Gã “khùng” mát tay trồng măng tây trên cát, 1 tháng lãi 100 triệu
Nguồn: Báo Điện tử Dân Việt
Nghỉ hưu, ông Trần Văn Cường (60 tuổi, ở thôn 2, xã Hương An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) rời phố về vùng cát trắng để trồng măng tây xanh. Không ngờ loài cây này đã mạnh mẽ vươn lên trên cát nóng, ông có thu nhập tiền tỷ...
Gã “khùng” mê làm nông nghiệp
Ở xã Hương An, hầu như người dân nào cũng biết ông Trần Văn Cường, và ông được họ gắn cho biệt danh “gã khùng” vì dám bỏ tiền tỷ đầu tư trang trại tổng hợp trên vùng cát trắng...
Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình trồng măng tây xanh rộng hơn 5ha của gia đình, ông Cường vui vẻ cho biết, trước đây ông làm cán bộ kiểm tra đô thị ở phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng. Với mong mỏi có một trang trại nông nghiệp, sau khi nghỉ hưu, ông đã về quê theo đuổi giấc mơ ấy.
Năm 2017, ông bắt tay vào xây dựng trang trại, với cây chủ lực là măng tây xanh làm hướng đi phát triển kinh tế cho gia đình. Với số vốn tích góp được, cộng với số tiền vay của ngân hàng gần 1 tỷ đồng, ông bắt đầu vào xây dựng trang trại, trồng thử nghiệm cây măng tây xanh trên vùng cát trắng ở Hương An.
"Mê" làm nông nghiệp, ông Trần Văn Cường bạo tay bỏ tiền tỷ đầu tư trồng măng tây xanh
Mô hình trồng măng tây xanh của ông Trần Văn Cường mỗi năm cho thu lãi trên 1 tỷ đồng. Ảnh: Trần Hậu
"Mỗi ngày tôi thu hoạch từ 80-100kg măng tây xanh, với giá bán sỉ khoảng 60.000 đồng/kg. Trừ chi phí, tôi lãi gần 4 triệu đồng/ngày. Bình quân 1 tháng cho thu lãi trên 100 triệu đồng, cứ thế mỗi năm gia đình tôi thu lãi hơn 1 tỷ đồng từ cây măng tây xanh”.
Ông Trần Văn Cường
|
Ban đầu, với số vốn ít, ông chỉ đầu tư khoảng 2ha trồng măng tây xanh, số tiền còn lại ông dùng để mua sắm máy móc, trang thiết bị, xây dựng trang trại. Thấy mô hình trồng măng tây xanh cho hiệu quả cao, ông tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô. Đến nay, quy mô trang trại của ông Cường rộng hơn 5ha, chủ yếu trồng măng tây xanh, ngoài ra ông còn nuôi gà, vịt để tăng thu nhập.
Ông Cường nhớ lại, năm 2017 sau khi tìm hiểu qua sách báo, mạng internet, ông nhận thấy nhu cầu tiêu thụ cây măng tây xanh trên thị trường rất cao, tuy nhiên nguồn cung còn hạn chế, hơn nữa số hộ trồng măng tây xanh làm bài bản, quy mô lớn chưa nhiều, kỹ thuật còn hạn chế. Từ đó, ông quyết định đầu tư vào cây măng tây xanh.
Do măng tây xanh là giống cây mới, hơn nữa kinh nghiệm nghề nông chưa nhiều, nên vừa làm ông vừa học hỏi kinh nghiệm, tham quan mô hình của các hộ đi trước, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc. Ông cũng nhận được sự hỗ trợ, quan tâm của chính quyền địa phương, Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam.
“Hiện mỗi ngày tôi thu hoạch từ 80-100kg măng tây xanh, với giá bán sỉ khoảng 60.000 đồng/kg. Trừ các chi phí, tôi lãi gần 4 triệu đồng/ngày. Bình quân 1 tháng tôi thu lãi trên 100 triệu đồng, cứ thế mỗi năm gia đình tôi thu lãi hơn 1 tỷ đồng từ cây măng tây xanh. Giờ thì tôi đã chứng tỏ cho mọi người thấy, mình không phải là “khùng” như mọi người nghĩ khi bỏ tiền tỷ ra đầu tư vào vùng cát trắng này” - ông Cường phấn khởi.
Từ vùng cát trắng, ông Trần Văn Cường đã dành hết vốn liếng để đầu tư trồng cây măng tây xanh và thành công bất ngờ. Ảnh: T.H
Dễ trồng, đầu ra ổn định và thu nhập cao
Ông Cường cho biết, trồng măng tây xanh không quá khó nhưng cũng không phải dễ, đòi hỏi người trồng phải đam mê, chăm sóc thường xuyên, chịu khó.
Theo ông Cường, quan trọng nhất đối với trồng măng tây xanh là khâu chọn đất, vì loài cây này khá kén đất trồng. Theo đó, đất trồng măng tây xanh phải có độ phì nhiêu, giàu mùn và phù sa. Loại đất tốt nhất để trồng măng tây xanh là đất phù sa, đất thịt nhẹ hoặc đất pha cát. Cần phải chú ý làm đất kỹ, cày xới đất tơi xốp, bón phân cho đất giàu dinh dưỡng. Đất cần có độ pH khoảng 6,5 - 7. Cây măng tây không trồng trên các loại đất phèn, đất sỏi đá hay đất ngập úng.
Măng tây xanh là một trong những loại rau có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế rất cao.
Hiện mô hình của ông Cường giải quyết việc làm cho 10 lao động ở địa phường, với thu nhập bình quân từ 6-7 triệu đồng/người/tháng.
Ông Cường cũng nhiệt tình hỗ trợ kỹ thuật, giống, giúp đỡ các hộ dân có đam mê trồng măng tây xanh.
|
Thời gian từ lúc ươm hạt cho đến lúc trồng khoảng 3 tháng. Thông thường, sau gieo trong bầu đất từ 3 - 3,5 tháng, chiều cao cây đạt 25 - 30cm, thân có 1 - 2 nhánh, khỏe mạnh, không có sâu bệnh gây hại thì đem trồng.
Măng tây gieo trồng tốt nhất ở 2 vụ trong năm: Gieo cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 rồi trồng tháng 2, tháng 3; và gieo cuối tháng 2 đến tháng 4 để trồng từ tháng 4 đến tháng 6 dương lịch.
“Măng tây xanh là loại cây ưa khí hậu mát và cần được tưới nhiều nước nhưng lại chịu rét và ngập úng kém, nếu trời nắng nóng măng tây cũng khó sinh trưởng tốt. Nhiệt độ thích hợp nhất để trồng măng tây xanh là khoảng 25 - 30 độ C. Cây măng tây ưa sáng, cần phải được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nếu thiếu nắng và thiếu ánh sáng sẽ khiến cây sinh trưởng chậm và năng suất cũng như chất lượng măng tây thấp…” - ông Cường chia sẻ.
Từ lúc trồng đến khi cây cho thu hoạch mất thời gian là 9 tháng, vì vậy ở giai đoạn này quy trình chăm sóc và bón phân rất kỹ lưỡng. Thường xuyên tưới nước cung cấp đủ độ ẩm cho đất để cây phát triển tốt. Vào mùa nắng thì có thể tưới ngày 2 - 3 lần, chú ý tránh tưới nước cho măng tây vào sau 5 giờ chiều để tránh làm ảnh hưởng đến những mầm măng mới nhú. Vào mùa mưa thì cần chú ý làm rãnh thoát nước tốt, kiểm tra mực nước tưới, tuyệt đối không được để đất bị ngập úng, nếu không cây măng tây sẽ bị thối rễ...
Măng tây xanh là một trong những loại rau có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế rất cao. Nhận thức được vai trò dinh dưỡng của măng tây xanh cũng như tác dụng ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị một số bệnh như: Ung thư, tiểu đường, tim mạch… nên hiện nay nhu cầu của thị trường về măng tây rất lớn, nhất là ở các thành phố. Hơn nữa, tuổi thọ khai thác đối với cây măng tây xanh khá cao (từ 6-8 năm), nên được nhiều người dân chọn trồng để phát triển kinh tế.
Ông Lương Văn Ánh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quế Sơn cho biết, mô hình măng tây xanh của hộ ông Cường dù mới xây dựng nhưng phát triển rất tốt, không chỉ giúp gia đình ông làm giàu còn mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân địa phương nói chung; tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn cho người tiêu dùng.