Theo một vài ghi chép cũ, khi đó Tào Tháo nhằm tích lũy quỹ bổng lộc cho binh tướng, đã đặc biệt thành lập thêm hai nhóm tướng lĩnh trong quân đội. Đó là phát khâu trung lang tướng và mạc kim hiệu úy, tương đương với vị trí phụ trách đội đạo mộ quốc gia, công việc chủ yếu là tìm các ngôi mộ để trộm tài sản xung vào quỹ bổng lộc.
Mặc dù đạo mộ là một công việc ít được hoan nghênh, nhưng trong dân gian vẫn lưu truyền rất nhiều truyền thuyết thú vị xoay quanh đạo mộ. Ví dụ như câu chuyện Ngũ Tử Tư phạt Sở thời Xuân thu chiến quốc. Ngũ Tử Tư do bất hòa với nước Sở, lánh nạn sang nước Ngô. Theo ghi chép trong “Tả truyện”, Ngũ Tử Tư sau khi đắc thế làm thừa tướng bên Ngô, dẫn quân chinh phạt nước Sở. Ông phái binh lính truy tìm lăng mộ của Sở Bình Vương vừa băng hà. Tuy nhiên họ không tìm ra kết quả vì Sở Bình Vương trước đó sợ vị trí lăng mộ bị tiết lộ, đã sai người giết hết tất cả thợ xây mộ.
Nhưng sau nhiều lần tìm kiếm, Ngũ Tử Tư vẫn tìm thấy lăng mộ của vua Sở Bình Vương, đào bới và đem thi thể ra quất 300 roi để xả mối hận giết cha. Có thể nói Ngũ Tử Tư được xem là kẻ đạo mộ tuyệt tình nhất trong lịch sử.
Thời cận đại, kẻ trộm mộ nổi tiếng nhất là Tôn Điện Anh. Khi Từ hy thái hậu chết chưa đầy 20 năm, người này đã mò tới Lăng Thanh Đông, vơ vét toàn bộ số của cải chôn cùng bà, thậm chí tới viên dạ minh châu Từ Hy ngậm trong miệng cũng bị mang đi.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một số truyền thuyết về đạo mộ. Trong số đó lại có một ngôi mộ đặc biệt, chủ nhân của nó thực sự quá lợi hại. Mộ bị giới trộm ghé thăm 30 lần, nhưng chưa từng bị mất một bảo vật nào.
Lăng mộ này nằm ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, là mộ của một vương tử thời nhà Chu, cách đây hơn 2.000 năm. Người dân địa phương đồn đại rằng dưới mộ có chôn một đỉnh vàng, bởi vậy mà lăng mộ này thu hút sự chú ý của vô số kẻ trộm mộ. Tuy nhiên, mỗi lần viếng thăm, giới trộm mộ đều trắng tay ra về.
Khi các nhà khảo cổ bắt đầu khai quật, họ mới ngã ngửa trước bí mật của ngôi mộ và ca ngợi chủ nhân của ngôi mộ là một bậc thầy. Khi các nhà khảo cổ đào xuống, họ đã tìm thấy rất nhiều cát lún, và lớp cát cao tới 13 mét. Đây là một ngôi mộ cát điển hình. Chủ ngôi mộ khi còn sống đã đem toàn bộ số cát hong thật khô, cát nóng sẽ có tính lưu động cực mạnh.
Khi kẻ trộm ngôi mộ đào vào lớp này, bất kể chúng đào xuống như thế nào, chỉ trong thời gian ngắn lượng cát lưu động lớn sẽ lại lấp hết các lỗ mà chúng đào. Ngoài ra, lớp cát dày 13 mét cũng là một cái bẫy thiên nhiên nguy hiểm cho kẻ trộm mộ. Chỉ một chút mất cảnh giác, chúng có thể sa vào đầm cát không thể cứu chữa.
Đây cũng là chiến thắng duy nhất trong trò chơi giữa chủ mộ và giới đạo mộ trong ngàn năm qua. Mặc dù ngôi mộ đã bị trộm hơn 30 lần, nhưng các nhà khảo cổ vẫn tìm thấy hơn 1.000 mảnh di tích văn hóa Chu bên trong mật thất dưới cùng lăng mộ. Tất cả đều đứng yên, lặng nhìn những kẻ trộm mộ đầy khinh thường, đồng thời cũng là minh chứng về trí tuệ siêu phàm của những người thợ thủ công cổ đại.