Trump hắt hủi tình báo Mỹ

Ngày đăng: 11:32 17/12/2019 Lượt xem: 341

Trump hắt hủi tình báo Mỹ

Trong các cuộc họp báo cáo tình báo, câu cửa miệng của Trump thường xuyên là "tôi không nghĩ điều đó đúng".

Mối quan hệ giữa Tổng thống Donald Trump và các cơ quan tình báo Mỹ chưa bao giờ lạnh nhạt như hiện nay. Ông không nghe lời các lãnh đạo tình báo, không tin tưởng những nguồn tin của mình và thường đưa ra quyết định nhanh chóng mà không cho họ bất kỳ cảnh báo nào.

Hai bên thường xuyên xảy ra xung đột. Chẳng hạn hồi tháng 5, trong một nỗ lực nhằm tự bảo vệ mình trước các cáo buộc thông đồng, Trump đồng ý giải mật hồ sơ về cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Tổng thống Trump trong một chuyến thăm nhà máy của Apple ở Texas hồi tháng 11. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Trump trong một chuyến thăm nhà máy của Apple ở Texas hồi tháng 11. Ảnh: Reuters.

Vài tuần sau, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Dan Coats thông báo từ chức. Trump đề cử John Ratcliffe, người thường xuyên xuất hiện trên Fox News với hàng loạt thuyết âm mưu, thay thế. Dưới áp lực chỉ trích, Trump từ bỏ lựa chọn Ratcliffe sau khi xuất hiện những nghi vấn rằng ông này thực tế rất thiếu kinh nghiệm và đã phóng đại thành tích trong hồ sơ cá nhân.

Nhưng Trump cũng bỏ qua cả cấp phó của Dan Coats là Sue Gordon, người theo danh sách sẽ trở thành quyền giám đốc Tình báo Quốc gia.

Gordon đã dành 1/4 thế kỷ làm việc tại Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Bà từng phát biểu trước Nhóm Chính sách Đối ngoại của Phụ nữ rằng theo kinh nghiệm mà bà có được, Trump là tổng thống đầu tiên "không có nền tảng hay cơ sở để hiểu giới hạn của tình báo là gì, mục đích của tình báo là gì và cách chúng tôi thảo luận về nó".

Bà cho hay câu trả lời tiêu biểu của Trump tại các buổi báo cáo tình báo luôn là: "Tôi không nghĩ điều đó đúng".

Một cựu chuyên gia phân tích của CIA từng làm việc dưới thời chính quyền tổng thống George W. Bush và Barack Obama cũng có cùng nhận định với Gordon. "Khi tôi còn ở CIA, việc lớn cần làm luôn là chuẩn bị kỹ lưỡng báo cáo hàng ngày cho tổng thống. Các buổi báo cáo tình báo luôn chuyên nghiệp và rất có giá trị", ông nói. "Nhưng giờ đây, tôi có cảm giác rằng bất kỳ thứ gì được trình lên Tổng thống Trump, ông đều không quan tâm và Tổng thống dường như thích lấy thông tin từ chương trình 'Fox and Friends' hơn". "Fox and Friends" là một chương trình yêu thích của ông chủ Nhà Trắng.

Tuy nhiên, Mike Pompeo, Ngoại trưởng Mỹ hiện nay, từng là giám đốc CIA đầu tiên của Trump. Ông nhanh chóng vươn lên trở thành một quan chức quan trọng trong chính quyền và thường xuyên tới Nhà Trắng để báo cáo, điều Trump đánh giá rất cao.

Dù vậy, Tổng thống Mỹ vẫn coi Cục Điều tra Liên bang (FBI), cơ quan dẫn dắt cuộc điều tra Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, là một trong các kẻ thù của mình.

Tuần trước, Trump cho rằng Christopher Wray, giám đốc FBI do ông chỉ định, "sẽ không thể sửa chữa" FBI vì cơ quan này "đã bị hỏng quá nặng". Mối bất hòa giữa Trump với FBI cũng có nguyên do.

Hồi cuối năm 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis buộc phải từ chức vì phản đối kế hoạch rút quân khỏi Syria của Trump. Ông gọi Mattis là viên tướng "bị đánh giá quá cao vào bậc nhất thế giới", khiến cả cộng đồng tình báo và quân sự cảm thấy bị xúc phạm.

"Tất cả mọi người đều cảm thấy vô cùng thất vọng", Brian Perkins, cựu chuyên gia phân tích tín hiệu của hải quân Mỹ, hiện công tác tại viện nghiên cứu Quỹ Jamestown, cho biết. "Họ nêu lên những thứ mà họ coi là mối quan ngại lớn hơn và cách xử lý nhưng họ bị phớt lờ hoàn toàn".

Rất nhiều thành viên cộng đồng tình báo cảm thấy ái ngại khi chứng kiến việc quan điểm của Mattis về Syria và Afghanistan bị xem nhẹ. "Tình báo phải có tính khách quan, nhưng nếu mọi thứ không thể được tiếp nhận và lắng nghe bởi một tâm trí cởi mở thì chẳng có ích gì", Perkins lưu ý.

Hồi tháng một, Trump còn chê các cơ quan tình báo là "ngây thơ" khi quá lo ngại về những mối đe dọa từ Iran. "Có lẽ các quan chức tình báo nên trở lại trường học", Trump tweet nhưng sau đó trấn an rằng ông thực tế vẫn đồng tình với họ trước những vấn đề lớn.

Gần đây nhất, Trump hồi tháng 10 đột ngột quyết định rút binh sĩ Mỹ khỏi khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, bỏ rơi đồng minh người Kurd của Washington phải tự mình chống chọi với các chiến dịch tấn công trấn áp từ Ankara.

Kết quả cuối cùng vô cùng hỗn loạn. Bên cạnh phá hủy một liên minh quan trọng, việc Mỹ rút lui lại càng củng cố vị thế chiến lược tại khu vực của đối thủ Nga.

Dân quân người Kurd đóng một vai trò quan trọng đối với cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng như truy tìm thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi. Trong nhiệm vụ chống khủng bố, chia sẻ thông tin giữa các cường quốc mang ý nghĩa sống còn. Nhưng những quyết định bất ngờ Trump đưa ra đang đe dọa quá trình này.

"Việc hợp tác về chính trị với Mỹ đang trở nên khó khăn hơn", Daniel Byman, chuyên gia chống khủng bố tại Đại học Georgetown ở Washington, nhận xét. "Và Trump đang giúp củng cố suy nghĩ rằng phương Tây muốn gây chiến với người Hồi giáo. Đây là những hệ quả nguy hiểm của việc phớt lờ cố vấn".

Khi một nước Mỹ đang phân cực sâu sắc tiến gần với cuộc bầu cử quan trọng, các mối quan ngại tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, cộng đồng tình báo vẫn bị ràng buộc bởi quy tắc nghề nghiệp và ý thức trách nhiệm đối với quốc gia.

"Cộng đồng tình báo có thể gây ảnh hưởng tới các nhà hoạch định chính sách cấp cao. Tổng thống chưa bao giờ là 'người tiêu dùng' duy nhất của cộng đồng tình báo", Seth Jones, chuyên gia chống khủng bố tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), bình luận.

"Việc thu thập và phân tích thông tin tình báo vẫn rất quan trọng và Mỹ hiện vẫn tham gia rất nhiều chiến dịch không đòi hỏi thẩm quyền tổng thống", ông nhấn mạnh.

Vũ Hoàng (Theo AFP)

tin tức liên quan