Suốt thế kỷ cả thế giới 'bó tay', Việt Nam nghiên cứu 4 tháng có tin vui

Ngày đăng: 09:54 10/06/2019 Lượt xem: 423
Vắc xin ngừa dịch tả lợn châu Phi:

Suốt thế kỷ cả thế giới 'bó tay', Việt Nam nghiên cứu 4 tháng có tin vui

 

Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện gần 1 thế kỷ, nhưng thế giới vẫn “bó tay” chưa nghiên cứu ra vắc xin phòng ngừa cũng như thuốc chữa. Trong khi đó, Việt Nam vừa mới khảo nghiệm đã cho kết quả rất khả quan.

 

Các chuyên gia thế giới về bệnh lợn cho biết, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) bắt đầu xuất hiện vào năm 1921 tại châu Phi, năm 1957 lan sang châu Âu và châu Mỹ. May mắn một số nước đã thanh toán được dịch bệnh này, tuy nhiên, như Tây Ban Nha phải mất 30 năm mà biện pháp quan trọng nhất chính là tiêu huỷ đàn lợn.

Đến năm 2007, dịch bệnh DTLCP lại xuất hiện tại châu Âu và giờ là Tây Âu. Việc lây lan chủ yếu là do vận chuyển sản phẩm thịt lợn bị nhiễm mầm bệnh.

Trong khi đó, theo số liệu mới công bố của Cục Thú Y, hiện dịch bệnh này đã lây lan ra khoảng 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, tiêu tốn hàng chục tỷ USD cho việc phòng ngừa. Đặc biệt, dịch bệnh này hiện nay đang hoành tại các tỉnh ở Trung Quốc khiến quốc gia này phải tiêu huỷ khoảng 200 triệu con lợn, gây thiệt hại lớn chưa từng có và đang đối diện với nguy cơ thiếu thịt lợn trầm trọng.

Suốt thế kỷ cả thế giới ''bó tay'', Việt Nam nghiên cứu 4 tháng có tin vui
Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện gần 1 thế kỷ nay nhưng đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh này

Theo đó, bản thân chủng virus bệnh DTLCP lây lan rất chậm trong đàn lợn nhiễm bệnh, song lợn mắc bệnh dịch lại có tỷ lệ chết 100%. Đặc biệt, sau gần một thế kỷ phát hiện ra, đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Đầu tháng 2 vừa qua, dù đã tăng cường các biện pháp phòng ngừa, tạm dừng nhập khẩu từ các nước có dịch và tiến hành siết chặt hoạt động vận chuyển lợn và phụ phẩm từ lợn ở các tuyến biên giới, song 2 ổ  dịch tả lợn châu Phi đã được phát hiện ở hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Sau đó, dịch bệnh này lây lan với tốc độ chóng mặt tại nước ta.

Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn ra vào giữa tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, lịch sử ngành chăn nuôi lợn trên thế giới và Việt Nam chưa bao giờ phải đối diện với loại dịch bệnh nguy hiểm, tốn kém chi phí phòng chống, thiệt hại về kinh tế lớn nhất như DTLCP.

Theo Bộ trưởng Cường, mặc dù dịch này xảy ra sớm ở châu Phi từ năm 1921 nhưng hình dung khi đó không khủng khiếp như bây giờ. Chỉ 3-4 năm gần đây tốc độ lan truyền dịch bệnh mới lớn và nhanh.

 

“Đây là giai đoạn đầu bắt đầu lan tỏa, lan tuyền rất nhanh. Độc dược của loại virus này đã vào đàn lợn nào là chết 100%. Điều trớ trêu là vẫn chưa có vắc xin phòng, cũng chưa có thuốc chữa trị”, ông Cường nói.

Suốt thế kỷ cả thế giới ''bó tay'', Việt Nam nghiên cứu 4 tháng có tin vui
Tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã phân lập được virus và khảo nghiệm vắc xin phòng DTLCP bước đầu cho kết quả khả quan

Bộ NN-PTNT cũng cho biết, trong thời gian qua, ngoài các giải pháp phòng chống DTLCP, phía bộ đã phối hợp với các ngành chức năng yêu cầu doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu ngay lập tức vào cuộc nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng bệnh dịch này. Cuối tháng 3 vừa qua, các nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân lập được virus DTLCP, đồng thời tiến hành ngay việc sản xuất vắc xin thử nghiệm.

Sau hơn 4 tháng nghiên cứu, Bộ NN-PTNT đánh giá, quá trình khảo nghiệm hiệu quả vắc xin dịch tả lợn Châu Phi cho kết quả rất khả quan, có nhiều triển vọng để tiến hành các bước tiếp theo.

Cụ thể, báo cáo của nhóm nghiên cứu cho thấy, so sánh giữa các lô lợn thí nghiệm có tiêm vắc xin và không tiêm vắc xin đã nhận thấy sự khác biệt rõ ràng về bệnh lý, virus lâm sàng, nhiệt độ cũng như mức độ tiêu tốn thức ăn.

Theo đó, nhóm nghiên cứu đang tiếp tục lặp lại các thí nghiệm với nhiều góc độ khác nhau, đồng thời sẽ triển khai kiểm nghiệm trên diện rộng để có thể đánh giá được chính xác nhất hiệu quả miễn dịch của vắc xin. 

Hiện nay, bệnh DTLCP đã lây lan ra 3.899 xã, 398 huyện của 54 tỉnh, thành phố. Tổng đàn lợn buộc thiêu huỷ lên tới trên 2,4 triệu con, thiệt hại ban đầu ước tính khoảng hơn 3.600 tỷ đồng. Do đó, nếu Việt Nam sản xuất được vắcxin nàythì sẽ là hướng đi hiệu quả trong phòng chống loại dịch bệnh nguy hiểm này.

B.Phương


tin tức liên quan