũ của Gia Cát Lượng

Ngày đăng: 07:13 27/11/2018 Lượt xem: 478


   Tam Quốc diễn nghĩa: Lai lịch về chiếc quạt lông vũ của Gia Cát Lượng

 
                                               Nguồn:Báo Điện tử Người Đưa Tin


Trong Tam Quốc diễn nghĩa, hình ảnh Gia Cát Lượng luôn gắn liền với chiếc quạt lông vũ trên tay. Nhưng ít ai biết rằng, chiếc quạt này có lai lịch như thế nào.


Gia Cát Lượng là một nhà quân sự nổi tiếng phò tá Lưu Bị của nhà Thục Hán thời Tam Quốc (220-280 SCN). Ông thường được mô tả với hình ảnh mặc áo Bát Quái, tay cầm quạt lông, ngồi trên xe đẩy. Chiếc quạt lông vũ đã theo Gia Cát Lượng nam chinh, bắc chiến, xuống Nam Man bình Mạnh Hoạch, ra Kỳ Sơn chống Tư Mã Ý. Rốt cuộc nó có ý nghĩa thế nào mà khiến Khổng Minh không thể rời tay?

tam quoc dien nghia lai lich ve chiec quat long vu cua gia cat luong

Truyền thuyết về chiếc quạt lông vũ

Tương truyền, gia cảnh nhà Gia Cát Lượng vốn rất nghèo khổ. Ngay từ lúc còn nhỏ tuổi, ông đã phải chăn cừu trên núi. Trên núi có một đạo quán, trong đạo quán có một lão đạo sĩ tóc bạc. Lão đạo sĩ mỗi ngày đều ra ngoài du ngoạn. Một ngày nọ, ông trông thấy Gia Cát Lượng và thử trêu đùa cậu bé, thì cậu bé cũng đùa lại với ông. Từ đó Gia Cát Lượng và lão đạo sĩ thường trò chuyện với nhau bằng cách ra dấu tay. Lão đạo sĩ thấy Gia Cát Lượng thông minh khả ái nên đã tiện thể trị bệnh cho cậu. Không lâu sau, bệnh câm của Gia Cát Lượng đã được chữa khỏi.

Khi có thể nói được, Gia Cát Lượng vô cùng cao hứng; cậu hướng về lão đạo sĩ để bái tạ. Lão đạo sĩ nói: “Hãy về nhà nói với cha mẹ rằng ta sẽ thu con làm đồ đệ, dạy con biết đọc biết viết, học thiên văn địa lý, và phép dùng binh bằng Âm Dương Bát Quái. Nếu cha mẹ con đồng ý, thì hằng ngày con hãy đến đây học, không được bỏ buổi nào”.

tam quoc dien nghia lai lich ve chiec quat long vu cua gia cat luong
Từ nhỏ, Gia Cát Lượng đã theo thầy học Đạo.

Kể từ đó, Gia Cát Lượng bái lão đạo sĩ làm sư phụ. Bất chấp gió mưa, hàng ngày Gia Cát Lượng đều lên núi nghe giảng. Cậu thông minh hiếu học, chuyên tâm ghi nhớ, sách chỉ xem qua là đã hiểu, nghe giảng xong là đã nhớ. Vì thế lão đạo sĩ ngày càng thêm quý mến cậu học trò.

Một ngày nọ, khi Gia Cát Lượng đang xuống núi và đi qua một cái “am” bỏ hoang, thì bất ngờ một trận cuồng phong thổi tới, kèm theo mưa gió rợp trời dậy đất. Gia Cát Lượng vội lánh vào trong am để trú mưa, thì bỗng nhiên, một người con gái cậu chưa từng trông thấy tới nghênh đón cậu vào trong. Chỉ thấy cô gái này mày nhỏ mắt to, mảnh mai kiều diễm, tựa như tiên nữ hạ phàm. Gia Cát Lượng cảm thấy bị cuốn hút bởi cô gái.

Khi trời tạnh mưa, cô gái tiễn cậu ra cửa, cười nói: “Hôm nay chúng ta coi như đã biết nhau. Từ nay về sau khi lên núi xuống núi thì xin hãy qua đây nghỉ ngơi và dùng trà”.

Lúc Gia Cát Lượng từ trong “am” đi về thì thấy có chút kỳ quái, làm sao nơi chưa từng đến này lại có người ở.

Từ đó về sau, mỗi lần Gia Cát Lượng tới “am”, người con gái không chỉ ân cần tiếp đãi, mà còn có thịnh tình muốn giữ lại dùng cơm. Ăn cơm xong hai người không chỉ cười nói mà còn đánh cờ giải khuây. So với đạo quán, nơi đây quả thực là một thế giới khác hẳn. Gia Cát Lượng bắt đầu mê muội mà không tự nhận ra.

Tâm trí Gia Cát Lượng trở nên bị ảnh hưởng, và cậu cảm thấy chán nản khi học tập. Sư phụ giảng đến đâu thì quên đến đó, lời giảng đi vào tai này rồi xuất ra tai kia, không thể ghi nhớ, lúc đọc sách thì không biết là nói về cái gì, càng xem càng không nhớ.

Lão đạo sĩ biết có vấn đề, bèn gọi Gia Cát Lượng đến, thở dài một tiếng rồi nói: “Hủy cây thì dễ, trồng cây thì khó. Ta đã tốn quá nhiều công sức vì ngươi rồi”.

Gia Cát Lượng nghe sư phụ nói biết có chuyện, vội cúi đầu nói: “Sư phụ! Con sẽ không phụ sự khổ tâm của ngài”.

“Lời này hiện tại ta không thể tin”, lão đạo sĩ nhìn Gia Cát Lượng và nói. “Ta thấy ngươi là đứa trẻ thông minh, định dạy ngươi thành tài, nên mới trị bệnh cho ngươi, thu ngươi làm đồ đệ. Mấy năm trước ngươi thông minh cần mẫn, sư phụ ta khổ tâm dạy ngươi cũng không cảm thấy khổ; nào ngờ giờ đây ngươi từ cần mẫn thành lười nhác, tuy thông minh mà cũng uổng công, lại còn nói sẽ không phụ một phen khổ tâm của ta, ta tin sao được?”.

Lão đạo sĩ lại nói: “Gió không thổi, cây không động, thuyền không đảo, nước không đục”. Nói rồi chỉ vào cây cổ thụ bị rất nhiều dây mây cuốn vào ở trong sân cho Gia Cát Lượng xem. “Ngươi xem, cái cây kia tại sao sống dở chết dở, không thể tăng trưởng lên được?”

“Bởi vì dây mây cuốn rất chặt vào nó khiến nó không lớn được”, Gia Cát Lượng đáp.

“Đúng rồi, cái cây này ở trên núi, nơi đất đá khô cằn, rất cực khổ nhưng vẫn sống tốt vì nó quyết chí mọc rễ xuống dưới, đâm cành lên trên, không sợ nóng, không sợ lạnh, nên càng ngày càng cao lớn. Thế nhưng cái dây mây chỉ cuốn một lúc mà nó đã không lớn lên được, đây gọi là ‘lạt mềm buộc chặt’ đấy!”, lão đạo sĩ nói tiếp.

Vốn thông minh nhanh trí, Gia Cát Lượng không giấu giếm mà hỏi ngay sư phụ: “Sư phụ, sao ngài biết chuyện?”.

Lão đạo sĩ nói: “Gần nước biết tính cá, gần núi rõ tiếng chim. Ta xem thần sắc ngươi, quan sát hành động của ngươi, còn không biết tâm sự của ngươi hay sao?”.

tam quoc dien nghia lai lich ve chiec quat long vu cua gia cat luong
Cô gái xinh đẹp thực chất là một con hạc tiên phạm tội trời bị đày xuống trần.

Lão đạo sĩ ngừng lại một lúc rồi nghiêm sắc mặt, nói: “Nói thật cho ngươi rõ, đứa con gái mà ngươi thích kia chẳng phải là người, nó nguyên là một con tiên hạc trên Thiên Cung, chỉ vì ăn vụng hội bàn đào của Vương Mẫu mà bị Thiên Cung đánh hạ xuống để chịu khổ. Tới nhân gian, nó hóa thành mỹ nữ, văn võ thì không, cày bừa chẳng biết, chỉ biết tầm hoan tác nhạc. Ngươi thấy tướng mạo nó đẹp, nhưng nó chỉ biết có ăn ngủ thôi. Ngươi cứ thần hồn điên đảo thế này, cuối cùng chẳng làm nên trò trống gì đâu. Nếu không theo nó chiều ý nó, nó còn làm hại ngươi”.

Gia Cát Lượng nghe xong sợ quá, vội hỏi xem phải làm sao.

Lão đạo sĩ nói: “Con tiên hạc này có thói quen, là mỗi khi đêm đến thì nó hiện nguyên hình, bay lên thiên hà tắm rửa. Lúc ấy, ngươi tiến vào phòng nó, lấy y phục nó đem đốt đi, y phục nó là mang từ trên Thiên Cung xuống. Bị đốt rồi thì nó không thể hóa thành mỹ nữ được nữa”.

Gia Cát Lượng nghe lời sư phụ dặn dò và rời đi. Trước khi đi, lão đạo sĩ đưa cậu một cây gậy đầu rồng và nói: “Con hạc này khi phát hiện trong am phát hỏa, sẽ lập tức từ thiên hà phi trở xuống, gặp ngươi đang đốt xiêm y của nó, tất không chịu thua. Nếu nó làm hại ngươi, hãy dùng quải trượng này đánh nó, nhớ đấy!”.

Giờ Tý đêm hôm đó, Gia Cát Lượng nhẹ nhàng vào trong “am”, mở cửa phòng, quả nhiên thấy trên giường có một bộ xiêm y, nhưng không thấy người đâu. Cậu lập tức nhóm lửa đốt cháy bộ xiêm y.

Tiên hạc đang lúc tắm rửa trên thiên hà, đột nhiên thấy trong lòng bất an, vội vàng đi xuống nhìn quanh thì thấy trong “am” có lửa, vội vàng hét to rồi phi trở xuống. Khi thấy Gia Cát Lượng đang đốt xiêm y, nó nhào tới và dùng mỏ mổ vào mắt Gia Cát Lượng. Gia Cát Lượng nhanh mắt nhanh tay, cầm lấy quải trượng, lập tức đánh con hạc rớt xuống đất. Cậu vội chìa tay ra chộp nhưng chỉ nắm được cái đuôi. Tiên hạc liều mạng vùng vẫy thoát ra, vỗ cánh thật mạnh rồi bay vọt lên không trung, nhưng đám lông đuôi thì bị Gia Cát Lượng dứt đứt hết.

Tiên hạc bị cụt đuôi, không còn giống những tiên hạc khác trên Thiên Cung nữa nên vô cùng xấu hổ. Từ đó nó không dám lên thiên hà tắm rửa nữa, cũng không thể biến lại thành mỹ nữ vì đã bị đốt mất xiêm y, đành vĩnh viễn ở tại nhân gian, chui vào lẫn lộn với bầy bạch hạc.

Từ đó Gia Cát Lượng không quên bài học này, đem đám lông đuôi tiên hạc đi cất giữ cẩn thận, lấy đó làm tấm gương để răn mình.

Một năm sau, đúng vào ngày Gia Cát Lượng đốt xiêm y của mỹ nữ, lão đạo nhân cười nói với Gia Cát Lượng: “Đồ đệ này, ngươi theo ta đã chín năm rồi, sách gì cần đọc thì đã đọc rồi, điều gì cần truyền thụ thì đã nghe rồi. Có câu nói sư phụ lĩnh tiến môn, tu hành tại cá nhân, ngươi nay đã 18 tuổi rồi, còn cần lập gia đình, ngươi hãy tự mình xử lý mọi việc”.

Gia Cát Lượng thấy sư phụ nói đã “học xong”, bèn vội vàng khẩn cầu, nói: “Sư phụ, đồ đệ càng học càng thấy học thức nông cạn, con nguyện ở lại với ngài học thêm bản lĩnh”.

“Bản lĩnh chân chính cần phải trong khi thực hành mới có thể đạt được. Sách đã học rồi, còn cần xem Trời Đất thiên biến vạn hóa thế nào, tùy thời mà chuyển, tùy cơ ứng biến, mới có thể hữu dụng được! Hãy lấy con tiên hạc kia làm bài học giáo huấn, từ nay chớ lại để tình sắc làm mê đắm nữa, đây là giáo huấn trực tiếp; hết thảy sự việc trên đời đều không được để giả tướng mê hoặc, nhất định phải xử lý cẩn thận, phải thấy rõ bản chất mới được. Đây coi như lời dặn dò lúc chia tay! Hôm nay ta phải đi đây!”, lão đạo sĩ nói.

“Sư phụ, ngài định đi đâu?”, Gia Cát Lượng kinh ngạc hỏi: “Từ nay con biết đến đâu tìm ngài?”.

“Vân du bốn biển, không có định hướng”, lão đạo sĩ đáp.

Nhất thời không biết làm sao, Gia Cát Lượng nước mắt tuôn rơi, nói: “Sư phụ nhất định phải đi, thì xin nhận đồ đệ một bái, gọi là cảm tạ đại ân dưỡng dục”.

Gia Cát Lượng cúi mình làm lễ, lễ xong ngẩng đầu lên thì đã không thấy sư phụ đâu nữa. Từ đó cũng không nghe nói tung tích của lão đạo sĩ nữa.

Lão đạo sĩ trước khi đi đã đưa cho Gia Cát Lượng một vật, chính là bộ y phục Bát Quái mà sau này ông thường xuyên mặc.

Gia Cát Lượng hoài niệm sư phụ, thường mang chiếc áo Bát Quái trên người, coi như vĩnh viễn cõng sư phụ trên lưng. Gia Cát Lượng không quên giáo huấn của sư phụ, nhất là lời dặn dò lúc chia tay, đặc biệt thường mang theo mình chiếc quạt bằng lông vũ làm từ lông đuôi con chim hạc, không rời khỏi tay, để tự răn mình phải hành sự thận trọng. Đây chính là lai lịch chiếc quạt lông vũ trên tay Gia Cát Lượng.

Kỷ vật của người vợ

Để giải thích cho chiếc quạt lông đặc biệt của Gia Cát Lượng, trong dân gian cũng lưu truyền một câu chuyện rất đẹp như sau.

Hoàng Nguyệt Anh, con gái của Hoàng Thừa Ngạn tiên sinh, là một cô nương xuất chúng, tài nghệ phi thường, am tường hội hoạ lại biết cả võ nghệ. Thuở nhỏ, cô theo học một danh sư trên núi. Sau này, danh sư ấy tặng cho cô một chiếc quạt lông ngỗng bên trên có hai chữ “Minh” và “Lượng”. Vị này còn nói hai chữ này chính là tên phu quân sau này của Hoàng Nguyệt Anh.

tam quoc dien nghia lai lich ve chiec quat long vu cua gia cat luong
Tạo hình Gia Cát Lượng trong phim Tam Quốc diễn nghĩa

Sau này, khi Gia Cát Lượng tìm đến cầu hôn, Hoàng Nguyệt Anh đã tặng ông chiếc quạt lông đó coi như kỷ vật, đồng thời lý giải nguyên nhân: “Vừa nãy thiếp nhìn thấy tiên sinh và cha cùng đàm luận chuyện thiên hạ, hùng tâm tráng chí quả là rất lớn. Nhưng mà, thiếp phát hiện rằng khi ngài nói tới Tào Tháo và Tôn Quyền thì chân mày lại hiện rõ ưu tư, lo lắng. Thiếp tặng ngài chiếc quạt này là để ngài che mặt những lúc như vậy”.

Khổng Minh hiểu ra, vội tạ Nguyệt Anh, trong lòng cảm thấy hết sức vừa ý. Đây quả thực là vị hôn thê có một không hai, dẫu có lục tung tìm cả thiên hạ cũng không được mấy người. Sau khi thành thân với nàng Nguyệt Anh, Gia Cát Lượng luôn mang theo chiếc quạt lông không rời tay, vừa như để trân trọng tấm lòng của người vợ, vừa như để tự nhắc mình: đại trượng phu làm việc lớn phải biết tiết chế, làm chủ cảm xúc.

tam quoc dien nghia lai lich ve chiec quat long vu cua gia cat luong
Quạt lông vũ trở thành vật bất ly thân của Gia Cát Lượng.

Sau này, khi đã xuống núi phò tá Lưu Bị cùng mưu chí lớn, Gia Cát Lượng cũng vẫn luôn mang theo bên mình chiếc quạt lông. Khổng Minh và chiếc quạt lông vũ là những hình ảnh đầy sức biểu tượng. Nói không ngoa, chiếc quạt ấy chính là vũ khí của ông, mang lại sự tự tin và phong thái cho người quân tử. Chiếc quạt lông ấy nhìn thì có vẻ yếu mềm nhưng bên trong tàng ẩn sức mạnh lớn lao. Dù là “Xích Bích hoả công”, “thuyền cỏ mượn tên” hay “lục xuất Kỳ Sơn”, “không thành kế”… chiếc quạt ấy chỉ cần vẫy lên là có thể khiến thiên hạ quy tâm, đất trời nghiêng ngả vậy.

tam quoc dien nghia lai lich ve chiec quat long vu cua gia cat luong

Gia Cát Lượng trân quý chiếc quạt không chỉ thể hiện ra tình cảm chân thành tha thiết, không thay đổi giữa hai vợ chồng ông mà còn để vận dụng thành thục mưu lược được ẩn giấu trên chiếc quạt này theo một truyền thuyết khác. Cho nên bất kể xuân hạ thu đông, chiếc quạt này luôn ở trên tay của Gia Cát Lượng mà không rời xa.

 
tin tức liên quan