Những việc làm hàng ngày như cơm bữa như: Tiêu tiền, ăn cơm chan canh, thổi vào bếp lửa, sử dụng công cụ lao động... đều phải kiêng một cách rất nghiêm ngặt và được các già làng, trưởng dòng họ quán triệt đến từng nhà một.
Vừa rót ly chén rượu ngô nồng ấm mời chúng tôi, ông Và Sáy Di - già làng ở bản Co Mạ, xã Co Mạ vừa kể: Từ lâu, người Mông chúng tôi quan niệm, sang mồng 1 Tết, sẽ kiêng không được thổi lửa vào bếp, không ăn cơm chan nước. Nếu thổi lửa, ăn cơm chan canh trong mâm cỗ ngày Tết, sang năm mới khi cấy cây lúa, cây ngô, mưa bão sẽ xuất hiện tàn phá nương rẫy, làm mùa màng thất thu; người thân trong gia đình sẽ gặp sóng gió, những điều không may mắn trong cuộc sống.
Lý giải về tục dán giấy lên dụng cụ lao động, ông Và Sếnh Súa - người có uy tín ở bản Co Mạ, cho hay: Chỉ được sử dụng công cụ lao động trong lúc chuẩn bị Tết, thường là ngày 30. Khi thời khắc chuyển giao sang năm mới, ngày mồng 1 Tết phải kiêng dùng công cụ lao động cho đến hết ngày mồng 5. Nếu hộ gia đình nào không kiêng, mà dùng phải dao, cuốc, rìu gây đứt tay, chân thì sang năm mới gia đình này sẽ xui xẻo cả năm, một số thành viên trong gia đình sẽ gặp phải tai nạn gây ra những chuyện đau buồn, rơi nước mắt.
Về tục kiêng tiêu tiền trong ngày Tết của đồng bào Mông, già làng Sùng Giống Mua, bản Hua Ty, xã Co Mạ, chia sẻ: Người Mông quan niệm, nếu gia đình mình chưa ăn Tết mà đến chúc Tết hàng xóm láng giềng thì được dùng tiền để lì xì mừng tuổi cho các cháu. Nếu gia đình mình đã ăn Tết mà cầm tiền đi tiêu hoặc chúc Tết cho hàng xóm, họ hàng thì cả năm đó công việc làm ăn sẽ bị thất bát, chỉ làm lợi cho đối tác, khách hàng còn mình thì chỉ có lỗ chứ không bao giờ có lãi. Ảnh: I.T
Vì vậy, trong ngày Tết của người Mông, bà con thường phải kiêng khem nhiều thứ và chúc nhau những điều tốt lành, mong muốn năm cũ qua đi, năm mới đến, người người, nhà nhà sẽ bình an, khỏe mạnh. Nhà nào làm nông thì sang năm mới mùa màng sẽ bội thu; nhà nào kinh doanh thì thu tiền đều tay; nhà nào làm quan thì nhanh chóng thăng quan tiến chức....