Sản vật quý của núi rừng
Ngoài công dụng làm gia vị cho các món ăn, thảo quả còn là một loại cây dược liệu. Thảo quả có vị cay, tính ôn, có tác dụng trục hàn, ráo thấp, trừ đờm, ấm bụng, giúp ăn ngon miệng…
Hơn chục năm trở lại đây, nhờ thị trường tiêu thụ rộng mở mà nhu cầu về loại thảo dược này cũng tăng lên đáng kể. Thảo quả từ đó dần trở thành loại cây mũi nhọn, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh Lai Châu.
So với nhiều cây trồng khác, thảo quả được coi là có lợi thế lớn với vùng đất Lai Châu
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, khí hậu mát mẻ, diện tích rừng bao phủ lớn, với hơn 400.000 ha, có hệ thống thảm thực vật đa dạng, nhiều xã tại Lai Châu như Nậm Loỏng, Tả Ngảo, Pa Tần, Khun Há... đã chuyển đổi từ trồng ngô, trồng lúa sang trồng thảo quả đem lại thu nhập cao. Đây được đánh giá là một hướng phát triển bền vững, phù hợp với điều kiện sẵn có của nhiều huyện biên giới Lai Châu.
Tính đến năm 2018, riêng bản Dền Sung, xã Sin Suối Hồ đã có hơn 913 ha thảo quả cho thu hoạch đều đặn. Số lượng gia đình tham gia trồng thảo quả tăng dần.
Anh Hàng A Cơ, 45 tuổi, sống tại bản Nậm Pha, xã Khun Há, huyện Tam Đường là một trong những hộ nông dân dựa vào cánh rừng quê hương để làm giàu. Anh Cơ cho biết, hai vợ chồng anh bắt đầu trồng thảo quả cách đây 8 năm. Lúc đó, kinh tế gia đình còn gặp rất nhiều khó khăn. Để có tiền đầu tư 500 gốc thảo quả ban đầu, vợ chồng anh Cơ phải bán đi gia tài duy nhất là đàn gà, lợn.
Chị Vàng Thị Sông, vợ anh Cơ chia sẻ với chúng tôi về quãng đường gian nan 8 năm đầu tư vào loại cây "vàng đỏ" này. Chị cho biết, thảo quả tuy là loại cây dễ tính, nhưng nó cũng đòi hỏi một số điều kiện nhất định mới sinh trưởng tốt như phải trồng ở độ cao 1.000 - 2.000 m, khí hậu ẩm mát, nhiệt độ trung bình 15 - 20 độ C.
Loại đất phù hợp để trồng thảo quả phải nhiều mùn, giàu đạm, xốp, ít chua, gần khe suối ẩm thấp quanh năm. Chưa kể, chúng là cây chịu bóng nên chỉ cho năng suất cao nhất khi trồng dưới tán rừng thưa, có độ tán che với lượng ánh sáng nhất định. Nếu lúc thảo quả ra hoa mà trời nắng nóng thì hoa sẽ bị héo, ít quả, còn sau đó nếu bị mưa nhiều quả lại bị thối hỏng.
Vì những đòi hỏi khắt khe như vậy, nên vùng trồng thảo quả thường ở trên núi cao, rừng sâu, đi lại khó khăn vất vả. Ba năm đầu, vợ chồng anh Hàng A Cơ phải bỏ nhiều công sức chăm sóc, làm cỏ, vun xới cho vườn thảo quả trên núi của mình.
So với nhiều cây trồng khác, thảo quả được coi là có lợi thế lớn với vùng đất nơi đây, bởi trồng một năm thu hoạch nhiều năm, ít phải đầu tư kinh phí, lại có khả năng sinh trưởng, đẻ nhánh tốt.
Xây nhà, sắm xe từ cây thảo quả
Sang đến năm thứ 4, vườn thảo quả nhà anh Hàng A Cơ đã đơm hoa kết trái và bắt đầu cho thu hoạch. Thảo quả hái đúng thời vụ, nhưng còn cần sấy khô đảm bảo kỹ thuật mới có thể đạt chất lượng như mong muốn. Phải sấy thưa và nhẹ lửa trong 3-4 ngày đêm, cho tới khi vỏ quả nhăn lại thành các vết dọc và có một lớp phấn trắng phủ bên ngoài.
Dù đường lên xã biên giới đi lại khó khăn, nhưng thương lái từ khắp mọi nơi vẫn lặn lội tới tận đây đặt hàng. Với giá bán 200 - 300.000 đồng/kg quả khô và 75.000 - 80.000 đồng/kg quả tươi, ngay vụ mùa đầu tiên vợ chồng Hàng A Cơ đã có trong tay hơn 100 triệu đồng. Từ tiền bán thảo quả, anh chị xây được một ngôi nhà khang trang và sắm được xe máy. Cuối năm 2017, anh chị còn sắm thêm được một chiếc ô tô tải để chở nông sản của nhà và bà con trong vùng để lên huyện, lên tỉnh bán. Đến nay, gia đình anh Cơ thu nhập mỗi năm khoảng 500 triệu đồng, trở thành một trong những hộ có thu nhập cao nhất bản.
Hiện tại, bản Nậm Pha nơi anh sinh sống hầu như nhà nào cũng sở hữu một vườn thảo quả. Nhà ít thì khoảng 500 gốc, nhà nhiều lên tới 6.000 gốc. Thu nhập trung bình hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Chẳng thế mà bà con nơi đây ví von mùa thu hoạch thảo quả là "lên núi để hái tiền".
Việc khai thác tốt cây thảo quả còn giúp tỉnh Lai Châu thực hiện thành công việc bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, góp phần nâng cao thu nhập, từng bước xoá đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Báo Đầu Tư