"Chúng tôi xin nhận trách nhiệm về sự việc", bà Trần Thị Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội đồng nhà trường – trường PTLC Quốc tế Gateway, nói sau vụ học sinh lớp 1 tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh của trường.
Câu nói này là cần nhưng chưa đủ - vì nó thể hiện sự mập mờ của bà Chủ tịch giữa trách nhiệm về sự tắc trách với trách nhiệm khi để xảy ra tai nạn bất khả kháng.
Hai thứ trách nhiệm này hoàn toàn khác nhau, thưa bà Hạnh!
Trường quốc tế nhưng vô cảm với tính mạng con người
Chúng tôi biết, tai nạn là thứ luôn tiềm ẩn ở mọi nơi, mọi lúc, vì sự chiến đấu của con người để cải tạo tự nhiên, sự thích nghi với môi trường sống luôn luôn là hữu hạn. Nhưng đây là tai nạn hoàn toàn có thể phòng tránh.
Và, chúng tôi không chấp nhận giao cả con lẫn một phần thu nhập không hề nhỏ cho bà và các cộng sự của bà để nhận lại thi thể lạnh ngắt của con vì một thứ tai nạn đến từ sự cẩu thả, tắc trách.
Bây giờ, nói gì thì cũng đã muộn. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra đã làm phát lộ hàng đống lổ hổng trong quy trình chăm sóc học sinh của ngôi trường này.
Vì sao nhà trường không có hệ thống xe buýt đưa đón riêng các con, có trang bị camera giám sát để khi một đứa trẻ ngủ quên trên xe sẽ được phát hiện kịp thời?
Vì sao không phải là xe buýt chuyên dụng với đội ngũ lái xe được trang bị kiến thức chăm sóc trẻ chuẩn sư phạm mà là xe 16 chỗ thuê hợp đồng, chở học sinh đến trường xong thì lái xe đi lái dịch vụ khác, xe đi đâu không ai rõ?
Vì sao xe 16 chỗ chỉ chở 13 học sinh mà thiếu một học sinh xuống xe, cả lái xe lẫn cô phụ trách không phát hiện? Lẽ nào không có cả thao tác cơ bản là điểm danh đầu và cuối trước khi bàn giao học sinh vào lớp?
Đó là chưa kể, anh Chung - nhân viên trường Gateway còn chia sẻ với báo chí rằng khoảng hơn 16h30, anh là người bế bé trai 6 tuổi từ chiếc xe 16 chỗ đi cấp cứu. "Tôi thấy cháu bé ở ghế sau ghế tài xế nên bế đi". Như vậy cháu bé ngồi sau ghế lái xe chứ không phải tận cuối xe khuất tầm nhìn? Quá khó để giải thích sự cố này theo logic thông thường.
Và vì sao giáo viên chủ nhiệm phát hiện thiếu một học sinh từ buổi sáng, đã báo lên hệ thống quản trị nhưng phụ huynh không hề hay biết? Thông báo từ sáng đến 4h chiều mới phát hiện sự việc xảy ra, trong khoảng thời gian đó giáo viên chủ nhiệm này làm gì mà không quan tâm đến việc thông báo của mình có được phản hồi kịp thời hay không?
Cuối cùng, hệ thống quản trị nhà trường Gateway vận hành theo cơ chế nào mà nhận được thông báo từ sáng nhưng đến chiều mới xử lý thông tin?
Sự dối trá vừa trơ trẽn vừa thiếu hiểu biết!
Không ai trả lời được hàng đống câu hỏi vì sao này ngoại trừ bà Trần Thị Hồng Hạnh và những người bà đã hợp tác. Chỉ biết rằng bao nhiêu câu hỏi vì sao là bấy nhiêu cái tát vào niềm tin của phụ huynh trường Gateway – những người đã trót xác tín rằng chỉ cần làm ra nhiều tiền cho con học trường quốc tế là đã tạo ra được một hàng rào bảo vệ con tốt hơn những đứa trẻ nhà bình dân khác.
Và, nỗi đau mất con, nỗi đau niềm tin bị đánh cắp của chúng tôi giờ đây lại bị bồi thêm một cú chí mạng đến tự sự mập mờ thiếu trung thực đến mức dối trá, thiếu hiểu biết của lãnh đạo ngôi trường này. Nói một cách dân dã là chúng tôi đang phải chịu “cái đấm, cái đá lại thêm cái đạp”.
Sau hàng loạt tắc trách kể trên, bé trai 6 tuổi trong ngày thứ hai đến trường được phát hiện cứng đờ trên ô tô. Hình ảnh clip cháu được đưa xuống ô tô lao sầm sập vào phòng y tế của nhà trường cho thấy cơ thể đã căng cứng, hai chân duỗi thẳng chứ không gập gối được như tư thế được bế bình thường.
Cán bộ phụ trách hành chính của nhà trường cũng cho biết, bé được phát hiện trên xe buýt trong tình trạng tím tái.
Các bác sĩ của bệnh viện E đã kết luận nạn nhân tử vong ngoại viện.
Kết quả khám nghiệm tử thi của cơ quan công an cũng cho hay, nạn nhân tử vong do ngạt khí.
Thế nhưng trong cả thông báo trên web nhà trường lẫn thư gửi phụ huynh toàn trường tối 6/8, bà Trần Thị Hồng Hạnh “giấu nhẹm” chi tiết quan trọng nhất là cháu bé bị bỏ quên trên ô tô suốt gần 9 tiếng đồng hồ mà chỉ nói trường phát hiện học sinh trên xe và học sinh bị bất tỉnh nên đưa vào trường sơ cứu rồi gọi cấp cứu. Sau đó là hàng loạt câu từ mỹ miều mô tả các động tác “ngay lập tức”, “lập tức” của nhà trường để khắc phục sự cố trên.
Trước đó, đại diện Gateway kể rằng khi phát hiện cháu bé trên xe, y tá của trường tiến hành hô hấp, ép lồng ngực, nắn tay chân và thấy mạch của cháu bé còn đập, chân tay mềm. Thật là một sự dối trá có hệ thống, đến mức trơ trẽn.
Thật tiếc cho bà Hạnh, khi biên bản tường trình của bà gửi cơ quan công an được chụp đăng trên báo chí và mạng xã hội, nhiều người đã phần nào hiểu được sự thiếu hiểu biết của bà đến từ đâu.
Là người làm chủ một môi trường giáo dục được gắn mỹ từ “quốc tế” nhưng bà viết một bản tường trình lộn xộn, cẩu thả tràn ra cả lề giấy, bỏ qua cả các yêu cầu cơ bản về thể thức văn bản hành chính. Các cụ mình đã dạy, giấy rách phải giữ lấy lề huống chi là giấy lành.
...
7h sáng tiễn con vui vẻ lên xe đi học, 16h30 nhận lại xác con, cha mẹ cháu bé thất thần không hiểu nổi chuyện gì đã xảy ra.
"Không hiểu vì sao họ lại bỏ quên con tôi", người đàn ông trong vai trò làm cha đau đớn nói trong nước mắt. Và, câu nói này đủ sức làm tổn thương trái tim hàng triệu vị phụ huynh và nhà hoạt động giáo dục.
Nếu lãnh đạo trường Gateway chạm được tới sự tổn thương này, có lẽ họ đã nói: “Chúng tôi sai vì bỏ quên một học sinh trên ô tô. Chúng tôi xin lỗi quý phụ huynh và xin hoàn toàn chịu trách nhiệm”.