Thời chống Mỹ, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam bao nhiêu xe tăng?
Nguồn:Báo Điện tử Dân Việt
Trong cuộc chiến tranh kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam, một trong những nguồn vũ khí lớn nhất mà quân đội Việt Nam nhận được là nguồn viện trợ từ Liên Xô, đặc biệt là các loại pháo và xe tăng.
Nói tới bộ đội tăng thiết giáp Việt Nam, đây là một lực lượng ra đời trong khoảng trống chiến tranh và trưởng thành trong chiến đấu. Do nguyên nhân lịch sử, trang bị kỹ thuật chủ yếu của lực lượng này đến từ 3 nguồn. Một là xe chiến lợi phẩm của Mỹ, hai là viện trợ của Liên Xô và ba là viện trợ của Trung Quốc.
Trong đó, loại có số lượng lớn nhất, chất lượng tốt nhất là viện trợ của Liên Xô. Còn hàng chiến lợi phẩm thì trong nhiều tình huống là con số trên giấy, số có thể thực sự sử dụng ít hơn con số trên giấy rất nhiều. Hơn nữa cho dù có tính cả những chiếc đã rách nát vào thì tổng cộng cũng chỉ có 550 xe tăng và 1400 xe bọc thép. Về số viện trợ của Trung Quốc, mặc dù năm đó nước này đã dốc toàn lực nhưng do tiềm lực và trình độ kỹ thuật hạn chế cho nên tổng số xe tăng xe bọc thép viện trợ cũng như chất lượng của các xe đó vẫn ít hơn và thấp hơn nhiều các loại Liên Xô viện trợ.
Theo các tài liệu công khai, loại trang bị đầu tiên Liên Xô viện trợ Việt Nam là pháo tự hành Su-76 và xe tăng hạng trung T-34-85. Trong đó xe tăng T-34 đến nay vẫn phục vụ trong quân đội Việt Nam. Trong giai đoạn 1959-1960, tổng cộng Liên Xô đưa sang Việt Nam 50 pháo tự hành Su-76 và 300 xe tăng T-34-85. Số xe tăng này được dùng để xây dựng trung đoàn xe tăng đầu tiên mang phiên hiệu 202.
Xe tăng PT-76.
Sau đó một thời gian, Liên Xô bắt đầu cung cấp cho Việt Nam xe tăng lội nước PT-76. Tuy nhiên loại xe tăng này được giao vào thời gian chiến tranh bắt đầu ác liệt lên nên thời gian bị kéo dài. Từ 1961 đến 1973, có 500 xe tăng PT-76 đã qua sử dụng được Liên Xô chuyển đến chiến trường Việt Nam. Các xe tăng PT-76 đã tham gia vào trận chiến nổi tiếng ở Làng Vây năm 1968.
Về xe thiết giáp phối hợp tác chiến với xe tăng, loại mà Việt Nam nhận được sớm nhất là xe thiết giáp BTR-152 gồm 100 chiếc được giao năm 1961 và 100 pháo tự hành Su-100 giao năm 1962. Từ 1963 đến 1966, có thêm 50 xe trinh sát BRDM và 100 xe bọc thép BTR-40 được giao. Đến năm 1968, khi chiến tranh ngày càng lan rộng, Việt Nam tiếp nhận lô viện trợ xe bọc thép lớn nhất lên tới 400 xe BTR-50.
Pháo tự hành Su-100.
So với các xe BTR-152 và BTR-40 xe BTR-50 có khả năng nổi tốt hơn. Tính năng này đối với địa hình nhiều sông ngòi kênh rạch như ở Việt Nam có tác dụng rất quan trọng. Sau đó đến 50 xe trinh sát BRDM-2. Tuy ý định là dùng để thay thế cho xe BRDM-1 nhưng cả hai loại xe này được sử dụng chung khá lâu.
Đến năm 1970, xe tăng T-54 mới được viện trợ để bổ sung cho các xe tăng T-34-85 bị tổn thất trong chiến đấu với số lượng 500 chiếc. Ngoài ra cũng trong năm 1970 còn có 50 pháo tự hành ISU-122 và 25 pháo tự hành ASU-57. Đến 1973, có lẽ xem xét việc sắp đánh cho Nam Việt một đòn chí mạng, Liên Xô bắt đầu cung cấp các xe tăng T-55 mới hơn. Đến năm 1975, tổng cộng có 600 chiếc T-55 được bàn giao.
Cao xạ tự hành ZSU-57-2.
Tuy nhiên, lực lượng tăng thiết giáp Việt Nam còn được viện trợ một loại vũ khí rất ít người biết, đó là pháo cao xạ tự hành. Từ 1971 đến 1976, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam 150 khẩu pháo cao xạ tự hành gồm ZSU-57-2 và ZSU-23-2. Mặc dù vậy, số lần xuất hiện trên chiến trường của hai loại vũ khí này lại rất ít nên tác dụng cũng có hạn.